TQ: Viện trợ quốc tế trong nỗ lực “viết lại lịch sử virus viêm phổi Vũ Hán”

Tuyết Mai

Trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang lan rộng trên toàn thế giới, gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố Trung Quốc đã qua giai đoạn đỉnh cao của dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh định hướng dư luận rằng COVID-19 có nguồn gốc từ nước ngoài và tập trung thông báo các trường hợp nhiễm virus đến từ nước ngoài; nhấn mạnh rằng nguồn gốc của virus là “không xác định”, trong khi tránh né đề cập thực tế che giấu dịch bệnh khi mới khởi phát. Cùng đó, ĐCSTQ cũng tăng cường hoạt động quyên góp viện trợ nước ngoài và quảng bá cái gọi là mô hình phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.

Biển cảnh báo trong khu dân cư tại Trung Quốc cho biết virus corona chủng mới đến từ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc
(Nguồn: RFA).

ĐCSTQ đẩy mạnh hỗ trợ nước ngoài chống COVID-19, nhưng né tránh vấn đề che giấu dịch bệnh

Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, đến nay Trung Quốc đã quyên tặng 20 triệu USD (đô la Mỹ) cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4 triệu RMB (Nhân dân tệ) cho Iran, ngoài ra còn tặng bộ dụng cụ kiểm tra virus cho 26 quốc gia tiêu biểu như Iraq, Iran, Nhật Bản; tặng vật tư y tế như khẩu trang và đồ bảo hộ cho các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc…

Ngày 11/3, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng thông báo cho biết, vào ngày 10/3 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ý đã trao đổi cùng nhau, qua đó đề cập Trung Quốc sẽ khắc phục khó khăn để tăng cường hỗ trợ Ý trong việc chống dịch.

Ngày 14/3, ĐCSTQ đã công bố rằng hãng hàng không China Eastern Airlines đã cho một máy bay chở khách hoàn toàn mới để hộ tống Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đưa 9 chuyên gia y tế và 31 tấn vật tư y tế bay thẳng đến thủ đô Roma của Ý, qua đó làm nổi bật tư tưởng của ĐCSTQ xưa nay về vấn đề gọi là “loài người chung vận mệnh”.

Ngày 12/3, phát ngôn viên Mễ Phong của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết giai đoạn cao điểm dịch bệnh ở Trung Quốc đã đi qua; Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác hiệu quả với các nước và khu vực liên quan để đóng góp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Cùng ngày Bộ Thương mại Trung Quốc cũng có tuyên bố tương tự.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn đẩy mạnh quảng bá “mô hình phòng chống dịch bệnh Trung Quốc”. Truyền thông ĐCSTQ hiện đang ca ngợi phản ứng của chính quyền đối với dịch bệnh là tấm gương cho thế giới, cáo buộc các quốc gia như Mỹ và Hàn Quốc hành động quá chậm chạp. Còn với tuyên truyền trong nước thì ĐCSTQ nhấn mạnh vào sự bất lực của các nước phương tây khi đối mặt với dịch bệnh.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc gần đây cũng bùng nổ hiện tượng ca ngợi sự thành công của Trung Quốc trong việc chống lại dịch bệnh, chủ đề nóng “Phương pháp của Trung Quốc là phương pháp thành công duy nhất” đã thu hút 780 triệu lần đọc.

Vào chiều ngày 12/3, Chủ nhiệm Mã Hiểu Vĩ của Ủy ban Y tế Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến với nhóm chuyên gia của WHO, tuyên bố rằng các biện pháp chống dịch bệnh của Trung Quốc đã được thực tiễn kiểm nghiệm, giúp bảo vệ an ninh y tế toàn cầu. Trong cuộc họp, ông Tổng Giám đốc Tedros Adhanom của WHO cũng bày tỏ ca ngợi kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc đã hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tránh nói về thực tế họ trì hoãn công bố tình hình dịch bệnh làm dịch bệnh lây lan toàn cầu.

Cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ trì hoãn công bố tình hình dịch bệnh

Hôm thứ Tư (11/3), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien đã lên án ĐCSTQ rằng khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, ĐCSTQ đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát kịp thời, đã che giấu dịch bệnh, khiến thế giới bỏ lỡ đến hai tháng thời gian vàng đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ phản bác mạnh mẽ rằng công luận quốc tế đã thấy rõ tốc độ hành động nhanh của Trung Quốc trên quy mô lớn, rất hiếm thấy trên thế giới, cho thấy tốc độ của Trung Quốc, quy mô của Trung Quốc và hiệu quả  của Trung Quốc.

Đáp lại, Tiếng nói nước Mỹ (VOA) chỉ ra thực tế hàng chục ngàn người dùng Internet Trung Quốc đã tức giận lên án ĐCSTQ vì muốn thoái thác trách nhiệm để dịch bệnh rơi vào tình trạng mất kiểm soát nên đã kiểm soát dư luận nghiêm ngặt; hành động khống chế dư luận đặc biệt nhanh trên quy mô lớn, hiếm thấy trên thế giới, cho thấy tốc độ của Trung Quốc, quy mô của Trung Quốc và hiệu quả  của Trung Quốc.

Vào ngày 10/3, tạp chí People của Trung Quốc đã công bố bài phỏng vấn bác sĩ Ngải Phân là chủ nhiệm khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, bài phỏng vấn có tên “Người lên tiếng cảnh báo” chỉ ra thực trạng sau khi Trung Quốc bùng phát dịch COVID-19, chính quyền đã có chỉ đạo các bác sĩ trong bệnh viện không được tiết lộ tình hình dịch bệnh, kể cả đối với vợ/chồng của mình. Cho dù không lâu sau bài báo đã bị buộc phải gỡ bỏ, nhưng hành vi trấn áp ngôn luận này đã một lần nữa làm dấy lên bất mãn mạnh mẽ của công chúng, nhiều người đã đoàn kết cùng nhau đăng lại bài viết lên mạng internet và cùng chỉ trích nhà cầm quyền.

Quốc tế lên án và nghi ngờ ĐCSTQ mưu đồ viết lại nguồn gốc virus

Ngoài ra, kể từ đầu tháng này, nhiều lần Ủy ban Y tế của ĐCSTQ đã báo cáo các trường hợp bệnh COVID-19 từ nước ngoài vào Trung Quốc, cho thấy các trường hợp bệnh ở nước ngoài không phải là “sản phẩm từ Trung Quốc”. Ngày 12/3 hệ thống mạng xã hội tại Trung Quốc bùng nổ thông tin các ủy ban y tế trên khắp Trung Quốc đã được thông báo rằng Trung Quốc gần đây không còn chẩn đoán thấy có trường hợp nhiễm bệnh mới, chỉ có trường hợp bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nguồn tin tại Trung Quốc chứng minh ĐCSTQ vẫn tiếp tục che giấu sự thật dịch bệnh vì mục đích chính trị. Hôm 13/3, nhà hoạt động dân chủ Thịnh Tuyết (Sheng Xue) người Hoa tại Canada, đã ‘tweet’: “Một người bạn Tweet trong nước đã viết: Xin chào cô Thịnh Tuyết! Vì tôi ở Trung Quốc, tôi không muốn lúc này được mời đi uống trà, vì vậy tôi hy vọng cô tweet điều này không đúng ở Sơn Đông! Ở Thanh Đảo nơi tôi sống, một ngày có hai trường hợp, một người bị nhiễm bệnh khi đi cùng người mẹ vào bệnh viện! Người kia trở về nước từ Ý! Nhưng chính quyền chỉ thông báo trường hợp ở nước ngoài trở về.”

Một cư dân mạng ở Vũ Hán đã chia sẻ tại tòa nhà nơi anh ta sống có 24 người được chẩn đoán nhiễm COVID-19, nhưng Chính phủ thông báo Hồ Bắc chỉ tăng 8 trường hợp.

Nhà bất đồng chính kiến Vương Ái Trung tại ​​Quảng Đông chia sẻ trên Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, gần đây chính quyền ĐCSTQ nhấn mạnh đến cái gọi là “du nhập COVID-19”, không chỉ nhằm thể hiện trước người dân Trung Quốc về khả năng vượt trội của chính quyền mà còn có mục đích thoái thác trách nhiệm, đẩy trách nhiệm gây dịch COVID-19 ra nước ngoài.

Về vấn đề này hôm 27/2, chuyên gia Trung Nam Sơn của ĐCSTQ đã cho biết trong buổi họp báo về phòng chống dịch bệnh tại Đại học Y Quảng Châu, theo đó cho rằng dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc không nhất thiết là nguồn gốc ở Trung Quốc.

Nhận định về phát biểu của ông Trung Nam Sơn, học giả Thi Bằng Lượng (Shi Pengliang) sống tại Mỹ cho rằng: Thứ nhất, chuyên gia ĐCSTQ đang cân nhắc vấn đề khó khăn kêu gọi mọi người trở lại làm việc, nghĩ cách thuyết phục mọi người an tâm quay trở lại làm việc, vì vậy tập trung tuyên bố về bệnh nhân được xác nhận là trường hợp từ nước ngoài, cho thấy tình hình ở trong nước đã kiểm soát được để người dân an tâm; Thứ hai, họ không còn xem xét nguồn gốc của virus, vì vấn đề này họ không muốn cho mọi người biết.

Gần đây phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã lên tiếng rằng việc truy tìm nguồn gốc của virus vẫn đang được tiến hành, chưa có kết luận. Hôm 12/3, Triệu Lập Kiên đã ra 5 tweet bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, nghi vấn quân đội Mỹ đưa virus đến Vũ Hán, qua đó nhấn mạnh Mỹ nợ Trung Quốc lời giải thích. Tuyên bố đã gây ra xôn xao cộng đồng quốc tế.

Đáp lại, phóng viên Gady Epstein của The Economist (Anh) đã tweet, “Nhà ngoại giao Triệu Lập Kiên của Trung Quốc với 272.000 người theo dõi đang lan truyền những nhận xét điên rồ: quân đội Mỹ có thể đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán.” Ông lên án “Vấn đề Trung Quốc (ĐCSTQ) truyền bá thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội đang ngày càng nghiêm trọng hơn.”

Hôm 11/3, trang web chính trị Axios của Mỹ đã lên tiếng đáp lại: “Chúng ta đã thoáng thấy Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng công cụ tuyên truyền mạnh mẽ của họ để che đậy sự thật và thay đổi thông tin ở ngoài Trung Quốc, cách này cũng đang được đẩy mạnh ở Trung Quốc”.

Nhà văn tự do Vương Tàng (Wang Zang) tại Bắc Kinh đã lên tiếng về vấn đề ĐCSTQ che giấu sự thật dịch bệnh: “Sự thật đang ngày càng rõ ràng, đôi mắt của thế giới đang sáng lên, mọi hành động đổ lỗi và tội ác sẽ uổng công vô ích, cuối cùng sẽ bị nhân dân và cộng đồng quốc tế truy cứu.”

Hôm 10/3, báo công giáo La Croix (Pháp) có bài “Trung Quốc mưu đồ viết lại lịch sử của virus corona Vũ Hán”, qua đó phân tích việc ĐCSTQ sử dụng sức mạnh ngoại giao và truyền thông của họ để viết lại lịch sử bệnh viêm phổi Vũ Hán. Bài báo chỉ ra rằng ĐCSTQ đang mưu đồ viết lại nguồn gốc của virus và cũng đang nỗ lực thúc đẩy quan điểm “thế giới phải cảm ơn Trung Quốc”.

Cuối cùng bài viết dẫn ý kiến của Giáo sư Tằng Nhuệ Sinh (Zeng Ruisheng) thuộc Đại học SOAS London: “ĐCSTQ đã thao túng các sự kiện và sự thật lịch sử của Trung Quốc, đã phủ nhận hành vi che đậy của họ khi virus bùng phát dịch bệnh. Các quan chức của ĐCSTQ luôn chỉ nghĩ về lợi ích mà không màng sự thật. Sự thật ở Trung Quốc phải được xem lại ở phương Tây. Phương Tây có trách nhiệm lên án tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ.”

Ngày 2/3 học giả Hà Thanh Niên người Mỹ gốc Hoa đã ‘tweet’ rằng: “Gần đây tôi đang nghiên cứu vấn đề ĐCSTQ kiểm soát dư luận về dịch bệnh COVID-19, được chia thành bốn phần: Xem đám tang như trò vui, Thuyết âm mưu virus xuất phát từ Mỹ, Chúng ta đã thắng lợi (trong khi vấn đề vẫn đang diễn ra), và Trung Quốc đã cứu thế giới.” Ông cho biết sẽ sớm công bố bài viết này.

Tuyết Mai

Related posts