Câu chuyện về vị nữ tướng giả trai duy nhất trong sử Việt

Trong lịch sử Việt Nam có nhiều nữ tướng nổi tiếng, nhưng một người phụ nữ giả trai nhằm che dấu thân phận gia nhập nghĩa quân rồi trở thành nữ tướng thì chỉ có một người.

Vào năm 1407 quân Minh đánh bại nhà Hồ và lập nên ách đô hộ với người dân Giao Chỉ, rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Trong những cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên này, nổi bật là nghĩa quân Hoàng Nghiêu của thủ lĩnh Nguyễn Chích. Cuộc khởi nghĩa này bắt đầu từ núi Hoàng Nghiêu ở Thanh Hóa, nằm ở nơi giáp ranh giữa 3 huyện Nông Cống, Đông Sơn và Quảng Xương. Núi này nằm gần núi Ngàn Nưa là nơi mà xưa kia Bà Triệu từng dấy binh khởi nghĩa.

Nghĩa quân Hoàng Nghiêu có vị tướng tài

Để quy tụ được anh hùng hào kiệt bốn phương đến tụ nghĩa, Nguyễn Chích chọn động Chân Nghĩa nằm ở núi Nghiêu để tiếp đón khách. sách Thanh Hóa tỉnh chí mô tả rằng: “Một vùng đất bằng phẳng, rộng hơn 10 mẫu, có núi che khuất là nơi đầu tiên tụ tập nghĩa sĩ từ bốn phương trước khi vào căn cứ”.

Hào kiệt tụ nghĩa. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Một lần có một chàng trai trẻ đến xin gặp chủ tướng, Nguyễn Chích thấy tướng mạo chàng trai này nhỏ nhắn thư sinh, dáng vẻ “trói gà không chặt”, liền hỏi chàng trai có khả năng gì? Chàng trai trả lời rằng “Tôi vốn học võ từ nhỏ, nay vì căm thù giặc nên đến xin đầu quân”.

Nguyễn Chích liền cho một bộ tướng của mình đấu với chàng trai này để xem khả năng đến đâu. Ai ngờ chỉ thoáng chốc, bằng vài đường võ thuật chàng thư sinh đã đánh bại viên tướng này.

Nguyễn Chích liền cho gọi lần lượt các tướng của mình vào đấu, nhưng đều bị đánh bại dưới tay chàng thư sinh này, khiến trong doanh trại từ binh đến tướng ai cũng phục, Nguyễn Chích thì rất vui vẻ vì có thêm được tướng tài.

Tuy nhiên trong sinh hoạt hàng ngày, Nguyễn Chích thấy rằng thư sinh này dáng vẻ thùy mị, khuôn mặt, làn da, vóc dáng, đi đứng đều khác lạ, thậm chí bàn tay của cậu ta cũng nhỏ nhắn như con gái, trong tâm cảm thấy nghi hoặc.

Để giải đáp thắc mắc của mình, Nguyễn Chích nghĩ ra một kế. Ông cho tổ chức đấu vật trong toàn quân, lệnh ai cũng phải tham gia.

Chàng thư sinh từ chối nhưng không được, không còn cách nào khác, nên đành thú nhận với Nguyễn Chích rằng mình là gái phải giả trai để có thể tham gia nghĩa quân. Cô tên thật là Nguyễn Thị Bành. Lúc này quân tướng đều thất kinh vì không ngờ rằng chàng thư sinh giỏi võ nghệ ấy lại là con gái.

Nữ tướng lập công giữ vững căn cứ Hoàng Nghiêu

Sau đó Nguyễn Chích và Nguyễn Thị Bành phát hiện ra họ có cùng sở thích chung từ thuở nhỏ là nuôi chim bồ câu. Nguyễn Chích học nuôi chim từ bố của mình, khi nào cũng có một đội quân chim bồ câu nhằm đưa thư. Từ đó hai người cùng học hỏi lẫn nhau, dần dần cảm mến tài đức của nhau. Nguyễn Chích ngỏ lời lấy Nguyễn Thị Bành làm vợ và phong làm phó tướng.

Nữ tướng Nguyễn Thị Bành. (Tranh minh họa sưu tầm)

Trong hàng ngũ quân Minh có Trương Phụ là viên tướng nổi tiếng thiện chiến, là con trưởng của tướng quân Trương Ngọc nổi tiếng bậc nhất thời nhà Minh lúc bấy giờ. Trương Phụ dẫn quân dập tắt được nhiều cuộc khởi nghĩa của người Giao Chỉ.

Trước sự lớn mạnh của quân Hoàng Nghiêu, Trương Phụ tập hợp quân tiến đánh căn cứ của nghĩa quân.

Đứng trên vọng cao, nghĩa quân đã phát hiện ra quân Minh từ rất xa, liền chuẩn bị sẵn sàng nghênh địch, vào các vị trí mai phục chuẩn bị sẵn.

Trương Phụ thấy xung quanh lối vào căn cứ có núi cao hiểm trở, với kinh nghiệm trận mạc của mình, không dám mạo hiểm xông vào, liền cho quân hạ trại như cái bát úp.

Đứng trên vọng cao quan sát, Nguyễn Chích khen Trương Phụ bày binh rất đúng phép tắc, các doanh trại tiền hậu tả hữu đều chỉnh tề tựa vào nhau thành một thế trận liên hoàn rất khó công phá. Trương Phụ ra quân lần này rất thận trọng vả kỹ lưỡng, nhằm quyết san bằng căn cứ nghĩa quân Hoàng Nghiêu.

Không chờ quân Minh tiến đánh, Nguyễn Chích quyết định ra tay trước. Ông nghiên cứu thế trận quân Minh, chọn ra điểm yếu nhất để tiến đánh nhằm tiêu hao địch. Đêm hôm ấy nữ tướng Nguyễn Thị Bành cùng chồng chỉ huy một cánh quân tiến đánh vào trại quân Minh, diệt nhiều địch, đến lúc quân Minh có thể điều quân ứng cứu nhau thì nghĩa quân nhanh chóng thu quân rút đi. Trận đánh khiến quân Minh thiệt hại một phần binh lực.

Phòng thủ chống quân Minh. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Trương Phụ thúc quân tiến đánh vào dãy thành lũy che chắn các cửa núi của nghĩa quân. Nguyễn Thị Bành cùng chồng cho quân ra sau các bờ lũy đất, dựa vào hàng rào tre gai dày đặc, xa thì dùng cung nỏ, gần thì dùng lao giáo, hạ sát quân Minh như ngả rạ.

Quân Minh bị tiêu diệt hết lớp này đến lớp khác, thế nhưng vẫn cậy đông ào ạt tiến lên. Thiệt hại lớn về binh lực khiến Trương Phụ sực tỉnh, nhìn lại thấy thành lũy rất lợi hại, nếu tiếp tục công phá thì chỉ làm mồi dưới làn tên của quân Hoàng Nghiêu, nên hạ lệnh lui quân, không tiến đánh mà vây xung quanh, nhằm cô lập nghĩa quân phía trong, chặn mọi đường tiếp lương.

Thế nhưng Nguyễn Chích đã chu đáo chuẩn bị kho lương có thể dùng một thời gian dài, quân Minh vây một thời gian dài thấy không có kết quả thì rút lui.

Nguyễn Chích cùng nghĩa quân Hoàng Nghiêu. (Tranh từ baobinhphuoc.com.vn)

Từ đấy nghĩa quân Hoàng Nghiêu hoạt động khắp vùng Thanh Hóa rộng lớn đến phá bắc Nghệ An, tiến đánh quân Minh, đánh bắt lương thực trả lại cho dân nghèo, thanh thế rất mạnh.

Có lần tướng Minh là Lương Nhữ Hốt cho quân đến vây nghĩa quân Hoàng Nghiêu trên núi dài ngày, cắt con đường viện binh nhằm khiến Nguyễn Chích phải hàng.

Nguyễn Chích liền tìm cách truyền tin ra ngoài. Trong binh pháp có viết rằng, truyền tin gần dùng trống, truyền tin xa thì đốt phân súc vật bốc lên cao làm tín hiệu. Nguyễn Chích cho quân đốt phân súc vật khói bay cao.

Phó tướng Nguyễn Thị Bành lúc này đang ở quê nhà Vạn Lộc, nhận thấy tín hiệu từ căn cứ Hoàng Nghiêu, đoán rằng nghĩa quân đang bị vây bốn phía, không cách gì thoát ra được.

Nguyễn Thị Bành liền đến các làng xã tập hợp trai tráng cùng dân làng được đội quân khoảng năm, sáu trăm người, mang rất nhiều cờ cùng gươm dao, đến đêm thì tiến vào căn cứ, vừa đi vừa dậm mạnh chân.

Dưới ánh sao đêm, quân Minh quan sát thấy một đội quân cờ xí rợp trời, bước đi dồn dập như chuyển đất, tưởng như có một đại quân đang xông vào, liền cấp báo cho Lương Nhữ Hốt biết.

Lương Nhữ Hốt hoảng sợ, nghĩ rằng có cánh quân khởi nghĩa khác ứng cứu quân Hoàng Nghiêu, phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào thì mình sẽ không thoát được. Liền vội vàng cho quân rút nhanh, quân Minh hoảng sợ, mạnh ai nấy chạy.

Quân Minh hoảng hốt tháo chạy. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Quân Hoàng Nghiêu phối hợp truy đuổi theo khiến quân Minh tử trận rất nhiều. Đến đồn Cổ Vô, nghĩa quân bao vây phá đồn, quân Minh đại bại phải cố sống cố chết chạy về thành Tây Đô.

Nghĩa quân Hoàng Nghiêu chỉ có khoảng một vài nghìn người. Trong khi mỗi lần quân Minh tiến đánh đều sử dụng đội quân lớn mạnh hơn. Phó tướng Nguyễn Thị Bành cho quân kết các hình nhân giả thành đội ngũ, bày binh bố trận để lừa quân Minh.

Một lần quân Minh tiến đánh căn cứ, thấy đội quân đông, không dám chủ quan, không dám xông lên, mà dùng tên nhắm các hình nhân mà bắn, lúc bắn hết tên mới biết là hình nhân giả. Lúc này nghĩa quân mới chia các quân tiến đánh quân Minh, quân Minh không còn tên bắn bị thảm bại, phải rút chạy.

Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, lập công lớn

Qua thời gian, nhiều cuộc khởi nghĩa lần lượt bị quân Minh dập tắt, quân Minh có thời gian tập trung quân tiến đánh nghĩa quân Hoàng Nghiêu, vì thế Nguyễn Chích quyết định gia nhập với nghĩa quân Lam Sơn nhằm tăng thêm sức mạnh.

Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Khi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Chích và Nguyễn Thị Bành mang cả đội quân bồ câu theo nhằm truyền tin.

Có lần nghĩa quân Lam Sơn từ căn cứ đi đánh các nơi, chỉ có vợ chồng Nguyễn Chích, Lê Lợi cùng vài trăm quân túc vệ ở lại thì căn cứ bất ngờ bị quân Minh đánh úp, quyết bắt các đầu lĩnh của nghĩa quân trong căn cứ.

Nguyễn Thị Bành liền dùng bồ câu báo tin cho các nơi, các cánh quân biết tin về căn cứ ứng cứu kịp thời, trong đánh ra, ngoài đánh vào nhờ đó mà đánh lui quân Minh.

Sau trận này, Lê Lợi khen ngợi vợ chồng Nguyễn Chích, tự thân trao thóc tẩm mật cho nữ tướng Nguyễn Thị Bành để cho bồ câu ăn.

Luôn sát cánh bên chồng trong mọi hoàn cảnh

Sau khi chiến thắng quân Minh, Nguyễn Chích được xem là bậc khai quốc công thần, ông được phong là Đình Thượng Hầu. Nguyễn Thị Bành được phong là phu nhân, luôn bên cạnh chia sẻ ủng hộ chồng những lúc khó khăn.

Nữ tướng Nguyễn Thị Bành cùng chồng nuôi đội quân bồ câu đưa thư. (Tranh từ baobinhphuoc.com.vn)

Lê Lợi khi lên ngôi Vua không thể hiện được là bậc minh quân, nhiều bậc công thần không được trọng dụng. Nguyễn Chích cũng nằm trong số đó, ông bị Lê Lợi cách chức, sử không có ghi rõ ông phạm lỗi gì, nhưng các nhà phân tích cho rằng ông bị cách chức do sự nghi ngờ công thần của Lê Lợi. Những lúc như thế bà Nguyễn Thị Bành luôn bên cạnh chia sẻ những buồn vui cùng chồng.

Sau khi Lê Lợi mất, con là Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hoá, trấn thủ Thát Ải. Ông nhiều lần đánh tan quân Chiêm, giúp ổn định vùng biên giới phía Nam.

Dù lịch sử không ghi chép, nhưng những chiến công đánh Chiêm của ông cũng có đóng góp không ít của phu nhân Nguyễn Thị Bành.

Bà cũng được ghi nhận là người hiếm hoi trong lịch sử phải giả trai để đầu quân, dù bị chủ tướng Nguyễn Chích phát hiện, nhưng đó lại là khởi đầu cho một cuộc hôn nhân đẹp.

Trần Hưng

Related posts