Làm cách-mạng

Vào thời phong-kiến xa-xưa, người ta có định-kiến rằng người lãnh-đạo một đất nước là người được xem như có “chân-mạng đế-vương”, được trời cao chọn sẵn cho ngồi trên ngai vàng để làm vua. Như vậy, vua được giao cho “thiên-mệnh” nắm quyền cai-quản một lãnh-thổ nào đó và có quyền-hạn bao-la trên bàn-dân bá-tánh trong phạm-vi giang-sơn này. Vì mọi người đều tin rằng ông vua này là con của trời, là thiên-tử, được trời cho cai-trị thiên-hạ nên tuyệt-đại đa-số dân tình cứ răm-rắp tuân-phục vì ai-ai cũng không dám trái mệnh trời. Cũng đồng thời, nếu một khi có ai đó vì muốn giành quyền tranh lợi mà lật đổ ngôi-vị vua, thì bị xem như kẻ phản-loạn, kẻ làm chuyện đại-nghịch bất-đạo vì không thuận theo thiên-ý. Rồi chẳng những ngay đương thời đã không được lòng dân, mà mãi về sau còn bị sử-sách gán cho tội danh là soán-vị. Lịch-sử nước ta có Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung… đã bị ở trong cách nhìn này.

Song rất may vì cũng còn có ngoại-lệ. Đó là trong trường-hợp vua là hôn-quân, là bạo-chúa hoặc bất-tài, để đất nước lâm cảnh cùng đường mạt-vận, nhân-tâm đồ-thán thì lại cần phải phế bỏ ngôi vua, thay đổi triều-chính để thay vào đó là một minh-quân có thể đảm-đang một triều-đại mới tốt đẹp hơn. Và trong bối-cảnh đặc-biệt như thế, việc phế bỏ một ông vua, thay đổi một triều-đại lại được công-nhận là cách-mạng. Theo hướng nhìn này thì phải hiểu cách là thay đổi hoặc tước bỏ đi không dùng nữa; mệnh hay mạng là số trời định sẵn…Theo nghĩa này, cách-mạng là thay đổi mạng trời của một người hay một tập-đoàn lãnh-đạo một nước khi không chu-toàn “thiên-mệnh”. Là việc cần-thiết phải thay đổi nếu chế-độ không đem lại cho đất nước và dân-sinh cuộc sống tốt đẹp.

Dần dà về sau, ý nghĩa hai chữ “cách-mạng” được dùng chung-chung hơn, đơn-giản hơn như một sự cải-cách, đổi thay nào đó như cách-mạng quốc-gia, cách-mạng văn-hoá dân-tộc, cách-mạng xã-hội, cách-mạng bản-thân, cách-mạng tư-tưởng.v.v… Còn trong lãnh-vực chính-trị thì hai chữ “cách mạng” bị lạm-dụng để chỉ chung về việc dùng vũ-lực chiếm chính-quyền; lật đổ người lãnh-đạo cũ và thay đổi guồng máy cai-trị đang có theo chủ-trương khác, mà không nhất thiết phải là tốt hơn hay giá-trị hơn.

Lịch-sử thế-giới đã có một số những cuộc cách-mạng lừng danh được nhắc đến như những biến-cố trọng-đại mà ảnh-hưởng của nó không chỉ thu gọn nơi đất nước đã xẩy ra nhưng cũng còn là một khúc rẽ, một bước chuyển mình chung cho một vùng hay một tiếng dội vang đến khắp nơi trên thế-giới. Chẳng hạn người ta biết nhiều và hay nhắc đến cuộc cách-mạng năm 1789 ở Pháp, cuộc cách-mạng Tân-hợi năm 1911 ở Trung-hoa hay cuộc cách-mạng tháng Mười năm 1917 lật đổ chế-độ Nga-hoàng.

Ở Việt-Nam, chữ cách-mạng chỉ được bắt đầu dùng nhiều từ đầu thế-kỷ 20 với cao-trào tranh-thủ độc-lập phát khởi. Người ta biết đến những nhóm này, tổ-chức khác quy-tụ những nhà cách-mạng ái-quốc chân-chính để mưu sự chống Pháp song chỉ với danh xưng là những đảng phái chính-trị như Việt-Nam Quốc-dân Đảng hay những phong-trào yêu nước như Phong-trào Duy-tân, Phong-trào Đông-du…

 Tuy nhiên, cho dù con người có vì tham-vọng mà cưỡng-từ đoạt-lý đến đâu chăng nữa thì hai chữ “cách mạng” đúng nghĩa phải được nhìn theo khía-cạnh đẹp của vấn-đề là cách-mạng đi đôi với tình-cảm lãng-mạn. Bởi vì bất cứ cá-nhân, tập-thể hay tổ-chức nào khi muốn làm một cuộc thay đổi đúng nghĩa “cách-mạng” đều mang trong tâm-hồn đầy tràn tình-cảm vị-tha; đều nhắm vào một viễn-ảnh tươi đẹp cho đời, cho người, cho giang-sơn tổ-quốc… Nghĩa là vì người hơn là vì mình.

Nhìn lại, ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng-sản Việt-Nam trước sau đều chỉ là những người được phong-trào cộng-sản quốc-tế đào-tạo cho cái “nghề’ chuyên-môn làm cách mạng (révolutionnaires professionnels) với đủ loại thủ-đoạn đã thành bài-bản. Những bài-bản của họ đem thực-hành ở đâu cũng là cốt làm sao cướp cho được chính-quyền để áp-đặt chính-sách độc-tài toàn trị. Những người Cộng-sản Việt-Nam đã rập theo khuôn mẫu này để đặt cùm gông và xiềng xích cho cho dân-tộc Việt-Nam. Sau đó đã tự phong cho việc làm ấy là công cuộc cách-mạng và gần như muốn giữ độc-quyền hai chữ cách-mạng bằng cách đồng-hóa nghĩa này với những kiểu nói vô bằng như đạo-đức cách-mạng, tình-cảm cách-mạng và đặt ra tội-danh “chống phá cách-mạng” gán cho bất cứ ai không theo mình.

Cách đây 56 năm, tại Miền Nam Việt-Nam, một cuộc bạo-loạn chính-trị đã xảy ra ngày 01-11-1963 do Hoa-kỳ từ bên ngoài đứng chủ-đạo trực-tiếp qua Đại-sứ Henry Cabot Lodge, phối-hợp với một số nhân-sự trong nước cấu-kết nhau tiến-hành một cuộc chính-biến, thảm-sát Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và làm sụp đổ hoàn-toàn nền Đệ Nhất Cộng-hoà. Đây là một biến-cố lịch-sử vì những hệ-quả của nó mang tính lịch-sử, tạo hệ-lụy cho cả Miền Nam lẫn toàn cuộc đất nước khi đang ở vào thế tương-tranh mất còn với Cộng-sản.

Những người đứng nhận việc thi-hành cuộc chính-biến này theo sách-lược của Hoa-kỳ, cũng đã một thời tự xướng danh bằng tên gọi Cách-mạng 01-11-1963, cho dù chẳng làm nên được sự gì tốt đẹp đúng nghĩa thay đổi, mà còn tạo ra một cơn khủng-hoảng dai-dẳng với các biến-động chính-trị liên-tục và cho dù mang tên là đảo-chính hay chỉnh-lý thì cũng chỉ là do phe-phái triệt-hạ nhau.

Nếu so-sánh các giai-đoạn từ 1945 tới 1975, thì phải nhận rằng trong chín năm lãnh-đạo, cho dù bị mai-phục bởi đủ cả thù trong giặc ngoài nhưng cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và chính-quyền Đệ Nhất Cộng Hoà đã đưa Miền Nam Việt-Nam đi vào một thời-kỳ thịnh-vượng đáng kể. Đặc biệt là ngăn chặn được làn sóng xâm-lăng của cộng sản Miền Bắc. Sau cuộc bạo-loạn này, nhà cầm quyền Hà-nội đã leo thang chiến-tranh xâm chiếm Miền Nam

Hậu-quả trước mắt của cơn biến-loạn 01-11-1963 là đưa Miền Nam vào tình-trạng không còn được ngày nào ổn-định. Từ 1964-1967 đã có bốn chính quyền. Chính sự xáo trộn này tạo rất nhiều thuận lợi cho Việt-cộng bành-trướng ảnh-hưởng về quân-sự và dễ dàng hơn trên lộ-trình tiến chiếm Miền Nam. Chẳng thế mà như Nguyễn Hữu Thọ trong thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã xác-nhận: “Sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi…”

Ngày 01-11 năm nay 2019, người viết nhắc đến câu nói của Nguyễn Hữu Thọ để củng-cố thêm một điều là cuộc bạo-loạn cách đây 56 năm không phải là món quà trời ban cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của ông này, mà vô-hình-trung là một thứ “hiến lễ” của những người thực-hiện lúc đó tiến dâng cho nhà cầm quyền cộng-sản, như bước mở đường cho cộng-sản dễ-dàng thôn-tính Miền Nam.

Bởi vì, cho dù đã hơn nửa thế-kỷ qua đi, bản-thân người viết vẫn còn nhớ từng nét về một Sài-gòn hỗn-loạn của những ngày sau cơn chính-biến với từng sự việc đầy bạo-lực và khủng-bố. Nơi này, một căn nhà bị mang danh là của phe đảng Cần-lao đang bị nhóm người mang gậy-gộc kéo đến đập phá. Góc phố kia một chiếc xe hơi bị đốt cháy vì chủ xe bị quy cho là tay sai Diệm Nhu. Ở đoạn đường khác lại có cảnh xe đang chạy thì bị chặn lại, đuổi người ra và đốt xe… Người đi đường chỉ dám liếc nhanh rồi tìm cách tránh xa… Nỗi sợ hãi này có lẽ cũng căng-thẳng không kém cảnh sau ngày 30-4-1975, các nhóm người cũng mang danh là “cách mạng”, hung-hăng mang khẩu súng AK và thắt ở cánh tay dải vải đỏ để đi lục xét nhà này nhà khác…

Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và hai ông Ngô-Đình Nhu, Ngô-Đình Cẩn cho dù đã bị sát-hại thật oan-khiên thì người viết tin rằng các ông đã thanh-thản trong cõi thiên-thu và công-luận đang công-bằng ghi nhận công-nghiệp của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và nền Đệ-nhất Cộng-hoà để luận chính tà. Và vấn-đề của những người còn lại là có cần chăng một chút hồi-tâm mà sám-hối… như hai Tổng-thống Lyndon Johnson và Nixon đã thẳng-thắn nhận ra cái sai của Hoa-kỳ trong chính-sách liên-đới với Việt-Nam Cộng-hoà vào giai-đoạn Tổng-thống Ngô-Đình Diệm tại-vị.

Ông Lyndon Johnson đã thú nhận: “Tôi nghĩ chúng ta đã lầm khi không ủng-hộ ông Ngô-Đình Diệm và tôi tin rằng việc sát-hại ông Ngô-Đình Diệm đã tạo thêm nhiều vấn-đề hơn là giải-quyết chúng”.

 Ông Nixon thì nhận-định: “Tổng-thống Diệm ổn-định Việt-Nam, ví như viên Đá Đỉnh Vòm giữ vòm nhà đứng vững…. Chỉ khi nào đá đỉnh vòm được lấy đi, người ta mới thấy là nó quan-trọng. Thì cũng y hệt như vậy, chỉ khi Ông Ngô-Đình Diệm chết rồi, toàn thể hệ-thống chính-trị Miền Nam Việt-Nam sụp-đổ tan-tành, người ta mới nhận rõ vai trò sinh-tử của ông ta”.

Thời-gian vẫn là yếu-tố cần thiết đang tiếp-tục giúp lịch-sử trả lời.

Phạm Minh-Tâm

Melbourne 23/10/2019

Related posts