Lời Tòa Soạn: Sau đây là bài nói chuyện của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út của nhà văn Nhất Linh trong buổi Ra Mắt cuốn sách “Tự Lực Văn Đoàn và các Cây Bút Hậu Duệ” tổ chức vào ngày 9 tháng 11 năm vừa qua tại thành phố San Jose, California, Hòa Kỳ.
Kính thưa quý vị,
Cách đây khoảng mấy tuần lễ tôi nhận được một cú điện thoại của anh Nguyễn Hùng Tâm, trưởng nam của ông Nguyễn Hùng Trương, tức ông chủ nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn trước năm 1975. Anh Tâm mời tôi xuống San José nói chuyện trong buổi Ra Mắt Sách này, cuốn sách “Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút Hậu Duệ” mà anh là người đứng ra tổ chức và bảo trợ. Tôi toan từ chối vì với tuổi xấp xỉ 80 tôi rất ngại phải đi xa, nhưng tôi nghĩ đến cái công của ông Khai Trí đối với văn học miền Nam Việt Nam, tôi nhận lời.
Tôi có một mối giao tình đặc biệt với ông Khai Trí, thân phụ của anh Tâm. Trước khi thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, qua đời năm 1963, ông cụ có ủy thác cho tôi trông nom hai nhà xuất bản Đời Nay và Phượng Giang và quyết định xuất bản những tác phẩm của ông cụ. Với ủy thác ấy tôi đã liên lạc với ông giám đốc nhà sách Khai Trí để phối hợp việc tái bản không những sách của ông cụ tôi mà là sách của những tác giả khác trong Tự Lực Văn Đoàn. Nhu cầu tái bản sách TLVĐ rất cao vì TLVĐ nằm trong giáo trình giảng dậy môn Việt văn bậc trung học, nên tôi liên lạc với ông Khai Trí hầu như thường xuyên và kéo dài suốt 10 năm cho đến tận ngày Cộng sản cưỡng chế miền Nam.
Trước khi nói về một vài kỷ niệm vui vui của tôi với ông Khai Trí tôi cũng xin phép được thay mặt tất cả quý vị có mặt ở đây để ngỏ lời tri ân ông Khai Trí. Trong suốt 20 năm giữa hai cuộc di cư 1954 và di tản 1975 trong khi nền văn học miền Bắc chỉ là một con số không to tướng thì ở miền Nam tự do chúng ta được thừa hưởng một nền văn học mà theo thiển ý của tôi, rực rỡ và đa dạng không thua gì thời đại Tự Lực Văn Đoàn vào thập niên 1930. Trong sự nở rực của 20 năm văn học miền Nam VN ông Khai Trí, trong vai trò hỗ trợ và phổ biến những công trình văn hoá, đã đóng góp một phần không nhỏ.
Trong suốt 10 năm liên lạc với ông Khai Trí tôi có khá nhiều kỷ niệm với ông. Nhưng kỷ niệm tôi ghi nhớ nhất là hôm ông tiết lộ với tôi điều bí mật này: nhà sách Khai Trí số 62 đường Lê Lợi còn là địa điểm hẹn hò của không biết bao nhiêu những cặp trai gái yêu nhau vào những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước.
Nếu trong số các quý vị ở đây đã có ai một thời dùng nhà sách này làm chỗ hẹn hò và đã đinh ninh đó là nơi không bị ai chú ý thì quý vị có thể lầm to. Ông Khai Trí có lần tâm sự với tôi: “Một trong những tiêu khiển rất thú vị và thâm trầm của ông là ông đã dùng khá nhiều thì giờ đứng quan sát gian hàng sách đông đảo của ông, không phải để rình bắt những tay ăn trộm sách, mà là để phát hiện những cặp tình nhân kín đáo dùng nhà sách của ông làm chỗ hẹn hò”.
Kính thưa quý vị,
Đối với những quý vị ở trong hạn tuổi từ 70 cho đến 90 và đã từng ở Sài Gòn trong thời niên thiếu thì có lẽ kỷ niệm êm đẹp nhất trong đời là những buổi chiều cuối tuần đi bát phố Sài Gòn, bên cạnh người yêu nữa thì lại càng tuyệt, chúng ta thả bộ trên đường Lê Lợi, ghé thăm nhà sách Khai Trí, ăn kem ở quán Mai Hương, uống cà phê ở La Pagode rồi thả mình trong máy lạnh của những rạp xi nê Rex, Eden hay Vĩnh Lợi.
Hôm nay, trong không khí hồi tưởng đầy hoa mộng ấy, tôi xin kể với quý vị một câu chuyện tình. Một chuyện tình của thế hệ trước, thế hệ tiền bối. Đó là chuyện tình của thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh. Không phải là chuyện tình trong tiểu thuyết của Nhất Linh như Dũng và Loan trong Đôi Bạn, Trương và Thu trong Bướm Trắng, Siêu và Mùi trong Xóm Cầu Mới hay Thanh và Ngọc trong Dòng Sông Thanh Thủy. Mà là chuyện tình có thực của Nhất Linh với một người đàn bà mà ông rất yêu quý, người đàn bà ấy ngẫu nhiên lại là mẹ của chúng tôi.
Tại sao tôi lại kể chuyện tình giữa bố mẹ tôi?
Chắc có người nghĩ làm gì có tình yêu trong hôn nhân ở thế hệ tiền bối của chúng ta. Và nếu có, chắc cũng chẳng có gì hay ho để kể lại. Với quan niệm thông thường của xã hội ta thời đó thì thân phận của bà Nhất Linh chẳng qua cũng chỉ như thân phận “nuôi một đàn con với một chồng” của bà Tú Xương mà thôi.
Nhưng thật sự khác hẳn. Trước hết ta hãy xem giây phút trước khi nhắm mắt Nhất Linh đã để lại những lời chăng chối gì với người bạn đời của ông:
Mình,
Mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi không mong mong ước gì hơn nữa.
Anh,
Nhất Linh 7-7-1963.
Hai mươi chữ này mới đích thực là những dòng chữ viết sau cùng của nhà văn Nhất Linh trước khi lìa đời, chứ không phải là bẩy mươi mốt chữ trong bản di ngôn chính trị nổi tiếng của ông: “Đời tôi để lịch sử xử”.
Trong lời vĩnh biệt Nhất Linh dùng chữ “Mình” để xưng hô với vợ. Chữ “mình” mang nhiều ý nghĩa. Mình có thể là “em”, mình cũng có thể là “anh”, mình cũng có thể là “chúng ta”. Mình bao hàm ý nghĩa vợ chồng “đôi ta là một”. Và trong bao nhiêu năm “đôi ta” ấy đã gắn bó nhau bằng một “mối tình”, một mối tình “đẹp đẽ” đến độ “không còn mong ước gì hơn nữa”.
Nhất Linh có nói quá không khi ông viết những lời sau cùng này?
Tôi tin rằng ông đã không nói quá. Tôi tin là ông thành thật. Tôi tin thế bởi vì ông quan niệm tình yêu hôn nhân khác với đa số chúng ta. Nó cao hơn quan niệm thông thường. Quan niệm mà theo tôi gần với câu sau đây của nhà văn Pháp Saint-Exupéry: “yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng”.
Cha mẹ tôi lấy nhau năm 1925. Trước khi lấy nhau cậu trai 19 tuổi giao ước ngay với cô gái 18 tuổi: “Mỗi người có một bổn phận: anh có bổn phận đối với xã hội, em có bổn phận đối với gia đình”. Tôi chưa thấy một cặp vợ chồng nào mà sự giao ước ban đầu lại được lại được cả đôi bên tôn trọng lâu dài như thế. Suốt cuộc đời tôi chứng kiến cảnh cha mẹ tôi sống xa nhau. Cha tôi hầu như lúc nào cũng sống xa gia đình, ông lo chuyện xã hội, chuyện văn hoá, chuyện đất nước. Ông sống bôn ba nhiều năm bên Trung Hoa. Mẹ tôi một mình gánh trách nhiệm gia đình, bà buôn cau, lấy tiền nuôi đàn con gần 10 đứa. Không bao giờ tôi nghe mẹ tôi than vãn về chuyện cha tôi thường xuyên vắng mặt, nếu có ai hỏi, mẹ tôi chỉ nhẹ nhàng nói: “anh ấy tuổi con ngựa, không thể ngồi yên một chỗ được”. Cũng vì thường xuyên phải sống xa nhau nên những thời gian hiếm hoi được sống chung cả hai đã tạo cho nhau những ngày chung sống trở thành môt chuỗi “những ngày diễm ảo”.
Vừa lấy nhau, tuần trăng mật chưa hết mặn nồng, mẹ tôi đã chịu cảnh chia ly đầu tiên: cha tôi, cậu thanh niên 20 tuổi, khích động trước cái chết năm 1926 của nhà ái quốc Phan Chu Trinh, tháng 3 năm ấy ông bỏ trường Mỹ Thuật, từ Hà Nội đáp xe lửa vào Sài Gòn, tham dự đám tang nhà cách mạng. Trên chuyến xe lửa xuyên việt, khi ngang đèo Hải Vân ông làm bài thơ sau đây tặng cô vợ mới cưới:
Đèo Hải Vân mây trời man mác
Bến Lăng Cô bãi cát trắng phau
Buồm ai thấp thoáng về đâu
Phiêu lưu hồ hải thêm sầu lòng ai?
(Nhất Linh, 3/1926)
Vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh chàng trai Nguyễn Tường Tam bị Pháp lùng bắt, ông trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường du học. Năm sau 1927 ông Đi Tây.
Trong thập niên 1930, Nhất Linh ra báo Phong Hóa & Ngày Nay, thành lập Tự Lực Văn Đoàn và sáng tác rất mạnh. Ông hoàn thành gần 10 tác phẩm. Trong thập niên đó bà Nhất Linh cũng sinh gần 10 người con. Mẹ tôi nói đùa: “Cứ mỗi lần mẹ thai nghén một đứa con thì bố cũng thai nghén một tác phẩm”. Rồi mẹ tôi nói thêm: “Mỗi lần bố viết xong và xuất bản một cuốn tiểu thuyết, cũng như sau khi mẹ sinh đẻ một đứa con, thì dù mẹ có bận rộn buôn bán đến đâu đi nữa bố cũng buộc mẹ phải bỏ hết để sống với nhau riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn”. Như vậy thì nội trong thập niên 1930 bố mẹ tôi đã có với nhau gần 10 cái “honeymoon”.
Trong thập niên 1940 con người nghệ sĩ Nhất Linh nhường bước cho người chiến sĩ Nguyễn Tường Tam. Dũng, nhân vật tiểu thuyết trong Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt lôi phăng tác gỉa Nhất Linh đi làm cách mạng! Nhất Linh lập đảng chống Pháp, chống Cộng, lập chiến khu, tham gia chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, rồi bôn ba sang Trung Quốc. Trong suối 10 năm con người cách mạng không sáng tác một cuốn tiểu thuyết nào. Người bạn đời của ông cũng ngừng sinh đẻ. Thảo nào sinh năm 1940, tôi là đứa con út trong nhà.
Trong thập niên 1950, từ Trung Hoa về nước năm 1951, Nhất Linh theo lời khuyên nhủ của vợ, tuyên bố không làm chính trị. Ông trở lại đời văn sĩ. Từ Hà Nội ông vào Sài Gòn năm 1952, kéo theo người con út là tôi đi theo ông, năm sau ông lên Đà Lạt sinh sống, cũng lại kéo tôi đi theo nữa. Nhất Linh tương đối sống an bình trên Đà Lạt. Ông chơi lan, thổi hắc tiêu, mua đất ở Fim Nôm, lập nhà bên bờ suối Đa Mê. Chúng tôi giữ rất nhiều hình ảnh của ông trong thời gian này, trong đó có bức hình chụp bố mẹ tôi tươi cười bên dòng suối Đa Mê, mẹ tôi nằm trên võng, bố tôi đứng bên. Tôi rất quý bức ảnh này vì nó là bức duy nhất tôi thấy Nhất Linh cười. Trong bao nhiêu năm tôi tự hỏi tại sao tất cả những bức hình tôi giữ Nhất Linh đều có gương mặt trầm lắng, khắc khổ, chỉ trừ mỗi bức ảnh này là cười tươi. Mãi gần đây tôi mới hiểu lý do vì sao.
Mấy tháng trước một nhà báo ở Việt Nam, anh Nguyễn Vĩnh Nguyên, gửi tặng tôi một quyển sách do anh viết nhan đề “Đà Lạt, một thời hương xa”. Cuốn sách dành hẳn một chương “Tiếng hắc tiêu trên đồi thông” nói về ông cụ tôi trong thời gian ông sống ở Đà Lạt với khá nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá. Trong số đó có bức ảnh với lời chú thích: “Ông bà Tam tại suối Đa Mê. Ảnh: Vũ Hà Tuệ sưu tầm”. Bức ảnh chụp bố mẹ tôi bên chiếc võng, tương tự như bức ảnh tôi có, nhưng đặc biệt là ghi thêm hàng chữ viết tay của bố tôi: “Thân tặng anh chị Gioãn. Bên giòng Đa Mê. Kỷ niệm Lễ Vàng 32 năm. Nhất Linh”. Tôi thắc mắc: Không biết Lễ Vàng là gì? Bức ảnh chụp năm 1957. Tôi làm con tính: 1957-32 = 1925. Đúng boong! Năm 1925 là năm bố mẹ tôi lấy nhau. Hoá ra ngày chụp ảnh cũng là ngày kỷ niệm 32 năm “wedding anniversary” của bố mẹ tôi. Thảo nào mà cả hai bức hình trông ông bà tươi rói. Hôm đó bố tôi mời mẹ tôi và các bạn bè (trong số có bác Lê Đình Gioãn, người bạn thân của ông cụ) từ Sài Gòn lên Fim Nôm để ăn mừng “ngày kỷ niệm cưới” trong rừng, bên dòng suối thơ mộng.
Tôi đã tưởng sự khám phá bức ảnh này chấm dứt cuộc hành trình 60 năm đi tìm Nhất Linh của tôi. Nhưng không. Chỉ mới cách đây 55 ngày, một ngạc nhiên khác xẩy đến cho tôi. Cũng trong buổi Ra Mắt cuốn sách “TLVĐ và các cây bút hậu duệ” tổ chức tại trường Đại Học UC-Long Beach, Nam California, ngày 15 tháng 9 năm 2019 vừa qua, một thiếu nữ tôi không quen biết tiến lại gần tôi và trao cho tôi một món quà bất ngờ. Cô ta nói: “Thưa Bác, cháu giữ trong tay tài liệu này cũng khá lâu nhưng không dám gửi bác vì sợ thất lạc. Hôm nay nghe nói bác nói chuyện trong buổi Ra Mắt Sách này, cháu tới đây với mục đích trao tận tay món quà này cho bác”. Món quà là một bài thơ viết tay của chính Nhất Linh. Bài thơ nhan đề “Buồm giục viễn du” viết trên một tờ giấy pelure mỏng mà thời gian đã ngả sang màu vàng úa. Cuối bài thơ, trên chữ ký Nhất Linh, có ghi thời gian và địa điểm sáng tác: Trên bãi biển, cuối Thu 1940.
Tôi sinh ngày 23 tháng 10 năm 1940. Như vậy tuổi của bài thơ ngang với tuổi đời của tôi, xấp xỉ 80. Tôi nhớ tới lời của mẹ tôi: “Mỗi lần bố viết xong và xuất bản một cuốn tiểu thuyết, cũng như sau khi mẹ sinh đẻ một đứa con, thì dù mẹ có bận rộn buôn bán đến đâu đi nữa bố cũng buộc mẹ phải bỏ hết để sống với nhau riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn”. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài thơ này bố tôi làm ở Sầm Sơn, ngay sau khi tôi sinh ra đời.
Nhìn tờ giấy với bài thơ đã úa màu thời gian tôi cảm động và bâng khuâng.
Bây giờ tôi có thể yên tâm khép lại cuộc hành trình của tôi đi tìm Nhất Linh. Vì tôi đã tìm ra lời giải đáp tôi đặt ra cho chính mình: Nhất Linh đã thật sự nghĩ gì trong giây phút cuối cùng trước khi ông nhắm mắt?
Ông đã nghĩ đến mẹ tôi, đến bao kỷ niệm êm đềm chung sống giữa hai người, ông đã nghĩ đến “mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không mong mong ước gì hơn nữa..”.
Xin cám ơn quý vị và xin kính chào quý vị.
Nguyễn Tường Thiết