CHO CON XIN MÙ MỘT MẮT

Câu chuyện này một số quý vị đã từng đọc qua: Có hai cửa hàng đối diện, do buôn bán cạnh tranh nên thường xảy ra hằn học đố kỵ. Một hôm một bên cảm thấy quá phẫn uất bèn cầu Trời giúp mình làm ăn khấm khá hơn bên kia. Ông Trời là kẻ công bằng liền nói: Ngươi muốn cầu gì cũng được, nhưng ngươi cầu cho mình một, ta sẽ ban cho bên kia gấp đôi. Suy nghĩ chừng vài giây, kẻ nọ vội nói luôn: Vậy xin Trời hãy cho con mù một con mắt! Bài học ý nghĩa ở đây: Khi thù ghét nhau, người ta chỉ muốn kẻ thù của mình gặp phải những điều tồi tệ xấu xa nhất.

Với không ít người Việt mình, nói đến Tàu là không ưa. Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Bao nhiêu đời không hề bị khuất phục. Từ Bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Lý Thường Kiệt Nam Quốc Sơn Hà đến Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, chủ quyền và bản sắc dân tộc là rường mối không ai có thể xem nhẹ. Phường cõng rắn cắn gà nhà ta không nói đến. Ngoại trừ bọn này, trong trái tim người Việt mình ngọn đuốc thiêng của các vị bô lão Diên Hồng mãi mãi còn hừng hực cháy.

Trà dư tửu hậu, lan man, gần đây vẫn là chuyện cái lưỡi bò bị Trung Quốc nuốt trọn. Người Việt mình ghét Tàu lắm. Thứ bá đạo, ỷ mạnh, muốn bành trướng nuốt hết cả khu vực Biển đông nghe nói đến đã thấy ứa gan. Bao chiêu trò chúng hãm hại dân mình. La liệt những chiêu thức xấu xa xảy ra được dân truyền khẩu cho nhau biết. Tụi Tàu nó thâm hiểm lắm. Liệt kê sơ sơ. Chuyện mua móng trâu. Chuyện mua râu ngô non. Chuyện khuyến khích dân mình nuôi ốc bươu vàng. Những vụ đầu tư trồng cây xanh. Chuyện mua đầu mèo. Chuyện lùng mua rắn. Mua rễ tiêu. Mua rễ trầm… Thoạt nghe qua thấy vô hại. Mua bốn cái móng trâu giá cao bằng nguyên một con trâu. Tuy ai cũng biết trâu là sức kéo của nhà nông. Nhưng thấy lợi quá. Giết một con trâu được giá hai con. Rồi râu ngô non, cắt bán cho họ, mất mát gì? Tới chừng ngô già, bẻ xuống, chỉ thấy cái cùi bắp không có hạt nào. Còn nuôi ốc bươu vàng hả, chỉ một năm sau thôi, thứ đó nó sinh sản theo cấp số nhân, gặp cái gì nó cũng cắn, cũng phá, nhà nông hoảng vía, tới chừng lo tìm cách triệt nó thì đã muộn! Hay đầu tư trồng cây xanh, họ mồi chài, giả đò mua giá cao, bà con thấy đầu tư có lợi, ùn ùn bỏ vốn mua cây giống, bao nhiêu cũng thiếu, tới chừng cây đủ tuổi bán, không thấy mặt chủ đầu tư nữa, khối người sạt nghiệp. Hay mua đầu mèo. Giá cao à. Bà con đâu nghĩ gì xa xôi. Lớp bắt mèo nhà, lớp bắt mèo hàng xóm, bắt mèo mẹ vợ, làng hết mèo bắt mèo làng khác đem bán. Tới chừng dân số tiểu hổ gần như bị tuyệt chủng mới tá hỏa nạn chuột cắn phá ruộng nương, vô phương cứu chữa, khi biết mình bị lừa thường đã muộn. Hay chuyện rủ nhau đi đào rắn, đây là loại bò sát diệt chuột giúp nhà nông. Chúng bị đào bắt tận gốc, có hang là bị đào, sau nạn chuột nổi lên rầm rộ dân mình mới hiểu rõ người Tàu họ thâm hiểm tới cỡ nào. Còn rễ tiêu, đào lên cây tiêu chỉ có nước tiêu luôn!

Nói về người Tàu không ít người Việt mình rất dễ nổi máu nóng. Thậm chí Tổng thống Trump chiếm được tình cảm của nhiều cử tri Việt mình vì họ tin rằng ông đã mạnh tay với Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc không dám mạnh tay với hồ sơ Biển Đông nữa vì đã có Mr. Trump gởi chiến hạm đến vùng này. Theo họ, chỉ có Tổng thống Trump mới dám là kẻ đứng ra đánh kinh tế Trung Quốc. Từ đó ông nghiễm nhiên trở thành người hùng của họ. Và không phải chỉ có người Việt mình là không ưa gì Trung Quốc. Nhiều nước khác trên thế giới cũng chẳng ưa gì nhau lắm. Ngó qua Trung Đông hay Châu Phi thì biết. Cùng là dân nói tiếng Ả Rập với nhau. Vậy mà chiến tranh liên miên, ì đùng. Còn người Nhật với người Tàu và người Triều Tiên, lịch sử thù địch, họ không hề ưa nhau. Nga với Ukraine cũng vậy, gầm gừ nhau từng ly từng tí. Chỉ có Châu Mỹ (Bắc Mỹ và Nam Mỹ) là thuần tính. Lâu lâu mới có vài nhóm bè đảng, phường cướp cạn, mấy tay trùm thuốc phiện là máu lạnh.

Khi nghe Vũ Hán bị dịch viêm phổi 2019-nCoV nhiều người Việt đã nghĩ ngay chuyện Trung Quốc bị Trời trừng phạt. Hiển nhiên do không nhìn thấy những hoàn cảnh trực tiếp, người ta không thấy mức nghiêm trọng đến độ đáng thương. Sau đó càng nhìn những thước phim trên mạng, người ta dần dần hiểu ra đây là đại nạn. Rồi tự nhiên họ khó tránh cảnh mủi lòng. Mối liên hệ giữa con người đồng loại với nhau bỗng nhen nhóm. Người ta không nghĩ đến những cái xấu của nhau nữa. Hy vọng thế. Bởi người có chút lòng tự trọng sẽ không tiếp tục đánh phủ đầu khi đối phương ngã dụi. Huống chi bực thì nói lời bạc miệng. Tới chừng thấy dân Trung Quốc gặp cảnh khổ người ta mới nhận ra: Tại chính quyền Trung Quốc có những chính sách bành trướng chứ người dân họ cũng như mình, cũng thật thà chất phác, cũng lam lũ làm ăn, cũng đầy thiện chí, yêu hòa bình…        

Ban đầu thấy nạn dịch do vi-rút 2019-nCoV gây ra, người ta thấy vui vì kinh tế Trung Quốc nhất định sẽ bị ảnh hưởng nặng. Một khi kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng khả năng quốc phòng của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không ít người lo xa tin rằng nếu không có những biện pháp tài chế, cứ để Trung Quốc phất lên, sẽ có ngày họ không coi ai ra gì nữa. Việt Nam nằm sát nách Trung Quốc, mối hiểm họa ai dám nói là không lớn! Nhưng dần dần, từ từ, người ta mới nhận ra nạn dịch do vi-rút 2019-nCoV gây ra không phải là chuyện riêng của Trung Quốc nữa. Vũ Hán là trung tâm của bệnh dịch. Nhưng nó lây nhiễm rất nhanh. Cả nước Trung Quốc bỗng nhiên trở nên đứng ngồi không yên. Cái gì cũng trở nên khan hiếm. Người ta sợ. Rồi người ta tranh thủ. Tích trữ. Phòng xa. Vơ vét. Cái gì cũng phải lo trước cho chắc chắn. Thế là những thứ một dạo thừa mứa, ê hề trong siêu thị, đùng một cái, chúng trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Thiên hạ có thể đánh nhau chỉ vì tranh giành những thứ bình thường họ chẳng mấy bận tâm đến.

Rất nhanh, ảnh hưởng kinh tế lan đi khắp nơi đến nhiều nước khác nhau. Phi trường Vũ Hán khai trương năm 1995 là nơi ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines, và China Southern Airlines liên tục những chiếc phi cơ lăn bánh trên phi đạo, năm 2018 gần 25 triệu lượt khách quá cảnh sân bay này. Nay trung tâm vận chuyển quan trọng bậc nhất của Trung Quốc tại vị trí then chốt đã bị phong tỏa. Hãy hình dung, 11 triệu dân của hành phố này không ai dám ra đường. Phố xá biến thành phố ma. Tính đến hôm nay Trung Quốc đã có mấy ngàn người chết và hơn 80 ngàn ca nhiễm bệnh. Không khí hoảng loạn bao trùm nơi đây.

Tại Việt Nam, tin nhận được từ chỗ bạn bè không mấy lạc quan lắm. Sợ chứ. Không sợ sao được khi tình hình dân chúng qua lại giữa biên giới hai nước sát kề nhau. Đã thế, tâm lý lo sợ là trạng thái lây lan nhanh nhất. Chỉ cần những cơn sốt tin xấu loan đi (giá khẩu trang tăng vọt) đủ khiến dân chúng lo sợ. Rồi những thông tin rỉ tai nhau. Nói kín thôi. Toàn những chuyện rất đáng tin, từ chỗ nọ đến chỗ kia. Cứ thế. Ánh mắt âu lo hoảng loạn là thứ rất dễ nhận diện. Căn bệnh này lây lan qua đường hô hấp. Có nơi người ta kháo nhau nó lây qua cả mắt, cả hai lỗ tai, qua tiếp xúc da… Nếu thế tình hình này xem ra không thể nói đùa được!          

Dưa hấu và thanh long của Việt Nam bị cắt đứt động mạch chủ, thoi thóp thở. Ổi chủ vườn không thiết hái. Quýt hàng năm nhà vườn bán hết tấn nọ, tấn kia, tiền đếm mỏi tay, nay chín rục, đỏ ối, rụng kín gốc, trông vô cùng thương tâm, xót mắt. Tiếng trống đội múa lân cũng vắng hẳn. Chùa đền mọi năm tưng bừng lễ hội, nay vắng như Chùa Bà Đanh. Nhiều show ca nhạc đình đám đóng cửa, hoặc dời lịch diễn. Gánh hát cò con tiện thể rã đám, giải thể luôn cho tiện. Con nhậu không dám la cà, đàn đúm ngoài đường nữa. Tử thần mà, bộ giỡn chơi sao.   

Con số những mặt hàng sản xuất tại Vũ Hán không ai biết rõ. Chỉ biết nó nhiều lắm. Kinh tế toàn cầu thời hiện đại nhiều mặt hàng cần đến linh kiện từ những nhà sản xuất khác nhau, thậm chí đa quốc gia. Vũ Hán sản xuất nhiều thứ, nay hoạt động sản xuất tê liệt, nhiều dây chuyền sản xuất buộc phải dừng lại vì nơi đây hiện đang là thành phố chết! Tại đây, từ sản phẩm y tế, thuốc men, và hàng chục ngàn sản phẩm phục vụ toàn cầu đã bị ngừng trệ. Tổn thất kinh tế lần này sẽ không hề nhỏ với Trung Quốc.

Bao giờ nạn đại dịch này mới qua đi? Tất nhiên nó sẽ qua đi, bởi từ từ người ta sẽ tìm cách khống chế chúng. Đặc biệt thời buổi thông tin hiện nay không gì có thể bị bưng bít mãi, bắt buộc giới hữu trách phải có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên không ai dám nói trước được điều gì, trừ phi các biện pháp cách ly và điều trị được tiến hành đồng bộ, đồng loạt. Theo lý thuyết, thời gian ủ bệnh là 14 ngày. Với con số hơn 80 ngàn ca bệnh, mỗi ngày vẫn cứ thấy tăng lên, nên chỉ khi nào các ca nhiễm bệnh mới giảm xuống, đồng thời số ca nhiễm bệnh (chết một số, điều trị dứt bệnh một số) từ từ được xử lý, nạn đại dịch này lúc đó mới có thể tạm yên tâm đã được khống chế.

Nạn dịch viêm phổi SARS xảy ra trong khoảng 2002-2003 (tức 16 năm sau 2019-nCoV tấn công Trung Quốc). Được biết vi-rút SARS-CoV đã cướp đi 700 mạng người. Thiệt hại kinh tế toàn cầu ước tính trong khoảng 30 – 50 tỷ Mỹ kim. Với vi-rút 2019-nCoV lần này, các nhà khoa học tin rằng chúng phát tán nhanh hơn, khó kiểm soát hơn, con số hơn 2 ngàn người chết chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây. Gần như các tỉnh như Quảng Đông và Thâm Quyến, hành lang Thượng Hải – Tô Châu – Nam Kinh, hoặc xung quanh Trùng Khánh, Tứ Xuyên nhiều công nhân đã về thăm nhà dịp Tết tại Vũ Hán hoặc tại các khu vực truyền nhiễm khác vô tình gieo bệnh khắp muôn phương.

Trở lại câu chuyện “vậy xin cho con mù một mắt” bạn đã đọc ở trên, khi ghét nhau người ta chỉ nghĩ đến chuyện xấu nhất cho nhau. Nhưng ngẫm kỹ lại, từ trải nghiệm của người Việt sống bên nhà, có lẽ tâm trạng của họ cũng giống người Trung Quốc tại Vũ Hán, họ thực sự muốn nạn đại dịch này sẽ sớm qua đi. Chắc chắn người Việt sống ở nước ngoài cũng vậy, họ muốn cho mọi cái sớm trở lại bình thường, còn cứ kéo dài mãi, đại dịch vi-rút 2019-nCoV sẽ gây ra nhiều xáo trộn sinh hoạt ảnh hưởng đến người thân của họ bên nhà.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts