Watergate –một khách sạn ở Washington DC – được đặt tên cho vụ bê bối chính trị lớn nhất lịch sử nước Mỹ, rồi còn được trích cái đuôi “gate” ra để đặt tên cho các vụ bê bối chính trị diễn ra sau đó: vụ Ronald Reagan bán vũ khí cho Iran trong cuộc chiến Iran – Iraq để lấy tiền tài trợ cho các tổ chức vũ trang Nicaragua được báo chí Mỹ gọi là vụ Irangate; vụ bê bối tài chính ở dự án đầu tư bất động sản Whitewater của vợ chồng Bill Clinton khi còn là Thống đốc Arkansas được gọi là vụ Whitegate; vụ bê bối tình dục ở Toà bạch ốc khi ông Clinton kéo zipper ra để cô nữ sinh viên thực tập Monica Lewinsky làm ‘oral’ đuợc gọi là Zippergate, thậm chí vụ tai tiếng “mượn xe ute” mà ông Malcolm Turnbull đánh hụt tông Kevin Rudd tại Úc vào năm 2008 được báo chí Úc gọi là vụ Utegate.
Rồi đây vụ tai tiếng của ông Trump có được đặt tên là “Ukraingate” hay không?
Và liệu ông Trump có bị mất chức vì vụ này hay không?
Muốn truất phế tổng thống thì không chỉ phải nắm đa số tại thượng viện mà là đa số tuyệt đối, chiếm hai phần ba số ghế, do đó về thủ tục thì Dân Chủ khó mà bứng ông Donald Trump ra khỏi ghế tống thống vì chỉ làm chủ Hạ viện.
Tuy nhiên với những bằng chứng đưa ra, ông Trump cũng sẽ đứng ngồi không yên. Vả lại sự việc không chỉ liên quan đến cá nhân ông ta mà cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr và Luật sư Rudy Giuliani. Nay mai, có thể tổng thống kế nhiệm ký lệnh ân xá cho ông ta nhưng những người này thì sao?
Trong vụ Waterate, sau khi từ chức tổng thống, ông Richard Nixon được người kế nhiệm là Gerald Ford ký lệnh ân xá nhưng Bộ trưởng tư pháp Richard Kleindienst và luật sư riêng John Dean đều không thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp. Cái viễn ảnh lê thân già vào tù gỡ lịch sẽ khiến họ lo lắng thủ thân, không dại gì “ngu trung” với ông Trump, do đó khi phải đứng lên tuyên thệ trước tòa, họ sẽ không dám nói dối, nghĩa là sẽ phản lại ông chủ của mình.
Mặt khác, ông Nixon bị đổ vì đã “trả thù” với một nhân vật lãnh đạo FBI, và bị người này trả thù khi tiết lộ cho tờ The Washington Post. Ông Trump bây giờ cũng có một kẻ thù là tờ The Washington Post và một đội ngũ đông đảo những kẻ thù từng là cố vấn, giới chức thân cận trong nội các hay trong Hội đồng an ninh quốc gia đã bị ông ta cách chức, sa thải một cách phũ phàng. Thậm chí, Trump còn tỏ ra “vô hậu” với những lời lẽ cực kỳ phũ phàng với Michael Cohen, viên luật sư riêng đã phải lê thân vào tù vì phục vụ đúng ý ông ta.
Xét ra, ông Trump đang ở trong một tình thế nguy hiểm!
Cớ sự
Ông Trump đã bị Hạ Viện Mỹ chính thức điều tra luận tội (impeachment) vì có hành động vi hiến khi dùng viện trợ quân sự để gây sức ép, buộc Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm ngày 25.7.2019. Để gây sức ép, vài vài ngày trước đó ông Trump đã ra lệnh đóng băng khoản viện trợ quân sự $400 triệu.
Gốc gác của câu chuyện bắt đầu từ năm 2014 khi con trai của Joe Biden là Hunter Biden đến Ukrain làm việc cho công ty khí đốt Burisma Holdings, một công việc khá thơm tho với mức lương lên đến 50,000 Mỹ kim một tháng.
Lúc này thì ông Joe Biden đang nhiệm chức phó tổng thống, được giao đặc trách quan hệ với Ukrain, đang căng thẳng với Nga. Là người quan tâm đến tình trạng tham nhũng tại đây, năm 2016 ông Biden đã đến Ukrain để gây áp lực buộc chính phủ nước này cách chức Tổng biện lý Viktor Shokin., trước đó từng điều tra công ty Burisma.
Những dấu hiệu “xung đột lợi ích” trong vấn đề này đã bị báo chí Mỹ săm soi, điều tra rất kỹ, tuy nhiên không ai tìm thất bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông Biden làm sai. Mặt khác, khi ông Biden đến Ukrain vào năm 2016 thì vụ điều tra công ty Burisma đã đóng lại.
Nay ông Trump muốn chơi trò ném đá giấu tay, gây áp lực để Ukrain mở lại hồ sơ Burisma – Biden. Có thể dễ dàng nhận ra ý đồ của ông Trump: nếu không tìm ra bằng chứng để kết tội ông Biden thì ít ra cũng tạo ra đám mây mù, phá hoại danh tiếng ông ta trong giai đoạn vận động tranh cử!
Ý đồ ném đá giấu tay này đã bị lộ tẩy, sau lời tố cáo của giới chức tình báo được CIA biệt phái sang làm việc tại Tòa Bạch ốc.
Thoạt đầu, sau khi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công bố quyết định luận tội vào sáng 25.9.2019, phe ông Trump còn cố nói cứng, xem đây là “một nỗ lực tuyệt vọng” của Dân Chủ.
Sau đó Tòa Bạch ốc vội vã công bố văn nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine.
Tuy nhiên đây chỉ là “Biên bản ghi nhớ cuộc điện đàm” (Memorandum of a Telephone Conversation: TELCON) của chứ không phải không phải là chép lại từ băng thu âm.
Khi công bố văn bản sao lại nội dung cuộc điện đàm, các giới chức hành chính của Tòa Bạch ốc đã cẩn thận “thủ thân”, minh định rằng họ không hề có ý gian dối với pháp luật. Một mặt, họ lưu ý rằng văn bản này chỉ ghi lại những điểm chính và theo ghi nhận chủ quan của các nhân viên tốc ký trong “phòng xử lý tình thế” (situation room). Một mặt, họ rào đón rằng còn có một số yếu tố “có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của bản ghi”, thí dụ nhưng giọng nói tiếng Anh không chuẩn của ông Zelinsky, đặc biệt khi nói qua điện thoại.
Bản tóm tắt này cho thấy ông Trump đã khuyên ông Zelensky nên làm việc với luật sư riêng của mình là Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp William Barr để điều tra về tư cách đạo đức cha con ông Biden.
Ông Rudy Giuliani là Thị trưởng New York khi diễn ra vụ khủng bố 11.9.2019, đã từng nuôi tham vọng tranh cử tổng thống nhưng bị thua trong cuộc chạy đua với ông Trump trong đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên sau đó trở thành một nhân vật “cuồng Trump”, ủng hộ ông Trump hết mình, ai động tới ông Trump sẽ bị ông ta chỉ trích như tát nước vào mặt.
Biên bản thuật lại lời ông Trump nói với ông Zelensky: “Có rất nhiều tai tiếng về con trai ông Biden, rồi chuyện ông Biden đã ngăn chặn vụ truy tố và nhiều người muốn biết về chuyện đó, vậy nên bất cứ điều gì ông có thể làm với Bộ trưởng Tư pháp đều sẽ rất tuyệt”.
Rồi ông Trump tiếp tục: “Ông Biden đi khắp nơi khoe khoang là đã chặn được vụ truy tố, bởi vậy nếu ông có thể truy xé điều đó… nó thực sự hết sẩy với tôi”.
Sau đó, ông Trump nói: “Rudy biết rất rõ chuyện gì đang xảy ra và ông ấy là người rất có năng lực. Nếu ông có thể nói chuyện với ông ấy thì sẽ rất tốt”.
Ông Zelensky khẳng định với ông Trump rằng vị tổng biện lý mới bổ nhiệm của ông “sẽ điều tra sự việc”.
Sau khi nghe ông Zelensky hứa sẽ điều tra, ông Trump đã đề nghị mời ông Zelensky đến Tòa Bạch ốc. Và để mở rộng cuộc điều tra, sau đó luật sư của ông Trump là Giuliani đã bí mật bay sang Pháp để gặp gỡ cố vấn của ông Zelensky.
Theo tố cáo của nhân viên CIA thì bộ máy phụ tá của ông Trump đã tìm cách xóa bỏ nội dung của cuộc điện đàm này trong hệ thống ghi âm chính thức, chuyển sang hệ thống ghi âm phụ chỉ họ mới nắm được.
O^ng Trump biện minh rằng những lời trao đổi này là “bình thường” tuy nhiên Chủ tịch Ủy ba tình báo Hạ Viện Mỹ so sách với những lời “gợi ý nhẹ nhàng lịch sự” của những ông trùm mafia.
Như vậy ở đây có hai vấn đề chính: thứ nhất, ông Trump muốn can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống; thứ hai, ông Trum, hay các phụ tá của ông, muốn xóa bỏ các bằng chứng.
Sự việc cũng có những nét tương đồng vụ tai tiếng Watergate, cũng là can thiệp vào bầu cử, cũng là xóa bỏ bằng chứng.
Watergate
Đúng 2.30 sáng ngày 17.6.1972 nhân viên an ninh Frank Wills làm việc tại toà nhà Watergate bên bờ sông Potomac, là tổng hành dinh của Đảng Dân Chủ, mở cánh cửa thông giữa cầu thang ở tầng trệt và car-park thì bị kẹt cửa. Vật làm kẹt cửa là một cuộn băng ghi âm và thoạt đầu Wills cho rằng đó là của một nhân viên vệ sinh để quên hay đánh rơi, thế nhưng một lát sau quay lại thì Wills phát hiện rằng cuộn băng đã bị ai đó lấy đi. Sinh nghi Wills lập tức gọi điện thoại báo cho Sở cảnh sát Washington DC.
Cảnh sát lập tức đến ngay và sau khi lục soát thì bắt được 5 “thợ ống nước” đang lẩn quẩn trong văn phòng Đảng Dân chủ, bao gồm James W. McCord, Bernard Barker, Virgilio Gonzalez, Eugenio Martinez và Frank Sturgis. Theo lời khai sau này thì cả nhóm đã đột nhập vào đây trong buổi tối hôm trước để đặt máy ghi âm nhưng vì máy bị trục trặc, họ phải quay lại để điều chỉnh. Chính sơ suất kỹ thuật lặt vặt này đã dẫn đến hoạ lớn cho ông Nixon và đảng Cộng Hoà.
Đứng đầu trong nhóm này là James W. McCord, nguyên là nhân viên CIA nhưng lúc đó là điều phối viên an ninh cho Ủy ban vận động tranh cử của Nixon. Lục soát ví tiền McCord, cảnh sát phát hiện số điện thoại của Howard Hunt, cựu nhân viên CIA đặc trách các công tác Cuba, từng tham gia công tác đổ bộ vào Vịnh Con Heo và lúc đó thành viên Ủy ban vận động của Nixon. Bốn người còn lại là người Mỹ gốc Cuba, đã từng tham gia các toán vũ trang dưới quyền Hunt.
Chính từ những chi tiết đầu tiên này đã khiến cảnh sát đi đến kết luận sơ bộ vụ đột nhập này dính líu đến chiến dịch tranh cử và với những nhân vật thân cận với Tổng thống Nixon. Trước tin động trời này, Chủ bút Ben Bradlee của tờ Washington Post đã phái hai ký giả Bob Woodward và Carl Bernstein cùng điều tra và theo dõi phiên toà.
Đến tháng 9 năm 1972 thì có 7 người bị truy tố ra toà, trong đó nhân vật thứ 7 là Gordon Liddy, một cựu nhân viên FBI, thành viên Ủy ban vận động tranh cử của Nixon.
Sự thật phơi bày sau đó cho thấy trong chiến dịch vận động tái tranh cử năm 1972, Ủy ban vận động của Nixon đã tổ chức một toán công tác mật nhắm vào việc do thám kẻ thù, hoạt động bằng nguồn tài chính của quỹ vận động tranh cử. Ủy ban đã thu nhận Gordon Liddy để sử dụng năng lực của ông ta trong thực hiện những công tác mật dưới danh nghĩa là cố vấn tài chính. Liddy được cấp 250,000 Mỹ kim để thực hiện việc do thám và bôi bẩn đối phương, trong đó có việc đột nhập vào tổng hành dinh đảng Dân Chủ để cài “rệp” nghe lén vào đường điện thoại. Theo điều tra của FBI thì số tiền chi trả cho 5 kẻ đột nhập này được lấy từ một trương mục ngân hàng ở Mexico City, mà trương mục này có quan hệ đến tài khoản mà Liddy đã nhận của ủy ban.
Tuy vậy ông Nixon vẫn khẳng định mình không biết gì và trong cuộc bầu cử ngày 6.11.1972 ông ta vẫn đạt được chiến thắng với tỷ số áp đảo: thắng tại 49 bang và được hơn 60% phiếu.
Đến ngày 30.1.1973 thì toà án Washington kết án 7 người và áp lực ngày càng gia tăng với Nixon, nhất là khi càng ngày tờ The Washington Post càng khẳng định rằng những giới chức “cao cấp nhất” tại Toà bạch ốc biết rõ kế hoạch của nhóm người trên. Một nhân vật nào đó ở bên trong bộ máy hành pháp của Nixon đã cung cấp những tin tức thiết yếu nhất và chỉ cho họ đi đúng hướng điều tra khiến Nixon và các cố vấn thân cận ngày càng lúng túng trong khi Thượng viện Mỹ tuyên bố thành lập một Uỷ ban điều tra đặc biệt vào tháng 2 năm 1973.
Áp lực ngày cán tăng nên ngày 30.4.1973 Tổng trưởng tư pháp Richard Kleindienst cùng hai cố vấn của Nixon là H. R. Haldeman và John Ehrlichman phải tuyên bố từ chức. Riêng luật sư John Dean, người trực tiếp làm việc với ủy ban vận động thì bị Nixon sa thải, ngay sau đó ông ta đã trả thù bằng cách công bố những chuyện bí mật bên trong Toà bạch ốc, trong đó có việc bỏ tiền để mua chuộc sự im lặng của những tên ăn trộm sa lưới ở Watergate. Sau này Dean bị toà phạt 4 tháng tù. Cho đến lúc này Nixon vẫn tiếp tục khẳng định là mình không biết gì về việc bưng bít nói trên và không bao giờ khuyến khích thuộc cấp làm việc mờ ám như vậy.
Đến tháng 5.1973 thì Ủy ban điều tra đặc biệt bắt đầu tổ chức điều trần công khai, tất cả đều được truyền hình trực tiếp. Trong lúc đó thì hai ký giả Woodward và Carl Bernstein đã liên tục công bố trên tờ The Washington Post những thông tin “từ một giới chức cao cấp yêu cầu giấu kín danh tính” hay “theo nguồn tin riêng của bản báo” mà báo chí Mỹ gọi là “Deep Throat”.
Sau khi tùy viên Alenxander Butter tiết lộ rằng Nixon thu âm tất cả các cuộc nói chuyện và điện đàm trong văn phòng của mình ở Toà bạch ốc để lưu giữ làm di sản hay tài liệu viết hồi ký sau này, các công tố viên đã yêu cầu Nixon phải giao nộp. Nixon từ chối và vấn đề được ủy ban điều tra đưa ra trước Tối cao Pháp viện. Ngày 23.7.1973 với 8 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Tối cao Pháp viện ra lệnh Nixon phải nộp những cuộn băng ghi âm nói trên.
Tuy nhiên trong số cuộn băng nàycó một cuộn băng bị xoá trắng một đoạn đối thoại dài 18 phút. Điều này ngụ ý ông Nixon đã cố tình phá hoại bằng chứng, được diễn dịch như là hành vi “cản trở việc thực hiện công lý”, một tội khá trầm trọng.
Bởi vậy ngày 27.7.1974 Quốc hội Mỹ quyết định đưa Nixon ra luận tội. Để trách việc này, tối ngày 8.8.1974, trước hàng triệu con mắt của người Mỹ theo dõi truyền hình, vị tổng thống thứ 37 của Mỹ tuyên bố từ chức để “đặt lợi ích của nước Mỹ lên đầu”.
Như vậy Nixon chưa bao giờ bị kết tội vì dính líu tới vụ Watergate mà chỉ mới bị đưa ra luận tội và đã xin từ chức trước để tránh thủ tục này. Sau đó, ông được người kế nhiệm là Tổng thống Ford ký lệnh ân xá!
Mãi 33 năm sau, ngày 31.5.2005, công chúng Mỹ mới biết rõ “giới chức cao cấp yêu cầu giấu kín danh tính” của tờ The Washington Post: đó là Mark Felt, giữ chức Phó Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) khi vụ Watergate xảy ra.
Viên cục phó trả thù
Felt sinh ra tại bang Idaho năm 1913, tựng theo học tại Đại học tiểu bang Idaho University và Phân khoa Luật tại Đại học George Washington. Năm 29 tuổi, Felt gia nhập FBI và làm việc tại phân bộ phản gián của cơ quan này trong thời kỳ diễn ra Đệ nhị thế chiến. Tại đây Felt thăng quan tiến chức rất nhanh, trở thành Cục phó FBI và tin chắc rằng một khi cục trưởng đầu tiên Hoover qua đời, chiếc ghế cục trưởng sẽ vào tay mình. Tuy nhiên quan hệ giữa ông và người đứng đầu bộ máy hành pháp đã rạn nứt.
Tháng Ba năm 1972, chính quyền Nixon đã lâm vào thế khó xử khi lá thư của một luật sư chuyên làm nghề vận động hành lang cho tổ hợp truyền thông ITT bị lộ ra ngoài, khẳng định rằng việc tổ hợp đã đóng 400,000 Mỹ kim cho qũy vận động tái tranh cử của Nixon sẽ khiến Toà bạch ốc làm áp lực cho Bộ Tư pháp hủy bỏ các cuộc điều tra “anti-trust”, tức chống độc quyền nhằm vào ITT.
Theo lệnh Cố vấn đặc biệt của Nixon là Charles Colson, cố vấn pháp lý Toà bạch ốc John Dean trực tiếp yêu cầu FBI xác nhận rằng đó là một lá thư giả mạo. Việc này được nguyên giám đốc FBI Hoover giao cho Felt, và chỉ vài ngày sau thì Felt đơn phương họp báo, cho biết FBI không thể xác định chắc chắn lá thư là thực hay giả, khiến Toà bạch ốc cụt hứng và bẻ mặt.
Ngay sau vụ này thì Hoover qua đời và Felt bị Nixon cho ra rìa: thay vì cất nhắc cục phó lên làm cục trưởng, Nixon chuyển Phụ tá Tổng trưởng Tư pháp Patrick Gray về làm quyền giám đốc FBI. Bởi thế, khi việc điều tra vụ tai tiếng Watergate bắt đầu nổ ra, Nixon đã nhận được sự hợp tác toàn phần của Gray trong khi Felt tìm cách phá đám, cung cấp toàn bộ thông tin mà FBI nắm được cho báo chí.
Vài tháng sai Nixon lại bổ nhiệm William Ruckelshaus làm cục trưởng FBI khiến Mark Felt thêm một phen cay đắng, liên tục đụng độ với ông xếp mới. Quan hệ giữa hai người trầm trọng đến mức chỉ 1 năm sau Felt đã xin về hưu, rời khỏi FBI trước khi Nixon từ chức.
Trong vụ Watergate, khi tiết lộ thông tin, Felt đã chọn Woodward, một ký giả trẻ phụ trách tin địa phương của tờ Washington Post là nhờ cái “duyên” từ trước.
Số là trước khi trở thành ký giả thì Woodward là một sĩ quan liên lạc mang cấp bậc trung úy của Đô đốc Thomas Moorer. Woodward có nhiệm vụ đến Tòa Bạch ốc để tóm tắt tình hình hay giao nạp hồ sơ và đó là một công việc nhàm chán vì có khi phải đợi từ một tiếng đồng hồ trở lên mới có người ký nhận hay nghe báo cáo miệng. Nhưng đó hoá ra là một cái may cho nghề nghiệp sau này của anh ta: trong khi chờ đợi như vậy, anh ta đã gặp gỡ và làm quen với Felt tại Toà Bạch ốc một ngày đầu năm 1970.
Chán nản với công việc của một “trung úy hải hồ” như một tay sai vặt, lúc đó Woodward đang tính tới chuyện tìm việc khác. Sau vài lời hỏi thăm, và khi biết bậc đàn anh Felt lớn hơn mình gần 30 tuổi là một nhân viên cao cấp của FBI, Woodward đã đon đả hỏi thăm công việc ở FBI và buổi hỏi chuyện bâng quơ này tự dưng biến thành một buổi cố vấn hướng nghiệp. Bởi vậy, sau đó, khi chia tay, Wodward đã có trong túi tấm danh thiếp của Felt.
Sau khi Woodward trở thành ký giả săn tin địa phương của tờ The Washington Post thì hai người vẫn giữ liên lạc trong đó Felt đã trở thành một đàn anh hay một quân sư của Woodward. Đến khi vụ Watergate nổ ra, Felt đã quyết định cung cấp tin cho người bạn trẻ tuổi của mình.
Với kỹ năng của một trùm gián điệp, Felt đã ra lệnh cho Woodward ngưng việc liên lạc bằng điện thoại và ngưng đến nhà mình. Thay vào đó, Felt đã đưa ra một số ám hiệu để liên lạc.
Thứ nhất, nếu muốn gặp Felt, Woodward chỉ cần chuyển vị trí của một chậu hoa trên ban công trên căn phòng trong chung cư của mình. Thứ hai, khi Felt muốn gặp Woodward, ông vẽ hình một cái mặt đồng hồ ở trang 20 của tờ New York Times mà Woodward đặt mua. Làm thế nào để vẽ lên thì chỉ có ông trùm điều tra Felt này biết được.
Nếu ban ngày hẹn rồi thì tối đó họ sẽ gặp nhau ở tầng cuối cùng của bãi đậu xe ngầm vào lúc 2 giờ sáng để trao đổi. Để giữ kín hành tung, Felt yêu cầu Woodward rời nhà bằng lối sau và đến điểm hẹn bằng hai vòng tắc xi: vòng đầu có thể đi đến bất cứ nơi nào, sau đó từ đây lại đón tắc xi đến điểm hẹn.
Việc gặp gỡ giữa hai người đã được Woodward và Bernstein tiết lộ trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1974 mang tựa đề Toàn bộ những người của tổng thống, tuy nhiên chỉ sử dụng hỗn danh Deep Throat chứ không nêu tên thật như đã giao ước. Hai năm sau, cuốn sách này lại được đưa lên màn bạc với bộ phim cùng tên.
Theo Woodward thì Felt rất “enjoy” trong công việc bí mật này và thậm chí xem Woodward như là “điệp viên” của mình. Trong khi đó diễn biến dồn dập của vụ Watergate và những tin “hot” mà Felt tới tấp giao cho mình đã khiến ông ta không có thì giờ để suy diễn về động cơ của Felt.
Thế nhưng bí mật như vậy thì liệu lúc đó Felt có bị tình nghi và lọt vào tầm ngắm hay không?
Những tin tức mà Felt cung cấp cho báo chí khiến Toà bạch ốc tức giận: Deep Throat phải là một nhân vật quyền lực bên trong FBI. Hậu quả là quyền giám đốc FBI phải truy vấn vấn tất cả các nhân viên liên quan tới hồ sơ Watergate, điều mà sau này trong hồi ký Felt cho là “đã gây ra một làn sóng phẫn nộ” bên trong cơ quan điều tra liên bang. Felt cho biết có nhiều lần, khi Gray đi khỏi Washington, cố vấn luật pháp của Nixon là John Dean đã triệu tập nình đến và đòi hỏi phải “thực hiện mọi biện pháp để những kẻ tiết lộ thông tin phải câm miệng”. Đáp lại, Felt lại khẳng định: “Thông tin bị rò rỉ không thể xuất phát từ FBI”.
Đến tháng 10.1972 thì Nixon và Haldeman, Dean đã tỏ ý nghi ngờ Felt và điều này đã được thảo luận trong một cuộc họp được ghi âm tại Toà bạch ốc. Theo cuộn băng này thì Nixon đã hỏi: “Hắn ta có phải là tín đồ Thiên chúa giáo?”, và khi nghe Haldeman trả lời Felt là người Do Thái, Nixon đã chửi thề: “Mẹ kiếp, FBI đưa cả người Do Thái vào đó sao?”. Đến đây thì Haldeman đáp: “Vâng, điều này có thể giải thích mọi việc”.
Tuy nhiên trên thực tế thì Felt không phải là người Do Thái nhưng vài tháng sau, tên của Felt lại được lôi ra trong cuộc thảo luận giữa Nixon và Dean ngày 28.2.1973. Tại đây, Dean đã nói với Nixon về Felt: “Hắn là người duy nhất biết những chi tiết ấy” nhưng Nixon vẫn bán tín bán nghi.
Theo Nixon thì Felt không dám đặt cược cả sự nghiệp của mình trong trò chơi nguy hiểm này, hiện đoạn băng ghi âm còn lưu giữ: “Ông biết đấy, giả dụ như Felt đứng ra và tiết lộ mọi việc thì chuyện này sẽ ảnh hưởng như thế nào với hắn ta? …. Hắn ta đang trong tình thế rất nguy hiểm…. một kẻ chỉ điểm không được xã hội của chúng ta chấp nhận. Trái lại đó là kẻ mà người ta sẵn sàng chống lại”.
Tuy nhiên người ta không chỉ nghi ngờ một mình Felt: trong danh sách những kẻ tình nghi có Alexander Haig, George Bush, Henry Kissinger v.v… Trong số này Alexander Haig là người bị bàn ra tán vào nhiều nhất vì quan hệ với Woodward: khi đến Toà bạch ốc báo cáo hay nộp tài liệu thì viên trung úy này đã nhiều lần trực tiếp báo cáo với Haig, lúc đó là phụ tá của Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Dẫu vậy, Nixon vẫn không nghi ngờ Haig mà còn bổ nhiệm ông ta làm Chánh văn phòng, tuy nhiên điều làm Haig đau khổ là hàng chục năm sau đó đi đâu cũng có người hỏi ông: “Có phải ông là Deep Throat”. Thậm chí trong cuốn hồi ký “Danh dự đã mất” xuất bản năm 1982, cựu luật sư của Nixon là John Dean đã điểm mặt Haig là “Deep Throat”.
Cần nhắc thêm rằng Haig đã từng tham chiến tại Việt Nam với cấp bậc đại tá. Là người có học, năm 1964 Haig được McNamara gọi về làm phụ tá cho mình và đến năm 1969 thì Haig trở thành phụ tá của Kissinger và năm 1971 trở thành phụ tá cố vấn của Nixon về an ninh quốc gia. Từ năm 1974 đến 1979 Haig trở thành tư lệnh quân đội khối NATO ở Âu châu và giữa những ngày cận 30.4.1975 ông đã không ngớt vận động nguyên tổng thống Ford có biện pháp mạnh để ngăn chặn đà tiến của Bắc Việt. Về sau Haig trở thành ngoại trưởng dưới thời Reagan, vì một câu nói hớ hênh sau khi Reagan bị ám sát vào tháng 3.1981 “Tôi là người lãnh đạo ở đây”, một câu nói hoàn toàn trái với hiến pháp, tương lai chính trị của Haig đã chấm dứt tại đây. Năm 1982 Haig từ chức.
Trong hơn ba chục năm sau đó Deep Throat đã là một bí ẩn với cả thế giới trừ bốn người: bản thân Felt và bộ ba ở tờ The Washington Post bao gồm chủ bút Ben Bradlee cùng hai ký giả Bob Woodward và Carl Bernstein. Suốt thời gian ấy, cả bốn người đều giữ đúng giao ước từ lúc bắt tay làm việc: giữ kín điều này cho đến khi Deep Throat qua đời.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1974 về vụ Watergate, hai ký giả Woodward và Bernstein đã không tiết lộ điều này. Cả Felt, trong cuốn hồi ký “Kim tự tháp FBI từ bên trong” xuất bản năm 1979 cũng đã khẳng định là mình “chưa bao giờ tiết lộ thông tin cho Woodward và Bernstein hay cho bất kỳ ai”, chỉ thừa nhận có một lần nói chuyện với Woodward vào năm 1970 nhưng luôn phủ nhận mình là Deep Throat. Mười năm sau, một lần nữa Felt lại phủ nhận điều trên trong cuộc phỏng vấn của tờ Hartford Courant vào năm 1999.
Tuy nhiên nay thì Felt đã phá vỡ giao ước này vào ngày 31.5.2005. Qua một người bạn hành nghề luật sư là John O’Connor, Felt kể lại sự thật cho tạp chí Vanity Fair. Và ngay sau đó tin tức đuợc lan truyền đi khắp thế giới qua mạng Internet. Tờ báo giải thích rằng ông Felt muốn nói ra sự thật vì “cảm thấy gần đất xa trời”, rằng ông phải kể sự thật để mọi người hiểu đúng về ông.
Felt lúc đó sống tại Santa Rosa, tiểu bang California cùng gia đình cô con gái tên Joan. Năm 2002 ông cho con gái biết rằng mình chính là Deep Throat và khi cô này liên lạc với Woodward để xác nhận thì tay ký giả này vẫn khôâng chịu tiết lộ nửa lời. Nhưng càng ngày, cô con gái càng cố thuyết phục bố. Theo tờ Vanity Fair thì Felt chấp nhận lên tiếng theo yêu cầu của con gái nhằm “kiếm chút tiền lo cho việc học hành của các cháu”.
Phạm Đức Đồng Hùng