Bậc Chân Tu Lỗi Lạc – Trọn Đời Cống Hiến Cho Dân Tộc và Đạo Pháp: Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ (1928 -2020)

                                               *Ngọc Hân

Đất nuớc Việt Nam vừa mất một lãnh tụ tôn giáo lỗi lạc, uy vũ bất năng khuất, và Phật Giáo Việt Nam vừa mất đi một bậc Cao Tăng Thạc Đức, Đại Hiếu, Đại Trí và Đại Dũng dành trọn cuộc đời hy sinh vì Đạo Pháp và Dân Tộc.                                                                                            

Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi                                                                                                         

Hạc vàng cất cánh hướng chân trời                                                                                                       

Dung nhan đã khuất nơi trần thế                                                                                                             

Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi.

Với 4 câu thơ nầy, Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Melbourne kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan (Giáo Hội) nhưng trong vai trò MC, đã bắt đầu chương trình Lễ Truy Tán Công Đức và Tưởng Niệm Giác linh Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Việt Nam. Lễ Truy Niệm nầy vừa được tổ chức trọng thể tại Chùa Pháp Bảo Sydney, vào ngày Thứ Bảy 29/2/2020, theo Thông Tư Khẩn của Hoà Thượng Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội. Trong tư cách điều hợp Giáo Hội Liên Châu, HT Thích Bảo Lạc cũng thông báo nhiều buổi Lễ Truy Niệm ở khắp nơi trên thế giới.

Tất nhiên tại Chùa Từ Hiếu Sài Gòn, Lễ Tưởng Niệm Đức Đệ Ngũ Tăng Thống cũng được tổ chức trang nghiêm dù đơn sơ theo Di Huấn của Ngài, mặc dù cán bộ cộng sản kể cả một vài nhân vật khoác áo cà sa, đã có nhiều hành động ngăn trở phá hoại, theo tin tức từ những chứng nhân đã được phổ biến trên trang mạng xã hội. Một điểm khác cần được nói là tất cả báo chí nhà nước đều im lặng về sự viên tịch của HT Quảng Độ. Ngay cả một tin ngắn của báo Tuổi Trẻ cũng đã bị tháo gỡ.

Đại Lão Hoà Thuợng Thích Quảng Độ sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928 tại Thái Bình với thế danh là Đặng Phúc Tuệ và mất ngày 22 tháng Hai năm 2020 nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý tại Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn, Việt Nam – hưởng thượng thọ 93 tuổi và 73 Hạ lạp.

Ngài xuất gia rất sớm, vào tuổi ngoài 20 đã vào Sài Gòn và đi du học tại Tích Lan và Ấn Độ. Trở về Sài Gòn sau Hiệp Định Geneva 1954, Ngài đã sinh hoạt tích cực như là một lãnh tụ Phật Giáo quan trọng. Sau Pháp nạn 1963, Ngài được cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hoá Đạo năm 1965, đồng thời giảng dạy tại Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, đặc trách bộ môn Triết học Đông phương. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, theo vận nước nổi trôi và Giáo Hội PHVNTN bị chính quyền cộng sản độc tài đàn áp và cấm hoạt động, Ngài vẫn kiên trì đấu tranh cùng với cấp lãnh đạo Giáo Hội trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vào năm 1999, Ngài được cử vào chức vụ Viện Trưởng Viện Hoá Đạo. Sau thời gian Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, Hoà Thượng được suy tôn là Đệ Ngũ Tăng Thống năm 2011, kế vị Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang viên tịch. Do những nỗ lực đấu tranh cho Đạo Pháp và Dân Tộc, Hoà Thượng nhiều lần được đề cử Giải Thưởng Nobel và đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế khác như Giải Thưởng Homo Homini 2001 của Tổ chức People in Need, Cộng Hòa Séc, Giải Nhân quyền Việt Nam 2002 của Mạng lưới Nhân quyền Việt NamGiải tưởng niệm Thorolf  RaftoNa Uy năm 2006.

Cũng vì những nỗ lực đấu tranh nầy mà Hoà Thượng đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam và lưu đày tại nơi sinh quán Thái Bình trong rất nhiều năm. Ngay cả sau khi được trả “tự do” vì áp lực quốc tế, Hoà Thượng vẫn bị quản thúc hành chánh tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn – là nơi mà Ngài đã nhiều lần tiếp xúc với nhiều phái đoàn chính trị gia nước ngoài, kể cả các viên chức Toà Đại Sứ Mỹ và Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam, để tiếng nói cho Tự Do Tôn Giáo không bị dập tắt.

Tại Chùa Pháp Bảo, sau Lễ Dâng Hoa cúng dường Giác Linh Đức Đệ Ngũ Tăng Thống của Gia Đình Phật tử Việt Nam Úc Châu, Hòa Thượng Thích Bổn Điền đã tuyên đọc tiểu sử của cố Đại Lão Hòa Thượng, đặc biệt là những đóng góp giá trị của Ngài vào kho tàng văn hóa Phật Giáo.

Hòa Thượng Thích Quảng Ba nhắc lại một vài kỷ niệm gặp gỡ Cố Đại Lão Hòa Thuợng và nghe Cố Đại Lão Hòa Thượng giảng Pháp bằng Anh Ngữ. Trong phần truy tán công đức đầy cảm xúc, Hòa Thượng Quảng Ba đã trình bày 3 điểm chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Cố Đại Lão Hòa Thượng: Ngài là nhân vật Đại Hiếu, vì ngay trong chốn lao tù cộng sản ở Thái Bình, ngài vẫn chăm lo miếng ăn thức uống cho bà mẹ già.  

Theo Hòa Thượng Quảng Ba, Ngài cũng là bậc Đại Trí, vì ngài vừa là nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, và sáng tác thi văn. Thí dụ mà Hòa Thượng Bổn Điền và Hòa Thượng Quảng Ba đều kể lại là công trình soạn thảo Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) mà ngài đã làm năm nầy tháng kia trong hoàn cảnh bị lưu đày, nhưng sau cùng vì nhà cầm quyền cộng sản không chịu trả lại bản thảo, nên ngài đã phải viết lại khi ra khỏi chốn lao tù.

Về mặt Đại Trí và bên ngoài Giáo Hội, khi được tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ viên tịch, Học giả tên tuổi Nguyễn Huệ Chi đã phổ biến trên trang mạng Bauxite VietNam giai thoại đã xảy ra hồi năm 1992, khi ông biên soạn Đặc san Văn Học Phật Giáo Việt Nam.

Học giả Nguyễn Huệ Chi viế: “Tôi nghe phong thanh ở Thái Bình có một nhà sư tài giỏi từ miền Nam bị Nhà nước lưu đày ra đây đã hơn mười năm, vì tội không thừa nhận Hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước cai quản…”.  Sau đó, do duyên may gặp gỡ một học giả, nhà nho Nguyễn Tiến Đoàn từ Thái Bình. Câu chuyện đến đây trở thành giai thoại hiếm có, vì học giả Nguyễn Tiến Đoàn đã từng gặp gỡ và thảo luận với Hòa Thượng Quảng Độ 2 tiếng đồng hồ về nhiều vấn đề Phật học. Ông Nguyễn Huệ Chi viết tiếp: “Tiếng tăm vị sư lan tỏa rất xa, từ Thái Bình bay lên đến Hà Nội, với những lời đồn thổi khiến người nghe hết sức tò mò, rằng đây là một nhà  Phật học thông thái phi thường, khác xa lớp sư trụ trì ở các chùa miền Bắc trước nay…”

Ông Nguyễn Huệ Chi đem câu chuyện nhà sư bị lưu đày ra hỏi người bạn thâm nho, thì “không ngờ chính anh đã từng thân hành đến ngôi chùa giam lỏng vị sư này để tìm gặp ông và được ông trao đổi rất cởi mở. Và theo anh, “đó quả thực là một bậc thầy về Phật học trước nay anh chưa từng gặp”. [Ngun: Bauxite Viet Nam – Nguyễn Huệ Chi: Nhắc lại một kỷ niệm để tưởng nhớ Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ]

Đức tính thứ ba là Đại Dũng. Hòa thượng Quảng Độ được coi là lãnh tụ Phật Giáo “vô úy”, vì không áp lực nào hay âm mưu mua chuộc nào có thể làm Ngài thay đổi lập trường tranh đấu cho tự do tôn giáo và phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà.

Chúng tôi đã may mắn có cơ duyên phỏng vấn Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ trong một dịp Ngài được phép trở về Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn. Tuy trong tình trạng bị quản thúc hành chánh, Ngài vẫn không hề nao núng xác nhận lập trường và đòi hỏi chế độ cộng sản Việt Nam phải trả lại cơ sở để Giáo Hội phục hoạt với tư cách chính danh trên toàn cõi Việt Nam. Giọng Ngài thật khí khái, hùng tâm nhưng cũng thật ấm áp, ân cần thăm hỏi đồng bào bên Úc!

Phần phỏng vấn đáng ghi nhớ nhất vẫn là phần được thu trực tiếp qua đường điện thoại viễn liên từ nơi xảy ra “Sự Biến Lương Sơn” năm 2003, đó là điểm cao của một chuỗi sự biến của Phật Giáo Việt Nam khi các vị lãnh đạo Giáo Hội PGVNTN tổ chức Đại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều Bình Định và xe hơi chở nhị vị Đại Lão Hoà Thượng Huyền Quang, Quảng Độ cùng quý TT Tuệ Sỹ, Viên Định, Nguyên Lý, Thanh Huyền… bị chính quyền đắp mô chặn đường, bao vây, đập xe, la ó… TT Tuệ Sỹ đã trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi về Sự Biến nầy và qua đó được biết sức khoẻ của Hòa Thượng Quảng Độ đáng quan ngại khi trong xe thiếu không khí và việc bao vây chặn đường, giằng co diễn ra từ sáng đến 3g30 chiều.

Phần phỏng vấn viễn liên Sydney-Sài Gòn được phát thanh trên Hệ Thống SBS Radio toàn quốc và trên làn sóng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Washington DC.

Lễ Truy Tán cũng bao gồm phần phát biểu của phật tử và đại diện cộng đồng. Theo Huynh trưởng Gia đình Phật Tử Nguyên Mai Trần Kim Hoàng, Cố Đại Lão Hòa Thượng là nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân phẩm con người. Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang – đại diện Ông Chủ tịch Nguyễn Văn Bon, đã chuyển đạt Phân Ưu của cộng đồng người Việt với môn đồ pháp quyến, đồng thời nguyện cầu Giác Linh Cố Hòa Thượng an nhiên nhập Niết Bàn. Cộng đồng Người Việt cũng không quên cầu xin Giác Linh Ngài tiếp tục độ trì cho vận mệnh của Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam. Luật Sư Đào Tăng Dực phát biểu cảm niệm của một nhân sĩ Phật tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngoài ra, trong số những nhân vật “thế quyền” đã gửi văn thư hoặc phát biểu Phân Ưu có Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam, Ông Daniel J Kritenbrink, Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal và Dân Biểu Luke Donnellan tại Quốc Hội Victoria, Melbourne. Tuy nhiên có ý nghĩa hơn cả có lẽ là Thông Điệp tán thán công đức Cố Hòa Thượng Thích Quảng Độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Cử tọa cũng được nghe Lời Đạo tình của Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn gởi từ Phương Trượng Chùa Bảo Vương, Melbourne, Úc Châu, qua điện thoại viễn liên Và sau đó, như mọi người chờ đợi, là Lời đạo tình của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc: “Đc Đi Lão Hòa Thưng Thích Qung Đ là mt bc Cao Tăng Thc Đc ca Pht Giáo Vit Nam, đã cng hiến trn đi cho Đo pháp và Dân tc. Ngài là nhà lãnh đo dũng mãnh không chùn bưc trưc thế quyn, dõng dc đòi quyn t do sinh hot ca Giáo Hi Pht Giáo Vit Nam Thng Nht t sau năm 1975 ti nay…”

Lễ Truy Tán kết thúc với phần cung tiến Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng do Thượng Tọa Thích Tâm Minh chủ sám cùng chư Tôn đức Ban Kinh Sư đảm trách. TT Thích Phổ Hương, TT Thích Phổ Huân, NS Thích Nữ Chân Kim, Sư Cô Thích Nữ Giác Anh, đại diện tập thể môn đồ pháp quyến. Thượng Tọa Thích Phổ Huân, đại diện Ban Tổ Chức, ngỏ lời cảm tạ chư tôn đức, quan khách và đồng hương Phật Tử.

Cử tọa bao gồm rất đông chư tôn đức Hòa Thượng Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni thuộc các tự viện trong Giáo Hội, và chư tôn đức tăng ni thuộc Chùa Sati Forest Monastery. Về phía khách tham dự, theo phần giới thiệu của Ban Tổ Chức, có Luật sư Lưu Tường Quang, cựu Trưởng nhiệm SBS Radio Úc Châu, Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Chủ tịch ngoại vụ đại diện Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc, Luật Sư Đào Tăng Dực (pháp danh Chúc Phán) Cố Vấn Pháp Luật của Giáo Hội, Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch CDNVTD/NSW, và 3 vị cựu Chủ Tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do: Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Kỹ sư Phan Đông Bích và Ls Nguyễn Văn Thân, ông Henry Hiền Đặng, Tổng Thư Ký Tổng Hội PG Úc cũng như Bà Nguyễn Thị Nên, đại diện Tổ Chức 1706.

Cuối cùng xin mượn những câu thơ của HT Quảng Độ để cung tiến Giác Linh Ngài vừa trở về quê hương Cực Lạc.

Đêm nay không trăng tôi nhìn bầu trời đen thẫm

Từ các tinh cầu xa xăm

Muôn nghìn ánh mắt long lanh nhìn tôi đăm đăm

Như âm thầm mời gọi hãy trở về vũ trụ bao la…

Ôi! Sung sướng biết bao từ thuở nào

Giờ đây thuyền neo bến cũ và hết rồi những ngày tháng lao đao

Những ánh mắt long lanh vẫn nhìn tôi trìu mến

Như hân hoan chào đón lữ hành sau những năm dài lưu lạc

Nay trở lại quê hương nhưng còn ngờ ngợ qua lớp áo phong sương

Những ánh mắt nhìn tôi thật kỹ

Và cuối cùng đã nhận ra tôi vẫn là người xưa tri kỷ

Chẳng phải khách tha phương

Khi ra đi, MÊ-GIÁC đôi đường

Giờ trở lại, GIÁC-MÊ là một

Ra đi mê, giác đôi đường

Giờ đây trở lại, một đường giác mê.

                                 (Nhập Thể)

                                                                                 Ngc Hân

                                                                          (Sydney, 02.03.2020)

HT Hội Chủ Thích Bảo Lạc
HT Thích Quảng Ba
Đại Diện Gia Đình Phật Tử VN Úc Đại Lợi
Ls Nguyễn Toàn, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang

Related posts