Cũng như hầu hết các tự viện khác, Chùa Pháp Bảo đã bắt đầu với một Niệm Phật Đường để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của làn sóng người tị nạn Việt Nam nhập cư Úc Châu từ thuở ban đầu thập niên 1980. Nhưng Pháp Bảo là một trong rất ít các cơ sở Phật Giáo Việt Nam đã không dừng lại sự phát triển sau khi đã trở thành một ngôi tự viện khang trang, nổi bật với sắc thái kiến trúc thiền viện Việt Nam tại Sydney.
Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Khai Sơn Trụ Trì, đã có tầm nhìn xa và theo đuổi công trình xây dựng một thiền lâm có thể tồn tại hơn nhiều thế kỷ. Từ dự án Tu Viện Đa Bảo ở vùng Blue Mountains NSW, Hòa Thượng cùng chư tôn đức tăng ni và Phật từ Tự Viện Pháp Bảo sau cùng đã chọn được một địa điểm thích hợp (rộng 52 mẫu tương đương với 280 ngàn thước vuông) để Thiền Lâm Pháp Bảo được kiến tạo và bắt đầu sinh hoạt từ 2014 tại vùng đồi núi hùng vĩ Wallacia, Tiểu Bang NSW, cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 50 cây số về phía Tây Nam. Thiền Lâm Pháp Bảo bao gồm Tôn Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá marble trắng với chiều cao 8.2 mét trong tư thế thiền tọa mà công trình xây dựng vừa hoàn tất.
Đại Lễ An Vị Thích Ca Phật Đài lộ thiên đã được cử hành trọng thể tại Thiền Lâm Pháp Bảo vào ngày Thứ Bảy 19.10.2019 trước cử tọa gồm khoảng 60 chư tôn đức Tăng Ni từ các tiểu bang và lãnh thổ, khách mời Úc Việt và rất đông Phật tử và đồng hương người Việt.
Trước Đại Lễ, đã có một thời Thuyết Pháp do Hòa Thượng Thích Minh Hiếu (Chùa Minh Đăng Quang Sydney) trình bày. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức Melbourne, điều hợp chương trình Đại Lễ với Phật tử Thanh Kim phụ tá, trong buổi sáng Mùa Xuân đầy nắng của vùng Nam Bán Cầu.
Thượng Tọa Thích Phổ Huân, Trụ trì Tu Viện Pháp Bảo, đã đọc diễn văn khai mạc: “Sự hiện diện của chư quý liệt vị trong buổi lễ hôm nay, điều này trước tiên cho thấy, sự hòa bình an lạc không có phân biệt, không có ranh giới, và ở đây vượt lên hết thảy văn hóa, kể cả quên đi niềm tin tôn giáo của mỗi sắc tộc. Chúng con, chúng tôi, thiết nghĩ Tôn tượng Phật là một hình ảnh nghệ thuật tuyệt đỉnh, vượt lên niềm xúc cảm bình thường, và vượt khỏi phạm vi của khung ảnh cuộc đời, đó chính là nghệ thuật hòa bình nhân bản, hay nói theo danh từ Phật Giáo là từ bi và trí huệ. Với ý nghĩa đó Tôn Tượng Phật mới hài hòa trong xã hội đa văn hóa nước Úc nói riêng, nhân loại trên thế giới nói chung. Và cũng chính là niềm thao thức ước nguyện của hàng đệ tử xuất gia thế hệ sau tại Pháp Bảo”.
Thượng Tọa Thích Phổ Huân cho biết Tượng Phật với chất liệu đá trắng thiên nhiên, được khai thác tại Nghệ An, tượng nặng khoảng 180 tấn. Đá được di chuyển vào Nam, rồi sau khi tạo thành tượng, lại được di chuyển đến Úc vùng Wallacia này. Rồi phải mất 1 năm trời chờ giấy phép của Hội đồng Thành Phố, tượng mới được thượng đài. Lần này, khó hơn gấp nhiều so với việc di chuyển tượng, giai đoạn câu tượng Phật lên mất 4 ngày trời làm việc. Thượng Tọa nhắc lại và cảm ơn sự tận tâm và khả năng chuyên môn của nghệ nhân địa phương người Úc trong việc hoàn tất Thích Ca Phật Đài.
Thượng Tọa Thích Phổ Huân cũng không quên nhắc đến một cư sĩ, đã đặt hết tâm tư, đóng góp vào Phật sự này, đó là cố cư sĩ Quảng Hạo thân phụ Sư cô Giác Anh, tiếc rằng khi tôn tượng chính thức đến Úc, đến Thiền Lâm an toàn, thì ông mãn phần…
Trong phần Cảm Niệm của một Phật Tử, Luật sư Lưu Tường Quang đã đề cập đến những đóng góp vật thể và phi vật thể rất đáng kể của Tự Viện và Thiền Lâm Pháp Bảo mà Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là Khai Sơn Trụ Trì: “Kể từ khi Hòa Thượng Bảo Lạc từ Nhật Bản đặt chân đến Úc Châu năm 1981, Ngài đã dày công nỗ lực không ngừng trong tiến trình thành lập và phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Nước Úc thanh bình mà hiện nay có một cộng đồng với 300 ngàn người gốc Việt.
“Tự Viện Pháp Bảo, do Hòa Thượng thiết lập và xây dựng từ năm 1981 theo phong cách Thiền, là một trong những ngôi Chùa Việt Nam đầu tiên tại Úc và được coi là một trung tâm Phật Giáo lớn tại Sydney nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của Phật Tử, một cơ sở huấn luyện tăng tài, và đồng thời cũng là một đóng góp vật thể có nhiều ý nghĩa cho đất nước Úc Châu.
“Do nhu cầu Phật sự và theo đuổi đóng góp vật thể ấy, Hòa Thượng Bảo Lạc và chư tôn đức Tự Viện Pháp Bảo đã bắt đầu phát triển Thiền Lâm Pháp Bảo từ năm 2014 và chẳng bao lâu sau, Thiền Lâm nầy trở thành trung tâm hành trì giáo lý của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, với tâm nguyện tiếp tục đóng góp vật thể như một tri ân đất nước Úc Đại Lợi và đóng góp phi vật thể là nguyện cầu cho thế giới hoà bình nhân sinh an lạc.
“Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng Bảo Lạc và Chư Tôn Đức Tự Viện và Thiền Lâm Pháp Bảo – cũng như tất cả chư tôn đức hiện diện hoặc vắng mặt hôm nay – đã làm rạng danh Phật Giáo và dân tộc Việt Nam trên xứ người”.
Diễn giả kế tiếp, Tiến sĩ Hoàng Khôi – Cựu Giáo Sư Cơ Khí – Đại học New South Wales, Sydney, đã có bài nhận định sâu sắc nhan đề “Khoa học Kỹ thuật ngày nay đã khám phá được gì từ Tuệ giác Đạo Phật”.
Tiến sĩ Hoàng Khôi nói: “Cho đến nay, những phát kiến của khoa học phần lớn chỉ để áp dụng vào kỹ thuật mà ít được áp dụng vào đời sống tình cảm và tâm linh hàng ngày để giúp cho con người tạo được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Đây là sự khác biệt giữa kiến thức và tuệ giác, giữa lý trí và giác ngộ.
“Tuy vậy, trong vòng nửa thế kỷ nay, Khoa học Kỹ thuật đã bắt đầu thấy được những điều mà Đức Phật đã giảng dạy từ hơn 2600 năm trước. Một ví dụ là trong ngành Cơ học Lượng tử ngày nay, hiện tượng gọi là “Vướng mắc Lượng tử” (Quantum Entanglement) đã cho khoa học gia một cơ hội để chứng nghiệm một tuệ giác đạo Phật, đó là ta không thể lấy cái này ra khỏi cái kia. Cái này không phải là cái kia nhưng cái này cũng là cái kia. Điển hình là hai mặt của một đồng xu: Không ai có thể lấy Head ra khỏi Tail.
“Trong ngành Y khoa cũng vậy. Người ta tìm thấy rằng Danh không thể tách rời khỏi Sắc, cho nên cách đây hơn 40 năm ngành Y Khoa Thân Tâm đã ra đời, xiểng dương việc trị liệu cả thân lẫn tâm cho bệnh nhân.”
Trong hàng giáo phẩm, Hòa Thượng Thích Quảng Ba. Phó Hội Chủ (kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự, Khai sơn Trụ Trì Tu Viện Vạn Hạnh, Canberra) và cũng là một đồng viện, một Pháp hữu thâm niên nhất trong giữa khoảng hơn 60 chư Tăng Ni hiện diện, đã sơ lược hồi ức đồng cam cộng phúc mà thoắt gần 40 năm qua, Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc đã từng bước cống hiến vào xã hội đa văn hoá Úc những dấu ấn hoằng pháp “đáng nể” và đáng kể của Hòa Thượng Phuơng Trượng Thích Bảo Lạc, nhất là việc hoàn thành ngôi tự viện Pháp Bảo tầm vóc và nay đang nhanh chóng hoàn thành ngôi Thiền Lâm Pháp Bảo giữa núi rừng Wallacia hùng vĩ.
Chương trình được tiếp nối với phần quan trọng là Đạo Từ của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan.
Hòa Thượng Thích Bảo Lạc nhắc lại những lúc lo âu nhưng nhờ Phật độ mà mọi việc được hoàn tất an toàn để Tôn Tượng Đức Phật sẽ tồn tại cả ngàn năm sau: “Trong quá trình xây dựng, chúng tôi nín thở và cầu nguyện đến ba lần. Lần thứ nhất là khi container chuyên chở tượng Phật không đi qua được những cây cầu từ Cảng Sydney đến Thiền Lâm ở vùng Wallacia, vì những container này quá nặng nên xe tải phải đi vòng quanh nhiều ngả đường khác để Tượng Phật về đến nơi an toàn. Nín thở lần thứ hai là khi xe cần cẩu thỉnh Đại Phật an vị lên bảo tòa và lần thứ ba là ngay trong Lễ An Vị hôm nay, vì tấm màn che Tôn Tượng cao hơn 8m phải chịu đựng sức bật của gió ở độ cao như vậy là một điều không dễ, nhưng cuối cùng nhờ Phật gia hộ đã vừa kịp lúc Ban Tổ Chức kéo tấm màn để hiển lộ Phật Đài giữa tiếng Niệm Phật của đại chúng cung nghinh kim thân Đức Thế Tôn. Tất cả đều nhờ vào sự gia bị của Phật Pháp và tấm lòng thành kính của những người con Phật. Rồi đây tất cả chúng ta sẽ ra đi, nhưng Tượng Phật sẽ còn lại cả ngàn năm sau, lưu dấu hình bóng của Phật Pháp tồn tại trên thế gian. Đó cũng là tâm nguyện của những vị tiếp nối mối giềng của Phật Pháp và cũng như của tất cả chúng ta”.
Sau cùng là phát biểu Cảm Tạ của đại diện ban Tổ Chức Đại Lễ, Sư Cô Thích Nữ Giác Anh. Sư Cô Giác Anh bày tỏ tri ân với chư tôn đức, Hòa Thượng Bổn Sư, đồng hương người Việt, đặc biệt là Đạo Tràng Pháp Bảo, những nghệ nhân Úc Châu, và giới chức thẩm quyền hành chánh địa phương.
Sư Cô Giác Anh thay mặt Ban Tổ Chức tri ân đất nước Úc Đại Lợi, đã vị tha cưu mang cộng đồng người Việt nói riêng và các sắc dân cộng đồng khác nói chung, được tự do, sinh hoạt lập nghiệp nơi quốc gia này. Ban Tổ Chức cũng cảm niệm công đức hai nghệ nhân Vũ Văn Tình và Nguyễn Trung Khánh, tại Long Thành, Việt Nam, đã không quản ngại khó khăn ra Bắc vào Nam để mua đá từ quặng mỏ Nghệ An cũng như trải qua thời gian gần 1 năm để đục đá tạc tượng.
Theo Sư Cô Giác Anh, công trình xây dựng tôn tượng và đài Phật đến nay đã được 90 phần trăm, số tịnh tài cúng dường xây dựng Tôn Tượng cho đến bây giờ lên đến 600 ngàn Úc kim, nhưng điều đó vẫn không thể trả được tấm chân tình của mọi người làm việc đã đặt tâm lực, sức lực hoàn thiện trong phận sự của mình.
Chương trình Đại Lễ bắt đầu với phần chào Quốc Kỳ Quốc Ca Úc /Việt, chào Phật Giáo Kỳ và Phút Mặc Niệm rồi kết thúc với nghi lễ Sái Tịnh, nhằm gia trì tịnh hoá tôn tượng Phật và rảy nuớc từ bi đến chúng sinh và môi trường chung quanh.
Pháp sự đã kết thúc viên mãn trong niềm hoan hỷ của chư Tăng Ni và đồng hương Phật tử vì nơi đây sẽ là tĩnh thất tu học gần gũi thiên nhiên, xa mọi thế sự đảo điên của cuộc đời ngoài kia.
Vì nền móng xây Phật Đài không đúc bê tông như thông thường mà 4 khối đá to, vững chắc đã được chôn làm nền cho Phật Đài nên độ bền bĩ chịu đựng của Phật đài và tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca bằng đá thiên nhiên có thể tồn tại đến ngàn năm để các thế hệ mai sau đuợc chiêm bái di tích. Thế nên Vô Thường dù có buớc chân qua với bao lớp sóng phế hưng nhưng “Tượng Phật ngàn năm” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, ghi lại nơi nầy dấu ấn một thời hoằng duơng chánh pháp của Hòa Thượng thi sĩ Sông Thu với hạnh ẩn tu giữa núi rừng Wallacia hùng vĩ.
*Ngọc Hân
(Sydney, 22.10.2019)