“Nước Huệ, tiếng Huệ”.
Bạn bè tôi hay chọc như vậy với những người nói giọng Huế, và ví họ như đến từ một đất nước khác, nói thứ tiếng nghe hoài không hiểu, với âm sắc trầm và nặng. Vì vậy, mỗi lần nhại giọng Huế của một ai đó, người ta cứ thêm dấu nặng vào là xong.
Nhưng đâu phải đơn giản như vậy, vì vô tình người ta đã chuyển giọng của người nước Huệ qua thành giọng… nước lợ, nghe rất khó chịu và chẳng giống ai. Không biết có phải vì vậy mà có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”?
Nhưng thật ra, người nước Huệ nói, người nước Nam không hiểu, cứ phải hỏi đi hỏi lại, “nói dzì dzậy?”. Thế là để cho đỡ phải phiền phức lập đi lập lại câu nói, để cho thông tin khỏi bị sai lạc, người nước Huệ phải điều chỉnh lại âm tiết, phải kéo dây thiều lên một tí để bớt đi cái âm sắc quá trầm.
Ngay cả tôi cũng vậy. Ngày đầu tiên vào thủ đô của nước Nam, vào ở nhà chị dâu người Nam, mở miệng nói ra không ai hiểu. Bọn con nít thì trố mắt nhìn tôi như người từ hành tinh khác đến. Mỗi lần muốn nói gì, tôi cứ phải lập đi lập lại nhiều lần. Bực lắm, cứ tự hỏi, sao người vùng nào nói mình cũng hiểu, mà mình nói , người ta lại chẳng hiểu mình!
Sau đó, tôi và nhỏ bạn cũng nói giọng Huế hớn hở đi xem chợ Bến Thành, thích thú với giọng nói và phong cách của các cô gái Gia Định, cùng những món hàng trong chợ. Thấy cái kéo có cán màu hổ phách trong trẻo, cầm lên xem. Vừa đặt cái kéo xuống, dợm bước đi thì cô chủ bảo phải mua vì đã đụng đến nó. Ái chà, có cái vụ này à, thôi kệ, mua cái kéo cũng không sao. Vừa mở miệng hỏi giá bao nhiêu thì chắc cô bán hàng nghe giọng và cái mặt lơ ngơ lớ ngớ của người nước Huệ nên hô một cái giá mà tôi không biết đường nào mà trả. Thôi đành trả bằng nửa giá vậy. Vậy mà cũng bị chửi té tát là trả giá đó sao bán mở hàng cho được, dù lúc đó đã quá chiều. Sợ quá hai đứa tôi kéo nhau đi thì cô ấy kêu ấy gọi lại bán. Về đến nhà, mới biết cái kéo giá chỉ bằng một phần mười giá cô ấy hô. Vừa bị mua hớ, vừa phải nghe chửi té tát, từ ấy, con bé quyết định phải chuyển âm giọng Huế của mình mỗi khi phải nói chuyện với người nước Nam bằng cái âm mà người nghe chắc cũng nghĩ thầm là giọng của người nước Lợ.
Biết bao năm qua đi, cứ phải nói chuyện với người nước Nam bằng cái giọng nước Lợ, cho đến hôm ấy, trong buổi lễ Kỷ niệm 50 năm Mậu Thân huyết lệ, lần đầu tiên trước microphone, cô ấy đã không cần phải lên dây thiều để giọng của mình đỡ trầm hơn, vì cô ấy đang mời mọi người về lại Huế, cái nôi đầy đau thương trong trận đánh Tết Mậu Thân gây ra những cái chết oan khiên của mấy chục ngàn người dân, trong đó có nhiều người già thanh niên, trẻ em vô tội.
Thật xúc động khi đọc bài thơ Tình ca dâng Huế của Trần thị Lai Hồng. Tôi cảm được khán giả đang chăm chú lắng nghe tiếng lòng của tác giả đang gởi về Huế thương yêu. Có đoạn quá xúc động, tôi nghe giọng mình lạc đi, và vài từ như líu lại.
Có đoạn, hình ảnh của ba tôi hiện ra trước mắt. Trong giai đoạn nhớ nhớ quên quên của những ngày trước khi từ giã cõi đời, mỗi ngày đám con cháu của ba tôi cứ nghe đi nghe lại mấy chục lần hai câu thơ
“Cầu Trường Tiền sáu vài
mười hai nhịp
Anh qua không kịp tội lắm em ơi”
Và
“Chim xa bầy còn thương cây
nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Chẳng thà không biết thì thôi
Chứ biết nhau rồi, mỗi đứa một nơi cũng buồn”