Tôi hụt coi cuốn phim “Hai Phượng” (Furie) được Well Go USA Entertainment trình chiếu giới hạn tại hệ thống rạp Regal, thuộc thành phố Garden Grove, trong vài ngày đầu Tháng Ba, 2019.
Sau đó, khi tân Nghị Viên Tài Đỗ vừa đắc cử và nhậm chức tại Hội Đồng Thành Phố Westminster hồi đầu năm, đưa ra công luận vấn đề Thị Trưởng Tạ Đức Trí tặng bằng tưởng lục cho cô Ngô Thanh Vân (Veronica Ngô) nhà sản xuất và cũng là vai chính trong cuốn phim. Ông cáo buộc thị trưởng lạm quyền, vi phạm nghị quyết chống Cộng đã trở thành cam kết của cộng đồng người Việt không chấp nhận Cộng Sản, phát bằng khen cho một cán bộ văn công điện ảnh Cộng Sản từ trong nước ra. Cùng với Nghị Viên Garden Grove Phát Bùi, nhân danh chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California qua một cuộc bầu cử đầy tai tiếng, hai ông đòi Thị Trưởng Tạ Đức Trí phải thu hồi giấy khen tặng cho cô Ngô Thanh Vân vì hành động này làm lợi cho Cộng Sản trong nước.
Chuyện không chỉ giằng co giữa các vị dân cử mà nổ ra ầm ĩ trong dư luận. Cuộc tranh cãi gay gắt quanh một chủ đề người dân không nắm vững sự tình khiến mọi người hoang mang, buồn bã, thậm chí tức giận và thất vọng.
Là một thành viên có tuổi, gắn bó với vui buồn của đồng hương, tôi muốn tự mình tìm hiểu sự thật trong biến động chính trị quan trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến lập trường quốc gia của khối người Việt đứng ngoài mọi tị hiềm/tranh chấp phe phái của một thiểu số đã vì quyền lợi riêng, coi nhẹ sức mạnh, uy tín và đoàn kết của cộng đồng.
Tôi lục lạo trên mạng, không tìm được đường link nào cho phép coi cuốn phim, chỉ có những trích đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu phim mà thôi. Ráp nối những trích đoạn ấy, cố gắng lắm tôi cũng chỉ có được một cái nhìn không thể nói là đầy đủ để đi tới một kết luận nghiêm túc về tác dụng của cuốn phim đối với người xem.
Nếu chỉ căn cứ trên một tấm hình chụp cô Ngô Thanh Vân mặc cái áo T- shirt đỏ có ngôi sao vàng trong một sự kiện thể thao trong nước rồi liệt cô vào hàng ngũ cán bộ Cộng Sản thì tôi e rằng đây là một kết luận quá vội vã. Xét về lý lịch, Ngô Thanh Vân thuộc một gia đình vượt biển tị nạn Cộng Sản định cư ở Na Uy và cô mang quốc tịch Na Uy.
Ở tuổi đôi mươi, ôm ấp giấc mơ điện ảnh, cô cũng như các đạo diễn trẻ và tài năng, con cháu của những gia đình Việt Nam Cộng Hòa di tản tốt nghiệp ở quê người như Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Victor Vũ, Nguyễn Võ Nghiêm Minh… nhận ra Hollywood không có chỗ cho họ thi thố tài năng nên đành trở về quê hương, chấp nhận sống trong lòng kẻ thù để có những thể hiện thuần túy lịch sử, nhân sinh hay nghệ thuật với giá trị phổ cập cao.
Vậy thì cách duy nhất để xét tư cách chính trị của Ngô Thanh Vân là hãy xem cô đã làm gì, làm thế nào với cuốn phim kia?
Chưa xem được phim, tôi đọc bình luận của các nhà phê bình điện ảnh trong nước và ngoại quốc, thấy họ chỉ tập trung vào mấy điểm:
1-Thể loại phim (hành động, bạo lực, giải trí tốt nhất).
2-Diễn xuất sắc nét và hấp dẫn của ngôi sao Ngô Thanh Vân (được cây bút Cary Darling thuộc nhóm Top Critic của Rotten Tomatoes khen ngợi, cho là Jennifer Garner, minh tinh nổi tiếng của Hollywood, cần học thêm từ Veronica Ngô để có thêm hương vị khi đóng phim).
3-Tài năng của đạo diễn Lê Văn Kiệt (ngờ rằng Hollywood sẽ sớm gõ cửa nhà ông) phối hợp với kỹ thuật thu hình đẹp.
4-Doanh thu của phim (để đánh giá thành công về mặt tài chánh và tiềm năng đầu tư).
Không ai quan tâm về cốt truyện hay cảm xúc, càng không ai xét cuốn phim về mặt tâm lý chiến nếu không là còn có người chê cốt truyện cổ điển vì đề cao tình quê hương, tình mẹ con, tình gia đình như là di sản tinh thần của quá khứ cần xóa bỏ!
Tiếp tục lần mò đi tìm thông tin, tôi mới được biết nhà sản xuất và công ty Studio 68 của Ngô Thanh Vân đã bán bản quyền phim “Hai Phượng” cho Netflix. Phim sẽ được chiếu chính thức có bán vé trên Netflix toàn cầu từ Tháng Năm, 2019, và tại Mỹ từ Tháng Chín, 2019. Thế là tôi được xem. Quý bạn nào cũng muốn xem, xin mời xem ở Netflix, chỉ trả $3.75 cho một lần chiếu.
Phim bắt đầu với cảnh Hai Phượng, vốn là thành viên của băng đảng xã hội đen, từng mang thai mà không biết đích xác bố đứa con trong bụng là ai? Trách nhiệm mới khiến cô gái khốn khổ muốn hoàn lương. Cô rời Sài Gòn tìm về Cầu Kè, nơi chôn nhau cắt rốn còn giữ của cô nhiều dấu ấn của dòng họ và của tuổi thơ, cố gắng hòa mình, làm lụng nuôi con nhưng cái xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa không có việc gì cho cô làm.
Sẵn có nghề võ được sư phụ truyền dạy cho từ thuở bé và tôi luyện thêm qua những năm tháng giang hồ, Hai Phượng nhận làm cái việc đi đòi nợ ăn hoa hồng cho bà chủ nợ đẫy đà, to béo, son phấn trát đầy mặt, ngồi giữa chợ cho người nghèo vay ăn lời cắt cổ. Công việc nhọc nhằn, vừa phải dùng bạo lực trấn áp con nợ cho họ phải xùy tiền ra, vừa phải đối đầu với “đồng nghiệp” cạnh tranh hung hãn để được bà chủ giao thêm mối, buổi chiều xong việc về nhà, túi cô chỉ có đủ tiền mua chút lòng lợn ôi về cho con ăn.
Giây phút ít ỏi giữa hai mẹ con trong cái góc nhà tồi tàn, ảm đạm cất trên con rạch tù đọng (nhưng con bé có một chỗ học tập sáng sủa, tươm tất) Phượng không ngớt nhắc nhở, thôi thúc con chăm học để đừng giống mẹ. Lòng đau như cắt khi cô nghe con nói nó không muốn đi học nữa vì ở trường, lũ trẻ xúm nhau sỉ nhục nó là con hoang, có mẹ làm cái nghề đòi nợ mướn bất nhân; ở nhà, nó chứng kiến cảnh đời tăm tối mà nó muốn thoát ra. Nó đề nghị mẹ nó hùn vốn với bà hàng xóm đóng bè nuôi cá, nó thôi học, mẹ con kiếm sống một cách yên ổn thì hơn. Trăn trở một đêm, bản thân chán ngán vì những màn đánh đập con nợ làm cô tự thấy mình bất nhẫn để chỉ nhận lại mấy đồng tiền trả công cho cô mà người đàn bà tham lam ngồi mát ăn bát vàng, tiếc xót vứt xuống đất, hất mặt bảo cô cúi xuống lượm đi, Phượng quyết định làm theo lời van xin của con gái nhỏ.
Sáng hôm sau, Phượng moi cái túi gấm còn lại đôi hoa tai thời oanh liệt, bỏ cái nón che mặt hằng ngày ở nhà, đường hoàng dắt con ra chợ với ý định cầm cố lấy chút vốn đổi đời. Đang cò kè với bà chủ tiệm kim hoàn, Phượng hoảng hốt nghe nhiều người sau lưng cô la chói lói “Kêu cảnh sát bắt đứa ăn cắp.” Quay ra, Phượng chết sững thấy bé Mai, con cô, bị người lớn vây quanh xỉa xói nó ăn cắp cái ví tiền của ai đó. Con bé một mực kêu oan, khai là nó thấy cái ví rơi dưới đất thì nhặt lên để coi của ai chứ nó không trộm cắp. Tuy thương con, ngay cả tin con nhưng trước tang chứng rành rành là cái ví tiền một bà đang ve vẩy cho mọi người cùng nhìn, Phượng thấy mình xuôi theo. Con bé gào lên thống thiết: “Tại sao mẹ tin người ta mà không tin con?” Nó giật mạnh tay ra khỏi tay mẹ và ù té chạy giữa buổi chợ đang đông.
Đúng lúc đó, một ông tập tễnh bước tới, giọng lè nhè, nói là ông “làm rớt cái bóp, không bị ai móc túi ăn cắp hết! Con nhỏ lượm được thì trả lại cho ông.” Đám đông hiếu kỳ như quả bóng xì hơi, tản mát ai đâu về đó, riêng bà nãy giờ ve vẩy cái bóp vật chứng còn cố vớt vát một câu: “Ông nói cái gì dzậy? Có say rượu không?” Tỉnh hồn, Phượng sực nhớ con, gọi tên nó, nhìn dáo dác khắp nơi, không thấy con đâu nhưng yên trí là nó về nhà nên quay lại thương lượng cho xong việc cầm thế đôi hoa tai, không biết rằng trong những phút giây muốn đổi đời oan nghiệt đó, mẹ con cô đã bước vào thảm kịch.
Bé Mai không chạy về nhà mà ra ngồi ở cái cầu ao ngoài mé rạch, vô phước rơi vào tầm ngắm của hai tên xã hội đen đang chạy ghe đi săn mồi cho tổ chức bắt cóc trẻ em, đưa qua Trung Quốc kinh doanh ngành bán nội tạng. Phượng về, không thấy con, linh tính báo điều hiểm nghèo, cô lấy đại chiếc xe gắn máy ai dựng bên đường, xả hết tốc lực chạy men theo con đường làng song song với con rạch ra tới sông cái. Cô đuổi kịp chiếc ghe nhưng chỉ kịp nhìn thấy cái lưng áo màu xanh của con.
Trên bộ dưới thuyền, không cách nào nắm níu được, cũng không có ai để cầu cứu. Cô biết Sài Gòn là đại bản doanh của chúng, nơi tập trung mọi tội ác và sự sa đọa chẳng lạ gì với cô. Cô chạy ra bến xe đò, không còn chuyến nào lên Sài Gòn. Cô ra giữa đường, vẫy tay xin quá giang, không có tài xế nào chạy tuyến đường cô cần. Cuối cùng, cô cũng tìm được cách về tới Sài Gòn sau mười năm xa vắng.
Cô đến ngay cái hang ổ ngày xưa, hy vọng người thủ lãnh cũ giúp cô tìm ra manh mối nhưng ông ta đã chết rồi. Cô đến ty cảnh sát khai báo nhưng viên cảnh sát chìm, mặc thường phục, chuyên trị những vụ bắt cóc trẻ con trong đường dây buôn người, tiếp cô một cách lề mề chậm chạp. Lừa được anh ta ra khỏi phòng đi kiếm cho cô viên thuốc, cô đảo mắt nhìn quanh, thấy mấy cái bảng trên tường dày đặc hồ sơ và ảnh trẻ con mất tích chưa giải quyết, cô biết không thể trông đợi gì ở nơi này nên vội vàng lục lọi các tài liệu trên bàn và tìm được địa chỉ một nơi có liên quan đến nhóm tội phạm hình sự này.
Tình mẹ con nung nấu khiến cô không quản hiểm nguy, một mình dấn thân vào hang cọp và từ đây diễn ra cuộc đối đầu vào sinh ra tử với bọn bất lương để sau cùng, cô giải thoát được con gái và lũ trẻ cùng là nạn nhân, mở đường cho lực lượng cảnh sát cơ động ăn theo nhờ dấu vết và công trạng cô đã giết được Thanh Sói, kẻ chủ mưu vụ này, bằng một cú thần cước tuyệt chiêu.
Cuốn phim dài gần hai tiếng đồng hồ cho thấy một Việt Nam bệ rạc, cùng khổ, từ thành phố đến thôn quê. Khắp nơi, từ lò gạch đến chợ búa buôn bán vặt, người dân lao động không kiếm đủ ăn phải vay nợ lãi, bị đầu nậu hành hung khắp nơi. Đằng sau các cao ốc lòe loẹt, Sài Gòn vẫn đầy rẫy những ngõ hẹp quanh co, chứa chấp mọi hình thức sinh sống tệ đoan, băng đảng ăn cắp xe, làm thịt bán phụ tùng, bắt cóc trẻ con bán nội tạng… phô bày sự ô nhục của một chính phủ thối nát, nhũng nhiễu, bất lực, với hàng ngũ lãnh đạo luôn khoe mẽ là đỉnh cao trí tuệ của loài người, xây dựng thành công thiên đường xã hội chủ nghĩa!
Khách quan mà xét, cuốn phim đã bêu riếu chứ không làm lợi gì cho chế độ trong nước. Với bối cảnh tiêu cực như vậy mà Hai Phượng thoát được lưỡi kéo kiểm duyệt của nhà nước, có lẽ vì ở phần cuối phim, trong một cảnh rất phường tuồng, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã khôn khéo cho đám cảnh sát gà mờ được hưởng ké công lao trừ gian diệt bạo của cô.
Đối với riêng tôi, ở thời buổi cái áo không làm nên thầy tu này, tôi ghi nhận hai thông điệp minh bạch, quý giá, Ngô Thanh Vân đã gởi ra khán giả qua phim Hai Phượng, như sau: “Đừng sợ. Sợ chỉ là cảm giác nhưng chúng ta đối đầu với sự thật.” “Đừng bao giờ bỏ cuộc.”
Chẳng phải đây chính là những điều người dân trong nước cần nằm lòng nếu chúng ta muốn thay đổi số phận mình, số phận đất nước và dân tộc, hay sao? Chẳng phải đây chính là những lời tâm huyết của người lãnh đạo trẻ tuổi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đang vang dội ở cuộc biểu tình thế kỷ vẫn tiếp diễn vô thời hạn ở Hồng Kông, hay sao? Chẳng phải đây chính là những điều tâm niệm của bất cứ ai trong chúng ta, nếu chưa làm được điều gì lớn lao để xứng đáng với cuộc sống chịu nhiều ơn huệ của Trời Đất và đồng loại, hãy làm điều nhỏ nhất: ăn ở tử tế và có trách nhiệm, hay sao?
Bùi Bích Hà