Sáng thứ Tư 18/3, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với truyền thông Trung Quốc bằng việc tước giấy phép nhà báo của các phóng viên thường trú Mỹ làm việc cho các tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, theo Reuters.
Động thái “ăn miếng trả miếng” này của Trung Quốc được xem là đáp trả lại việc Mỹ ra lệnh hạn chế số nhân sự truyền thông Trung Quốc làm việc tại các chi nhánh ở Mỹ của các kênh thông tấn nhà nước Trung Quốc hồi tháng trước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố hôm thứ Tư, nói rằng những công dân Mỹ làm phóng viên cho ba tờ báo trên và những người có thẻ nhà báo hết hạn vào cuối năm nay phải nộp lại thẻ nhà báo trong vòng 10 ngày và sẽ không được phép làm việc ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau.
“Trong tin thần có qua có lại”, Bắc Kinh nói, các chi nhánh tại Trung Quốc của Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, tờ New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và tạp chí Time phải “thông báo dưới dạng văn bản về số lượng nhân sự, tình hình tài chính, hoạt động và bất động sản ở Trung Quốc”.
Động thái này lặp lại yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 18/2, yêu cầu 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ phải đăng ký nhân viên, tài sản và các hoạt động liên quan khác với Bộ. Tuy nhiên Mỹ khẳng định rằng họ làm như vậy bởi vì 5 hãng truyền thông này không phải tổ chức báo chí độc lập mà là cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, một điều khác với các tờ báo Mỹ đang bị Trung Quốc nhắm tới.
Trung Quốc cũng dọa sẽ có các biện pháp đáp trả xa hơn đối với phóng viên Mỹ, nhưng chưa nói rõ thêm.
“Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động trục xuất phóng viên Mỹ của Trung Quốc”, Biên tập viên điều hành Marty Baron của tờ Washington Post viết trong một tuyên bố. “Quyết định của chính quyền Trung Quốc là đặc biệt đáng tiếc bởi vì nó xảy đến trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa có tiền lệ, khi các thông tin rõ ràng, đáng tin cậy về phản ứng quốc tế đối với COVID-19 là tối quan trọng”.
Bắc Kinh giải thích quyết định của mình là “những biện pháp hoàn toàn cần thiết và có qua có lại mà Trung Quốc bị buộc phải thực hiện để đáp lại sự đàn áp vô lý mà các tổ chức truyền thông Trung Quốc phải chịu đựng ở Hoa Kỳ”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo cùng ngày nói rằng hành động của Trung Quốc sẽ tước đi của thế giới và người dân Trung Quốc những thông tin trong “thời kỳ cực kỳ nhiều thách thức” do virus corona gây ra.
“Điều này rất đáng tiếc… Tôi hy vọng họ sẽ suy nghĩ lại”, ông Pompeo nói.
Trước đó, Mỹ đã ra lệnh cắt giảm số lượng người Trung Quốc được phép làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước tại Hoa Kỳ. Washington lý giải rằng họ làm vậy để phản ứng với “hành vi quấy rối và đe dọa từ lâu đối với các nhà báo” của chính quyền Bắc Kinh.
Tháng trước, Bắc Kinh trục xuất 3 nhà báo thường trú của Wall Street Journal, gồm 2 người Mỹ và một người Úc vì một bài viết liên quan đến COVID-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng nói trong buổi họp báo hôm 19/2 rằng Bắc Kinh đưa ra quyết định trục xuất phóng viên của WSJ là để đáp trả bài bình luận của tờ báo này hôm 3/2 có tiêu đề “Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Á”.
“Các hành động chống lại các phóng viên thường trú của tờ Nhật Báo là thái quá và rõ ràng là một sự toan tính của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm đe dọa các hãng tin nước ngoài, bằng cách trừng phạt lên các phóng viên thường trú tại Trung Quốc”, Câu lạc bộ phóng viên thường trú nước ngoài ở Trung Quốc viết trong một tuyên bố hồi tháng trước.
Gần đây Mỹ-Trung gia tăng khẩu chiến khi Washington nhiều lần gọi virus corona mới đang gây đại dịch COVID-19 là virus Vũ Hán hay virus Trung Quốc. Trung Quốc lên án cách gọi miệt thị của Mỹ và đáp trả rằng virus này có thể chính là do quân đội Mỹ đem tới Vũ Hán, một điều mà Tổng thống Donald Trump và các quan chức dưới quyền ông mạnh mẽ bác bỏ. Cuộc khẩu chiến nhanh chóng lan ra giới truyền thông, khi Tân Hoa Xã có bài viết dọa Trung Quốc hoàn toàn có thể “nhấn chìm Mỹ trong biển corona” bằng cách cắt bỏ nguồn cung dược chất và các loại thuốc cực kỳ quan trọng đối với người Mỹ trong dịch bệnh.
Trọng Đức