“Đồng
tính luyến ái” hay “đồng tính” (homosexuality) được
định nghĩa là những ước muốn tình dục hướng tới những người cùng giới tính đồng
thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với những người khác giới. Đây là việc
yêu đương hay quan hệ tình dục (sexual intercourse) giữa người cùng giới tính
với nhau, như giữa nam với nam (“Gay”) và giữa nữ với nữ
(“Lesbian” hay “Les”). Cũng có nhiều trường hợp chữ Gay chỉ
cho cả 2 phái.
“Hôn
nhân đồng giới tính” (same-sex marriage) là sự kết hợp giữa một người
nam với một người nam hoặc giữa một người nữ với một người nữ. Ngày 26 tháng 6
năm 2015 Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã chính thức phán quyết rằng hôn nhân đồng
giới tính là quyền hợp pháp trên toàn nước Mỹ (trong vụ Obergefell v Hodges).
Như vậy tính cho đến thời điểm đó đã có 21 nước trên thế giới có hôn nhân đồng
giới tính được luật pháp quốc gia sở tại công nhận và Hoa Kỳ là nước thứ 21 đã
hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tính.
Có nhiều
giả thuyết nói về nguyên nhân tạo ra đồng tính luyến ái, nhưng yếu tố bẩm sinh
được nhiều người công nhận nhất. Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of
Pedeatrics) khẳng định rằng khuynh hướng tình dục (Sexual orientation) chỉ được
quyết định bởi sự tác động của kiểu Gen và Hoóc-môn (Hormone) ở giai đoạn còn
là bào thai và đang cấu trúc não bộ. Con người không thể chọn lựa giới tính nam
nữ cho mình, cũng không thể chọn và thay đổi khuynh hướng tình dục của mình. Đó
là bẩm sinh. Tất cả các tổ chức y tế kể cả APA, Hiệp hội tâm lý học của Mỹ đều
cho rằng đồng tính không phải là bệnh và đã được đưa ra khỏi danh sách các rối
loạn tâm thần.
Theo Sách
Giáo Lý Công Giáo: “Hôn nhân đã được thiết lập bởi Thiên Chúa, là một sự
kết hiệp trung tín, độc quyền và suốt đời giữa một người nam và một người nữ
được kết hiệp trong một một cộng đoàn mật thiết của đời sống và tình yêu.”
“Bản chất của hôn nhân của loài người vẫn không thay đổi và không thể thay
đổi, Chúa Giêsu Kitô, chúa của tình yêu, đã dạy rõ ràng rằng hôn nhân ngay từ
khởi đầu là sự hợp nhất suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn
bà,” Theo Thánh kinh Cựu ước, việc truyền giống tạo ra kẻ nối dõi là việc
làm có giá trị, cần được đề cao.
Đối với
hàng Phật Tửtại gia, hôn nhân và sinh con được xem là tích cực, nhằm
xây dựng một đời sống hạnh phúc gia đình của đời này và đời sau, nhưng không có
nghĩa là bắt buộc. Đối với hàng Phật tử xuất gia, (Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni) theo
bộ luật Tỳ Kheo thời dâm dục là giới cấm đầu tiên trong bốn giới “Ba La
Di”. Dâm dục được định nghĩa là bất cứ loại hoạt động tình dục nào, cho dù
đó là cùng giới tính hay khác giới tính, kể cả với loài vật. Phật giáo không
lên án hôn nhân đồng tính. Đức Phật, không phê phán hay lên án những người đồng
tính về phương diện đạođức.
Tỉ lệ người hoàn toàn đồng tính luyến ái trong dân chúng chiếm từ trên 1 đến 10%. Đồng tính nam nhiều hơn nữ. Tại Hoa Kỳ 4% tự nhận là đồng tính luyến ái trong cuộc thăm dò nhân dịp bầu cử tổng thống tháng 11-2008 Theo kết quả thăm dò thời 49% người Mỹ xem việc người đồng tính lấy nhau là hợp pháp. Số người chống lại là 44%. Vào tháng 6-2016 theo một thăm dò mới nhất của viện Gallup ước lượng năm này có đến 123,000 đám cưới của người đồng tính thực hiện tại Hoa Kỳ, từ khi Tối Cao Pháp Viện phán quyết hợp thức hóa hình thức hôn nhân này trên toàn quốc.
– Tại Mỹ theo thống kê đã có từ lâu nay, thì cứ hai cặp cưới nhau (hôn nhân truyền thống) thì một cặp tan vỡ! Phải chăng vì thế nên “hôn nhân đồng giới tính” ngày càng phát triển?
Với quân đội Hoa Kỳ: năm 1993, tổng thống Clinton ký ban hành luật gọi tắt là “Don’t Ask, Don’t Tell” (Đừng hỏi. Đừng nói). Luật này chấp thuận cho những người đồng tính luyến ái được gia nhập quân đội và các cấp chỉ huy không được hỏi, không được điều tra về khuynh hướng tình dục của người nạp đơn xin nhập ngũ. Các quân nhân cũng không được phép tuyên bố mình là đồng tính luyến ái. Ai vi phạm luật nầy thì sẽ bị cho giải ngũ.
– Tại Pháp phải kể đến mối tình đồng tính của hai nhà thơ nổi danh là Rimbaud và Verlaine. Xuân Diệu từng đặt bút viết bài thơ “Tình trai” để nói về mối tình đồng tính này:
Tôi nhớ
Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
Những
bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương,
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh,
Nghe hát ân tình giữa gió sương.
Kể chi
chuyện trước với ngày sau;
Quên gió môi son với áo màu;
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.
Verlaine (1844 –1896) là một trong những nhà thơ lớn nhất của Pháp thế kỷ XIX. Verlaine cũng từng vào học luật tại Đại học nhưng một thời gian sau bỏ học. Sau khi chiến tranh Pháp – Phổ xảy ra, Verlainephải vào lính nhưng thường xuyên lẩn tránh nghĩa vụ nên phải bị tống vào trại giam một tuần. Thời gian sau đó là những năm tháng tình ái của ông với nhà thơ trẻ Arthur Rimbaud. Hai người đi sang Bỉ và Anh. Đây là quãng thời gian Verlaine viết những bài thơ hay nhất của mình. Năm 1873 Verlaine cãi nhau với Rimbaud, dùng súng lục bắn vào tay Rimbaud nên bị ở tù hai năm và bị phạt 200 frans.
Trong những ngày tháng ngồi tù, Verlaine đã viết những bài ca không lời với những câu dành tặng Rimbaud như: “Này là trái, là hoa, là cành lá / Là trái tim tôi thổn thức chỉ vì em”.
Năm 1875, khi Verlaine ra tù, hai người bạn còn gặp lại nhau ở Đức nhưng tình cảm của họ đã nguội lạnh, không bao giờ còn hâm nóng lại được như xưa.
Sau khi mãn hạn tù Verlaine bị vợ và gia đình từ chối nên ông sang Anh dạy tiếng Pháp, dạy vẽ và làm gia sư. Ông mất ở Paris.
Là những người sáng tạo của dòng thơ tượng trưng – một trường phái thơ coi trọng hình ảnh và âm thanh hơn là ý nghĩa ngôn từ của câu chữ, Verlaine và Rimbaud để lại những ảnh hưởng lớn lao đến nền thi ca hiện đại thế giới. Tuy cuộc sống riêng tư bị dị nghị nhưng đương thời tài năng thi ca của hai người đã được đông đảo bạn đọc mến mộ và tôn kính. Đám tang của Verlaine đã lấy đi nước mắt của hàng nghìn người hâm mộ, còn Rimbaud được André Breton gọi là “Chúa trời của lứa tuổi hoa niên”. Hai ông đã trở thành bậc tiền bối cho những nhà thơ nổi loạn “thế hệ Beat” như Henry Miller, Jack Kerouac và những nhạc sĩ của dòng nhạc punk rock như Bob Dylan, Jim Morrison và Patti Smith.
– Tại Ireland cũng từng có một cặp “tình trai” nổi tiếng của văn chương thế giới là Oscar Wilde và Alfred Douglas. Oscar Wilde, sinh năm 1854. Năm 1884 lập gia đình và có hai con trai. Năm 1891, Oscar Wilde gặp Alfred Douglas. Hai người yêu nhau đắm đuối và sống cuộc đời buông thả, không giấu giếm quan hệ đồng tính luyến ái của họ. Ở thời Victoria, những mối tình đồng tính được coi là một điều cấm kỵ, thậm chí là một “tội ác”. Chuyện tình cảm của Oscar Wilde và Alfred Douglas đã tốn không ít giấy mực.
Alfred Douglas là nhà thơ, dịch giả người Anh. Những bài thơ thời thanh xuân sôi nổi của Alfred Douglas được gọi là “Uranian Poetry” (thơ tình yêu đồng tính – một thuật ngữ của thơ thế kỷ XIX). Kể cả bài thơ “Two Loves” (Hai tình yêu, 1892) của Alfred Douglas cũng được coi là bài thơ viết về mối “tình trai” này. Cha của Alfred không chấp nhận mối quan hệ này và nhiều lần gây sự với Oscar Wilde, yêu cầu phải tránh xa con trai ông ta.
Quá tức giận vì những chuyện bị xem là đáng xấu hổ của con trai ông bố đã buông lời lăng mạ Oscar Wilde. Oscar Wilde đâm đơn kiện bố của người tình về tội lăng mạ. Ông bố kiện ngược lại Oscar Wilde tội lôi kéo con trai ông vào mối quan hệ “xấu xa”.
Theo đạo
luật chống đồng tính luyến ái năm 1885 dưới thời Victoria, Oscar Wilde bị xử
hai năm lao động khổ sai. Alfred bị gia đình ép sang Italia trong 3 năm. Trong
thời gian thi hành án khổ sai Oscar viết một số thư từ cho người tình. Sau khi
ra tù năm 1897, hai người vẫn lén lút gặp gỡ nhau nhưng do áp lực của gia đình
họ đi sang Napoli, Italia. Một thời gian sau họ chia tay nhau. Oscar Wilde sống
những ngày cuối đời trong cảnh nghèo túng ở Paris và mất năm 1900 vì bệnh viêm
não. Thọ được có 46 năm trời.
– Và sau đây là một chuyện tình giữa hai chàng đực rựa khác: Ricky Martin và Jwan Yosef. Ca sĩ nổi tiếng nhạc Latin Ricky Martin mang đến ngạc nhiên cho tất cả mọi người khi anh tiết lộ vừa làm lễ đính hôn với bạn trai mới. Chuyện tình của họ đã tròn một năm.
Ricky Martin kể: “Jwan Yosef là họa sĩ, còn tôi là người thích sưu tầm tranh. Tôi yêu thích nghệ thuật và tôi nhìn thấy những tác phẩm của anh làm tôi điên dại, tôi thật sự yêu thích những sáng tác của anh. Và tôi tìm đến anh. “Chúng tôi vừa mới đính hôn,” Martin nói. Cả hai cùng đeo nhẫn đính hôn trên tay. “Chúng tôi yêu nhau thật lòng”.
Nam ca sĩ 44 tuổi công khai đồng tính năm 2010. Jwan Yosef là họa sĩ, sinh năm 1984 tại Syria, làm việc tại Anh. Ricky Martin từng có mối tình lâu năm với kiến trúc sư Carlos Gonzalez Abella, nhưng họ chia tay năm 2014.
– Tại Việt Nam nhiều người cho rằng Xuân Diệu và Huy Cận là hai nhà thơ đồng tính luyến ái. Hai người đã từng sống với nhau trong nhiều năm. Suốt đời Xuân Diệu không có vợ, không có con. Ông sống độc thân cho đến lúc mất, vào năm 1985, lúc 69 tuổi.Ở Hà Nội, trong giới quen biết với Xuân Diệu, hình như đã có nhiều người biết chuyện này. Tuy nhiên, ít ai dám công khai nói ra, có lẽ vì sợ cái uy thế của Xuân Diệu và của Huy Cận.
– Tô Hoài trong cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” có đoạn viết về Xuân Diệu như sau: “Hồi kháng chiến chống Pháp, nơi có cơ quan văn nghệ kháng chiến trú đóng, các chàng trai trẻ rất sợ ở tập thể cùng với Xuân Diệu. Ban ngày thì lặng lẽ bình thường, nhưng tối đến thì nháo nhác, bỏ đi ngủ nhờ nơi khác, trống cả cơ quan. Bởi cứ đêm đến Xuân Diệu hay “mò” sang giường họ, để làm… “trò vợ chồng”!
Nhà văn
Tô Hoài từng bị Xuân Diệu “mò” sang ngủ cùng để làm “chuyện
ấy” không chỉ một lần. Hãy nghe ông tả lại một cái đêm mưa gió “ghê
gớm” ấy: “Bàn tay ở đâu rờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay đầy
đặn, ấm ấm. Hai bàn tay đầy đặn xoa lên mặt, lên cổ, rồi xuống dần xuống dần
khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa
đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đương ở đâu,
mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp
đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra dữ
dội dằn ngửa cái xác thịt kia (…) Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình
lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm
giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch…”
Cũng theo
Tô Hoài, thì hồi ấy Xuân Diệu đã từng bị cơ quan kiểm điểm, kết tội là “tư
tưởng tư sản, phải chừa đi”. Xuân Diệu thì chỉ biết ngồi khóc nức nở:
“Tình trai của tôi… tình trai…”. Tô Hoài còn viết rằng: “Ở
đâu Xuân Diệu cũng “đào hoa những mối tình trai”.
– Trong hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” Xuân Diệu đã đề tặng thơ cho nhiều người nhưng ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện là trong 100 bài thơ có cả thảy 21 bài tuy có chua thêm lời tặng, nhưng tất cả đều chỉ dành cho… phái nam mà thôi. Không thấy một cái tên phụ nữ nào.
Có một bài thơ khá đặc biệt đó là bài “Em đi”. Đọc thơ ai cũng tưởng rằng “em” trong bài thơ phải là một người phụ nữ xinh đẹp mà nhà thơ yêu tha thiết. Ai ngờ là Xuân Diệu đề tặng cho nhà thơ Hoàng Cát, một nhà thơ phái nam, khi chia tay để Hoàng Cát vào miền Nam.
…Em đi,
một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa
Nụ cười em nở, tay em vẫy,
Ôi mặt em thương như đóa hoa!…
…Nhưng
bóng em đi đã khuất rồi.
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta
như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời
Sau đó
còn một bài thơ có tiêu đề là “Biển” mô tả tình yêu nồng nàn giữa 2
người (Xuân Diệu và Hoàng Cát), giữa hai hình tượng sóng biển và cát vàng quấn
quýt với nhau.
Hoàng Cát từng xác nhận: “Tôi và anh Xuân Diệu có nhiều điều ‘Sống để dạ, chết mang theo’, nhưng tôi muốn nói với bạn rằng đàn ông yêu nhau là do cấu tạo thể chất chớ bản thân họ không có tội tình gì”. Năm 2013 có nhà báo ghé thăm Hoàng Cát khi ông điều trị tại gia sau 5 đợt xạ trị hóa chất chữa căn bệnh ung thư hạch cổ. Được hỏi về nghi án “tình trai” từng gây chấn động một thời với Xuân Diệu, nhà thơ Hoàng Cát thật lòng chia sẻ: “Lần đầu tôi gặp Xuân Diệu là năm 1958, khi ấy mới 17 tuổi. Lúc ấy đang hớt hơ hớt hải đi tìm trâu lạc thì gặp Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. Anh về thực tế ở trở nên thân thiết. Thực ra, Xuân Diệu có yêu tôi. Tôi biết điều đó, nhưng chỉ thương Xuân Diệu chứ không thể yêu giống kiểu trai gái yêu nhau, hay như một người đồng tính, bởi mình là người bình thường. Nhưng về mặt lý trí và tình cảm thì rất thương Xuân Diệu. Mà thương quá hóa chiều…”
LS. Ngô Tằng Giao