NGUYỄN TƯỜNG THIẾT, MỘT NIỀM VUI CÒN MÃI

Nguyễn Chí Kham  

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết vừa mới được nhà xuất bản Phụ Nữ bên Việt Nam in tái bản hai tác phẩm của anh trước đây đã in tại Hoa Kỳ, là hai cuốn: Nhất Linh, Cha Tôi và Căn Nhà An Đông Của Mẹ Tôi. Hai tập sách này in ở Hoa Kỳ nay đã tuyệt bản, nhưng bây giờ, sách được bên nhà cho tái bản làm trồi dậy một nỗi vui hạnh phúc được sống cùng với văn chương của tác giả. Riêng độc giả, đã đón nhận hết sức là chân thành, và rất nồng nhiệt. Số lượng in cho hai tập này đến hai ngàn cuốn, và sách được các nhà phê bình văn học trong nước đánh giá cao, cùng lúc, nhân buổi ra mắt giới thiệu hai tác phẩm này, từ Hoa Kỳ tác giả thực hiện một cuốn video để gởi lời chào mừng độc giả xa cách bên quê nhà, cùng bày tỏ những lời cám ơn với ban tổ chức.

Từ một buổi sáng ấy, anh Nguyễn Tường Thiết và tôi gặp nhau ở nhà sách Văn Khoa, rồi hai chúng tôi trở nên thân nhau, dần dần có sự gắn bó trong tình bạn. Những năm trước, mỗi lần từ Seattle xuống quận Cam gặp bằng hữu, lần nào, tôi cũng có gặp anh ở quán cà phê Factory hay có khi mời anh về nhà tôi chơi, hai anh em cụng nhau vài chai bia trước khi chuyện trò về những đề tài văn học.

Năm 1964, tên anh lần đầu xuất hiện trên tạp chí Văn Học với truyện ngắn Niềm Vui Chết Yểu. Tôi đọc truyện này trong buổi chiều chủ nhật đứng ở mái hiên ngoài nhà sách Khai Trí. Sau khi đọc xong tôi có một cảm giác hụt hẫng, vừa ngỡ ngàng. Trước nhất, tên của anh cho tôi hình dung ra một gương mặt tươi sáng của người trẻ tuổi. Sau đó, tôi có sự suy nghĩ về lối viết của anh, một lối viết làm cho người đọc cảm thấy xôn xao, trong một trạng thái lúc thản nhiên, lúc ngờ vực. Số báo đăng truyện của anh là số đặc biệt tưởng niệm ngày giỗ đầu của nhà văn Nhất Linh. Nhà văn Nhất Linh đã uống thuốc độc tự vận, tự hủy mình để chống lại chính sách tàn bạo của chế độ Ngô đình Diệm. Nguyễn Tường Thiết, anh là con trai út của nhà văn. Số báo đặc biệt đã bán hết, không in lại, và truyện ngắn của anh được độc giả cũng như các nhà văn miền Nam lúc bấy giờ đọc khen ngợi, chú ý đến tài năng.

Thế nhưng, sau truyện ngắn này anh không viết nữa. Không biết những bạn đọc, những nhà văn khác nghĩ ra sao, riêng tôi lấy làm lạ, cứ mỗi lần báo Văn Học xuất bản, tôi thường tìm kiếm tên anh và bài viết của anh. Mãi hoài không thấy, rồi tôi không trông đợi nữa. Thế nhưng, truyện anh viết vào năm đó mà tôi được đọc không làm tôi quên. Và, nhớ lại rõ ràng buổi đầu tiên gặp nhau ở nhà sách Văn Khoa, tôi rất vui, nói ngay với anh một truyện khó quên này với một đôi lời thật cảm động. Tựa truyện nghe rất lạ, không khác gì một tựa truyện trinh thám của John le Carré hay của Graham Greene và được viết bằng không khí đầy ngờ vực của Kafka:

Tôi nhìn đồng hồ: 5 giờ kém 15. Chiếc xe sao chạy chậm quá vậy ? Người tôi nửa như xôn xao bồn chồn nửa như bị du sâu vào trong một giấc mơ. Tiếng động, tiếng sinh hoạt của thành phố nghe xa vút hẳn đi. Những âm thanh lao xao mơ hồ như thuộc về một thế giới khác. Đường phố quen thuộc của Sài Gòn bỗng nhiên mặc một vẻ xa lạ, thỉnh thoảng một chiếc còi xe giật lại, tôi nghe ngắn và sắc hơn. Chiếc xe chạy qua rạp Olympic, tôi quay người ngó lơ đãng vào mấy tấm quảng cáo ở cửa rạp “ Cậu coi Jugement à Nuremberg chưa? “ “Rồi” “Đấy, cậu chẳng cần nói gì cả, cứ im lặng như ông Bộ trưởng Đức mà hay.”

Tôi có cảm tưởng, hình như chiếc xe taxi đã không đi tới nhà thương Grall, mà tới toà án, một nơi của pháp luật.

Ngày 11/11/1960 xảy ra một biến cố đảo chánh, nhưng thất bại. Nhà văn Nhất Linh có dự phần vào cuộc đảo chánh này, tuy nhiên, ông không bị bắt bớ, giam cầm, nhưng bị theo dõi. Năm 1962, một vụ oanh tạc bằng phi cơ của hai phi công khu trục Phạm Phú Quốc, Nguyễn văn Cử làm hư hại Dinh Độc Lập. Năm 1963, một biến cố Phật giáo bùng nổ, không khoan nhượng với chính quyền, gây nên sức ép dữ dội. Để khỏa lấp biến cố Phật Giáo đang bộc phát, vụ đảo chánh 11/11/60 được đem ra để làm lạc hướng dư luận. Ngày 8/7/1963, nhà văn Nhất Linh bị bắt buộc phải ra tòa.

Trong căn phòng xử lúc ấy chỉ có hai người. Bị can vừa làm công tố, vừa là tội phạm. Người thứ hai là cậu con trai, một luật sư còn trẻ, rất trẻ. Vị công tố sau khi đọc bản cáo trạng, tuyên bố, bị can là một kẻ phản nghịch tổ quốc, đáng tội tử hình. Vừa nghe bản án tuyên bố xong, bị can đáp lời ngay: Đây là một nước dân chủ, người dân có quyền tự do lên tiếng nói, chống lại mọi áp bức, mọi chà đạp lên nhân vị, lên phẩm giá của con người. Vị công tố ngắt lời giải thích ngay: Nước dân chủ chỉ có ở Tây phương, còn đây là nước của chính phủ Ngô đình Diệm. Vậy sao ?Đất nước là của một người thôi sao ? Vị công tố tức giận, dõng dạc lên bản án tử hình, nhưng bị can đã ngăn lại, đáp rằng: bản án của tôi đã sẵn sàng. Sau khi bị can uống độc dược xong, liền đưa một mảnh giấy nhỏ cho vị luật sư trẻ: Đời tôi để lịch sử xử.

Vị luật sư đọc lên cho vị Công tố nghe, ông ta gật đầu, rồi phán xét: -Cái chết của tội phạm Nhất Linh thật can trường như cái chết của Socrate.

Lần đó, gặp anh Thiết nhắc đến truyện ngắn cũ ấy xong, nhân ở hiệu sách có bày bán tập truyện ngắn của tôi, tôi mượn lại của nhà sách và viết mấy giòng thân tình đề tặng anh.

Anh Thiết xuống quận Cam chơi chừng một tuần rồi trở lên Seattle nơi anh và gia đình cư ngụ. Khi xa anh, tôi cũng chỉ có ý nghĩ anh là một người bạn lớn tuổi hơn mình, chứ không có ý mong đọc những sáng tác mới của anh. Không ngờ, tập truyện của tôi lại có duyên làm mai, thúc đẩy anh cầm bút trở lại.

Tạp chí Thế Kỷ do nhà văn Phạm xuân Đài làm Chủ bút bắt đầu đăng truyện của Nguyễn tường Thiết. Và, dần từ đó anh Thiết có hứng thú, rồi viết, rồi gởi cho Thế kỷ hay là cho Văn học của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Thế là, qua riêng tư anh đã không phụ lòng một độc giả như tôi đã từng mến mộ văn anh.

Theo giòng cùng với cuộc sống và văn chương của thân phụ để lại, vừa gây lại được cảm hứng, nên sau những loạt bài viết đều đặn, đến 2003, một tác phẩm đầu tay của anh cuốn Nhất Linh, Cha Tôi ra mắt chào mời bạn đọc. Tác phẩm này được in, và được nhà xuất bản Văn Mới phát hành. Từ Seattle anh Thiết đã gởi tặng cho tôi một bản. Nhận được sách tặng của anh tôi rất vui. Mở cuốn sách ra, tôi rất hài lòng là anh đã có cho đăng trong sách xuất bản truyện ngắn cũ, đầu tay của anh, viết hồi năm 1964.

Có đà, một năm sau, cuốn kế tiếp tựa Căn Nhà An Đông Của Mẹ Tôi được xuất bản. Khi in xong cuốn thứ hai này, anh cũng gởi tặng cho tôi một bản. Vừa cảm động, vừa yêu thích văn anh, nên cả hai cuốn tôi đọc đi đọc lại một đôi lần không bỏ sót một truyện nào. Và, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, nói rằng, dù cả hai tập là những đoản thiên, nhưng nó chính là một cuốn tiểu thuyết viết về một giòng họ, một gia đình của vợ chồng nhà văn Nhất Linh. Trong từng đoản thiên, hay từng chương của cuốn sách, vừa đọc, tôi vừa có suy nghĩ rằng, anh Nguyễn Tường Thiết đã viết về nhà văn Nhất Linh thân phụ anh trên hai bình diện: một nhà văn Nhất Linh trong văn học sử, và một nhà văn Nhất Linh sống với gia đình, con cái cùng những người thân. Khi anh viết về Nhất Linh trong văn học sử, anh viết tường tận về cuộc đời, văn nghiệp nghiêm túc như một nhà biên khảo. Nhưng khi anh viết về cha anh trong gia đình, anh viết như với người bạn vong niên bằng giọng văn hết sức thân tình, lại vừa thấy vui vui, và rất dí dỏm, cùng có thêm cả một sự chan hoà của nhân thế. Nhưng qua một tình bạn như thế, chỉ riêng đối với cha anh thôi. Và, có lẽ, cha anh là người rất thương anh, cũng vừa thân thiết với anh như người bạn khi đã nhận ra hai người cùng đi trên con đường nghệ thuật. Còn với người mẹ, hai người chị và mấy người anh, ngòi bút của anh tưởng như luôn bị chùng lại bởi xúc đông, và dường như anh luôn cảm thấy mình thực sự yếu đuối, nhỏ bé vì là đứa em út trong gia đình. Bà Cẩm Lợi mẹ anh là một người phụ nữ ít học, nhưng giàu lòng nhân ái, hiểu người, thương con, hết sức tần tảo trong cuộc mưu sinh để tạo điều kiện cho con cái ăn học thành tài. Chị Kim Thư, chị đầu của anh là một người phụ nữ can trường trong chiến tranh, trong thời loạn lạc, nhưng cũng là một người chị cô đơn, buồn tủi vì số phận. Chị Kim Thoa, người chị kế của anh Thiết, tình hai chị em như là hơi thở và nhịp đập trái tim. Khi hay tin chị đau và hôn mê, từ Hoa Kỳ anh Thiết sang Pháp thăm chị, chờ chị tỉnh dậy nhưng chị ra đi một mình theo giấc mơ, chỉ để lại một căn phòng trống vắng, lạnh lùng. Đối với anh Thiết, mẹ và hai người chị luôn thầm kín trong lòng anh với những lời phủ dụ. Về ba người anh, mỗi người có một cá tính: anh Triệu, anh Thạch là quân nhân, sống cuộc đời sôi nổi, còn anh Việt tuy đã sống ở Paris, trên đất Pháp rất lâu năm vậy mà anh là người có tâm hồn vẫn luôn vô tư: Anh Việt hơn tôi gần mười tuổi nhưng trông anh trẻ lắm, tính cũng trẻ trung. Về Việt Nam gặp cô hàng nào xinh xinh là anh tắp vào hỏi chuyện liền.

Từ hai cuốn sách của anh viết, tôi vừa hình dung được một nhà văn lớn Nhất Linh trong thời huy hoàng của văn học sử giai đoạn 1932-1945, vừa hình dung được qua một dòng họ, qua riêng một gia đình anh những tính chất văn học được ghi nhận riêng nơi mỗi người. Cũng trong ngày tháng cũ, đến bây giờ nữa, tôi thầm có ý định viết một bài cảm tưởng về anh, về nhà văn Nhất Linh của Tự lực văn đoàn, nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ rằng, mình có một vài cảm nhận thì được, thì dễ nói, nhưng khi viết thành bài thì không chỉ có óc phân tích thôi, mà còn cả óc tổng hợp nữa.

Anh Thiết đến Mỹ vào năm 1975. Đọc trong Mưa Đêm Cuối Năm, anh kể lại giờ phút anh rời Sài Gòn vào ngày chót 30 tháng Tư, giọng kể của anh với từng chi tiết tạo không khí căng thẳng, nghẹt thở, nhưng rồi tôi bỗng thở phào, nhẹ nhõm khi thấy anh cùng toán người di tản đã xuống được con tàu để ra khơi.

Mưa Đêm Cuối Năm là một tác phẩm của nhà văn Võ Phiến, được giải thưởng văn học thời Đệ nhất Cộng Hoà. Anh Thiết viết về cuốn sách này, không nói gì đến nội dung cả, mà cốt yếu là sự gợi nhớ đến ông cụ anh, nhà văn Nhất Linh đã đọc cuốn sách này, trong sách có nhiều ghi chú rất kỹ. Nhà văn Võ Phiến là một trong những nhà văn hàng đầu của miền Nam, với lối viết độc đáo, những cái nhìn sắc bén qua các nhân vật, và là một nhà văn đã chẻ được một sợi tóc ra làm tư. Nhưng với một số đông độc giả, cả nhà phê bình nữa, đọc những truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết của ông, hiểu được và viết ra được không là chuyện dễ dàng. Trong Mưa Đêm Cuối Năm, lần lượt anh Nguyễn Tường Thiết kể lại cho người đọc sự gặp gỡ giữa anh và nhà văn Võ Phiến với nhiều chi tiết rất thú vị. Và, tôi đã có ngay một nhận xét anh Thiết tả người rất tài, rất đặc biệt. Mỗi người hay nhân vật, anh không tả gì đến khuôn mặt, hình dáng, mà lột tả nhân vật ấy qua dáng điệu, hay một vài cử chỉ: Gặp anh tôi thấy Võ Phiến con người cũng như văn phong anh. Chừng mực, điềm đạm, tế nhị có phần hơi quá nhã nhặn, lễ độ nữa. Hai cánh tay đặt trên bàn giấy. Tôi thấy anh thoáng nhìn vào cổ tay trái của mình có đeo đồng hồ tay. Rất nhanh, dường như sợ tôi hiểu cái nhìn đó như một cách nhắc nhở khách, anh chăm chú nhìn vào cổ tay ấy lâu hơn rồi anh đưa ngón trỏ bàn tay phải búng một vết bụi gần khuy manchette trên chiếc tay áo trắng tinh. Tôi bỗng phì cười, thật không có ai tả ông Võ Phiến tài tình, vừa chính xác, vừa có chút tình thân rất lạ lùng như anh Nguyễn Tường Thiết.

Thực sự, trong cả hai tập sách, tôi nhận ra về lối tả nhân vật của anh Thiết rất ấn tượng. Mỗi người, ngòi bút anh vẽ lên một nét riêng. Người mẹ, người chị, anh chỉ qua trong tiếng nói để biết rõ hơn về một niềm vui, hay trong một nỗi buồn. Có hai nhân vật nữ của anh làm tôi băn khoăn nghĩ đến, và đôi lúc mơ tưởng đến nhiều giờ: Chị Mai trong đoản thiên Thanh Ngọc Đình, Tết xưa, đọc xong những giòng anh viết về người chị này làm tôi bâng khuâng vừa nôn nao của một kẻ si tình. Tôi nhớ đến chị Mai, nghĩ đến chị Mai nhiều, nhiều lắm anh Thiết ạ. Tôi cũng hỏi, sao trong đoản thiên anh không tạo ra một scène hai người cùng đi bên nhau trên con đường đất dưới hàng cây, bên dòng suối, và chuyện trò với nhau bằng những câu nói bâng quơ của con tim và hơi thở: Tôi dụi mắt nhìn lên. Chị Mai đứng ở cách xa tôi hai thước. Vì tối nên cả khuôn mặt chị chìm trong bóng đêm nhưng viền mái tóc của chị thì hoe vàng trong ánh lửa chiếu từ phía sau lưng chị.. Sự hiện diện của chị đột nhiên làm tan hết nỗi buồn trong tôi. Tôi đứng dậy theo hai người về phía ánh lửa. Thoáng bên kia nồi bánh tôi bắt gặp đôi mắt chị Mai nhìn tôi, ánh mắt sáng lên trong ánh lửa và cả khuôn mặt, theo với lửa bùng, đột nhiên rạng lên. Hình như có một nụ cười của chị thoáng qua trong cặp mắt ấy.

Người thứ hai, đó là cô Anita: Trong khoé mắt tôi qua màu nước bia vàng óng, dưới bóng ngọn đèn chụp, Anita đứng sau quầy tính tiền. Tôi chỉ nhìn được phần trên của nàng từ bầu vú trở lên. Gương mặt nàng hiện dưới ánh đèn. Đẹp. Vẻ đẹp lung linh qua ánh rượu. Nàng đứng yên đó thờ thẫn. Răng nàng cắn nhẹ vào một bên môi như dáng điệu của một cô gái đang hờn dỗi hay đang có gì để suy nghĩ, hay đang có gì để mơ mộng.

Đấy, cách tả các nhân vật nữ của anh Thiết rất giản dị, nhưng thấp thoáng vẻ mập mờ, vừa có nét quyến rũ, gợi cho người đọc cả sự nôn nao ham muốn. Thế rồi, cứ mỗi đoản thiên anh viết, tôi đọc, lại nhận ra thêm một vài cái hay, vài ý tưởng mới và những tình tiết rất khác lạ của anh.

Và hơn tất cả, là một bút pháp. Tôi rất thích lối viết của anh, hoàn toàn mang tinh thần sáng tạo. Anh viết rất lôi cuốn, nhưng không dồn dập, sôi nổi, mà hết sức chừng mực, đằm thắm. Và, anh có lối trình bày về sự việc, mới đầu tưởng là rời rạc, nhưng nhìn kỹ là nó đâu vào đấy không xê dịch được. Đến lối tả cảnh, có nhiều đoạn văn anh viết như một người đứng trên cây cầu trông thấy một dòng sông đang chảy, một cơn mưa mờ kín không gian, và dòng nhạc trong văn anh khi nghe trỗi lên, đó là nhạc của Văn Cao. Nhạc Văn Cao là nhạc của thơ, của giấc mơ, còn nhạc Phạm Duy là nhạc của người nghệ sĩ đi tìm biên giới của thi ca và tiểu thuyết. Đẹp như kiếp Bohémien là một tuyệt bút. Trên con tàu lênh đênh sóng nước, dòng sông xanh Danube, không chỉ một mình du khách Nguyễn Tường Thiết thôi, mà có nhạc của Johann Strauss , người đẹp Anita, và tiếng hát vỡ bờ của Thái Thanh:

Cơn mưa nhẹ dường như đã trôi theo chúng tôi qua ba thành phố từ Prague qua Bratislava, đến đây. Trước mặt tôi dòng sông Danube- dòng sông “của tôi” trong tâm tưởng – nay đã trở thành hiện thực. Dưới làm mưa mỏng trong buổi chiều tím dòng sông khóac một vẻ mặt mới, khác với vẻ xinh xắn êm dịu tôi đã nhìn thấy từ phía trên cầu. Nó mênh mông, huyền ảo và quyến rũ hơn.

Trong suốt tối đó trên thuyền bản nhạc bất hủ của Johann Strauss được lập đi lập lại trong khi du khách tự lấy thức ăn và ngồi ở hai dãy bàn đặt dọc theo cửa kính hai bên mạn thuyền.

Bên ngoài cửa kính thành phố Budapest rực rỡ ánh đèn, những kiến trúc lịch sử, những lâu đài được thắp sáng. Nhưng dòng sông thì chìm trong biển đen. Màu xanh của dòng Danube bây giờ chỉ còn trong lời nhạc, trong kỷ niệm. Tôi nhấp cốc rượu vang. Theo với hơi men và dòng nhạc luân vũ dìu dặt trong ánh nến lung linh của du thuyền, màu xanh của dĩ vãng hiện về. Màu xanh của nước biển. Màu xanh của một dòng sông.

Một dòng xanh..xanh. Một dòng tràn mông mênh… Một dòng nồng ý biếc… Một dòng sầu mấy kiếp..

Tiếng nhạc trôi về miền quá vãng, cái thời rất xa xưa lần đầu tôi được nghe Thái Thanh hát.

Tôi cũng rất thích nghe tiếng hát của Thái Thanh. Buổi chiều trong cơn mưa nghe Thái Thanh hát, tiếng hát cất lên gọi tôi trở về mái nhà xưa. Và trong những năm khói lửa, trong những năm tháng điêu tàn vì chiến tranh tiếng hát của Thái Thanh lan tràn khắp quê hương, mỗi nơi chốn thân thương là cả một đoạn trường đứt ruột.

Quê cũ đã nghèo lắm rồi, thêm đói thêm sầu mà thôi

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi

Mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười.

Anh Thiết lớn hơn tôi bốn tuổi. Thầy Phạm công Thiện dạy tôi học năm lớp Đệ Tam ở trường tư thục Việt Anh niên khóa 1961-1962 kém anh một tuổi. Thầy Thiện rất tài hoa, là nhà thơ, hoạ sĩ, và còn là người viết biên khảo về văn học thế giới với một tầm hiểu biết rộng và rất sâu. Hồi ấy, tên tuổi của thầy xuất hiện trên các tạp chí Mai, Bách Khoa, Phổ Thông. Nhờ thầy, tôi có được những tờ báo này để đọc khỏi phải mua. Về sau quen biết, anh Thiết cho tôi hay hai sự việc làm tôi ngạc nhiên, là anh đã có dạy học ở trường Việt Anh, và rất quen thân với thầy Thiện, hai người hay kéo nhau vào quán cà phê Tùng, uống cà phê, hút thuốc lá, hay say nói chuyện văn chương.

Anh Thiết thích văn chương, nhưng có vẻ không muốn theo nghề văn như thân phụ anh, nhà văn Nhất Linh. Anh học rất sáng dạ, thông minh, năm 1958 đậu Trung học xong, qua năm sau 1959, anh thi nhảy Tú Tài I. Năm 1960, năm đầu tiên ở Đại Học anh học ngành Toán Lý Hoá. Rồi cuộc đời sinh viên kết thúc, anh có bằng Cử nhân khoa học. Ra đời, anh chuyên về nghề dạy học, vào hai ngày nghỉ cuối tuần, anh ngồi quán cà phê, quán nhậu, hay vào trong rạp hát. Tuy rằng, bố Nhất Linh là nhà văn, nhưng anh không theo nghiệp của bố. Biết đâu, anh nghĩ rằng, viết văn mất thì giờ, còn mệt óc nữa.

Cách đây không lâu, trong một e – mail gởi cho anh, tôi đã có viết những giòng này:

Anh Thiết ơi, anh nên viết một cuốn tiểu thuyết dài về cuộc đời thân phụ anh, nhà văn Nhất Linh. Anh có một bút pháp hấp dẫn của một người viết tiểu thuyết, viết truyện dài. Khi đọc những bài viết hồi ký của anh về ông cụ, về thân phụ của anh, tôi có cảm tưởng như ông cụ đang còn sống ở bên anh, nên chi, bài viết của anh khác hẳn, lạ hẳn, vừa rất quen thuộc với mọi người khi nghĩ đến nhà văn Nhất Linh. Năm 1963, khi nhà văn Nhất Linh qua đời, tôi mới có 19 tuổi. Nhưng cái chết của nhà văn làm tôi xúc động, nhớ nghĩ hàng đêm trong nỗi thao thức về tuổi trẻ của mình.

Vẫn còn đó, anh em hàng triệu đứa

Yêu thương nhau xin mở rộng vòng tay

Nếu khi chết tim người còn để lại

Anh mang đi khoảng trống lấp không đầy.

(Phan Duy Nhân)Hãy cố gắng viết nghe anh. Hãy cố gắng thực hiện xong một tác phẩm quý giá cho đời mình. Và hãy tin rằng, hạnh phúc với văn chương là một niềm vui còn mãi cho anh.

Anh Nguyễn Tường Thiết sinh ở Hà Nội, năm 1940. Năm 1951, anh theo thân phụ vào miền Nam, sống ở Sài Gòn. Sài Gòn là thành phố anh vừa bắt đầu cho thời niên thiếu, vừa trải qua hết thời tuổi trẻ trong dấn thân và mơ mộng về một mối tình đầu. Nhưng Hà Nội, rất khó quên. Hà Nội của anh là tuổi thơ trong tình bạn. Hà Nội, thành phố hồ Gươm, hoa phượng, hoa sấu, và trắng ngần hoa sữa. Tất cả, cùng một lúc lắng đọng lại thành những giọt mật nằm sâu trong ký ức mà tiếng nói của anh cũng như bao nhiêu người Hà Nội lúc ra đi đã mang theo cả thành phố để giữ gìn nó nguyên vẹn. Anh luôn nhớ nghĩ đến Hà Nội, mỗi lúc nghe qua giọng nói của mình. Hà Nội là một thành phố trong văn chương và cả ngoài đời. Trong văn chương, thành phố này như có một vẻ mờ phai trong mưa bụi. Còn với cuộc đời, Hà Nội là một thành phố đã làm rung động con người qua ngôn ngữ và luôn thay đổi thời tiết làm cho nó đến sớm hơn, hay có lúc muộn hơn. Ngày ra đi, anh Thiết đành trả lại Hà Nội cho tuổi thơ. Ngày trở về, Hà Nội đã khác đi nhiều với một thời của anh. Hà Nội, bướm trắng trong dĩ vãng.

Năm nay, anh Thiết ở trên tuổi tám mươi rồi. Ở xa, tôi nhớ đến anh luôn, và luôn ước mong anh được sống hạnh phúc cùng với văn chương.

08/23/21

Nguyễn Chí Kham

Related posts