Gần đây cư dân mạng liên tiếp nhận được một tin nhắn khiến cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ phải chú ý, nếu không sẽ bị lừa vì bùa ngải và thôi miên. Bản tin nhắn này đã được tung ra khoảng năm 2017, bây giờ lại tới tấp lưu hành, cảnh giác mọi người đừng để người lạ đụng vào mình hay đừng tốt bụng giúp người khác kẻo mang vạ vào thân. Bản tin nhắn đại khái như thế này: “Bùa ngải đang hoành hành khắp nơi tại USA. Xin hãy cẩn thận. Tôi có một người bạn ở San Jose, khi đang sửa soạn rời xe khỏi parking lot của một nhà Bank vào khoảng 10 giờ sáng, thì có một người tới xin giúp chỉ đường để đi tới một địa chỉ…” Tóm tắt là nạn nhân đã bị bùa ngải hay thôi miên mà vào nhà băng lấy tiền ra cho kẻ cắp rồi tỉnh ra ngớ ngẩn không biết mình đã làm gì mà tiền của thì mất sạch.
Chuyện bùa ngải, khó tin, chúng ta có thể nói là đó là điều mê tín dị đoan đi. Nếu lại gần người lạ mà bị chụp thuốc mê để lấy sạch tiền của, luận cứ này hợp lý. Ngoài ra chuyện kẻ gian hỏi thăm đường để đánh lạc hướng rồi móc túi lấy hết tiền của nạn nhân, tệ nạn này xảy ra như cơm bữa ở các nơi đông đúc du khách qua lại ở Âu Châu. Tuy nhiên nếu nói đến việc kẻ cắp dùng thôi miên để điều khiển nạn nhân vào nhà băng lấy một số tiền lớn đưa chúng rồi chúng tẩu thoát, như trong bản tin nhắn này, thì câu chuyện trên cần phải được xét lại.
Theo Wiki, thì thôi miên là một trạng thái giống như mê ngủ mà trong đó bạn đã tập trung mà tập trung cao độ. Thôi miên thường được thực hiện với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu bằng cách sử dụng sự lặp lại bằng lời nói và các hình ảnh tinh thần. Khi bạn bị thôi miên, bạn thường cảm thấy bình tĩnh, thoải mái, và cởi mở hơn với những lời đề nghị. Thôi miên có thể được sử dụng để giúp bạn kiểm soát các hành vi không mong muốn hoặc để giúp bạn đối phó tốt hơn với sự lo lắng hoặc đau đớn. Điều quan trọng cần biết là mặc dù bạn cởi mở hơn với đề xuất trong quá trình thôi miên, bạn không mất kiểm soát hành vi của chính mình.
Thôi miên có một lịch sử lâu đời, được biết đến từ những năm 1700 trở lại đây. Người đầu tiên phát hiện ra thôi miên là Franz Anton Mesmer, một bác sĩ người Áo sống ở thế kỉ 18 đã sử dụng công năng của thôi miên để chữa bệnh. Điều này đã mang lại cho ông nhiều tai tiếng nhưng sau đó người ta vẫn sử dụng cách thôi miên của ông. Thuật ngữ thôi miên (hypnosis) được đặt tên bởi bác sĩ người Scotland, James Braid, ông đã sử dụng từ ngủ trong tiếng Hy lạp để tạo nên thuật ngữ. Braid đã nghĩ có thể sử dụng thôi miên trong phẫu thuật, và ông đã đúng đến tận ngày nay. Nó vẫn được sử dụng bởi nhiều bác sĩ, nha sĩ, nhà tâm lý học. Từ khi nó xuất hiện, thôi miên và những người sử dụng nó là đối tượng cho nhiều nghiên cứu, sự chỉ trích, sự tò mò và huyền bí.
Thuật thôi miên hiện là một phương pháp trị liệu tâm lý trong khoa tâm lý học. Tôi xin mời bạn xem những lý luận và phân tích rất khoa học và sắc bén mà Tiến Sĩ Benjamin Radford đã đưa ra về luận cứ kẻ cắp dùng thôi miên để đánh cắp tiền bạc và tài sản của nạn nhân. Ông là một nhà văn, lý luận, khảo cứu, phê bình nổi tiếng của Hoa Kỳ. Ông điều tra, phân tích, khám phá và làm sáng tỏ những bí ẩn hay các huyền thoại bao quanh những vụ án. Ông có bằng Tiến sĩ tâm lý học và giáo dục. Ông còn là tác giả của nhiều bài báo và các cuốn sách nổi tiếng về tâm lý và khoa học.
Bài viết rất dài nhưng tôi xin tóm tắt như sau:
“Câu hỏi tôi đặt ra là ‘Liệu 1 nhà thôi miên có thể đặt 1 người không tự nguyện vào trạng thái mê đi để đánh cắp tiền bạc của họ hay không?’. Một phụ nữ bên Đức đã báo cảnh sát rằng bà bị thôi miên khi đang ở sân đậu xe của một khu chợ và tỉnh dậy tại nhà bà và mọi thứ tiền bạc, của cải đều mất sạch. Cảnh sát Đức lại điều tra một loạt các tội ác liên quan đến hai bà thầy bói người Nga dùng thôi miên lấy cắp tiền của nạn nhân. Một chuyện nữa là trong bản tin của BBC News năm 2008, “Cảnh sát ở Ý đã đưa ra 1 cảnh quay được, về một người đàn ông bị nghi ngờ là thôi miên nhân viên tính tiền siêu thị, để giao tiền từ máy tính tiền của họ cho hắn ta. Người nhân viên khai, chỉ nhớ là kẻ trộm nghiêng người, và nói: ‘Hãy nhìn vào mắt tôi’, sau đó là ông ta cảm thấy đầu óc trống rỗng.
Có người tin rằng nếu có ai yêu cầu bạn nhìn sâu vào mắt họ, bạn sẽ bị mê đi. Hay khi bạn được bảo hãy nhìn theo một chiếc đồng hồ bỏ túi có giây đang lắc lư và nghe người đó đếm ngược, bạn sẽ rơi vào trạng thái bị thôi miên. Điều này hoàn toàn là tưởng tượng.
Thôi miên đã bị hiểu lầm. Thôi miên là một hiện tượng tâm lý bị hiểu lầm rất nhiều. Phần lớn là do sự miêu tả của nó trong sách vở và phim ảnh đã được phổ biến rộng rãi. Nhiều người tin rằng thôi miên là một cách để truy cập ký ức về các sự kiện đau thương đã bị che giấu hoặc lãng quên. Trong cuốn sách ‘Trí nhớ con người: Giới thiệu về nghiên cứu, dữ liệu và lý thuyết’, Tiến sĩ Ian Neath thuộc Đại học Purdue ghi chú, ‘Phần lớn các nghiên cứu không tìm ra là thôi miên có thể giúp người ta nhớ lại những thông tin mà không thể nhớ lại’.
Thật vậy, quá nguy hiểm khi nghĩ là thôi miên có khả năng gợi nhớ lại ký ức hay những thông tin, điều này có thể sai lầm. Những ký ức sai lầm được khơi gợi bằng thôi miên đã khiến hàng chục người bị buộc tội sai trái về việc trẻ em bị lạm dụng thể xác và tình dục. Một số người thậm chí đã phải ngồi tù nhiều năm và hàng chục năm vì những tội ác mà họ không phạm phải, dựa trên rất ít hoặc không có bằng chứng nào khác ngoài những ký ức có nguồn gốc có được từ sự thôi miên.
Một huyền thoại phổ biến khác về thôi miên là nó có thể khiến ai đó rơi vào trạng thái bất lực hoặc giống như mê đi. Đối với các nhà tâm lý học, tuy nhiên, ý tưởng này không có cơ sở. Nếu có thể chỉ đơn giản là nhìn sâu vào mắt người lạ để tạo ra trạng thái tuân thủ, giống như mê đi, thì nó sẽ xảy ra bất cứ khi nào. Bất cứ ai đã thực hành hoặc có kỹ năng thôi miên, đều có thể dễ dàng thành kẻ gian, bằng cách đi vào ngân hàng, đưa mắt thôi miên vào nhân viên nhà băng và lấy bất cứ thứ gì họ thích.
Nhiều nhà tâm lý học tin rằng thôi miên không phải là một số trạng thái ý thức thay đổi đặc biệt, mà chỉ đơn giản là một hình thức thư giãn sâu sắc. Dưới đây là một số bằng chứng cho thấy thôi miên có thể hữu ích trong việc giải quyết một số vấn đề y tế liên quan đến các hành vi như bỏ thuốc lá hoặc giảm cân. Có thể có một hiệu ứng giống như giả dược ở một người có động lực mạnh mẽ có thể thay đổi được thói quen của họ. Họ lại có thêm động lực từ niềm tin trên thôi miên đang giúp họ. Tuy nhiên, bằng chứng này rất yếu vì những người tìm kiếm thôi miên để được giúp đỡ trên các vấn đề nghiện ngập thì tỷ lệ thành công nếu có là do động lực của chính họ mà thôi.
Không rõ lý do tại sao một người lại tin hay cho rằng họ bị thôi miên trong khi họ không bị. Có thể họ tin như vậy do mất trí nhớ hoặc nhầm lẫn, nhưng không có lý do gì để sợ một kẻ cướp biết thôi miên.”
Đó là những ý chính trong bài phân tích và lý luận của TS Radford về chuyện kẻ cắp dùng thôi miên để đánh cắp tiền bạc, tài sản của nạn nhân. Theo ông, tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Trịnh Thanh Thủy
Orange County,CA