TÔI XIN GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN “NHỮNG MẢNH HỒN TÔI” CỦA KHIÊM CUNG

Buổi chiều thứ Bảy ngày 21/09/2019 lúc 1 pm, tại Trung Tâm Văn Hoá Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt ở NSW, được ông Chủ tịch Cộng đồng là Paul Huy Nguyễn, cùng với Hội Thân Hữu Cao Niên Việt Nam NSW đã giúp nhà văn Khiêm Cung tổ chức phát hành tác phẩm Những Mảnh Hồn Tôi.

Tác giả Khiêm Cung

Phải nói trong vòng 10 năm nay, ở Sydney gần như đã thưa thớt khung cảnh sinh hoạt văn hoá phát hành sách, điều nầy cũng dễ hiểu thôi. Bởi thế hệ vượt biển, vượt biên ngày xưa, bây giờ tuổi tác đã già, nay muốn ngồi viết lại thì cũng đã hết đề tài hoặc bao nhiêu chuyện cũ ấp ủ trong lòng đã viết xong, còn cái đám con cháu bây giờ, tụi nó lo đi học để kiếm mảnh bằng mà lo cơm áo.

Nhưng tôi rất mừng, khi nhìn vào Hội Trường thấy bà con mình vào ngồi muốn chật hết trơn, đó là một dấu hiệu đáng mừng. Vì mảng văn hoá nơi hải ngoại hiện giờ, nếu cộng đồng không chịu gầy dựng nó lên, thì tới một ngày nào đó sẽ lụi tàn không một lời trăn trối. Hiện giờ chúng ta còn duy trì được Hội Viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, mà ở trong nước thì không có. Mặc dầu con số độc giả ở hải ngoại hiện nay rất khiêm nhường, nhưng nếu đem so với gần 100 triệu người ở trong nước vẫn còn khá hơn nhiều. Như vậy thì nhờ vào yếu tố nào, mà mảng văn hoá nơi hải ngoại đã phát triển tốt trong một thời gian qua. Nếu nói rằng vì thù hận bị bắt đi cải tạo hoàn toàn cũng chưa chắc gì đúng, hay những người đi vượt biển năm xưa là những tinh hoa của nền văn học, điều đó chỉ đúng có phân nửa mà thôi. Như vậy thì ở trong nước, những nhà văn họ làm gì, mà cho đến nay hơn 40 năm trôi qua chỉ có lát đát vài nhà văn uy tín như: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Mạnh Hão rồi heo hắt lụi tàn như chong đèn bấc lụn!

Tôi xin trở lại vấn đề phát hành sách hôm nay. Ngoài phần mở đầu giới thiệu quan khách, tới phần chính là việc phát hành. Ban tổ chức có mời được ông giáo sư Nguyễn Văn Chấn lướt qua nội dung, và trích ra vài đoạn trong tác phẩm để nói lên một sự rung cảm chân thực của mình, làm cho toàn thể Hội Trường lặng im tưởng chừng con muỗi bay ngang cũng còn nghe được khi anh nhắc qua vài mẫu chuyện trong truyện “Kỷ Niệm Vui Buồn Trong Một Trại Tập Trung Cải Tạo” Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh. Khi ấy tác giả Khiêm Cung chắc vào rọ trước, nên làm bếp trưởng. Còn giáo sư Chấn là người vào rọ sau, nhờ anh nuôi thương tình, nên tới bữa ăn còn có chút rau muống để mà gắp.

 Sau nầy nhờ giáo sư Chiến chỉ nhà, nên hai người gặp lại từ đó đến nay. Rồi anh nuôi ngày xưa, với giáo sư Chấn bây giờ lạc loài trên đất khách hàn huyên với nhau qua nhiều mẫu chuyện. Ngày hôm nay giáo sư Chấn được hân hạnh làm cha đỡ đầu cuốn sách, nên anh nhắc lại những kỷ niệm của ngày nào mà nước mắt rưng rưng. Một tác phẩm chỉ có 347 trang, mà tác giả phải viết tới 10 năm trường, đây là một cuốn sách rất đáng được cho chúng ta trân trọng.

Tác giả Khiêm Cung, ông là người quê ở Châu Đốc ngày xưa, bây giờ là tỉnh An Giang, nên văn của ông rặt là Nam Bộ. Trong hơn 60 tiểu phẩm, phần đông là tự truyện, hồi ký, truyện ngắn. Khiêm Cung viết về nơi quê cha đất tổ của mình, thỉnh thoảng cũng viết về thượng nguồn sông Cửu Long, bây giờ nước cạn. Mùa nước nổi không còn, cá tôm thất bát, nên cuộc sống bà con mình rất khó khăn. Chớ hồi đó, cỡ tuổi của anh còn đi học, chỉ cần quơ một bó chà, rồi cột thành ba nuột, đem vèo nó xuống sau hè. Tới bữa nấu cơm, đi ra nắm dây kéo lên thì: cá rô, cá linh, cá heo, tôm càng lượm cũng gần đầy một rổ. Còn đàn bà người nào lẹ tay, thì lấy mồi đem nhử, cá chốt nổi râu, nắm râu giựt lên thì cũng kho cho một trách. Giọng văn Nam Bộ của anh càng đọc càng thương, càng nhớ đến tổ tiên của mình đi mở cõi Phương Nam, rồi dân tứ xứ gặp nhau đùm bộc mà sanh sống.

Cuộc sống như vậy cứ sanh sôi nẩy nở dần dần, đất Châu Đốc rộng biết bao nhiêu, ai muốn làm lúa xạ bao nhiêu cũng có. Riêng gia đình của Khiêm Cung thì sống với nghề gạo chợ nước sông, nên khi lớn lên cho dầu có sống ở đâu, ông cũng nhớ mùa “nước nổi”: “Ngay buổi chiều hôm đến Hà Rùm, mẹ và hai chị tôi bắt đầu làm cá ngày đêm giao cho chủ thầu, không có lãnh tiền công, nhưng bù lại được lấy đầu và ruột cá để làm mắm, gọi là mắm đầu cá và mắm ruột cá. Ban đêm có đèn măng sông (manchon) hay đèn khí đá sáng rực”. Trích trong truyện Dòng Sông Xưa Hình Bóng Cũ… Đọc tới chỗ nầy làm cho chúng ta nhớ tới mùi mắm vô cùng, nhứt là hũ mắm ruột được gài trong cái gáo dừa khô, hay hũ mắm trèn của cô giáo Thảo. Hai thứ mắm đó buổi trưa đói bụng, chỉ ăn với cơm nguội thôi, thì nó cũng đã vô cùng. Khi ăn chẳng cần cầu kỳ dọn chén dĩa làm chi, chỉ cần một tay cầm trái dưa leo đèo, một tay kia cầm con mắm. Cứ vậy mà lùa cơm cho tới no bụng hồi nào mà cũng không hay. Một món ăn dân dã đã có tự ngàn đời, ngày hôm nay đã sắp lùi dần trong quên lãng.Vì dòng sông Cửu Long họ đã đắp đập chận ở đầu nguồn, như vậy thì cá đâu còn nhiều để làm mắm nữa bà con. Người nào có nhớ quá, thì xin đọc cuốn sách Những Mảnh Hồn Tôi cho đỡ nhớ…

Tác giả Khiêm Cung nay đã trên “tám bó”, hằng ngày anh làm việc ở Hội Thân Hữu Cao Niên. Từ cách đi cách đứng, cách tiếp xúc với mọi người, anh rất khiêm nhường và điềm đạm, nên câu văn của anh viết ra cũng chơn chất thật thà như lời anh nói. Tôi nhìn khắp cả Hội Trường, còn thấy có luật sư Võ Minh Cương, luật sư Chu Bảo Cảnh – những người mà trong cộng đồng ở NSW ai cũng biết. Đây là một vinh dự rất lớn cho những người cầm viết hiện giờ, nhứt là đối với Khiêm Cung. Nhưng số khán giả hôm nay phần đông cũng ở vào lứa tuổi sắp lục tuần trở lên, liệu rồi đây những năm sắp tới, có nhà văn nào còn đủ can đản tổ chức phát hành sách như vầy không nữa. Hay là ngồi thâu đêm để viết thành một tác phẩm, rồi bỏ đó lâu lâu mở ra đọc để sửa vài lỗi chính tả cho đỡ buồn. Ôi đời nhà văn tỵ nạn trên đất khách rất thảm thương, vậy mà tôi cũng vẫn còn cưu mang lấy nó…

Tôi cũng là người dân Bến Tre, khi còn trẻ cũng có đi chu du nhiều xứ, nhưng tôi rất ngạc nhiên, khi thấy tác giả cứ nhắc lại rất nhiều lần, ngôi làng Bắc Nam. Như vậy hỏng lẽ ngôi làng nầy mới thành lập sau năm 1954, khi đình chiến rồi người dân miền Bắc di cư vào sống ở đây. Nhưng không phải, vì ngôi làng nầy còn có ngôi đình, bây giờ thì người Miên ở…

Về thăm quê hương chuyến nầy tôi đi thăm được đình làng “Bắc Nam”. Làng nầy thuộc tỉnh Kandal, lãnh thổ Miên, giáp với tình Châu Đốc cũ. Tôi sanh ra tại đó. Nay đất “Bắc Nam” chỉ còn người Miên ở, đình làng và mồ mả ông bà tôi phải dời về Cồn “Bắc Nam”. Trích trong truyện Thăm Đình Làng…

Càng đọc Những Mảnh Hồn Tôi. Tôi càng thân thiện với anh. Mặc dầu trong tập truyện nầy chưa toàn bích, có nhiều chỗ cần phải đọc lại, nhưng với tôi trong lúc nầy là “tha hương ngộ cố tri”. Tôi thật sự tay cầm cuốn sách, mà đôi mắt rưng rưng. Tôi cũng không biết mình buồn cái gì, chắc có lẽ tuổi thơ của anh, cũng là của tôi hay của tất cả nhiều người, mà thuở nhỏ sống ở đồng quê rất là dầu dãi. Ngày dang nắng, tối đội sương, để đi soi từng con ếch, con nhái, con cá, sáng ra cho má bưng lên chợ bán để độ nhựt qua ngày. Đó là cuộc sống của tôi, và của những đứa con nhà nghèo trong thời đại đó, nhưng tôi rất bất ngờ khi đọc một đoạn trong bài Con Trâu Già Tâm Sự:

“Ta cảm ơn con người ở miển tây Nam Việt thương mến trâu, không nỡ giết trâu để ăn thịt, thậm chí có khi trâu chết thì đem chôn (*). Mặc dầu ta vẫn biết con người nói chung, khi trâu chết, con người sẽ tận dụng thân trâu vào những việc lợi ích của riêng họ, ta sẵn sàng cống hiến cả thân xác nầy cho nhân loại”. Trong bài tự truyện nầy tác giả nhân cách hoá con trâu. Ông để cho con trâu xưng “ta”, tự trâu nói, tự trâu hiến thân cho nhân loại. Như vậy thì khi viết ông Khiêm Cung chắc hẳn đã quay quắt nhớ về nguồn, nhớ về tuổi thơ, nhớ về quá khứ. Để rồi hôm nay, nhớ tới đâu rồi cứ viết lại, nên mạch văn không liền. Âu đó cũng là cá biệt của người dân Nam Bộ chăng, ngày hôm nay tác giả tuy sống ở Úc Châu hơn mấy chục năm cũng không ngoại lệ.

Từ trước tới nay một truyện ngắn, hay tự truyện, hay bài văn xuôi, nếu muốn đem vào một bài “đồng dao”, hay vài câu ca dao cũng không phải dễ. Vì bài đồng dao đó phải minh họa cho được bài truyện ngắn, hay bài tự truyện, còn không thì nó sẽ bị bơ vơ lạc lõng như một đứa trẻ bị lạc đường. Nhưng ở đây, tác giả Khiêm Cung đã đưa nó vào đúng chỗ, làm cho tôi nhớ lại hồi chiều khi phát hành sách, bà Tô Châu có nhắc tới chỗ đoạn văn nầy, mấy câu đồng dao đó như sau:

Con trâu có một hàm răng,

Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao

Xưa kia mầy ở với tao, bây giờ mầy chết tao cầm dao xẻ thịt mầy

Thịt mầy tao nấu linh đinh

Da mầy tao bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mầy tao tiện con cờ, cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa (đồng dao)

Hồi còn nhỏ, sau những giờ đi học trường làng, tôi là một đứa chăn trâu chăm chỉ, nhưng tôi chưa bao giờ biết con trâu chỉ có một hàm răng. Khi đọc tới truyện nầy, tôi mới giựt mình nhớ lại. Hồi đó, có lần con trâu cổ nhà tôi bị bịnh, cha tôi phải thò bàn tay vào trong miệng để “rơ” cho sạch, rồi mới nấu thuốc bắc đổ vào, nhờ vậy mà mấy ngày sau hết bịnh. Như vậy thì nó không có hàm răng trên, nếu có thì làm sao cha tối dám…

Tôi nằm trằn trọc thâu đêm về cuốn sách nầy, bởi hồi chiều tác giả có nói, anh viết cuốn sách nầy tới 10 năm, bây giờ muốn viết thêm một cuốn nữa, sợ tuổi già không cho phép, rồi anh kể lể thật lòng, nước mắt rưng rưng. Lúc đó tôi và một vài người bạn nữa cũng đưa tay lên chậm mắt, dường như anh không muốn nhắc tới một thành quả đã được trình làng, một đứa con tinh thần vừa mới cắt rốn khai sanh, mà anh cứ kể lể dông dài của một thời quá khứ. Lúc đó bỗng dưng làm cho tôi chạnh lòng nhớ về tuổi thơ. Cuộc đời của tôi cũng như anh, đi đâu cũng đi sau, ngồi ở đâu cũng hàng ghế dưới, ngay trong lúc viết văn, câu văn nào không hiểu, thì không dám viết.

Để chứng minh cho điều tôi nói, độc giả cứ thong thả trong những buổi trưa buồn. Pha một bình trà, rồi ngồi nhâm nhi bánh ngọt, lúc đó từ từ giở từng trang sách ra, rồi đọc sẽ thấy những câu văn bình dân trong cuốn sách, nó sẽ mách bảo cho chúng ta những điều cần thiết ở quê nhà. Tại sao miền đất Hậu Giang có nhiều huyền thoại, tại sao tên địa phương nó lại khó kêu, dường như người xưa đã vay mượn tiếng của Campuchia cho tới ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Tới chừng đó, chúng ta sẽ thấm tận đáy lòng, sẽ thấy tác giả Khiêm Cung, cùng chúng ta đang đối ẩm. Cái gốc rễ của văn chương, không nhứt thiết phải là trau chuốt, mà cốt lỏi của nó là ở linh hồn, phải đánh động được sự bâng khuâng. Ngày hôm nay tác giả Khiêm Cung đã làm được điều đó…

Tôi đọc tới truyện Tâm Sự Tuổi Hoàng Hôn, chỉ mới nhìn thấy cái tựa thôi, cũng làm cho tôi có một nỗi buồn riêng dâng lên man mác. Thì ra đời người cũng ngắn ngũi, cái lứa tuổi cuả tôi vượt biển năm xưa, giờ đây có người cũng đã chống gậy rồi. Tôi ngồi viết bài báo nầy để cho anh, mà cũng cho tôi, và cho bằng hữu, khi tôi đọc tới đoạn này:

Năm ngoái các cháu tổ chức Lễ Mừng Thượng Thọ cho tôi. Tôi giựt mình, mới đây mà đã tám mươi, được Trời Đất thưởng thêm hai mươi tuổi, nếu so với tuổi tiêu chuẩn 60. Ở quê nhà, có khi nào mình nhớ đến ăn mừng ngày sanh. Lúc chào đời, cha mẹ không khai sanh, mặc dầu cha có gi ngày sanh tháng để trong một cuốn sổ tay, đến khi ra tỉnh học, nhờ một ân sư là thầy Lê Văn Vững tự bỏ tiền túi đi khai thế vì khai sanh tại toà án cho tôi và hai người bạn đồng học, ghi sụt cho tôi hai tuổi để không lổ tuổi đi học”.

Càng đọc cuốn Những Mảnh Hồn Tôi, dường như tôi đi lạc vào mê hồn trận không lối thoát, nhưng tôi đã bắt gặp một điều lý thú, đó là dòng văn của anh Khiêm Cung, chỉ nhớ đâu viết đó, không sắp đặt theo thứ tự. Vì vậy mà ít khi thấy một cái truyện nào có phân đoạn chủ đề, nhưng lại hấp dẫn người đọc đến mê mang.

Riêng phần tôi phải ngồi hết một buổi chiều, và gần một đêm mất ngủ. Tôi cũng không biết vì sao tôi lại cảm động cuốn sách nầy, chắc có lẽ nó là một người dẫn đường cho tôi về tới Hậu Giang, dẫn tôi về tuổi thơ của một thời nghèo khổ, dẫn tôi đi đào cua về bán để mua dầu, dẫn tôi về lúc cha tôi làm lại thế vì khai sanh. Ngoài những thứ đó ra, tôi còn thấy nó rất chân thành ở những câu văn mộc mạc.

Cuối cùng tôi gấp cuốn sách lại, mà nghe tiếng nói mơ hồ. Tiếng hát, điệu múa bên tai, tiếng ông Paul Huy Nguyễn hiện là Chủ tịch Cộng đồng, đã khuyến khích và giúp đỡ trong buổi phát hành, và ở đây tôi đã gặp lại những bạn già bắt tay trìu mến.

Tôi hy vọng rồi đây sinh hoạt văn hoá sẽ được hồi sinh. Như ở thời Trần Châu phát hành cuốn truyện ngắn đầu tay, làm cho tôi nhớ mải, bà con mình đi tham dự chật nhà hàng. Riêng tôi ngày đó rất hăng, hễ nghe phát hành sách là có mặt tôi tham dự. Hôm nay mình đã có Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng rất khang trang, máy lạnh chạy rì rào, vậy mà trong cả mười năm qua, chỉ có mấy cuốn sách lát đát phát hành. Tôi ôm một nỗi buồn riêng, rất mong gặp được người bạn thân nào để mà tâm sự ./-

                                                                             Phùng Nhân

Related posts