BÀI HỌC TỪ DO THÁI

Năm 1896 người Do Thái sống rãi rác trên khắp thế giới bắt đầu phong trào vận động thành lập quốc gia Do Thái sau hai lần mất tổ quốc và chạy lưu vong tứ tán. Lần thứ nhất vào năm 722 và lần thứ hai vào năm 135 trước Công Nguyên.

Mặc dầu có một lịch sử vô tổ quốc và lưu vong khắp nơi trên thế giới, người Do Thái đã không bao giờ đánh mất bản sắc, văn hóa, tôn giáo và tinh thần đoàn kết giữa những người Do Thái với nhau. Mặc dầu Hitler đã tiêu diệt hàng triệu người trong Thế Chiến II, người Do Thái từ đống tro tàn vẫn vùng lên và quyết không quên giấc mơ về một miền đất hứa.

Năm 1948 người Do Thái được Liên Hiệp Quốc trao cho quyền lập quốc. Hàng triệu người Do Thái trên khắp thế giới đã theo lời kêu gọi về dựng lại quốc gia, trên một vùng đất rộng chừng 20,000 cây số vuông, một vùng đất sỏi đá giữa ngã ba đường giáp ranh Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.

Dù vậy không phải tất cả những người Do Thái đều quay về với đất nước Do Thái khi lập quốc. Chỉ có 8 triệu người Do Thái định cư tại Do Thái trong đó có 6 triệu người Do Thái thuần chủng và khoảng hai triệu người Do Thái gốc Ả rập và những nhóm thiểu số khác, 15 triệu sống rãi khắp nhiều quốc gia trên thế giới và có gần 6 triệu người Do Thái định cư tại Mỹ.

Dù ở Do Thái hay bất cứ nơi nào, người Do Thái luôn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ là một dân tộc bất khả chiến bại. Là một dân tộc thông minh, kiêu hùng, người Do Thái đã đóng góp rất to lớn vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại trong tất cả mọi lĩnh vực. Họ đã chiếm đến 30% những nhân tài từng được trao giải Nobel trên toàn thế giới trong khi đó họ chỉ chiếm 0.2% dân số thế giới.

Thành phố Jerusalem hiện được công nhận là thủ đô của Do Thái là một vùng đất cực thánh của thế giới, nơi ra đời của ba tôn giáo lớn nhất thế giới gồm Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo.

Từ khi được quay về vùng đất hứa, Do Thái đã biến vùng đất sa mạc khô cằn đá sỏi này thành một quốc gia trù phú, hùng mạnh và quốc giaa có tiềm lực tài chính, kinh tế, khoa học và quân sự mạnh nhất ở vùng Trung Đông vốn là nơi triền mien với chiến tranh và xung đột chủng tộc, tôn giáo.

Từ một vùng đất như thế Do Thái đã biến đất nước của mình thành một quốc gia có tiềm năng nông nghiệp xuất sắc, không những sản xuất đủ thức ăn cho dân chúng mà còn cung cấp nhiều thực phẩm khác cho Châu Âu. Ngành bò sữa của Do Thái đã qua mặt nhiều quốc gia khác trong việc sản xuất ra sản lượng sữa cao nhất trên mỗi con bò sữa, cung cấp đến 12 ngàn lít sữa hàng năm.

Do Thái đã nghiên cứu những giống cây trồng cần ít nước, nhưng lại cho năng suất cao. Họ sử dụng nước hết sức thông minh và vì thế nền nông nghiệp Do Thái đã đạt được những thành tựu tuyệt vời dựa trên sự thông minh và khả năng sáng tạo vô bờ bến của người Do Thái.

Nằm giữa vùng Trung Đông luôn luôn sôi sục những hận thù tôn giáo, chủng tộc, Do Thái bị nhiều quốc gia Hồi Giáo trong khu vực coi là kẻ thù bất cộng đái thiên. Chính vì thế Do Thái buộc phải có một nền quốc phòng mạnh và có một nền công nghiệp vũ khí tối tân. Đồng thời do dân số ít, Do Thái là quốc gia duy nhất có lệnh động viên nữ giới. Tất cả thiếu nữ Do Thái đều phải tham gia quân đội ít nhất 24 tháng và họ là những quân nhân thật sự chứ không phải là lính kiểng làm đẹp cho quân đội mà thôi. Do Thái được coi là một trong 10 nước có sức mạnh quốc phòng lớn nhất thế giới, nhưng lại có ngân sách quốc phòng ở mức thấp nhất trong các nước này, chỉ có 15 tỷ đô la Mỹ hàng năm.

Do Thái chủ trương phải tự lực tự cường về quân sự, với chính sách quốc phòng riêng và dựa vào sức mình là chính. Do Thái không ký bất kỳ hiệp ước liên minh nào với Mỹ. Ba tổ hợp quân sự của Do Thái là Elbit System, Do Thái Aerospace Industries và Rafael nằm trong số 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Do Thái xuất khẩu tới 90% vũ khí sản xuất ra và hàng năm thu về 3 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí. Vũ khí của Do Thái nổi tiếng vì sự tinh xảo và chính xác cũng như độ bền của chúng.

Việc người Do Thái có các nhóm vận động và tác động vào nền chính Mỹ rất mạnh là điều hiển nhiên, và mọi người đều biết. Các vận động hành lang chính trị thế giới này mạnh đến nỗi có người nói cả thế giới này đều bị người Do Thái cai trị hay dẫn đầu trên mọi lãnh vực. Thậm chí các ứng viên tổng thống Hoa Kỳ không bao giờ dám coi nhẹ sức ảnh hưởng lớn lao của các cộng đồng Do Thái trong sinh hoạt chính trường ở Hoa Kỳ.

Hệ thống chính trị của Do Thái có những nét mang tích cách xã hội chủ nghĩa như bình đẵng, bác ái và hệ thống hợp tác xã Kibbudz không những tồn tại mà còn phát triển mạnh, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế của Do Thái. Hiện Do Thái có chừng 270 hợp tác xã thu hút 100 ngàn lao động và đóng góp 12% tổng sản lượng sản phẫm công nghệ cao và 40% hàng nông phẩm xuất khẩu của Do Thái.

Công đảng Do Thái một đảng của người lao động, có nhiều thiên hướng xã hội chủ nghĩa được sáng lập bởi những người Do Thái trở về từ Liên Xô khi Nhà nước Do Thái ra đời năm 1948. Do đó, họ mang nặng ý thức hệ và chịu ảnh hưởng bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội từ Liên Xô. Từ năm 1948-1977, Công đảng đóng vai trò chi phối hệ thống chính trị Do Thái. Tuy nhiên từ năm 1977 vai trò độc quyền này đã mất vì sự lớn mạnh của đảng Likud.

Về nguồn gốc tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” của người Do Thái, nhiều đồng nghiệp Do Thái cho rằng có thể lần ngược đến thời kỳ Kinh Thánh ra đời, và trong kinh thánh tiếng Hebrew của người Do Thái đã ghi rõ cả việc đối xử bình đẳng, không chỉ giữa người với nhau, mà còn với cả nô lệ và súc vật nữa. Ngoài ra, suy nghĩ đó còn được hình thành một cách bản năng, ẩn sâu trong suy nghĩ của họ xuất phát từ việc trong hơn 2000 năm chịu thân phận lưu vong, hèn mọn. Do điều kiện sống khắc nghiệt, lại bị miệt thị, khinh rẻ, trong khi phải “chiến đấu” để bảo vệ bản sắc và tôn giáo Do Thái của mình, nên người Do Thái không có cách nào khác hơn là phải sống nương tựa vào nhau, an ủi nhau, cũng chịu “thử thách của chúa” cho đến “ngày trở về Jerusalem”.

Là nước nhỏ, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và không có tài nguyên, nên muốn vươn lên thì Do Thái không có cách nào khác hơn là phải dựa vào nguồn chất xám, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và tập trung vào các ngành mũi nhọn có khả năng sinh lời “vô hạn”.

Chính sách này được Do Thái thực thi từ khi lập nước, nhưng chỉ mới thực sự đẩy mạnh từ cuối những năm 1970 đến nay. Technion, tức Viện công nghệ Do Thái (Israel Institute of Technology) có thể sánh ngang với MIT của Mỹ, còn các trường Hebrew University, Tel Aviv University, Ben Gurion University cũng được xếp vào hàng 50 trường Đại học tốt nhất thế giới. Tỷ lệ số người có bằng đại học/tổng số nhân lực tại Do Thái là 24.5%, cao vào hàng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Hà Lan). Hầu hết các “đại gia” phần mềm, công nghệ lớn của thế giới như Apple, Google, Microsoft đều có chi nhánh nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Do Thái để tận dụng nguồn chất xám có chất lượng tại nước này

Người Do Thái luôn có hàng núi các “ý tưởng”: Trong thời đại ngày nay sức mạnh để cho bất kỳ cá nhân, thiết thế, đất nước đi lên phải bắt đầu từ việc “đẻ” ra càng nhiều ý tưởng mang tính táo bạo, đột phá càng tốt. Quả thực, trong thời đại ngày nay, cái quan trọng tạo ra sự khác biệt, tạo ra sự bứt phá là phải là ý tưởng, hiện thực hóa ý tưởng và kinh doanh ý tưởng. Nếu có ý tưởng tốt thì hoàn toàn có thể thuyết phục và thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thiếu lao động thì có thể ra thị trường trong hoặc ngoài nước thuê mướn. Nhưng không có ý tưởng thì không thể phát triển được.

Phù hợp với đặc tính đất nước Do Thái là nhân lực có hạn, nhưng lại rất thông minh và trong kỷ nguyên kỹ thuật số (Digital Era) thì cái chính là có lực lượng “tinh” và “chuyên”, chứ không phải là “lượng”.

Các công ty “Start-up” về công nghệ khác với các công ty sản xuất và dịch vụ là thường sử dụng rất ít lao động (khoảng từ 8-25, và tối đa là 40-50 người), chủ yếu là các kỹ sư mới ra trường. Tuy gọi là mới ra trường, nhưng kỹ sư của Do Thái thường “già dặn” hơn kỹ sự trẻ mới ra trường của các nước khác cả về tuổi đời lẫn sự từng trải do hầu hết sinh viên Do Thái đều trải qua đời quân ngũ trước khi vào đại học. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chín muồi về tuổi tác, tác phong kỹ luật của người lính, tính sáng tạo của một nhà khoa học, sự khao khát tìm lợi nhuận hầu như đều tồn tại trong mỗi CEO của các công ty Start-up và do vậy giúp họ vững tin trước các sóng gió trên thương trường.

Các kỹ sư công nghệ sau khi tốt nghiệp ra trường đều được khuyến khích cả tài chính lẫn chính sách để mở các công ty Start-up, và được khích lệ bởi các tấm gương thành công như phần mềm dẫn đường WAZE bán lại cho Google được 1,3 tỷ USD.

Nếu như thất bại, các kỹ sư trẻ này đi làm cho các công ty đa quốc gia ngay tại Do Thái hay làm việc tại nước ngoài. Sau một thời gian tích lũy cả thêm kinh nghiệm và xây dựng các công ty mới, và lần này khả năng thành công của họ lớn hơn rất nhiều.

Ở Do Thái, Văn phòng OCS (Office of the Chief Scientist) thay mặt chính phủ xem xét va quyết định hồ sơ vay vốn ưu đãi của các công ty khởi nghiệp vì nhiều ngân hàng sợ rủi ro không dám đầu tư và số tiền này có thể lên tới 500.000 USD. Đầu tư cho chính phủ dành cho các công ty khởi nghiệp ở Do Thái tính theo đầu người hiện vào khoảng 270 USD (mức cao nhất thế giới), so với 170 USD ở Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp OSC chọn cách đầu tư, và hy vọng nếu công ty khởi nghiệp thành công thì họ sẽ thu vốn và lời từ bán cổ phần, còn nếu công ty thất bại thì họ coi đó là một khoản đầu tư rủi ro. Bên cạnh đó, hiện rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tiến hành đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Do Thái theo hình thức trên. Nếu tính theo số tiền đầu tư/đầu người, số tiền Do Thái thu hút được từ các quỹ mạo hiểm này lớn gấp 30 lần so với châu Âu.

Đó là những bài học từ Do Thái mà những quốc gia như Việt Nam nên học hỏi. Tuy nhiên với văn hóa lạc hậu, đầu óc tư duy bảo thủ, nền giáo dục không khuyến khích sức sáng tạo, có thể Việt Nam sẽ chẳng bao giờ học được những bài học từ Do Thái.

Ls Lê Đức Minh

Related posts