Hợi là một ông sếp lão làng.
Ông tốt nghiệp tấm bằng chính quy thuộc viện đại học quốc gia chứ không phải văn bằng hàm thụ, tại chức… hay mua ngoài thị trường lậu, giống như mới đây, một bà trưởng phòng bị phát giác chỉ học hết cấp II, đã mượn bằng tốt nghiệp của người chị để nhanh chóng trèo cao, tiến sâu trên con đường hoạn lộ. Cũng không phải bằng chuyên tu, bằng đại học từ xa hay một trường đại học vớ vẩn ở xó kẹt nào.
Thăng tiến theo thâm niên. Theo thông lệ, cứ ba năm mới được tăng lương một lần. Nhưng ông là nhóm trưởng, tổ trưởng, mỗi lần định kỳ xét thi đua, ông được ưu tiên chiến sĩ thi đua, mấy cái danh hiệu lèng xèng khác: tiên tiến, xuất sắc… phân ra cho người khác. Nhờ mấy cái danh hiệu đó, cộng thêm bao đồng, ông kiêm nhiệm luôn công việc của công đoàn chuyên đi thăm người bệnh, bao luôn phong trào thể dục thể thao lăng xăng mặc dù chẳng biết chơi môn thể thao nào, cũng chẳng tập thể dục, cứ nhìn cái bụng bia tròn vo của ông là rõ. Thế nên chẳng những mau tăng lương, đồng thời cũng được cộng thêm sự tín nhiệm để thăng cấp.
Thế là sau thời gian làm việc gần bốn mươi năm, cứ thế ông bước từng bước một vững chắc lên chức vụ lãnh đạo.
Từ nhân viên văn phòng quèn của một sở, ông được đề bạt làm trưởng phòng của một công ty nhánh trực thuộc sở. Lên làm phó phòng của sở, xuống làm trưởng phân xưởng sản xuất, lên làm chánh thanh tra của sở, xuống làm giám đốc công ty con, và cuối cùng là phó giám đốc sở.
Trải qua nhiều đời giám đốc, ăn cơm sở mòn răng nên ông quen thân tất tần tật anh em trong hệ thống sở tức là gồm sở, các công ty nhánh trực thuộc sở, các địa phương mà sở phải liên hệ để làm việc.
Mối quan hệ hữu hảo mở rộng thật là vui.
Dầu sao thì cũng đến lúc phải về hưu. Vài nơi đối với người giỏi, hoặc ở môi trường giáo dục, nghệ thuật… có thể mời ở lại làm thêm một thời gian hoặc các công ty tư nhân mời chào cộng tác lấy kinh nghiệm, quan hệ xã hội rộng rãi làm tư vấn, nhưng ông chỉ là một công chức chung chung, không có khả năng nào nổi bật, chỉ là sống lâu lên lão làng. Vì thế đúng hạn là phải nghỉ.
Buộc phải nghỉ nhưng dù sao ông cũng là chức phó của một sở nên đâu có đơn giản nghỉ không kèn không trống như đám tép riu được.
Ông sinh vào tháng Mười, nghĩa là hết tháng Mười này, ông rời nhiệm sở.
Trước đó hai tháng, cả hệ thống sở đã “lên kế hoạch” tiễn sếp về hưu.
Mọi người điện thoại báo cho nhau biết để “xếp lịch” khỏi sợ trùng. Nào là nhóm, nào là nhánh, nào là cá nhân đều có chương trình riêng đặc biệt cho việc chia tay.
Thứ Ba này là phòng Kế hoạch của xí nghiệp Xuất khẩu, ngày mốt thuộc về anh A. giám đốc công ty sản xuất, thứ Sáu là của phân xưởng… Tuần sau tới phiên hai huyện ngoại thành và công ty khách hàng… Lẽ ra khách hàng thì liên quan gì nhưng khách hàng lâu năm còn giao du dài dài với sở, mọi chuyện muốn dễ dàng thì tốt hơn hết nên bày tỏ… thành ý!
Mỗi lần đãi đằng một chỗ khác nhau để anh… khỏi nhàm chán.
Hôm nay món Ta mai món Tàu, buffet, món nướng hay món lẩu… Nhân tiện sẵn xe cơ quan mấy anh em rủ nhau đi xa xa đổi gió luôn. Hỏi thăm ở Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương… chỗ nào có đặc sản. Cá chìa vôi ở quán Tư Tàu Nhà Bè, bò tơ Tây Ninh, lẩu tôm 5 Ri Biên Hòa…. Bây giờ hết cầy rồi. Thật ra nhiều người cũng thích nhậu thịt cầy, chỉ hiềm món này toàn có mặt ở những quán có vẻ ngoài bình dân, bàn thấp, nhìn hơi tối tối, hơi… lam lũ. Coi không… sang, không xứng đáng cho một buổi tiệc chia tay sếp chức sắc đầy lưu luyến. Với lại mấy quán này toàn uống bia hoặc rượu đế làm gì có rượu tây thiệt giá vài triệu mỗi chai. Ngay cả nếu thích rượu ta cũng phải đến quán cá sấu, đà điểu… chứ không thể vào chỗ lem nhem được.
Đàn ông vào quán xá, nhà hàng càng đông càng vui chứ đâu có song ẩm hai người buồn chết. Vì thế mỗi lần đi như vậy kéo hàng hai, ba chiếc ô tô đủ mặt bộ sậu nhậu tới bến. Chi phí đa số đã có quỹ chung xuất ra nên ai nấy đều hỉ hả gia nhập cuộc vui. Chứ nếu móc túi riêng thì khó tụ tập đông đảo như vậy lắm.
Ngoài việc ăn uống còn quà cáp hậu hĩnh nữa. Thông thường bày tỏ tấm lòng nhưng đừng xa xí quá, đâu còn tại chức mà mai mốt nhờ vả, chỉ là cái áo sơ mi hàng hiệu, bộ ly tách, chai rượu tây, hòn đá phong thủy… Mấy năm nay đá phong thủy đang lên phong trào. Chưng đá phong thủy trong nhà hay bàn làm việc trong sở làm hợp mạng số sẽ mau chóng thăng quan tiến chức. Hoặc gọn nhẹ, tiện dụng nhất bao giờ cũng là phong bì chứ quà cáp nhiều khi không hợp ý cũng phí phạm.
Công việc của Sở cũng bị dao động chút xíu, vì phải làm vội vàng cho xong còn đi liên hoan nữa chứ.
Nói nhỏ chút xíu cũng có người thấp cổ bé như anh văn thư, chị thủ quỹ, chú tài xế… mặt hơi nhăn nhó vì phải… đóng góp vào tiết mục quà cáp!!!
Mà không phải nội bộ của sở vui thôi mà bạn bè hàng xóm cũng có mặt vui lây. Bởi vì mỗi lần được mời đi liên hoan thì sếp lại sực nhớ ra: “Mày mời thêm ông A bên Thuế nữa nha”, “Hôm bữa, cô B bên Ủy ban nhắn khi nào liên hoan thì kêu cổ qua chung vui”… Hôm trước sở người ta có việc mời mình thì bây giờ mình có chuyện vui, chia tay ăn uống tưng bừng là chuyện vui cứ đâu phải chuyện buồn, thì cũng phải mời người ta chia sẻ chứ.
Ôi, niềm vui bất tận, hết tăng một ăn, qua tăng hai uống, tăng ba hát hò…
Sang đầu tháng Mười Một, tưởng chừng cuối năm bận bịu lo tổng kết một năm làm việc, nhưng không phải, có bận bịu thiệt nhưng bận việc khác. Phòng Tài vụ hối hả điện thoại cho phòng Nhân sự:
-Mai bên tôi mời chia tay sếp đó, còn phòng ông bữa nào?
-Ủa, tôi tưởng hôm trước làm rồi?
-Bữa đó mới là tiệc mừng sinh nhật thôi, còn bây giờ mới thật sự là tiệc chia tay về hưu.
Thâm tình quá nên những bữa tiệc trong tháng Chín là tiệc vui mừng sinh nhật, còn qua tháng Mười mới là tiệc “buồn” lưu luyến chia tay.
Thế là lại tiệc của phòng Hành chánh, tiệc của bà quản đốc phân xưởng, tiệc của công đoàn Chi cục… Cứ thế mà tiệc đi tiệc lại mãi không dứt. Tiệc to hay nhỏ còn tùy thuộc vào thành phần mời. Tiệc chia tay của Phòng Hành Chánh bao gồm cả lao công, tài xế… nên tiệc… mọn thôi. Còn tiệc của các phòng, của các công ty nhánh đượng nhiên to hơn. Tiệc to ở nhà hàng sang nên không phải ai cũng tham dự được. Chỉ có “chức sắc” tức là trưởng phòng, phó phòng…. đi thôi, chứ cắc ké kỳ nhông có mặt đầy đủ thì tiền đâu chi cho nổi.
Ăn nhậu, quà cáp, vui chơi chưa phải là hết.
Xem còn loại quà nào, vét luôn thể.
Có một cuôc họp toàn quốc được tổ chức ở một tỉnh vùng Tây bắc nhằm phổ biến kinh nghiệm “xóa đói giảm nghèo cho dân cư thành thị”.
Ông Giám đốc lệnh cho phòng Nhân sự:
-Làm công văn để tên anh Hợi đi họp.
Ông Nhân sự ngạc nhiên:
-Anh Hợi về hưu rồi. Ảnh họp xong rồi về thẳng nhà chứ đâu có vào sở để phổ biến công việc. Mấy tháng trước có thư mời đi dự hội thảo “xử lý chất thải” ở Hà Lan, bên phòng Môi trường đã chuẩn bị chọn người đi họp để sang năm truyền kinh nghiệm cho các nơi. Cuối cùng giám đốc lại duyệt cho anh Hợi. Đi họp như thế chẳng khác gì đi du lịch chứ cần học hỏi kinh nghiệm làm gì.
Ông Giám đốc khoát tay:
-Thôi, thôi, đừng bàn nữa. Các cuộc hội thảo tổ chức ở miền núi là ý cho các tỉnh phía Nam có cớ biết đèo Mã Pí Lèng, đồi chè Mộc Châu, ruộng bậc thang Tà Xùa… Ngược lại hội thảo tổ chức miền Nam nhằm giới thiệu cảnh đẹp, đặc sản miền Nam cho các đại biểu phía bắc thưởng thức. Để anh Hợi có dịp đi chơi dối già miễn phí cho vui. Chứ mai mốt về hưu muốn đi chơi lại phải mua tour tốn tiền!
Công việc thì chỉ cần đọc tài liệu rồi hỏi thêm kinh nghiệm mấy tỉnh lân cận là xong thôi. Chẳng có gì quan trọng. Anh Hợi chỉ còn dịp này thôi, nhân viên trong sở thì còn nhiều dịp khác. Sang năm có mấy chuyến đi Ấn Độ, Nhật Bản các trưởng và phó phòng chia nhau chia nhau. Còn đi mấy tỉnh gần gần nhàm chán thì phân cho đám thanh niên mới vào sở.
Vét tới vét lui, vét đi vẫn còn vét lại.
Bà Kế toán trưởng nói nhỏ với ông Công đoàn:
-Mặc dù ông Hợi nghỉ hưu từ tháng Mười nhưng trên giấy tờ, Giám đốc nói tôi vẫn làm bảng lương cho ông phó lãnh lương đến hết tháng Mười Hai. Như vậy nhằm ông phó lãnh thêm phần chia từ “quỹ khen thưởng” của quý 4 trong năm, chia quỹ cuối năm và cả phần tiền tết Tây.
Tết Ta vào tháng Một của năm mới nên không chia chác gì được. Nhưng chắc chắn cũng phải có ít quà tết để tỏ tấm lòng thơm thảo.
Thế nhưng rất lạ ở chỗ ăn uống quà cáp chia tay một cách huy hoàng bịn rịn. Nhưng khi món quà cuối cùng kết thúc là lúc không ai còn muốn nhìn mặt ông nữa. Ở nhà cũng buồn không biết làm gì. Đôi khi ông muốn vào sở gặp mặt anh em lai rai cà phê, cà pháo, ăn trưa như xưa thì người ta có ý tránh mặt, tránh cả một câu chào xã giao. Các câu chuyện bỗng nhiên gượng gạo nhạt phèo hết biết nói gì. Cũng chẳng thấy ai cần hỏi han kinh nghiệm của ông.
Sếp về hưu là vậy.
Sài gòn Cô nương