Vào chiều tối thứ Bảy 29.2.2020 tuần này, hai bên con đường Oxford Street, xuyên qua Sydney, sẽ chật cứng khán giả vỗ tay vang trời và giữa lòng đường là hàng hàng lớp lớp người ăn mặc rất khác người vì họ không ngại ngùng khi phô trương khuynh hướng tình dục LGTBQIA của mình. Diễn hành này thường gọi là ‘Mardi Gras Parade’. Thật ra, cuộc diễn hành rầm rộ chỉ là một trong nhiều cuộc lễ kéo dài trong hai tuần từ ngày 14.2 cho đến 1.3 năm nay.
‘Mardi Gras’ là chữ Pháp chỉ ngày thứ Ba trước thứ Tư lễ Tro (Ash Wednesday). Vì lễ Tro bắt đầu 40 ngày tín hữu Thiên Chúa Giáo ăn chay nên một ngày trước đó người ta… ăn chơi! Ngày nay và ở Úc, chữ ‘Mardi Gras’ chỉ cuộc diễn hành phô trương khuynh hướng tình dục của nhóm người có tên là LGTBQIA. LGBTQIA là chữ hiện thời. Trước đây, chỉ có LGBT, rồi dần dần dài thêm. Ngày trước, người ta gọi người đồng tính là Gay (có người Việt Nam gọi họ là ‘bê đê’ từ chữ Pháp pédérastie). Rồi phân biệt thêm khi hai ‘liền bà’ thích nhau thì… là… ‘lesbian’. Dần dần, người ta thấy Gay / Lesbian cũng chưa nói cho đủ sắc thái đa dạng của lớp người này. Trong Anh văn có thiệt nhiều chữ như Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender. Thế là người ta viết tắt mấy chữ đó thành LGBT. Bốn chữ này cũng chưa đủ tả cho hết người đồng tính nên người ta thêm queer / questioning và intersex. Thế là LGBT mọc thêm cái đuôi mà thành LGBTQI. Dường như lá cờ cầu vồng của nhóm người này có bảy màu nên cần đủ bảy chữ cái (chắc là) mới diễn tả hết sắc thái của họ. Ngày nay nhóm người này thường được chữ Anh chỉ bằng bảy chữ LGBTQIA. A cuối cùng thay thế cho Asexual. Mai kia mốt nọ, người ta lại thấy bảy chữ cũng chưa tả hết, có thể lại thêm vài chữ nữa. Thêm cho tới khi hết 24 chữ cái thì… chế ra chữ khác.
Xin trở lại cuộc diễn hành Mardi Gras ở Sydney. Để được coi là một lễ hội vui tươi và được nhiều người nhìn nhận, diễn hành Mardi Gras ở Úc đã phải qua thời gian dài và chịu nhiều nhục nhã – nếu không phải nói là đánh đập và bắt bớ.
Thật vậy, vào tối ngày 24.6.1978, trời Sydney khá lạnh chừng ngàn người bị coi ‘thiểu số đồng tính’ xuống đường đánh dấu chuyện người đồng tính nổi loạn ở New York, và đòi Úc phải đối xử bình đẳng với người đồng tính. Ở New York vào năm 1969 khi cảnh sát Mỹ khám xét một quán rượu có đông người đồng tính lui tới thì gặp phản ứng dữ dội. Hai bên đụng độ nhau và sử gọi là ‘Stonewall riots, những cuộc nổi loại ở Stonewall’. Khi tổ chức diễn hành đầu tiên ở Sydney, người đồng tính đã phất lá cờ cầu vồng và khởi hành từ Taylor Park, diễn hành dọc theo Oxford Street, và dự định sẽ họp nhau ở bên trong Hyde Park. Nhưng khi đoàn diễn hành tới nơi thì cảnh sát Úc xuất hiện. Cảnh sát chận cửa không cho đoàn diễn hành vào. Chuyện gì xảy ra sau đó thì… tuỳ theo người kể. Cảnh sát thì nói cần giữ trật tự nên bắt giữ 53 người. Người diễn hành cho rằng cảnh sát đàn áp…
37 năm sau – với biết bao nước chảy qua cầu – vào năm 2015, hội đồng thành phố Sydney đã xin lỗi về chuyện đáng tiếc trong đêm ‘diễn hành Mardi Gras ‘đầu tiên’ tại Sydney. Sau đó, hội đồng lập pháp tiểu bang NSW cũng xin lỗi. Và ngày nay, cảnh sát cũng tham gia vào nhóm người diễn hành.
Với chính quyền và dân chúng địa phương, tổ chức gì tổ chức miễn là không gây rối mà còn mang lại lợi lộc thì… ok. Ở Úc không phải chỉ Sydney có diễn hành Mardi Gras mà nhiều nơi khác cũng có – nhưng ít rầm rộ, như tại Daylesford, Cairns, Alice Springs, Hunter Valley, Lismore, và Broken Hill, vân vân. Riêng diễn hành Mardi Gras tại Sydney mang về cho thành phố này số tiền không dưới $30 triệu Úc kim. Ba ngành được hưởng lợi nhất trong dịp này là chỗ bán rượu, tiệm hớt tóc và các ngành liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, và tiệm bán kỷ vật. Đặc biệt không phải khách du lịch nào cũng tìm tới Sydney trong ngày hội mang tên ‘Sydney Gay and Lesbian Mardi Gras Festival and Parade’ mà phần lớn là người LGTBQIA hay có cảm tình với lớp người này. Sydney đã thu hút được chú ý của thế giới về cái mục này. Bằng chứng là thành phố đông dân nhất Úc đã được trao phó đăng cai tổ chức Thế vận hội Đồng Tính (International Gay Games) vào năm 2002.
Quan trọng hơn tiền bạc, lễ hội và diễn hành Mardi Gras cho thấy thế nào lối xử sự đúng điệu Úc đối với người LGBTQIA. Đúng điệu Úc hiện nay là tôn trọng sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Úc rặc hay di dân? Xin đừng hỏi. Da đen hay mắt xếch? Xin đừng nhắc tới. Trùm khăn hay mặc xà lỏn? Xin mời cả hai bước vào. Ông thích ông hay bà thích bà? Chuyện này đã qua phà trưng cầu dân ý và thành luật. Người sống ở Úc cư xư với nhau như thế vì bao dung (tolerance) là một trong nhiều đặc điểm của xã hội ở đây.
Sống ở đâu, có lẽ nên đúng điệu ở đó. Thư toà soạn này xin chỉ nói đến ‘đúng điệu’. Còn ‘đúng sai’ là chuyện khác.
Việt Luận