Phạm Văn Vĩnh
Tại sao có khủng hoảng kinh tế? Câu hỏi này không chỉ có một câu trả lời. Vì do nhiều nguyên nhân mà đến. Khủng hoảng kinh tế giống như bệnh cúm thường niên. Tuy biết rằng năm nào cũng có dịch cúm nhưng không ai có khả năng biết rõ trước hình thù con vi khuẩn gây bệnh nó ra làm sao và đến khi nào nó sẽ tấn công. Hàng năm các nhà y tế tiên đoán một số khả năng dịch cúm có thể xẩy ra để chế tạo thuốc ngừa dịch nhưng không ai dám chắc kết quả một trăm phần trăm.
Các nhà kinh tế học cũng vậy, dựa trên thống kê và kinh nghiệm, họ có thể tiên đoán tình hình kinh tế ra sao, nhưng có đúng hay không phải đợi hạ hồi phân giải. Cho đến bây giờ chưa có cuộc khủng hoảng kinh tế nào đã xẩy ra mà con người biết được trước. Ngành kinh tế dựa trên phương pháp lý luận khoa học thực nghiệm và có kiểm chứng nhưng các sự kiện kinh tế đều đi theo các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Chính vì ba yếu tố này mà ngành kinh tế học không phải là một khoa học chính xác như ngành toán học. Hơn thế nữa, tuy có những nguyên tắc cơ bản mà mọi người đều công nhận, nhưng kinh tế học lại có nhiều trường phái khác nhau mà các cơ bản lý luận khó có thể đi đến hoà giải để có đáp số chung. Để tìm hiểu nguyên nhân của khủng hoảng, các chuyên gia kinh tế hay nghiên cứu lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ rồi đưa ra một kết luận. Bắt chước các chuyên gia kinh tế, xin mời quý độc giả tìm hiểu lại một vài cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ và hy vọng sau đó quý độc giả sẽ đưa ra một kết luận.
1. Khủng hoảng chim cút tại Việt Nam vào đầu thập niên 1970
Chuyện mua bán chim cút đã xẩy ra hồi đầu thập niên 1970 ở miền nam Việt Nam. Xin kể lại chuyện mua bán này nhưng với những chi tiết và số lượng không chính xác, vì chuyện xẩy ra đã quá lâu. Xin coi đây như là một đề tài khảo luận. Lúc ban đầu mọi người tự nhiên thấy xuất hiện một vài người đến hỏi mua chim cút, giá mỗi con hai ngàn đồng. Lúc bấy giờ lương một công chức bậc trung mỗi tháng khoảng tám ngàn đồng. Một chiếc xích lô đạp cũ giá năm ngàn đồng. Như thế thì hai ngàn đồng một con chim cút lúc bấy giờ rất có giá trị nên nhà nào có sẵn tiền mà bỏ ra nuôi chim cút? Khi những người trong xóm thắc mắc thì người mua chim cút nói rằng giống chim này là loại thuốc quý được các bác sỹ ngoại quốc xử dụng nhiều nên bấy giờ được xuất cảng ra ngoại quốc với giá cao. Vài tuần sau, lại thấy vài người khác đến tìm mua chim cút và lần này họ sẵn sàng mua với giá cao hơn. Cứ tuần tự như thế cho đến một hôm có người gánh chim cút đến bán, giá bốn ngàn đồng một con. Một vài người trong xóm bỏ tiền ra mua một đôi chim cút về nuôi. Vài hôm sau lại có người tìm đến mua chim và những người trong xóm mua chim hôm trước đã bán lại được mỗi con giá năm ngàn đồng, lời mỗi con một ngàn đồng. Việc mua bán chim cút này có vẻ dễ làm ăn. Mọi người truyền tin cho nhau, người này bắt chước người kia, cả xóm ùn ùn mua chim cút về nuôi. Các nhà bán gỗ, tôn lợp nhà, lưới mắt cáo, đèn sưởi đốt bằng dầu, bằng trấu, dụng cụ làm chuồng v.v. phát triển tốt đẹp, ăn nên, làm ra. Phong trào nuôi chim cút làn tràn khắp mọi nơi. Trong khi đó giá chim cút càng ngày càng tăng, người mua và người nuôi chim vẫn đông. Mọi người tỏ ra vui mừng, có kẻ vay mượn, bán vàng để dành mang ra kinh doanh; phen này sẽ giầu to. Đùng một cái sau khi giá mỗi con chim cút lên đến mười bẩy ngàn đồng thì không còn thấy ai đi mua chim cút nữa. Sau một thời gian chờ đợi, các nhà nuôi chim chỉ còn biết giải nghệ, có kẻ bị phá sản, nợ nần v.v. Các tiệm bán gỗ xây dựng, tôn lợp nhà, lưới mắt cáo, đèn sưởi, dụng cụ làm chuồng v.v. cũng ế ẩm. Thị trường chim cút trong tình trạng cung nhiều, cầu ít. Sản xuất tất phải giảm thiểu, thất nghiệp phải tăng, tăng trưởng không còn. Các ngành buôn bán khác có liên hệ tới việc nuôi chim cút cũng bị lây theo. Đây chính là tình trạng khủng hoảng kinh tế. Hơn thế nữa, giá chim cút lên vùn vụt quá sức tưởng tượng và khi lên đến biên độ cực đại (đỉnh cao) thì không còn ai dám mua nữa. Hiện tượng này được gọi là “Bong bóng chim cút (tiếng Anh nói chim cút bubble, tiếng Pháp nói bulle chim cút)” mà chúng ta vẫn thường nghe như “Bong bóng bất động sản”, “Bong bóng Internet”, v.v. Tất nhiên ai cũng biết chuyện này xẩy ra là do các nhà nuôi chim cút bị lừa. Việc lừa đảo này (Insider trading, délit d’initié), tuy bị pháp luật cấm, nhưng hiện nay vẫn xẩy ra tại các thị trường chứng khoán trên thế giới. Nếu phân tích theo cơ bản kinh tế học thì việc lừa đảo chỉ là ngòi lửa nhưng sự kiện này đã xẩy ra vì hai lý do: thứ nhất con người hành động giống như một đàn trừu, luôn chạy theo con đầu đàn, thấy người ta bán chim cút được lời thì làm theo. Lý do thứ hai sở dĩ thất bại là do chưa nghiên cứu thị trường chim cút ra sao đã nhắm mắt làm liều.
2. Khủng hoảng tại Âu Châu từ năm 1973 (tham khảo [1])
Năm 1973, Chiến tranh Trung Đông bùng nổ. Các nước trong Liên Minh Ả Rập do Ai Cập dẫn đầu tấn công Israel vào ngày Yom Kippur. Để hỗ trợ cho cuộc chiến, tổ chức dầu OPEC (organization of the Petroleum Exporting Countries) do nước Arabia Saudia dẫn đầu quyết định giảm sản xuất dầu thô, giảm thiểu xuất cảng sang các quốc gia theo phe Israel và tăng giá mỗi thùng (barrel) dầu thô từ 3 USD lên 12 USD. Sau đó kể từ năm 1979, cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran rồi chiến tranh giữa hai nước Iran và Irak đã làm tăng giá một thùng dầu thô lên 36 USD. Trong khoảng thời gian này, các nước kỹ nghệ Tây phương vì lệ thuộc quá nhiều vào dầu hoả trong sản xuất nên giá cả hàng hoá tăng vọt, hàng hoá bị ế ẩm, xuất cảng kém, lượng sản xuất bị giảm thiểu, nhiều xí nghiệp bị lỗ lã phải thu nhỏ hay đóng cửa, thất nghiệp tăng. Kinh tế Âu châu sống trong tình trạng trì trệ, lạm phát giá cả hàng hoá ở mức độ cao, có nơi tới 20%.
Xin nói sơ qua về việc định giá dầu hoả trên thế giới. Thị trường dầu hoả đã trải qua nhiều thay đổi rất đáng kể theo thời gian. Vào năm 1928, bảy công ty dầu hoả của phương Tây, được gọi là 7 Majors, gồm có Exxon, Mobil, Socal, Texaco, Gulf, BP, Shell về sau thêm CFP (Total), đã ký một thỏa thuận tại Achnacarry (Scotland) để cùng nhau điều chỉnh giá dầu thô. Chính sách của họ là áp đặt giá thấp, vừa để ngăn cản những công ty dầu hoả mới muốn vào thị trường hoạt động, vừa để khuyến khích tiêu dùng. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, việc tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ tăng rất nhanh. Khi các giếng dầu của Mỹ bắt đầu cạn kiệt thì dầu hoả được cung cấp bởi Trung Đông. Để đối lại với sức mạnh của 7 Majors, các quốc gia sản xuất dầu đã tạo ra OPEC vào năm 1960. Vào những năm cuối thập niên 1960, ảnh hưởng của OPEC trở nên quan trọng, vì lượng cung cấp dầu đã tăng lên rất nhiều. Điều này cho phép OPEC nắm quyền kiểm soát thị trường vào đầu thập niên 1970 và áp đặt mức giá cao hơn nhiều.
3. Khủng hoảng Thái Lan 1997 (tham khảo [2], [3], [4])
Bắt đầu từ thập niên 1980, Thái Lan và các nước khác trong vùng Đông Nam Á đã có một sức tăng trưởng mãnh liệt. Sức tăng trưởng cao này có được là nhờ sự sản xuất hàng hoá công nghệ với tỷ lệ xuất khẩu rất cao. Trong khoảng thời gian này, các nguồn vốn đầu tư ngoại quốc đổ vào Thái Lan rất nhiều. Chính phủ Thái Lan đã cho phép các ngân hàng trong nước được mượn tiền từ nước ngoài trả bằng Yen Nhật Bản hoặc USD rồi sau đó cho các công ty trong nước mượn lại với lãi suất cao hơn. Theo cách thức mượn tiền này, các công ty mượn tiền được ngân hàng cho vay giao bằng đồng Baht nhưng phải trả nợ lại theo thời giá tiền Yen hay USD. Lượng tiền để dành của người dân trong nước cũng được các công ty cỡ nhỏ vay mượn để hoạt động kinh tế. Kinh tế Thái Lan phát triển mạnh. Nhiều người dân quê bỏ đồng ruộng lên thành phố làm viêc. Các công ty xây cất hoạt động mạnh để kiến thiết nhà cửa. Khi kinh tế đã phát triển mạnh thì các công ty cần người làm việc, người đổ xô về thành thị nhiều tất vật giá phải tăng theo, đồng lương cũng phải được nâng cao hơn vì các xí nghiệp cạnh tranh thuê người làm, rồi khi đã có tiền thì tiêu dùng cũng nhiều hơn. Những lý do đó đã đưa đến kết quả là giá thành của hàng sản xuất phải cao hơn. Việc tăng giá hàng hoá này khiến Thái Lan không cạnh tranh nổi với hàng hoá của các nước trong vùng và kết quả là ngành xuất khẩu của Thái Lan bắt đầu đi xuống 9.4% vào năm 1996, đặc biệt nhất là ngành dệt vải. Cũng vào thời gian đó, đồng USD tăng giá trị lên 40% mà đồng Baht của Thái Lan được giữ giá dựa trên đồng USD nên chính phủ Thái Lan phải đổ ngoại tệ dự trữ trong ngân khố ra để giữ giá đồng Baht. Sở dĩ giá trị của đồng Baht được dựa theo đồng USD là vì chính phủ Thái Lan muốn bảo đảm giá trị tiền tệ để thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhưng sau khi đồng USD đã được tăng lên 40% thì giá hàng hoá Thái Lan cũng tăng theo và làm cho việc xuất cảng càng ngày càng suy sụp. Thêm vào đó số dự trữ ngoại tệ của ngân khố Thái Lan cũng có hạn nên cuối cùng chính phủ Thái Lan buộc phải để thả nổi đồng Baht. Thực sự thì ngay đầu năm 1997 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã cảnh báo chinh phủ Thái Lan về cuộc khủng hoảng ngoại hối nhưng lời cảnh báo này không được nhà chức trách Thái Lan quan tâm. Sau khi đồng Baht được thả nỗi thì giá trị của nó đã bị giảm xuống rất nhiều. Các con nợ giờ đây phải bỏ nhiều tiền hơn để trả nợ tính theo đồng Yen hay USD. Nhiều ngân hàng, công ty tuyên bố phá sản. Các nhà đầu tư ngoại quốc cũng bỏ Thái Lan để đi đầu tư chỗ khác. Vì Thái Lan có liên hệ thương mại với nhiều nước trong vùng nên sự sụp đổ của Thái Lan đã đưa nền kinh tế của các nước trong vùng vào tình trạng khủng hoảng theo lý thuyết Domino. Ngoài những lý do trên, chính sách kinh tế của Thái Lan được đánh giá quản lý mập mờ, thiên lệch và thiếu viễn kiến. Theo nhà kinh tế học Paul Krugman, giáo sư kinh tế tại đại học MIT, thì tổng giám đốc của ngân hàng được thành lập ra để điều khiển và quản lý việc mượn tiền từ ngoại quốc là một người cháu của một ông bộ trưởng. Nếu có bề gì ông chú sẽ hỗ trợ ông cháu bằng thuế của người dân. Thêm vào đó các quyết định kiếm lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Thái Lan đã làm cho lượng tiền nợ nần lên tới mức quá độ.
4. Khủng hoảng Subprime 2007 (tham khảo [2], [5], [6])
Từ năm 2000 trở về sau, chính sách kinh tế của Mỹ nhằm thúc đẩy người dân sở hữu nhà cửa, Ngân Hàng Trung Ương (FED) giảm lãi xuất từ từ xuống tới mức tối đa. Từ mức lãi suất 6,5% năm 2000 xuống mức 1,75% trong 2001 rồi 1% vào năm 2003. Kết quả là lượng tiền lưu hành trên thị trường Mỹ trở nên thừa thãi. Tình trạng này dẫn đến việc các tổ chức tài chính mở rộng tín dụng một cách dễ dàng và dồi dào cho khách hàng, ngay cả những khách hàng không đáng tin cậy của họ. Chính sách cho vay tiền này cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại, quỹ phòng hộ (hedge funds, private equity) hoạt động mạnh, đặc biệt qua việc mua lại cổ phần tại Hoa Kỳ. Dịch vụ cho vay tiền này đã cho phép chín triệu người Mỹ sở hữu nhà ở của họ. Các khoản tiền vay, với lãi suất thay đổi theo giá thị trường, được cam kết trên tài sản bất động sản của người mua nhà. Một trong những điều kiện vay tiền, được gọi là tái cấp vốn thế hấp (mortgage refinancing), còn cho phép các khách hàng đã vay tiền có thể mượn thêm nếu giá nhà cửa của họ tăng thêm hoặc nếu lãi suất hạ xuống. Tái cấp vốn thế chấp có thể xảy ra trong hai trường hợp sau:
1. Nếu ban đầu, một gia đình Mỹ đã vay thế chấp (mortgage loan) với lãi suất T1 để mua một căn nhà với giá M1. Một thời gian sau, nếu lãi suất giảm xuống mức lãi suất T2 (T2 <T1), người vay có thể mượn thêm một khoản vay mới với lãi suất T2 để trả khoản đầu tiên.
2. Nếu giá căn nhà tăng lên. Căn nhà vào thời điểm t trị giá M2. Người vay tiền có thể vay một khoảo tiền mới tới mức tối đa bằng M2 – M1 dành cho việc tiêu thụ hoặc mua một tài sản phi bất động sản. Tổng số M2-M1 của khoản tín dụng mới được gọi là Mortgage Equity Withdrawal. Cơ chế này giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đồng thời làm cho nhiều gia đình Mỹ vướng mắc quá nhiều nợ nần.
Loại tín dụng này mang tên Subprime. Vì có nhiều người mua nhà nên giá bất động sản từ từ lên cao và số lượng tín dụng lại tăng theo như đã quy định. Để hiểu rõ thêm, Tín dụng cho người vay có đủ tài sản để trả nợ được cấp với lãi suất cơ bản được gọi là Prime. Còn tín dụng Subprime được cấp cho những khách hàng không có các đảm bảo ắt có và đủ. Khoản vay được cấp dưới hình thức thế chấp (Mortgage loan). Có nghĩa là nhà của người vay được lấy làm tài sản thế chấp trong trường hợp người mua nhà vỡ nợ. Ngoài ra, lãi suất không cố định và dựa trên lãi suất chính của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED). Để thu hút khách hàng, các ngân hàng định một lãi suất rất thấp trong những năm đầu tiên sau đó lãi suất sẽ tăng trong những năm tiếp theo. Như chúng ta đã thấy ở trên, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) đã quyết định giảm lãi suất từ 6,5% năm 2000 xuống mức 1,75% năm 2001 và sau đó là 1% năm 2003. Nhưng từ năm 2004, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) lại tăng lãi suất lên từ từ cho đến 4,5% vào năm 2006. Do đó, tiền trả nợ mà những người vay Subprime bị tăng lên từ năm 2004. Sự kiện này làm nhiều gia đình không còn khả năng trả nợ ngân hàng và kết quả là khoảng 10% gia đình bị tịch thu nhà cửa năm 2005. Tỷ lệ này từ từ tăng lên đến 20% vào năm 2008. Tổng số gia đình bị mất nhà được ước tính khoảng một triệu cuối năm 2007 và con số này cuối cùng có thể lên đến ba triệu gia đình. Sau khi đã tịch thu nhà cửa, các ngân hàng cho vay không thể thu hồi số vốn đã bỏ ra vì gía nhà cửa xuống quá thấp và không có người mua. Kết quả là nhiều ngân hàng bị phá sản.
5. Khủng hoảng tài chánh 2008 (tham khảo [1], [2], [5], [6])
Khủng hoảng tài chánh 2008 bắt đầu từ năm 2007 nối tiếp cuộc khủng hoảng Subprime vừa nói ở trên. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu khi các ngân hàng không còn tiền để hoạt động và không thể vay mượn được từ các ngân hàng khác. Thị trường tài chánh lúc bấy giờ sống trong tình trạng hoang mang và nghi ngờ. Nhiều công ty thương mại vì không thể vay tiền nên không còn vốn để hoạt động. Kết quả là nhiều ngân hàng Mỹ và trên thế giới bị phá sản và cuối cùng đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế khắp thế giới, ngoại trừ ba quốc gia Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, kéo dài cho tới 2012.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng Subprime chỉ là ngòi nổ chứ không phải là nguyên nhân chính của khủng hoảng tài chính 2008. Thực vậy, tổn phí tài chính của khủng hoảng Subprime được ước tính khoảng 160 tỷ USD. Một khoản tiền như vậy không đáng là bao so với nền kinh tế nước Mỹ nên không thể nào gây ra một cuộc khủng hoảng có hậu quả kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Các nhà kinh tế học đã đưa ra những nguyên nhân sau đây:
1. Nguyên nhân trước tiên là việc giữ lãi suất quá thấp của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) gây ra một lượng tiền tệ lưu hành quá nhiều trên thị trường, dẫn đến lạm dụng tín dụng. Theo đúng nguyên tắc thì khi lượng tín dụng gia tăng, tỷ lệ lạm phát và lãi suất phải tăng theo. Từ đó số lượng cầu tín dụng phải giảm xuống. Nhưng cơ chế này đã không xẩy ra trước khi có khủng hoảng.
2. Vì lãi suất quá thấp và điều kiện cho vay quá dễ dàng nên giá tài sản, đặc biệt là giá bất động sản tăng lên rất nhanh. Sự gia tăng giá cả bất động sản càng làm cho lượng tín dụng tăng cao thêm nữa.
3. Các ngân hàng cho vay tín dụng phải ký thác tại Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) một khoản vốn sở hữu chủ tương đương với 8% tài sản của ngân hàng. Đứng trước tình trạng lãi suất tín dụng thấp, các ngân hàng muốn gia tăng lợi nhận bằng cách cho vay càng nhiều càng tốt và để tuân thủ quy định ký quỹ 8% tài sản, các ngân hàng đã tìm cách chuyển một phần lớn lượng vốn đã cho vay sang các tổ chức khác (SPV: special purpose vehicle) với mục đích xoá số tiền này khỏi bảng cân đối kế toán (Balance-sheet, Bilan). Để làm được việc này, các ngân hàng đã chuyển đổi các khoản vốn đã cho vay thành trái phiếu để các nhà đầu tư trên thế giới có thể mua và bán lại bất cứ lúc nào. Trên thực tế, các ngân hàng đã mở ra các công ty con trung gian Offshore, trong đó các khoản tín dụng này tạo thành tài sản và đổi lại các công ty trung gian phát hành trái phiếu là các khoản nợ. Việc làm này được gọi là “chứng khoán hoá” (Anh: Securitization, Pháp: Titrisation), là một việc làm hợp pháp và cần thiết để giảm thiểu rủi ro tài chính. Tuy nhiên hành động “chứng khoán hoá” vào thời điểm này đã được thực hiện với một đòn bẩy mờ ám và có tính đầu cơ (Speculative), các ngân hàng chạy nợ còn các công ty trung gian kiếm lợi nhuận. Các công ty trung gian lại tiếp tục bán các trái phiếu cho các tổ chức tài chánh khác. Cứ tuần tự như thế từ công ty này đến công ty khác. Tất cả thành một hệ thống tài chánh mờ ám hoạt động song song với tổ chức chính thức ngân hàng thế giới. Để làm việc này, các ngân hàng tiền gởi (Deposit Bank) và các tổ chức tài chính cho các gia đình và doanh nghiệp vay tiền để tài trợ cho việc mua nhà ở, mua hàng tiêu dùng, nghiên cứu, đầu tư. Các ngân hàng tiền gởi và tổ chức tín dụng sau đó bán các khoản tín dụng này cho các ngân hàng thương mại, họ phân phối các tín dụng và gộp các tín dụng thành các “nhóm (Pool)” hoặc “gói (Package)” đa dạng. Các “gói” này sau đó được bán cho các SPV (special purpose vehicle) là các tổ chức tài chính do các ngân hàng tạo ra và thành lập trong các thiên đường trốn thuế (Tax Havens, Paradis Fiscaux) để thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng của các ngân hàng vì hai lý do. Một mặt vì sự gia tăng đáng kể số người vay tiền mua nhà bị phá sản và mặt khác vì những tổn thất mà các ngân hàng phải chịu liên quan đến các dịch vụ chứng khoán hóa đã nói ở đoạn trên. Tất cả các ngân hàng lớn đã bị sụt giá (Write down, Dépréciation). Một phần lớn các ngân hàng đã phải tái cấp vốn. Các ngân hàng nào không có khả năng tài chính đều bị phá sản. Một số ngân hàng khác may mắn hơn đã được nhà nước đổ tiền vào (Bail out, Renflouer). Ngoài ra các quỹ phòng hộ (Hedge Funds, Fonds Spéculatifs) đã bị phá sản. Tổng số tiền thiệt hại đã được ước tính khoảng vài nghìn tỷ USD. Vào tháng 4 năm 2009, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) ước tính tổng số thiệt hại, cho đến năm 2010, vào khoảng 4 nghìn tỷ USD, trong đó có 2712 tỷ ở Hoa Kỳ, 1193 tỷ ở Châu Âu và 149 tỷ ở Nhật Bản.
6. Kết luận
Khủng hoảng kinh tế xẩy ra khi có những thay đổi bất ngờ trong sản xuất và nhu cầu tiêu dùng. Những thay đổi này đưa đến sản xuất bị giảm thiểu, tăng trưởng thụt lùi xuống độ âm và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt ngoài tính toán của con người như bão lụt, thiên tai, mất mùa, côn trùng phá hại mùa màng, v.v, tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chánh đã xẩy ra trên thế giới đều do con người gây ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 đã đưa thế giới đến nghèo đói, thất nghiệp trầm trọng và cuối cùng đã đưa đảng Đức Quốc Xã lên nắm chính quyền, dẫn đến thế chiến lần thứ hai. Cho đến cuối thập niên 1970, Các dịch vụ tài chính, ngân hàng cũng như việc di chuyển vốn đầu tư đều được quy định và kiểm soát rất chặt chẽ. Chính phủ giữ độc quyền trong việc cho vay tiền, định lãi suất và kiểm soát hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên vào đầu thập niên 1980, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại tự do, các quốc gia lại ban hành luật bãi bỏ kiểm soát tài chính và cho phép việc chuyển vốn đầu tư được tự đo. Những biện pháp mới này tuy giúp cho nhiều công ty có cơ hội phát triển, nâng cao kinh tế nhưng đã cho phép nhiều ngân hàng và nhiều tổ chức tài chính lạm dụng như đã trình bầy ở trên trong hai cuộc khủng hoảng Subprime 2007 và tài chính 2008.
Sở dĩ cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 cho đến nay được coi như điêu tàn nhất (Great Depression) là bởi vì vào thời điểm đó các nhà kinh tế không biết phải làm gì. Thậm chí có người như kinh tế gia Joseph Schumpeter [2] còn nói phải để cho khủng hoảng trầm trọng đến tận cùng để không còn mầm mống tái sinh. Ngày nay, qua nghiên cứu và trải nghiệm, giới hữu trách đã nghiệm ra rằng trong thời gian có khủng hoảng, điều quan trọng là phải giúp các xí nghiệp có đủ tiền để tiếp tục hoạt động, tránh sa thải nhân viên; phải giúp người thất nghiệp có đủ điều kiện tài chánh để chi tiêu vì tiêu dùng là điều kiện cần thiết để tăng gia sản xuất. Chính vì thế mà các cuộc khủng hoảng kinh tế sau Đệ Nhị Thế Chiến đều được giới hạn vừa về mặt thời gian lẫn cường độ bằng các biện pháp tiền tệ của các ngân hàng trung ương hay qua các chính sách tài khoá của chính phủ. Vì vậy khủng hoảng kinh tế bây giờ thường được xếp vào loại trì trệ, suy thoái (Downturn, Recession) chứ không phải điêu tàn (Depression) như vào năm 1929. Cuộc khủng hoảng tài chánh 2008 được xếp vào loại Great Recession.
Theo các chuyên gia, kinh tế hoạt động theo chu kỳ. Hết lên voi rồi xuống chó, hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Một chu kỳ kinh tế bắt đầu khi kinh tế có tăng trưởng từ từ đi lên, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế sẽ đi xuống và chu kỳ chấm dứt khi tăng trưởng trở lại bắt đầu cho chu kỳ sau. Thời gian của một chu kỳ kinh tế tuỳ thuộc vào các biện pháp tài chính của ngân hàng trung ương và chính sách tài khoá của chính phủ. Sau khủng hoảng tài chính 2008, kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại mau lẹ trong khi đó kinh tế Âu Châu tiếp tục đi xuống thêm vài năm nữa. Sự khác biệt được nhiều nhà kinh tế giải thích một phần do các quyết định khác nhau của hai ngân hàng trung ương FED và ECB [7].
Vào những ngày đầu năm 2020, nhiều nhà phân tích kinh tế thế giới đang tiên đoán một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào cuối năm nay vì cho rằng các quốc gia nợ nần nhiều quá; lạm phát thấp mà lãi suất cũng thấp (như những năm trước 2006); hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và bây giờ còn thêm hậu quả của dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Tình hình này rất đáng quan tâm vì dầu sao thị trường Trung Quốc cũng chiếm tới một phần ba thị trường thế giới và Trung Quốc có nhiều đối tác thương mại với nhiều quốc gia khác. Kết quả hiện tại được nhận xét là giá dầu hoả đang đi xuống, dịch vụ du lịch giảm thiểu nặng, ngành vận tải hàng không xuống dốc, công nghệ xe hơi bị đình trệ, nhiều xí nghiệp trên thế giới thiếu phụ tùng sản xuất v.v. Thêm vào đó nhiều quốc gia đang khuyến cáo các ngân hàng trong nước giới hạn dịch vụ cho vay tiền, tăng lãi suất và gia tăng điều kiện mượn tiền. Rất có thể là kinh tế Trung Quốc sau dịch Covid-19 sẽ không còn được như xưa vì các nhà đầu tư Trung Hoa hay ngoại quốc có thể đi đến quyết định phân tán các chương trình đầu tư của họ đến nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên đây chỉ là tiên đoán. Có khủng hoảng hay không phải đợi đến cuối năm 2020 mới ngã ngũ ra sao.
Paris 25/02/2020
Phạm văn Vĩnh
Tham khảo:
[1] Macroéconomie Approfondie – Jean Francois Vidal – Université Paris Sud
[2] The Return of Depression Economics and the crisis 2008 – Paul Krugman – Nobel Kinh Tế 2008.
[3] Les origines de la crise économiques 1997 – Université de Montréal – https://redtac.org/asiedusudest/2012/12/29/les-origines-de-la-crise-asiatique-de-1997/
[4] The Asian Crisis Causes and Remedies – Bijan B. Aghevli – IMF – https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/1999/06/aghevli.htm
[4] La crise asiatique Cause et Remède- Bijan B. Aghevli – IMF – https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/fre/1999/06/pdf/aghevli.pdf
[5] La crise financière … – Pascal Salin – Nguyên GS Kinh Tế Université Paris Dauphine – https://www.libinst.ch/publications/IL-Salin-Crise-financiere.pdf
[6] De la crise des subprimes à la crise mondiale. – Patrick Artus, Jean-Paul Betbèze, Christian de Boissieu, Gunther Capelle-Blancard – Editeur: La Documentation française (16/01/2010).
[7] L’Euro: comment la monnaie unique menace l’avenir de l’Europe – Joseph E. Stiglitz (14/09/2016) – Nobel Kinh Tế 2001.