Mưa vẫn lất phất bay, bầu trời như gần hơn khi những cụm mây đen mỗi lúc mỗi lớn dần. Tôi bước vội trong tâm trạng có chút âu lo, bởi đây không phải công viên của một chiều nắng đẹp để thả hồn với thơ và nhạc mà là một thế giới khuất bên dưới những nấm mồ đầy hoa rực rỡ đã và đang nằm trong trí tưởng tượng của chúng ta, một thế giới có thể là nơi an nghỉ yên bình hay là nơi phải trả những món nợ ta còn chưa trả.
Một chút hoảng sợ, nhưng tôi cố trấn an bằng cách gọi thầm: “Mẹ ơi! Bên con nhé”. Tôi đi qua những dãy mồ có diện tích giống nhau, có hình thức cũng tương tự nhau chỉ khác là những cái tên, thời gian sinh và tử, những tấm hình được khắc lên bia đá và sâu xa hơn, tôi nghĩ, sẽ là những số phận khác nhau ở một thế giới khuất. Số phận ấy ra sao tuỳ thuộc vào quãng đời ngắn ngủi đã sống chốn gian trần.
Mưa nặng hạt hơn, gió mạnh hơn thổi tung chiếc áo khoác mỏng manh. Cơn lạnh thấm vào da thịt vào tâm hồn tôi, lạnh cả trong suy nghĩ. Một cánh hoa tàn, trên mộ của một người có cái tên gốc Do Thái, bay tung lên. Phải chăng đó là linh hồn của bác ấy đang dạo chơi và muốn nói điều gì đó với tôi? Tôi thầm thì: “Chào Bác, Bác ơi cho cháu đi vì mẹ cháu đang chờ”.
Tôi đi thật nhanh mong đến nơi mẹ tôi nằm để đốt cho bà nén nhang, nhưng mưa thế này thì chỉ có nói chuyện với bà vài câu thôi. Vì hôm nay tôi có một chuyện vui, muốn kể mẹ nghe. Mưa hắt vào mặt, vào cổ, vào tay… Cơn lạnh làm tôi run lên nhưng nỗi sợ làm tôi rùng mình. Bỗng có một giọng nói trầm ấm vang lên: “Đừng sợ, không ai có thể hại được người tử tế đâu”! Tôi tử tế ư? Có vẻ vậy. Rồi mừng rỡ quay lại nơi có giọng nói, và… trong cơn mưa, tôi thấy bóng một người, tôi hỏi: “Bác cũng đi thăm người thân”? Vẫn chất giọng trầm buồn như từ cõi nào xa lắm vọng lại: “Ồ không, Bác đang đợi người thân đến thăm”!
Tôi rợn cả người và đứng lặng im. Dường như có cái gì đó níu giữ bước chân tôi mặc dầu trong ý thức tôi muốn chạy thật nhanh ra khỏi chốn này. Một cơn lốc mạnh thổi đến như cuốn tôi ra khỏi dòng suy nghĩ liêu trai và thật bình tĩnh tôi gọi: “Mẹ ơi! Con gặp rồi. Có phải bác ấy là bạn hàng xóm của mẹ không? Mẹ có trục trặc gì với bác không?” Hy vọng là tốt. Tôi tỉnh táo lạ thường và khoan thai bước qua từng ngôi mộ, từng cái tên, từng khuôn mặt: già, trẻ, trung niên, nhưng đặc biệt tôi không thấy bất kỳ một ngôi mộ nào của em bé. Hay nơi này chỉ dành cho người lớn?
Rồi cũng đến ngôi nhà của mẹ tôi. Tôi còn nhớ rất kỹ hình ảnh lúc hạ huyệt và những bông hoa được thả xuống trước khi họ lấp nấm mồ lại. Tôi không khóc mà cảm thấy yên bình, vì từ đây mẹ tôi được ngủ trong an lành, không lo lắng muộn phiền, không phải chịu những cơn rét mùa đông hay những ngày hè nóng bức. Mẹ sẽ không cô đơn vì có rất nhiều bạn láng giềng, trong đó có một người tôi vừa nói chuyện.
Cơn mưa bỗng ngừng, bầu trời sáng lại, những tia nắng chiều hắt bóng tôi trải dài trên lối đi sỏi đá của nghĩa trang. Đốt cho mẹ nén nhang, tôi cầu nguyện cho bà được về chốn an lành; cầu nguyện cho người thân, bạn bè và tất cả chúng ta có một cuộc sống tử tế, trong một thế giới người tử tế.
Tôi thanh thản đi qua những ngôi mộ chung quanh để đốt nhang cho những người chưa có thân nhân đến thăm chiều nay và thầm cầu nguyện những điều lành cho họ. Thoảng trong cơn gió, tôi nghe một hợp âm quen thuộc bài hát mà tôi yêu thích: “Come Back to Sorrento” của Enesto de Curtis, lòng tôi chùng xuống. Rồi tất cả chúng ta cũng sẽ “Trở về mái nhà xưa”. Khi viết bài này, tôi nhớ đang là mùa chay của Thiên Chúa giáo.
Vào năm 1091, cộng đồng Benevento (Nam Italy) đã truyền cử hành nghi lễ xức tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Lúc xức tro, vị Linh mục sẽ đọc: “Ta là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (St 3,19). Mong một ngày nào đó khi về với cát bụi, cũng có một người khách lạ đốt một nén hương trên ngôi mộ có cái tên giống tôi.
Melbourne, 29/2/2020
Thu Tuyết