Hệ thống toà án tại Úc
Theo Hiến Pháp Úc, các tòa án độc lập với các cơ quan của chính phủ. Do đó, các nhân viên tư pháp có thể hoạt động mà không phải chịu các ảnh hưởng từ chính trị. Tuy nhiên Hiến Pháp chỉ tạo ra Tòa Án Tối Cao Úc (Hight Court), và cho phép Nghị Viện quyền thành lập các tòa án liên bang, các tòa án tiểu bang và lãnh thổ.
Tòa án tối cao là tòa án cấp cao nhất ở Úc. Toà có quyền nghe tất cả các vấn đề liên quan đến Hiến Pháp, các vụ kiện liên quan đến luật pháp quốc tế và tất cả các kháng cáo từ các tòa án cấp dưới. Toà án liên bang bao gồm: Toà Án Liên Bang (Federal Court of Australia), Toà Án Gia Đình (Family Court of Australia) và Toà Án Liên Bang chuyên xử các vụ việc đơn giản hơn (Federal Circuit Court of Australia).
Mỗi toà án liên bang sẽ chịu trách nhiệm xử lý một số các vấn đề khác nhau. Hệ thống phân cấp của các tòa án ở mỗi tiểu bang và lãnh thổ khác nhau, nhưng đều có cấu trúc tương tự. Cấu trúc này bao gồm một tòa án đứng đầu, các tòa án cấp trung và thấp hơn. Chẳng hạn, ở New South Wales, toà án cấp cao nhất là Toà Thượng Thẩm NSW (Supreme Court of NSW), kế đến là Toà Án Quận (District Court), và cuối cùng là Toà Án Địa Phương (Local Court). Bên cạnh, một số toà án được thành lập để nghe các vụ án về chuyên môn và kỹ thuật như Toà Án Đất và Môi Trường (Land and Environment Court), Toà Án Trẻ Em (Children’s Court), vv.
Tất cả các vụ án hình sự và hơn 90 phần trăm các vụ án dân sự bắt đầu tại Tòa án địa phương. Tòa án địa phương có thể giải quyết các khiếu nại dân sự lên tới $100.000 đô la, và hầu hết các vấn đề hình sự bao gồm các tội đơn giản đến nghiêm trọng. Thông thường các vi phạm nghiêm trọng hơn được chuyển đến Tòa Án Quận hoặc Toà Thượng Thẩm sau phiên điều trần đầu tiên tại Tòa Án Địa Phương. Bài viết này sẽ tập trung vào các thông tin cần biết khi phải ra Toà Án Địa Phuơng.
Các dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí
Nếu có được sự giúp đỡ từ các luật sư riêng, họ có thể đại diện cho bạn và hướng dẫn các thủ tục cần thiết tại toà. Tuy nhiên, mỗi luật sư sẽ có mức lệ phí khác nhau. Nếu không có khả năng tài chánh để sử dụng các dịch vụ pháp lý tư nhân thì tất cả mọi người đều có quyền tự giải quyết và tranh luận cho mình tại toà. Trước khi quyết định có tự đại diện cho chính mình hay không, hãy tìm sự tư vấn pháp lý về trường hợp của bạn qua một số dịch vụ miễn phí của chính phủ, hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của luật sư riêng về thông tin trong lần gặp đầu tiên, đó là cách bạn tự giúp mình.
• Law Access NSW là một dịch vụ điện thoại miễn phí của chính phủ cung cấp thông tin pháp lý, giới thiệu và cho lời khuyên về pháp lý trong một số trường hợp ở New South Wales. Bạn có thể liên lạc qua số 1300 888 529.
• Legal Aid NSW cũng là nơi cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí về hầu hết các vấn đề, cho một số người đủ điều kiện, thường là người với thu nhập thấp. Để liên hệ với Legal Aid NSW, hãy gọi cho văn phòng gần nhất để đặt hẹn qua số 9727 3777 (Fairfield), 9707 4555(Bankstown), 9601 1200 (Liverpool), 9891 1600 (Parramatta). Trợ giúp pháp lý sẽ không được chấp thuận nếu bạn nộp đơn xin trợ giúp dưới 14 ngày trước ngày điều trần. Do đó bạn nên liên lạc tìm kiếm sự trợ giúp trong thời gian sớm nhất có thể.
• Nhân viên tại tòa án địa phương có thể cung cấp thông tin miễn phí về cách hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, họ không thể cho bạn lời khuyên pháp lý hoặc cho bạn biết cách kiện tụng và họ không thể đại diện cho bạn tại tòa.
Nếu có trở ngại về ngôn ngữ, bạn có thể gọi số thông dịch miễn phí qua số 131450
Những điều cần biết khi ra toà địa phương
Hầu hết các tòa án bắt đầu lúc 9g30 sáng. Bạn cần kiểm tra giấy tờ xem giờ chính xác và nên đến trước khi tòa án bắt đầu. Quan toà sẽ cố gắng cho các vụ án được xét xử càng sớm càng tốt. Nhưng nếu tòa án bận rộn, sẽ có sự chậm trễ, và bạn có thể phải chờ đợi cả ngày. Bạn cần tìm hiểu xem vụ án của mình được nghe trong phòng xử nào. Danh sách thường được hiển thị trong phòng giải lao hoặc gần lối vào tòa án. Nếu bạn không thể tìm thấy tên của mình thì hãy nhờ nhân viên tòa án hỗ trợ. Một nhân viên tòa án sẽ gọi tên bạn khi vụ án đã sẵn sàng được nghe. Nếu cần đi ra ngoài, bạn phải nói với nhân viên tòa án vì có thể họ sẽ bỏ lỡ tên của bạn trong lúc vắng mặt.
Khi bắt đầu phiên toà, thẩm phán sẽ hỏi bạn về tên, luật sư đại diện nếu có, và bạn đã sẵng sàng để trình bày vụ án hay chưa. Thẩm phán hỏi câu hỏi này để xem liệu bạn có cần hoãn lại vì một lý do thích hợp, ví dụ để được tư vấn pháp lý. Bạn thường sẽ được chấp nhận một lần hoãn nếu bạn yêu cầu.
Nếu không nhận tội (hình sự)
Trong hầu hết các trường hợp nếu bạn không nhận tội, thẩm phán sẽ ra lệnh cho bên khởi tố gởi bản ‘tóm tắt bằng chứng’ đến bạn hoặc luật sư. Bản tóm tắt bao gồm các bằng chứng cảnh sát sẽ dựa vào để khởi tố. Bạn sẽ được hẹn ngày trở lại tòa án sau khi xem bản tóm tắt và vẫn không nhận tội. Trong những tội danh không nghiêm trọng như là phạm luật giao thông, bạn sẽ không được nhận bản tóm tắt, và một vài trường hợp đặc biệt như bạo hành gia đình. Nếu bạn, hoặc bất kỳ nhân chứng nào cần một thông dịch viên, bạn nên nói với tòa án.
Vào ngày ra toà, cảnh sát sẽ trình bày trường hợp của họ trước. Họ sẽ gọi nhân chứng, ví dụ như cảnh sát phụ trách vụ án (đôi khi còn được gọi là ‘OIC’) và bất kỳ nhân chứng nào khác. Sau khi mỗi nhân chứng, bạn hoặc luật sư có quyền kiểm tra chéo (cross-examination) tức đặt các câu hỏi về bằng chứng đã nêu ra hoặc về các vấn đề khác liên quan đến vụ việc. Sau khi công tố viên đã gọi tất cả các nhân chứng của họ, bạn có quyền đưa ra bằng chứng và gọi nhân chứng của bạn. Thông thường, bản thân bạn (tức bị cáo) sẽ là nhân chứng bào chữa đầu tiên. Công tố viên, sau đó được quyền kiểm tra chéo bằng chứng của bạn. Mỗi nhân chứng phải đợi bên ngoài phòng xử án cho đến khi đến lượt họ đưa ra bằng chứng.
Sau khi tất cả các nhân chứng đã đưa ra bằng chứng, công tố viên sẽ đệ trình lên thẩm phán về lý do tại sao bạn nên bị kết tội. Sau đó bạn có cơ hội nói với tòa án lý do tại sao bạn nên không có tội dựa trên các bằng chứng đã trình bày.
Nếu nhận tội (hình sự)
Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn nhận tội, Tờ Thông Tin Cảnh Sát (Police Facts Sheet), là phiên bản các sự kiện của bên cảnh sát sẽ được Thẩm Phán đọc. Nếu bạn đồng ý việc phạm tội nhưng không đồng ý với một số điều được nói trong Tờ Thông Tin, bạn nên yêu cầu nói chuyện với công tố viên. Nếu hai bên có thể đồng ý với một số thay đổi nhỏ toà sẽ tuyên án. Nếu không thể đạt được thỏa thuận với công tố viên, có thể sẽ có thêm một phiên điều trần về các phần của sự kiện mà bạn không đồng ý. Cũng như các phiên điều trần khác, cả hai bên đều gọi nhân chứng để Thẩm Phán có thể nghe bằng chứng trước khi quyết định. Bạn có thể phản đối bất kỳ bằng chứng nào được đưa ra tòa án nếu tạo ra sự không công bằng, nhưng bạn phải giải thích lý do.
Bạn hoặc luật sư của bạn sau đó sẽ đưa ra lời giải thích và lý do tại sao hành vi phạm tội xảy ra. Chẳng hạn như một số thông tin tốt về lý lịch bản thân, tình hình tài chính và hoàn cảnh hiện tại. Điều đặc biệt quan trọng là lời xin lỗi và thông tin về bất kỳ sự phục hồi nào bạn đã thực hiện trong thời gian phán xét, ví dụ như tham gia các tư vấn về ma túy, hoặc tham gia các chương trình giáo dục bạo lực gia đình, vv. Nếu có thể, hãy mang theo thư chứng minh từ các nhân viên tư vấn hoặc điều phối viên chương trình và bất kỳ tài liệu y tế nào về sức khỏe chung của bạn (bao gồm cả sức khỏe tâm thần).
Thẩm phán sau đó sẽ xem xét hình phạt. Hình phạt bao gồm kết tội mà không bị kết án hình sự, kết án với tiền phạt, án lệnh dịch vụ cộng đồng, án treo, lệnh cải chính, giam giữ tại nhà hoặc bắt giam vào tù.
Nếu bạn không đồng ý về quyết định của thẩm phán, bạn có thể kháng cáo trong 28 ngày. Bạn có thể gia hạn đến 90 ngày trong một vài trường hợp với sự chấp thuận của toà án quận.
Kate Hoang