Vụ cướp ở Quán Foghorn

Lúc vụ cướp xảy ra tôi đang ngồi ở đầu cái quầy rượu làm bằng gỗ đào hoa tâm đầy những vết thẹo, nói chuyện với Matt Candiotti, người chủ quán.

Lúc ấy khoảng gần bảy giờ tối vào một ngày giữa tuần, nên một cái quán rượu như thế này ở khu lao động, rất vắng vẻ. Theo thông lệ, thì từ bốn giờ đến khoảng sáu giờ rưỡi chiều, quán đông nghẹt công nhân, thợ thuyền địa phương, nhưng sau giai đoạn đó là lúc mọi người về nhà ăn cơm tối. Những anh thuộc loại ham vui hay ghiền rượu phải chờ cơm tối xong, mãi đến bảy giờ rưỡi hay tám giờ mới lục tục kéo nhau trở lại.

Lúc này trong quán chỉ có hai người khách. Cái máy hát đĩa và cái máy đánh banh đang nằm ngái ngủ im lìm. Cái máy vô tuyến truyền hình đặt đằng sau quầy rượu tuy được bật lên, nhưng âm thanh được vặn xuống thật nhỏ để khỏi làm phiền khách nếu họ muốn chuyện trò. Một ông khách tuổi ngoài năm mươi, tướng tá phục phịch như con voi, đang vừa ngồi tu chai huýt ky Anchor Steam, vừa xem phần cuối của mục tin tức trong nước trên đài NBC. Người khách thứ nhì cũng mập không kém, là một bà tuổi trên bốn mươi thuộc loại thường xuyên có mặt ở tửu quán, ngồi cạnh ly rượu đỏ, đang cố thuyết phục ông khách uống huýt ky, chú ý đến câu chuyện bà ta muốn kể, hơn là nghe anh xướng ngôn viên Tom Brokaw của đài NBC nói bá láp, bá xàm.

Trước mặt tôi là ly bia lấy từ cái vòi bơm bia ra, nhưng đó không phải là lý do tôi có mặt ở đây. Tôi đến đây để hỏi anh chủ quán Candiotti, như tôi đã hỏi khoảng hơn hai chục cơ sở doanh nghiệp khác trong vùng Outer Mission, nằm ở phía đông nam thành phố San Francisco. Tôi muốn tìm hiểu xem anh ta có biết gì về những vụ trộm táo bạo nhắm vào giới doanh thương trong khu vực này không. Hơn sáu tuần lễ rồi mà cảnh sát chưa tìm ra được những manh mối khả dĩ có thể dẫn đến việc giải quyết vấn đề. Chính vì thế mà một số nạn nhân họp nhau lại, đóng góp tiền bạc thuê tôi với hy vọng tôi sẽ tìm ra được tung tích của đám ăn trộm này. Họ chọn tôi vì tôi sinh ra và lớn lên ở Outer Mission. Tôi cũng còn bạn bè và đám bà con xa, đại-bác-bắn-không-tới, vẫn sống ở đây; vả lại sự hiểu biết của tôi về đám dân cư địa phương chắc chắn là phải hữu ích hơn đám thám tử tư từ San Francisco đến.

Nhưng cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa may mắn gì hơn đám nhân viên điều tra của Sở Cảnh Sát San Francisco. Hôm nay tôi nói chuyện với vài thương gia có cơ sở buôn bán trong khu vực, nhưng không có ai cho tôi thêm được chi tiết nào mới lạ cả, và anh chủ quán rượu Candiotti này cũng vậy. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, anh ta đứng cắt chanh ra thành những lát nhỏ. Nhìn bộ mặt dài ngoằng, nhăn nhó như đưa đám của anh, người ta có cảm tưởng như anh ta đang thái hành, và đang cố gắng tránh cho nước mắt khỏi ứa ra. Cái cằm chảy xệ lởm chởm râu bạc của anh ta lắc qua, lắc lại mỗi lần anh ta lắc đầu. Anh ta làm tôi nghĩ đến một con chó già nua, mệt mỏi, thân thiện nhưng buồn thảm, như thể đời đã từng đá những cái đau điếng, nhưng chưa đau đủ khiến anh ta đánh mất đi đức tính tốt của mình. Candiotti uể oải bảo tôi:

‘Muốn giúp anh lắm chứ. Nhưng tôi chẳng nghe ai nói gì cả. Chắc là dân chôm chĩa chuyên nghiệp thuộc vùng Hunters Point hay Fillmore gì đó, phải không?’

Hunters Point và Fillmore là hai khu vực của người da đen thuộc thành phố San Francisco, chi tiết này cho thấy anh ta đã nghĩ bọn ăn trộm có thể từ khu vực vừa kể đến. Tôi bảo:

‘Có người nghĩ ít ra phải có một người ở địa phương chọn điểm cho bọn này ăn hàng.’

‘Ý anh muốn nói đến một tên nằm vùng ở đây hả?’

Tôi gật đầu, cầm ly bia lên uống đánh ực một cái. Candiotti lắc đầu quầy quậy:

‘Không, tôi không tin như vậy. Tổ chức đánh đấm khéo léo như thế bọn này phải hết sức tinh ma. Tụi nó không ngu gì mà “ị” ở ngay chỗ mình đang ăn cả.’

‘Có lẽ vậy. Thế có vụ trộm hay vụ trộm hụt nào xảy ra ở quán này không?’

‘Cho đến nay thì chưa. Tôi cho gắn song sắt ở cửa sổ, bắt hai cái khóa chết vào cánh cửa nhà kho ở cái hẻm đằng sau quán. Ngoài ra, trong quán đâu còn thứ gì khác để cho chúng nó trộm ngoài mấy thùng rượu huýt ky?’

‘Anh không giữ tiền mặt trong quán vào ban đêm à?’

Candiotti lắc đầu, nói:

‘Tôi chỉ giữ năm chục trong máy tính tiền thôi. Tối đa là năm chục. Số tiền còn lại khi quán đóng cửa được đưa ra nhét vào thùng gửi tiền ban đêm tại ngân hàng B ở Mission. Ít nhất bà cụ thân sinh ra tôi không đẻ thằng con nào thuộc loại đần độn cả.’

Anh ta bỏ mấy lát chanh vừa cắt xong vào một cái hộp bằng nhựa, rồi máng con dao vừa dùng xong lên giá, trước khi nói:

‘Tôi có nghe chuyện này. Tôi nghe có một số đồ chôm chĩa xuất hiện ở San Jose. Anh có biết chuyện này không?’

‘Mấy chi tiết đó chẳng đi đến đâu cả. Một tay chuyên buôn đồ cũ tên là Pitman cho biết y có mua vài dụng cụ của một giàn stê-rê-ô lấy trộm tại một hãng nằm trên đường Geneva. Y cho biết đã mua những thứ này của một thằng nào đó tại chợ trời ở San Jose; một tên y không hề quen biết, mà từ trước đến nay cũng chưa từng gặp bao giờ.’

Candiotti hỏi bằng giọng châm biếm:

‘Vậy hả? Thế còn bọn cớm nghĩ sao?’

‘Là tên Pitman kia đã mua những thứ đó từ một tên chuyên oa trữ đồ gian, một tên mối lái’

‘Coi bộ hợp lý đấy. Như vậy đám dân chôm chĩa chắc chắn phải là bọn từ San Jose xuống rồi, đúng không?’

‘Có thể lắm.’

Tôi vừa nói đến đó thì có thằng nhãi bước vào.

Nó bước vào mang theo một luồng ám khí. Tôi ngửi thấy ngay, và Candiotti cũng vậy. Cả hai liếc mắt nhìn ra khi cửa mở, cái kiểu nhìn mà quý vị vẫn thường làm, có nghĩa là chúng tôi không nhìn đi nơi khác một khi mắt đã chạm phải bóng dáng thằng nhãi đó. Nó khoảng trên hai mươi một chút, da đen thui, mặc một cái quần vải kaki, cái áo khoác bằng vải bông, đôi giày mũi nhọn hoắt được đánh xi-ra bóng lộn. Một tay nó thọc vào túi áo khoác, mà tôi biết ngay nó có khẩu súng, trước cả khi nó móc ra “khoe” chúng tôi nữa.

Nó đến gần quầy rượu chỉ cách phía bên trái chỗ tôi ngồi chừng vài thước, tay cầm khẩu súng xỉa xỉa vào khoảng không ở trước mặt. Khẩu súng nó cầm không chặt, cứ ngỏng lên, nghẹo xuống, lắc trái, rồi lắc phải giống như nó có hồn riêng của nó vậy. Sau lưng, tôi nghe tiếng thở hổn hển như lên cơn suyễn của cái ông đang uống huýt ky; và cái bà ngồi ôm ly rượu suốt ngày ở quầy dường như đang cố nén tiếng rên rỉ. Tôi sửa lại thế ngồi trên cái ghế đẩu kê gần quầy rượu, mắt theo dõi khẩu súng và ánh mắt của thằng nhãi đang chuyển từ anh chủ quán Candiotti sang tôi, rồi sang hai người khách kia, rồi lại đi ngược trở lại. Candiotti đứng yên tại vị trí, không nhúc nhích, chỉ đưa mắt nhìn chăm chăm thằng nhãi với vẻ mặt nhăn nhó của một con chó ngửi phải hơi hành.

‘Được rồi, được rồi,’ thằng nhãi nói bằng giọng the thé. Thái độ của nó hết sức vội vã, nóng nảy, hai bên mép nhễu nhão nước bọt. Tuy bị “phê” ma túy, nhưng nó vẫn còn đứng vững được mới là lạ. Không biết nó dùng loại ma túy nào? Đá, cô ken hay thuốc ‘lắc’? Có lẽ là một hỗn hợp của tất cả những thứ vừa kể. Khẩu súng ngắn loại 38 ly, mua đâu cũng có, giá chỉ chừng năm, ba chục đô, được giới anh chị đặt cho cái tên là ‘Saturday Special’, cứ tiếp tục vẫy từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Cái giọng the thé lại rít lên:

‘Nghe kỹ này! Mọi người nghe kỹ này! Tớ không muốn giết ai hết, nhưng nếu cần là tớ làm liền, có tin không?’

Chúng tôi không có ai nói gì cả. Cũng chẳng có ai nhúc nhích.

Thằng nhãi lôi trong túi ra một cái túi xách bằng giấy đã được gấp lại làm hai, rồi dùng cái tay không cầm súng vẩy cho nó thẳng ra, mắt vẫn đảo nhìn chung quanh. Khi nó đứng thẳng người lên, trên trán lấm tấm mồ hôi, hai bên mép nhễu nhão thêm nước bọt. Nó ném cái xách tay bằng giấy lên bàn, bảo Candiotti:

‘Bỏ tiền vào đó, ông Mối. Tất cả tiền trong cái máy tính tiền kia, nhưng đừng bỏ tiền cắc; tớ đéo thích lấy tiền cắc, nghe rõ chưa?’

Candiotti gật đầu, chậm chạp thò tay ra chộp lấy cái xách tay bằng giấy, quay ra phía sau cái quầy rượu, vai co lại, cổ như thụt vào giữa hai vai. Khi anh ta nhấn vào cái nút trên máy tính tiền, tiếng chuông gióng lên báo hiệu cái ngăn kéo đựng tiền được đẩy ra dường như quá lớn làm mọi người giật nẩy mình. Thằng nhãi người da đen nhìn Candiotti kéo mớ giấy bạc ra bỏ vào cái xách tay chừng vài giây, rồi ánh mắt nó và mũi của khẩu súng lại một lần nữa chĩa về hướng tôi đang ngồi. Tôi đã nhiều lần nhìn vào họng súng chĩa về phía mình và cảm giác của tôi lần nào cũng vậy: sợ sệt, tuyệt vọng, thất thế.    

‘Bỏ cái bóp lên quầy đi anh bạn! Bỏ hết tiền bạc ra!’ Rồi cái họng súng và cặp mắt dại đi vì ma túy quét một đường xuống đầu kia của quầy rượu.

‘Ê, hai người ngồi dưới đó… Bố già kia và mẹ bé bự bỏ tiền lên quầy dùm con chút xíu! Bỏ hết ra, lẹ lẹ lên!’

Bọn tôi làm theo lệnh của thằng nhãi. Khi tôi nghiêng người sang một bên, thò tay ra túi sau móc cái bóp ra, tôi tìm cách rút chân phải ra khỏi gầm cái ghế đẩu, và đặt nó lên cái đà gác chân bằng đồng bắt dọc theo quầy rượu, và đè tay phải của tôi lên cạnh của quầy. Nếu cần có hành động bất ngờ, ít ra tôi cũng có được điểm tựa để đẩy người đến trước.

Anh chủ quán Candiotti bỏ tiền vào cái túi xách bằng giấy xong, quay lại. Mặt anh ta xám ngoét – màu xám của sự sợ hãi. Thằng nhãi lại ra lệnh cho anh ta:

‘Gom tiền của mấy đứa này lại, bỏ vào túi xách. Nhanh lên! Nhanh lên!’

Candiotti đi đến đầu kia của quầy rượu, lấy cái bóp của ông uống huýt ky và bà bé bự, rồi quay trở lại. Khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, anh ta nhặt cái bóp của tôi lên, nhét vào cái xách tay bằng giấy, rồi cẩn thận đem cái xách tay đến đặt trước mặt thằng nhãi.

Thằng nhãi da đen gật gù:

‘Được lắm, được lắm!’

Vừa nói, nó vừa liếc nhìn ra sau, về phía cái cửa mở ra ngoài đường, như nghe thấy tiếng động nào đó, nhưng cửa vẫn đóng im lìm, rồi lại vội vã quay nhìn vào trong quán. Hành động sợ sệt, hấp tấp của nó, cộng thêm với những ngón tay ướt đẫm mồ hôi khiến cho khẩu súng chút xíu nữa vuột khỏi tay nó. Lúc nó vụng về, lụp chụp nắm chặt khẩu súng và khẩu súng không bị cướp cò, tôi thở phào nhẹ nhõm qua kẽ răng. Những bắp thịt trên vai và trên cổ của tôi từ nãy đến giờ quá căng thẳng đến độ tôi sợ sẽ bị chuột rút.

Thằng nhãi kéo cái túi xách bằng giấy sát lại chỗ nó đang đứng, nhưng không nhặt nó lên, mà cũng không tỏ vẻ gì là sắp bước ra khỏi quán cả. Thay vào đó, nó nói giọng đắc ý:

‘Nào bây giờ mình chuyển qua tiết mục quan trọng hơn!’

Candiotti định mở miệng nói, nhưng rồi lại ngưng. Cặp mắt của anh ta cũng mở lớn và cũng dại đi như mắt thằng nhãi vậy.

‘Ông Mối, lẹ lên đi chứ! Cái két sắt… cái két sắt trong văn phòng của ông đó. Mình vô đó đi chứ!’

Candiotti nói với giọng thều thào, khàn đặc:

‘Trong két không có tiền, mà cũng chẳng có gì đáng giá cả.’

‘Thôi đi cha! Cha mà cà chớn con bắn bể gáo dừa của cha bây giờ. Đừng có giỡn mặt! Lấy mấy xấp tiền cất trong đó ra đây.’

Nói xong, nó tiến hai bước về phía Candiotti. Khẩu súng nó đang cầm trong tay cứ xỉa xiả vào cái mặt xám ngoét của anh chủ quán. Candiotti lùi lại, hai tay giơ lên trước mặt, cố kềm chế sự sợ hãi, nói:

‘Thôi được. Nhưng tao phải lấy chùm chìa khóa cất trong ngăn kéo máy tính tiền ra cái đã.’

‘Lẹ lên! Lẹ lên!’

Candiotti quay lại cái máy tính tiền, nhấn vào cái nút cho ngăn kéo bật ra, rồi thò tay trái vào sờ soạng, tìm kiếm. Tay phải của anh ta, lợi dụng lúc thằng nhãi không nhìn thấy, mở nắp cái hộp xì gà bằng gỗ lớn để cạnh máy tính tiền. Bàn tay ấy biến mất trong cái hộp gỗ, và khi xuất hiện trở lại, tôi thấy nó có đem theo ánh thép. Khi nhìn thấy, tôi muốn mở miệng hét lên, nhưng lại nghĩ như vậy sẽ không giúp gì được cho tình hình hiện nay cả, mà chỉ tổ làm cho thằng nhãi giật mình, bóp cò hoảng mà thôi. Mà cũng đã muộn rồi, vì Candiotti đã xoay người lại, hai tay nâng khẩu súng đã dấu trong cái hộp xì gà cũ lên. Tôi chỉ kịp nhoài người xuống khỏi cái ghế đẩu, ngã xấp trên cái nền gạch bên cạnh quầy rượu, tai nghe tiếng súng nổ chát chúa gần sát bên mình.

Thằng nhãi vì ở trong tình trạng ‘phê’ ma túy nên không ý thức được những gì xảy ra chung quanh mình cho đến khi đã quá muộn. Phát súng thứ nhất làm nó loạng choạng nghiêng người sang một bên; và một trong ba phát sau đó khiến cho mặt nó chèm nhẹp như một trái dưa hấu bị rơi từ trên cao xuống vỡ toác ra làm đôi. Cái chết đến với nó trước cả khi cái thân thể lều khều ngã bật ra sau, đập vào cái máy bán thuốc lá kê gần cửa ra vào, rồi rớt xuống sàn quán.

Bà bé bự lúc đó tuy đã say, nhưng vẫn rú lên một tiếng rợn người qua cái cổ họng như bị nghẽn vì thiếu không khí. Khi lồm cồm đứng dậy được, tôi thấy cái ông uống huýt ky đang ôm chặt lấy bà bé bự, vừa cố an ủi bà ta, mà cũng vừa tìm cách chặn họng không cho bà ta la lối. Candiotti đứng chết trân, tay thõng xuống hai bên, khẩu súng anh ta vừa dùng để giết người bám hờ hững ở đầu ngón tay trỏ. Anh ta đứng nhìn chằm chặp vào tác phẩm đầy máu me của mình như không tin vào mắt mình, mà cũng không tin vào hành động mình vừa làm.

Khi tôi đi ra cửa tìm cái khóa để khóa cửa lại không cho những người từ ngoài đường bước vào, thì sự căng thẳng trên người tôi cũng giảm xuống. Ngang qua xác chết của thằng nhãi thấy tay nó vẫn nắm chặt khẩu súng ngắn loại rẻ tiền, tôi cúi xuống dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái gỡ súng khỏi tay nó, rồi mở ổ chứa đạn của khẩu súng ra. Ổ đạn có năm viên được nạp sẵn. Tôi bỏ khẩu súng vào túi áo khoác của mình, định khám người thằng nhãi xem có giấy tờ gì không, nhưng lại không làm. Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Và tôi cũng không muốn đụng đến người của nó. Bụng dạ nôn nao, đầu gối tôi yếu hẳn đi. Tôi biết đó là phản ứng tự nhiên khi người ta phải đối diện với nguy hiểm, và việc sờ vào người thằng nhãi có thể làm cho phản ứng này còn tệ hơn nữa.

Để tránh khỏi phải nhìn cái bộ mặt nát bấy như trái dưa hấu bị bẹp, tôi quay lại phía quầy rượu. Anh chủ quán Candiotti vẫn đứng yên tại chỗ. Cái ông uống huýt ky đã dỗ được cho bà bé bự nín và đang dẫn bà ta đến ngồi xuống một trong những cái ghế cạnh dẫy bàn kê gần máy hát đĩa. Bà ta vẫn còn thổn thức: ‘Tôi muốn về nhà. Nếu không tôi sẽ ói mửa ra ở đây.’ Tuy nói thế, nhưng bà ta vẫn ngồi yên một chỗ và cái ông uống huýt ky cũng vậy.

Tôi đến cạnh Candiotti trầm giọng bảo anh ta:

‘Anh đúng là quá điên khùng. Chút xíu nữa hành động của anh có thể làm cho nó bắn chết hết boṇ tôi đây.’

Anh ta nói như một kẻ mất hồn:

‘Tôi biết chứ. Tôi biết chứ.’

‘Thế tại sao anh vẫn làm?’

‘Tôi nghĩ… con mẹ nó, anh có nhìn thấy cái lối nó cầm khẩu súng trong tay vẩy vẩy từ trái sang phải không?’

‘Thấy. Gọi cảnh sát đi! Quay 911 đi!’

‘Ok. 911’

‘Trước tiên, nhờ ông bỏ dùm khẩu súng lên quầy đi đã!’

Anh ta làm theo lời tôi. Sau cái quầy rượu có cái điện thoại, Candiotti lảo đảo đi đến chỗ đặt máy. Khi anh ta đang nói chuyện với tổng đài, tôi nhặt khẩu súng của anh ta lên xem xét. Nó thuộc loại súng ngắn, nòng 32 ly. Tôi cầm nó trong tay cho đến lúc anh chủ quán gọi điện thoại xong, tôi mới bỏ nó xuống quầy. Khi đến chỗ tôi đang đứng, anh ta bảo tôi:

‘Họ nói chừng năm phút nữa sẽ có người đến đây.’

Tôi nhìn chằm chặp vào mặt Caandiotti, hỏi:

‘Anh biết thằng nhóc đó phải không?’

‘Mẹ kiếp, không.’

‘Anh đã gặp nó ở đây hay một nơi nào khác bao giờ chưa?’

‘Chưa.’

‘Thế tại sao nói lại biết chỗ đặt cái két sắt đựng tiền của anh?’

Candiotti chớp mắt:

‘Anh nói sao?’

‘Cái két sắt trong văn phòng của anh? Loại bụi đời như thằng nhãi này làm sao nó biết cái két sắt ở đâu?’

‘Làm sao tôi biết được? Vả lại chuyện đó có dính dáng gì đến chuyện này đâu?’

‘Nó nghĩ dường như anh có nhiều tiền trong két lắm.’

‘Hừ, tôi không bao giờ giữ tiền trong két. Trong đó không có gì cả.’

‘Đúng vậy, anh đã nói với tôi ở đây anh chỉ giữ tối đa năm chục đô thôi. Giữ trong máy tính tiền.’

‘Đúng thế.’

‘Thế thì tại sao anh lại cần cái két sắt? Nếu nó trống rỗng không có cái gì trong đó?’

Anh chủ quán nheo mắt:

‘Trước đây tôi vẫn cất tiền vào két. Nhưng đó là trước khi có mấy vụ trộm cướp kìa, anh hiểu không? Sau này tôi nghĩ an toàn nhất là cứ tối tối đem tiền đến bỏ vào thùng giữ tiền của ngân hàng.’

‘Ừ, cứ tạm cho là như vậy đi. Thế nhưng một thằng nhãi như thằng này muốn tìm một khoản tiền lớn để hút sách cho thỏa mãn, dĩ nhiên nó không chỉ nghĩ đến số tiền cất trong máy tính tiền hay trong bóp của bọn tôi. Không. Chắc chắn nó phải đánh hơi được cái gì to lắm; ít nhất là từ một vài xấp trở lên.’

Candiotti không nói gì cả.

Tôi chăm chú quan sát vẻ mặt của anh ta một hồi rồi mới nói tiếp:

‘Anh biết dùng loại súng 32 ly rất nguy hiểm. Tại sao lúc đầu khi vào máy lấy tiền đưa cho thằng nhỏ, anh không “tung bửu bối” ra ngay? Tại sao anh lại chờ đến khi nó nói đến cái két sắt trong văn phòng của anh, anh mới “độp” nó?’

‘Tôi không thích cử chỉ và thái độ của nó. Thái độ của nó làm tôi tin nó sẽ ra tay bất cứ lúc nào. Tôi cũng tin một khi cơ hội đã đến mình không thể bỏ lỡ được. Mà này, anh bạn muốn gì nhỉ?’

Tôi làm lơ không thèm trả lời câu hỏi của anh ta, tiếp tục nói:

‘Còn cái này mới tức cười nữa. Thằng nhãi gọi anh là “ông Mối”. Một thằng mạt vận như nó nếu không biết anh là ai thì tại sao lại gọi anh là “ông Mối” nhỉ?’

‘Làm sao tôi biết được.’

‘Chỉ có một điểm tôi nghĩ tại sao nó lại gọi anh là “ông Mối” mà thôi.’

‘Ừ. Điểm gì?’

‘Ông Mối là kẻ trung gian đứng ra nhận và tiêu thụ hàng.’

Thái độ của Candiotti hơi lạ lùng. Cái vệt màu xám trên trán anh ta từ từ lan ra khắp mặt như một loại nấm tìm được môi trường để phát triển vậy. Tôi tiếp tục:

‘Nhưng anh biết chuyện đó mà? Trước khi thằng nhãi kia đặt chân vào quán, tôi với anh đang nói về chuyện tên Pitman ở San Jose cho biết y vừa mới mua một giàn stê-rê-ô mới toanh còn nóng hổi từ một tên nào đó. Cái tên mai mối đó có thể mở địa bàn hoạt động ngay tại San Francisco này. Chưa chừng ngay trong khu vực này nữa là khác. Giả sử các món hàng chôm chĩa không bao giờ ra khỏi khu vực này. Giả sử nó được chôm chĩa ngay tại đây, được cất giữ ngay tại đây trước khi được di chuyển đi các thành phố khác – thí dụ một cái kho chứa rượu bia của một quán rượu chẳng hạn. Và số tiền kiếm được, được cất vào két sắt của quán, ai mà tìm ra được, phải không? Cho đến khi một thằng nhãi nghiện ngập đánh hơi thấy và biết được tiền cất ở đâu.’

Candiotti thình lình chộp lấy khẩu 32 ly để trên quầy rượu, lùi lại một bước, rồi chĩa họng súng vào ngực tôi:

‘Thằng khốn nạn này thông minh thật. Tao phải giết mày thôi.’

‘Anh làm thế ngay trước mặt các nhân chứng trong quán à? Và cảnh sát cũng đang trên đường đến đây đấy.’

Mắt Candiotti liếc nhìn hai người khách ngồi gần cái máy hát đĩa. Bà bé bự vẫn đang khóc rấm rức; nhưng ông khách uống húyt ky đang nhìn về phía chúng tôi. Nhìn vẻ mặt của ông ta, tôi biết chắc ông ta đã nghe hết những điều tôi và Candiotti thảo luận với nhau.

Anh chủ quán cất giọng ảm đạm nói:

‘Tao vẫn còn đủ thì giờ để tính mọi việc đâu vào đó.’

Candiotti như đang nói với chính mình chứ không phải với tôi. Tóc trên trán của anh ta ướt đẫm mồ hôi dính bệt vào trán. Khẩu súng trong tay anh ta hơi run rẩy.

‘Tao sẽ nhốt mày với hai con heo kia vào chỗ đặt két sắt.’

Tôi điềm tĩnh nói:

‘Tôi không nghĩ thế đâu.’

‘Mày nghĩ tao sẽ không xài đến súng nữa à?’

‘Tôi biết chắc anh sẽ không có cơ hội dùng đến nó nữa. Lúc anh gọi điện thoại, tôi đã lấy hai viên đạn chưa bắn ra khỏi khẩu súng rồi.’

Nói xong tôi móc túi lấy ra hai viên đạn chìa ra cho anh ta xem. Đồng thời, tay kia tôi thọc vào trong túi áo lấy ra khẩu ‘Saturday Special’ của thằng nhãi nằm chết đứ đừ ở gần cửa, chĩa về phía Candiotti, rồi bảo:

‘Anh nên bỏ khẩu súng xuống. Anh không đi được đến đâu cả ít nhất là vài chục năm nữa.’

Candiotti bỏ rơi khẩu súng nặng nề trên mặt quầy rượu. Khi làm như vậy, mặt anh ta nhăn nhó như một con chó ủ rũ, ảm đạm. Chỉ khác một điều là lần này anh ta không kềm hãm được những giọt nước mắt trào ra ở khóe mắt. Rồi Candiotti ôm mặt khóc như một phụ nữ đang khóc thương cái thân phận đen bạc của mình. Và chỉ một lúc sau tôi nghe thấy tiếng xe cảnh sát đậu lại ở cửa quán.

Nguyên tác: Incident in a neighbourhood tavern (Bill Pronzini)

Người dịch: Nguyễn Thế Minh

Related posts