Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt sinh thời đôi khi nhắc tới tên một người bạn thân là họa sĩ Hoài Nam. Ông nhờ nếu tôi có qua quận 8 ngang Viện Dưỡng lão thì ghé vào đó gặp họa sĩ nói cho ông gửi lời hỏi thăm.
Họa sĩ Hoài Nam từng ở nhà ông Kiệt thời gian dài nên rất thân thiết, ở cùng nhà, ăn cùng mâm, hợp tính tình vì cùng là dân của giới giang hồ phiêu lãng. Ông họa sĩ còn đứng chủ hôn cho một cô con gái của ông Kiệt.
Hơn thế nữa, hai người cùng ghi danh khóa 1 trường Quốc Gia âm nhạc. Khóa đầu tiên còn ít sinh viên. Trong số đó có người vẫn tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc, trở thành người đứng lớp tại chính ngôi trường mình học hành. Có người rẽ qua những con đường khác, đều rất nổi tiếng, ngay cả thể dục thể thao. Riêng ông Trần Tuấn Kiệt mặc dù học ở trường Nhạc thời gian dài và cùng lúc đi sâu về võ thuật, học võ và dạy võ, nhưng lại sớm ngả sang thế giới thi ca.
Ông Hoài Nam học trường Mỹ thuật thực hành từ năm 1947, đến năm 1954, khi các trường ở miền Bắc theo làn sóng di cư vào Nam, ông tiếp tục vào trường Cao đẳng Mỹ thuật cùng lúc với trường Quốc Gia Âm Nhạc học tiêu, sáo, đàn tranh, đàn nguyệt, thụ giáo tỳ bà Nguyễn Hữu Ba, kiêm cả Bắc…
Tuy nhiên ông không theo đuổi việc học đến lúc lấy bằng mà bỏ ngang. Bằng cấp đối với ông có gì quan trọng.
Duyên đưa đẩy khiến ở trường Mỹ thuật, ông học chung với cháu kịch sĩ Năm Châu, chơi thân với con ông Năm Châu và thế là sau đó, ông nghiễm nhiên gia nhập đoàn kịch Năm Châu để vẽ phông sân khấu cho đoàn này.
Kịch Năm Châu chỉ diễn ở Saigon, ông Hoài Nam lại không thể trói chân làm một họa sĩ đóng cửa phòng kín mít, ngồi hoài một chỗ để đối diện với khung tranh trước mặt miệt mài vẽ. Vì thế ông quyết định nhảy qua bên cải lương để có thể theo các đoàn hát đi lưu diễn khắp nơi thỏa chí lang bạt. Các gánh cải lương ăn khách mấy cũng không thể dừng chân lâu một chỗ mà luôn phải di chuyển khắp nơi, từ thành phố đến tỉnh, quận, xuống thôn quê… Lúc đó chưa có Net nên khan giả vẫn kéo nhau đến rạp xem hát đông đúc. Cải lương sống được nhờ chịu khó đi lưu diễn.
Bấy giờ giới sân khấu có ba họa sĩ qua trường lớp bài bản là ông Siêu, ông Quyền và ông Hoài Nam. Sân khấu cũ rất đơn giản, chỉ cần bốn loại phông cho cảnh giàu, nghèo, cung vua và rừng rú là đáp ứng cho đủ mọi tình huống của kịch bản. Họa sĩ Hoài Nam là người đầu tiên đã phá lệ cũ, tạo nên một cuộc thay đổi hoàn toàn mới lạ cho gương mặt sân khấu cải lương.
Thành công lớn nhất của ông bắt đầu từ đoàn Thủ Đô khi ông vẽ mẫu hoàn chỉnh trên giấy rồi mới giao cho thợ làm phông, từ đó phô bày ra cảnh sân khấu lộng lẫy với nhiều phông cảnh phong phú, đẹp đẽ khiến khán giả vô cùng thích thú. Cải cách này nổi đình, nổi đám mạnh mẽ, lan tràn ra khắp nơi khiến ông trở nên lừng danh trong giới cải lương.
Ở miền Nam sông nước chằng chịt, các gánh hát xưa theo ghe bầu nên phông cảnh phải hết sức đơn giản để dễ gọn gàng chất đống. Về sau đi lại bằng xe tải, các loại cảnh có góc cạnh đàng hoàng, dù hoa viên, phòng ốc… nhưng theo kiểu của ông, vẫn dễ dàng cho việc chuyên chở đường dài.
Không dừng lại ở việc chỉ vẽ phông trang trí cho sân khấu, mà ông còn mở rộng hoạt động qua phim ảnh. Các bộ phim Lan và Điệp, Trần thị Diễm Châu… do Lê Dân đạo diễn, Xa Lộ Không Đèn của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn… không thể kể hết các bộ phim do ông dựng cảnh. Ngoài ra, ông còn “mi” cho một số báo và viết bình luận Kim Dung rất ăn khách. Ngay cả khi đã lớn tuổi, trí nhớ vẫn rất tốt, ông có thể ngồi nói chuyện hàng giờ về các nhân vật trong truyện chưởng với những nhận xét rất tinh tế.
Tôi qua Viện Dưỡng lão, chỉ gặp cô Lệ Thẩm ngồi xõa tóc trên ghế đá, soạn giả Thành Phát ra vào nhà, cô Bê nhạc sĩ lên xuống cầu thang…, Kêu cả điện thoại vài lần nhưng chẳng bao giờ gặp lão họa sĩ cả.
Là người đầu tiên sống ở đó từ khi Viện Dưỡng Lão mới thành lập, ông không lấy căn phòng rộng nhất ngay sảnh ra vào mà chọn một căn cuối hành lang có khuôn cửa sổ rộng nhìn ra khu vườn rậm rạp xanh mướt phía sau, nơi ông có có lúc trồng cây trồng hoa, có lúc bắc giàn trồng bí trồng bầu. Thậm chí trong thời gian nằm bệnh viện, ông cũng tỉ mẩn trồng cây cỏ ở khoảnh đất trống khiến giám đốc bệnh viện quý mến ông quá đỗi.
Rất khó gặp họa sĩ ở phòng vì ông thường xuyên đi chơi đây đó. Nay Nha Trang, mai Phan Thiết, mốt Cần Thơ… Đi hoài, ít ở nhà, mọi người quen sự vắng mặt của ông tới mức ông có ra ngoài đầu hẻm uống cà phê thì bàn dân trong Viện cũng trả lời khách ông đã đi chơi xa, đi đâu đó một tuần hay một tháng… không biết đi đâu và cũng chẳng biết khi nào quay về. Ông ra cảng dạo chơi xem tàu thuyền xuống hàng, tới khi một chiếc ghe rời bến, ông đã kịp trở thành bạn thiết của chủ ghe tới mức, với chiếc bị không lúc nào rời trên vai, ông lên thẳng ghe rong ruổi xuôi xuống tỉnh…
Một hôm mới sáng sớm đã nhận được điện thoại của ông hỏi đường đến nhà tôi. Ông không gặp tôi bên Viện vì đang trọ nhà người quen gần đây. Lần đầu tôi gặp ông, như gặp một Bùi Giáng, vì đã từng có tờ báo đưa lầm hình ông vào một bài viết về Bùi Giáng. Một ông già ngoài tám mươi, tóc bạc phơ, chòm râu bạc phơ phất, gầy nhom, tiêu sái như một ông tiên, rất tiên phong đạo cốt, tứ thời khoác áo gió bất kể thời tiết nóng lạnh, chiếc dù khoác trên vai vừa che mưa nắng khi cần, vừa là chiếc gậy chống chở thân hình gió bay của ông, cổ tay trái đeo vòng gỗ, cổ đeo chuỗi gỗ dài, tay phải ôm chiếc túi màu đen mà thỉnh thoảng ông cứ loay hoay lục lọi trong đó tìm một chiếc bình nhôm lạ mắt, mở nắp dốc lên tu một hơi như tu rượu.
Giống như nốc cạn từng hớp rượu đời người chứ thực ra đó là thuốc trợ tim hay rượu thuốc rễ đinh lăng, một loại sâm trong dược thảo VN. Cứ chốc lát ông phải chiêu một ngụm để có thể tiếp tục trò chuyện. Hơi sức không còn bao nhưng máu giang hồ vẫn cuồn cuộn trong người. Ông không thể ở yên một chỗ mà phải luôn luôn xê dịch. Những chuyến đi xa đến các tỉnh miền Tây, miền Trung, những cuốc xe di chuyển liên tục trong thành phố. Ông không đi xe ôm mà thường có người xung phong chở ông đi ruổi rong khắp chốn. Tính cách thư thả nên ông dễ kết bạn với mọi độ tuổi, ở bất cứ nơi đâu. Một giáo viên dạy Anh văn, một thanh niên hàng xóm sống gần cạnh Viện dưỡng lão, một bác sĩ… Họ sẵn sàng chở ông đi khắp nơi ông muốn, săn sóc ông ăn uống, kiên nhẫn ngồi đợi ông hàng giờ, vui vẻ lắng nghe những câu chuyện không bao giờ dứt của một người lớn tuổi sống nhiều, đi nhiều, trải nhiều, tri thức nhiều…
Ông quê Long An nhưng sinh ở Battambang. Cha làm nghề cầu đường thường phải theo công trình di chuyển khắp nơi. Không biết có phải vì thế mà ông quen với việc xê đổi.
Họa sĩ Hoài Nam bật cười khà khà rung cả chòm râu trắng như cước khi được nghe hỏi về con đường tình ái. Mặc dù là con một nhưng ông rời gia đình từ nhỏ, cuộc sống rày đây mai đó không chút vững chãi, làm sao vướng bận vợ con, sao nỡ làm khổ người đàn bà nào dám lấy ông làm chồng. Ông cười dí dỏm nhưng lại nghiêm mặt trầm tư liền sau đó. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh dai dẳng, chứng kiến cảnh dân chúng lầm than loạn lạc, ông không muốn bước vào cuộc sống hôn nhân sinh con đẻ cái để có thêm những sinh linh đau khổ.
Nhưng điều đó không có nghĩa cuộc đời của ông vắng bóng đàn bà. Quá đông phụ nữ là khác, phụ nữ nhiều đếm không xuể… Đúng vậy, phụ nữ xuất hiện trong đời họa sĩ Hoài Nam vô hạn, nhưng không hoàn toàn trong thực tế. Ông sợ làm họ buồn, sợ trách nhiệm ràng buộc bước chân tang bồng nên không dám buông thả mình vào những mối tình, ông trốn tránh tình cảm trước những phụ nữ bằng xương bằng thịt trước mặt để thả hồn vào người đẹp trên mặt giấy.
Ấy là những mỹ nhân trên bìa sách. Ông là người đầu tiên vẽ bìa in offset bốn màu trên tạp chí Sân khấu, ông cộng tác với Dương Hà, Phú Đức, Bút Trà… Đa số tiểu thuyết thời kỳ đó đều do ông trình bày bìa. Những mẫu phụ nữ của ông giống như họa sĩ Lê Minh thật hấp dẫn lúc lúc đó. Gần như độc quyền, ông vẽ miệt mài không kịp đơn đặt hàng để làm mưa làm gió trong lãnh vực ấy nhiều năm dài.
Dù sao, vốn bản tính phiêu bạt, ông không quan trọng bất cứ điều gì. Sự nghiệp, danh vọng… đối với ông chỉ là mây trắng. Vốn là người cao cờ nhưng hồ như ông không thắng một cuộc cờ nào. Ván cờ gần tàn, ông tự lùi bước chịu thua để nhường niềm vui thắng cuộc cho địch thủ, để lấy niềm vui của người làm niềm vui của mình…
Hai tuần sau, họa sĩ Hoài Nam lại gặp tôi. Không vướng mắc vợ con, gia đình, không còn hoạt động sân khấu, tưởng chừng thoát khỏi mọi gánh vác đa mang trên cõi đời thì bỗng nhiên ông đến để kể tôi nghe về một dự án làng Nghệ Sĩ nơi các nghệ sĩ có chỗ nghỉ ngơi sáng tác và được giúp đỡ khi cần.
Ông đưa tôi giữ sáu tập thơ mỏng và nhất là bản thảo cuốn Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp họa tự. Học chương trình Pháp nhưng lại có vốn Hán tự thu nhận từ gia đình nên ông nắm khá vững ngôn ngữ này.
Đó là công việc nghiêm túc lúc cuối đời, tác phẩm mà ông bỏ nhiều công sức trong suốt gần bốn mươi năm để soạn, hết lòng mong ngóng đứa con tinh thần được ra mắt độc giả. Có người Tàu trong Chợ lớn từng muốn dịch sang chữ Hoa để in nhưng ông từ chối. Ông muốn dành riêng tác phẩm này cho độc giả VN.
Tác phẩm quá công phu mà thời gian đã cạn. Tôi không biết số phận cuốn bản thảo quý này như thế nào. Sẽ ra đời chăng, sẽ đến với cuộc sống ra sao. Tôi mở từng trang cuốn sách tự hỏi tác phẩm tâm huyết có như tác giả chỉ một đời ghé qua rong chơi rồi lui bước, chỉ rồi như cát bụi thời gian có phủ che….
Nguyễn thị Hàm Anh