Câu chuyện xảy ra cách đây cũng đã khá lâu khi trong một quán bar tại Lễ hội Bia tháng 10 tại Munich, Rainer Brüdeler nhà chính trị được xem là đứng đầu một thời của đảng Dân Chủ Tự Do – FDP (chủ tịch đảng một thời là Rössler, người Đức gốc Việt) buông ra câu nói khi nhìn thẳng vào bộ ngực nảy nỡ của cô Laura Himmelreich, một nhà báo của tờ “Stern” quen thuộc tại Đức: “Bà có thể lấp đầy bộ váy Dirndl” (Dirndl là một bộ váy truyền thống của phụ nữ bang Bayern tại Đức. Khi mặc bộ váy này phụ nữ Đức thường cố tình nâng bộ ngực nảy nỡ của mình lên. Cổ áo được mở rộng rãi, khoét sâu như cố tình khoe của trời cho của quý bà). Câu chuyện được đưa ra đúng lúc khi Đức bắt đầu vào mùa tranh cử và Brüdeler được đảng FDP đưa ra là ứng cử viên hàng đầu của đảng.
Lời thuật lại của cô Laura Himmelreich đã dấy lên một làn sóng tranh luận trên mặt trận báo chí tại Đức tập trung vào hai lập luận cho rằng Brüdeler chỉ nói đùa, giỡn chơi mang tính ve vãn (Flirt) và một lập luận khác cho rằng ông ta đã vượt ranh giới, không còn Flirt mà đã bước chân vào khu vực quấy rối tình dục.
Câu hỏi cuối cùng của những cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn thông tin truyền thông qua trường hợp Brüdeler là “Vậy thì ranh giới giữa quấy rối tình dục và đùa bỡn ve vãn là ở đâu?”. Khi nào thì còn được xem là đùa bỡn, ve vãn và khi nào là đã quấy rối tình dục (Sexual harassment) người khác?
Điểm cần nhấn mạnh người bị quấy rối tình dục có thể là nam lẫn nữ. Đàn ông cũng có thể bị quấy rối tình dục, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với phụ nữ. Đa số trường hợp người gặp phải là phái nữ do đó hầu hết các bài viết liên quan thường gây cảm giác cho người đọc chỉ có người nữ bị nạn mà thôi.
Phân biệt giữa đùa bỡn ve vãn và quấy rối tình dục là điều đáng quan tâm vì luật pháp nói chung, tha thứ chuyện đùa bỡn nhưng quấy rối tình dục lại được xem là hành động trái luật. Luật pháp cho rằng bản chất của quấy rối tình dục là phạm tội phân biệt đối xử. Tuy nhiên luật pháp vẫn còn xem quấy rối tình dục chưa phải là tội phạm như Lạm dụng tình dục.
Quấy rối tình dục là gì?
Ranh giới giữa tán tỉnh (vô hại) và quấy rối tình dục thường không rõ ràng. Đặc biệt khó khăn để phân biệt khi giữa hai bên có mối liên hệ cá nhân như tại nơi làm việc, trong bệnh viện, trong trường học, đại học hoặc trong các viện nghiên cứu v.v…
Một lời tán tỉnh dựa trên sự cảm thông lẫn nhau và được cả hai bên mong muốn, đồng tình, thích thú. Tại đây, ranh giới cá nhân vẫn luôn được tôn trọng và nếu có vượt qua thì cũng chỉ với sự đồng tình, chịu trách nhiệm cùng nhau. Như vào buổi sáng một anh chàng gặp cô đồng nghiệp trong sở làm buông lời vừa khen vừa tán tỉnh: “Hôm nay cô đẹp quá, bộ đầm này rất hợp với thân hình của cô”. Câu nói có thể làm cô nàng hơi mắc cỡ nhưng lại gây nhiều thích thú hãnh diện.
Tuy nhiên, cũng câu nói này nhưng anh chàng đổi lại đôi chút: “Hôm nay cô đẹp quá, bộ đầm này rất hợp với thân hình nóng bỏng của cô”. Khi đó lại là chuyện khác. Cô nàng sẽ không còn hãnh diện mà có thể lại cảm thấy khó chịu.
Nếu câu nói này được lập đi lập lại thì cô nàng sẽ bị “tổn thương nhân phẩm”, cảm thấy danh dự bị đánh mất, khi đó ranh giới “tán tỉnh” đã bị vượt qua để trở thành quấy rối tình dục.
Quấy rối tình dục, ngược lại, là gây nhục nhã và làm cho người khác phải
khó chịu. Quấy rối tình dục làm xói mòn lòng tự trọng và gây ra sự tức giận.
Giới hạn cá nhân bị vượt qua.
Quấy rối tình dục có thể được thể hiện bằng lời nói,
hành động, cử chỉ … Đại khái như:
– Gợi ý, cười cợt nói đùa hoặc đưa ra những nhận xét về con người, cơ thể của
người kia, hoặc nói về cuộc sống riêng tư của người kia. (Như huýt sáo miệng,
tay làm cử chỉ người phụ nữ vừa đi ngang qua có bộ ngực lớn…)
– Đưa ra các tài liệu, hình ảnh phân biệt giới tính và khiêu dâm dù với bất cứ
hình thức nào như với những tấm lịch, Áp phích có hình ảnh gợi dục. (Như treo
hình Playboy mà cô đồng nghiệp đã lên tiếng phản đối…)
– Dụ dỗ, chào mời để thực hiện hành vi tình dục. Đây là trường hợp mà các nữ
nhân viên cấp dưới hay các nữ học sinh, sinh viên thường gặp phải: “Khi tôi đang tắm rửa thì chợt nghe được tiếng gõ cửa liên hồi. Mặc dù rất lo sợ nhưng tôi vẫn cố giữ giọng bình tĩnh để hỏi “Ai đấy”… Bỗng, tôi như muốn ngã ngửa trong nhà tắm khi nghe giọng nói của thầy giáo “Thầy đây! Em mở cửa cho thầy vào đi! Thầy lên đây chỉ muốn giúp em đỡ vất vả trong đợt thực tế này và sẽ cho em có được kết quả cao nhất trong đợt báo cáo sắp tới”.
– Đụng chạm vào cơ thể một cách cố ý dù có thể cái cố tình đó không mang một
dụng ý xấu. Một trường hợp cụ thể như: Trong một nhóm bạn Sinh viên thân thiết
khi đang đùa giỡn cùng nhau, một anh chàng do nông nổi, nghĩ rằng người bạn gái
quá thân thiết nên đã cố tình chọc ghẹo bằng cách dùng tay đụng vào nơi không
được phép đụng đến. Dù rằng chàng trai có thể hoàn toàn không có một dụng ý
tình dục nhưng hành động đó phải bị liệt vào hạng “quấy rối tình dục” vì hành
động của anh ta đã làm cho cô gái bực mình khó chịu, danh dự của cô bị tổn
thương, gây nhục nhã cho cô. Dù nông nỗi đi chăng nữa, hành động này đáng bị
phê phán và chỉ được tha thứ một khi anh ta chân thành hối lỗi qua những hành
động cụ thể tôn trọng phụ nữ trong suốt cuộc đời tiếp theo của anh ta.
Vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc, không mong muốn có thể xảy ra thì trước tiên ta phải tự suy nghiệm lấy hành động của mình có phải sẽ bị liệt vào hành động quấy rối tình dục hay không:
– Hãy tự hỏi, nếu một người lạ làm một hành vi như vậy với mẹ, chị gái hoặc con gái của mình (hoặc cha, anh trai hoặc con trai của minh) thì liệu mình có muốn mẹ, chị gái hoặc con gái của mình bị đối xử như vậy hay không? Nếu câu trả lời là “không” thì hãy đừng làm với người khác
Bị quấy rối tình dục do tự chính mình tỏ ý khiêu khích mà ra?
Có rất nhiều lập luận cho rằng, do thái độ mời gọi, ăn mặc sexy làm người khác phải “động lòng”. Thí dụ như người ta (cả nam lẫn nữ giới) thường hay quở trách: “Ăn mặc hở hang như vậy bị `đè´ là đáng đời”. Đây là những lập luận hoàn toàn sai lầm. Lập luận về sự khiêu khích, thường được đưa ra để biện minh cho hành động không kiểm soát được chính mình, đổ thừa trách nhiệm cho các nạn nhân. Vì ăn mặc như thế nào, thái độ như thế nào đi chăng nữa thì đó vẫn là cái quyền của người nữ, không ai được xâm phạm vào. Người bị nạn xem ra bị quấy rối hai lần, thứ nhất là họ không được công nhận là nạn nhân và thứ hai là họ phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ không gây nên.
Phương Tôn
Tháng 9. 2019