Khảo về ái tình và phân loại tình yêu không ai bằng nhà văn Phùng Mộng Long của Tàu. Họ Phùng sinh năm 1574 và chết vào khoảng 1646 là tác giả bộ Tình sử từng được nhiều cây bút nổi danh ở Việt Nam như Tản Đà, Phan Mạnh Danh, Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng… đề cập tới. Tác giả Tình sử kể lại các “giai thoại” ái tình nổi tiếng ở TQ cho tới thời ông (đời Minh) và chia tình yêu thành hàng chục loại khác nhau khá phức tạp về nội dung và tính chất như tình trinh, tình duyên, tình tư, tình hiệp, tình hào, tình ái, tình si, tình cảm, tình ảo, tình linh, tình hóa, tình môi, tình hám, tình cừu, tình nha, tình báo, tình uế, tình lụy, tình nghi, tình quỷ, tình yêu, tình ngoại, tình thông, tình tích… Nội dung chuyện tình có lẽ thời nào cũng thế, nhưng bước sang thế kỷ 20, 21, nhân vật chính trong chuyện tình là con người, yếu tố ma quỷ, hồ ly biến dần, quy luật tam cương ngũ thường đã lỗi thời… và khi vai trò nữ giới không còn thụ động trong ái tình mà nhiều trướng hợp giữ vai chủ động trong mối giao lưu tình cảm với nam giới.
Nếu tình yêu thường dẫn tới bi kịch thì bi kịch trong thời đại chúng ta thảm hơn, tàn bạo hơn… Hơn nữa, tình ái không phải chuyện chuyên của giới nam đầy dục vọng, uy quyền và sức mạnh để đoạt trái tim người mình ý, mà phái nữ cũng không kém khả năng tranh thủ ái tình kể cả dùng trí lẫn dùng lực. Từ đó tình cuồng hay tình điên ở nữ giới được nhiểu người nhắc tới, tạo thêm nét khủng hoảng của thời đại.
Đam mê mở đầu cho bi kịch là câu chuyện đời thường
Khi sa vào cánh đồng hoa tình ái, người ta dễ hóa điên nếu không thỏa giấc mơ Vu Sơn với người trong mộng.
Các nhà tâm lý cho rằng tình yêu đích thực là một cuộc đam mê nhưng cường độ say tình tùy cấu trúc tâm sinh lý của mỗi cá nhân. Tình yêu cũng như ma túy, như rượu… khi sa vào dễ trở thành say, say biến thành mê, mê làm thay đổi nhân cách con người. Đam mê thường diễn tiến theo triết gia Kant nhận định “như một dòng chảy, luôn luôn đào sâu lòng thác (la passion comme un courant qui creuse toujours plus profondément son lit.) Lòng thác ám chỉ tâm lý con người.
Tại sao vậy?
Trước hết kẻ đam mê dần dần chỉ chú ý tới đối tượng mình mê say và chểnh mảng với mọi đối tượng khác. Hành động và tinh thần chỉ tập trung vào đối tượng, bất chấp khó khăn, chẳng màng quy luật, chẳng từ hành động nào, miễn sao đạt được đối tượng. Chẳng mấy ai quên câu ca dao mô tả nhiệt tình, bất chấp gian nguy của kẻ đam mê tình ái:
Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo,
Thất, bát sông cũng lội,
Tam thập lục đèo cũng qua.
Còn việc gì không dính líu tới đối tượng dù là việc bình thường hàng ngày, kể cả bổn phận của tín đồ… kẻ mê say cũng không muốn động tới như trường hợp Trần Kiều Liên trong Phan Trần tuy nương náu cửa chùa, nhưng nhớ người tình phương xa nên “Một mình những tủi duyên mình, Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn!”.
Khi đã say mê tới mức mất trí, thì kẻ đam mê chỉ có hai con đường, hoặc thụ động, chịu sự thất vọng vì bất lực, nên hủy mỉnh hoặc hủy người để giành sự chiến thắng. Có hiểu như thể mới biết kẻ đam mê là bệnh nhân và cũng là nạn nhân cho hành vi “khi say” do mình gây ra.
Mới đây, tháng 2, 2020, trên kênh Quest Red của truyển hình Anh quốc, kênh chuyên khai thác những ân oán giang hồ trong tình ái mà kẻ chủ động, say mê tình ái tới mức điên cuồng trở thành sát thủ là phái nữ và tạo ra những “La sát ngọc nữ “hay “Lady Killers”. Đề tài hấp dẫn giới nữ, vốn chịu nhiều áp lực từ xã hội, văn hóa, gia đình… của thời đại, muốn tìm quên trong hoàn cảnh toàn cầu có chiểu hướng suy thoái về kinh tế và dịch bệnh đe dọa trong những giấc ác mộng đêm về. Ngày 22 tháng 02, kênh này thuật lại một cuộc tình tội lỗi, em gái giết chị một cách tàn nhẫn nhất để mưu đoạt anh rể. Câu chuyện xảy ra từ 2016 nhưng dư âm còn mãi tới ngày nay:
Tình yêu
dẫn tới mù quáng, cô gái đạo Hồi biến thành ác quỷ
Một gia đình di dân bề ngoài có vẻ đầm ấm ở Overstone Road, Luton, đông nam Anh
quốc. Đây là tổ ấm của Saima, và Hafeez ở tuổi 30. Cả hai có công ăn việc làm
và gia đình thêm tiếng cười rộn rã của bốn trẻ thơ cả nam lẫn nữ tuổi từ đầy
năm tới 7 tuổi. Phụ họa vào tổ ấm là cô em gái Sabah của Saima. Sabah tới tuổi
27 nhưng chưa hề có bạn trai, giúp anh chị trông coi cháu nhỏ. Đó là bề ngoài,
bên trong mâu thuẫn nảy sinh. Sabah đa tình, lại gặp anh rể đầy dục tình, nên
sa vào tay người đàn ông kinh nghiệm mà cô coi như anh ruột.
Trong bốn năm, họ lén lút yêu nhau một cách điên cuồng và tìm cách thỏa dục
vọng ở bất cứ nơi nào, trên xe, trong nhà tắm, trong phòng ngủ, trên sofa…khi
Saima bận việc không có mặt ở nhà. Tình ái cũng như ma túy, chẳng khác rượu
mạnh hay cờ bạc, kẻ nghiện sa vào thì như hụt chân vào bãi lầy khó rút ra. Muốn
giải thoát bế tắc chỉ có hai cách, hoặc là sát hại tình địch hay tình nhân (đạp
người khác lấy đà vươn lên) hoặc tự sát nghĩa là để bãi lầy nuốt chửng mình.
Sabah đã chọn cách ích kỷ nhất, giết chị để chiếm đoạt anh rể cho riêng mình.
Dục vọng đã thắng lý trí, cơn đam mê đã khiến cô gái quê mùa nhưng đáo để tìm
ra cách hại tình địch. Cô tìm tới một thầy phù thủy đồng hương và sẵn sàng trả
5000 Anh kim cho người này với một yêu cầu dùng phù phép, ngải hay thư yểm, sao
cho chị mình bất đắc kỳ tử càng sớm càng tốt để mình chiếm hữu Hafeez…nếu
muộn anh ta có thể chán mình. Nhưng phù phép không linh nên Sabah quyết định tự
tay giải quyết chuyện lòng. Sabah nghĩ tới dùng rắn độc, rồi độc dược nhưng làm
sao thi hành cho kín đáo, gọn gàng mà mình không bị nghi ngờ. Cuối cùng cô nghĩ
tời dùng dao. Một đêm nào đó, cô có thể dùng dao đâm chết chị và dàn cảnh ra
một vụ “giết người cướp của.” Xem ra cách này ổn thỏa hơn cả!
Nguồn tin cho biết, Sabah được Saima nhờ vào buổi tối, ngày 23 tháng 5, 2016
trông nom, chăm sóc con cái hộ vì bận việc nghi lễ ở bên ngoài. Sabah có cơ
hội, mua sẵn dao ở Tesco và vào lúc khuya đã nhắn tin cho Saima rằng một đứa
trẻ kêu khóc và cô không thể dỗ dành được.
Vì thế, Saima đã phải quay trở về nhà. Khi đó, Sabah đã đợi sẵn chị gái ở hành
lang, trong bóng tối ra tay độc ác khi Saima bước vào nhà. Như điên cuồng,
Sabah lao mình ra đâm túi bụi vào người chị. Nạn nhân chỉ kịp ú ớ vì những nhát
dao oan nghiệp tới tấp bay tới vào tay, vào cổ, vào ngực…nên gục xuống. Nghe
tiếng động dưới nhà, một bé thơ ngủ trên gác hỏi vọng xuống:
– Dì ơi, dì giết chuột phải không?
Sabah định thần một hồi rồi phá vỡ cửa kính, la to là có trộm lọt vào nhà. Hàng
xóm thức giấc đổ tới và tìm thấy Saima gục trong vũng máu và Sabah thảm thiết
kêu gào.
Cảnh sát địa phương đã được trình báo và nhanh chóng có mặt để điều tra. Khám
nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân bị đâm liên tục 68 nhát dao. Cái chết của nạn
nhân phải là hậu quả của hành vi điên cuồng. Một tên trộm mất trí hay sao mà
thù hận nạn nhân tới mức băm xác như thế?
Cảnh sát không tin vào lời khai có một kẻ hung ác đã ra tay giết một phụ nữ
hiền lương không hể có dấu hiệu chống cự, nên mở cuộc điều tra. Cảnh sát chú ý
tới cô em có vết máu trên áo mà cô khai rằng do miếng kính đâm vào. Cảnh sát
lục soát hiện trường, đã tìm thấy hung khí, quần áo nhuốm máu cất giấu trong
phòng ngủ của Sabah.
Thế là cô gái quê ít học nhưng gian ác bị lộ mặt thực của kẻ mê dâm giết người
ruột thịt nên bị bắt và ra tòa. Tại phiên tòa xử ở Old Bailey, năm 2017, Sabah
đã thừa nhận việc giết chết chị gái và lãnh bán án tù 22 năm
Người anh rể bất lương, Hafeez, bị dư luận lên án. Anh ta than thở mất vợ và
phải nuôi bốn con thơ, và đổ hết tội cho cho cô em vợ dại khờ vì tình biến
thành ké sát nhân tàn độc, nhưng chẳng ai thông cảm với anh ta vì chính anh ta
mới là nguyên nhân dẫn tới kẻ si tình trở thành cuồng trí, ác độc.
Không phải chỉ ở Âu Mỹ mới có thàm kịch tình ái như vụ án Luton, Anh quốc, mà
mới dây ở VN cũng có một vụ mưu sát trong cơn đam mê. Một vụ ghen ngược khiến
cho một người ngoài cuộc chết oan.
Em họ đầu độc chị họ bằng trà sữa hy vọng độc quyền anh rể
Cuối tháng 12/ 2019, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã hoàn tất việc khai quật tử thi nữ điều dưỡng Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình, nạn nhân tử vong trong vụ “em họ đầu độc chị họ bằng trà sữa hy vọng độc quyền anh rể”.
Hậu quả của một cuộc tình mà người ta quen gọi là “loạn luân”. Chị Đ.T.Y. (30 tuổi, cán bộ điều dưỡng Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình), có chồng là P.V.Q. (30 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương), một tài xế đẹp trai.
Từ nhỏ Y và cô em họ Lại Thị Kiều Trang rất thân thiết, hai gia đình lại sống gần nhau, thường xuyên tụ tập ăn uống, đi chùa chiền cùng nhau nên có thể giữa Trang và chồng chị Y. là anh Q có cơ hội gần gũi, nảy sinh tình cảm vụng trộm, nhất là họ lại chung vốn mở một cửa hàng thể dục thẩm mỹ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Mối tình vụng trộm giữa chồng và cô em họ khó giấu thế nhân, bởi họ công khai những bức ảnh tình tứ trên mạng xã hội từ rất lâu. Tình nồng có khi phai. Q, chàng thanh niên hảo ngọt nếm chán vị lạ, tỏ ra không tha thiết với cô em họ đòi hỏi quá nhiều nên ngỏ ý chia tay.
Trang quy lỗi cho chị họ, lên kế hoạch giành giật lại bằng được Q và nghĩ tới đầu độc chị Y vì biết Y thích uống trà sữa.
Lại Thị Kiều Trang đã lên mạng đặt mua 2 lọ chất độc Natri Xyanua. Đến ngày 3/12, Trang mua 6 cốc trà sữa rồi dùng bơm tiêm bơm chất độc này vào 4 cốc trà sữa. Để không lộ dấu vết, Trang đã dùng sim rác gọi thuê người gửi 6 cốc trà sữa này đến Bệnh viện Phổi Thái Bình cho chị Y., đồng thời gửi kèm một túi đựng quýt và một phong bì bên trong có để 100.000 đồng để mọi người nhầm tưởng là quà của bệnh nhân biếu chị Y.
Tuy nhiên, thời điểm người mang trà sữa đến bệnh viện, chị Y. không có ở đây nên đồng nghiệp đã nhận thay và để tại phòng hành chính. Đến khoảng 10 giờ ngày 3/12, một đồng nghiệp khác của chị Y. là chị N.T.H. lấy 1 cốc trà sữa từ tủ lạnh ra uống. Vừa uống được vài ngụm thì nữ điều dưỡng này ngã gục rồi tử vong sau đó.
Việc chị H. tử vong bất thường khiến cơ quan công an đặt nghi vấn và tiến hành điều tra.
Ngay sau đó, Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lại Thị Kiều Trang để điều tra về tội Giết người.
Bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo lý để thỏa cơn đam mê, giành cho được đối tượng mình muốn như hai trường hợp kể trên.
Nhưng cũng có trưởng hợp, phải giết người trong mộng để trả thù cho duyên kiếp phũ phàng”.
Nữ sát thủ Mercedes –Benz!
Đó vụ án nổi tiếng được báo chí gán cho cái tên “nữ sát thủ Mercedes-Benz.” Câu chuyện xảy ra vào năm 2001 ở Mỹ.
Clara Harris và Davis là đôi vợ chồng lý tưởng ở Houston vì họ vừa có địa vị xã hội (cả hai đều là nha sĩ) lại có nhà to, văn phòng lớn và là chủ của nhiều xe đắt tiền như chiếc Mercedes của Clara. Hơn nữa bên gối lại có ba con thơ xinh xắn và thông mình. Trời ban cho họ rất nhiều hạnh phúc. Nhưng rồi đam mê bào mòn nguồn vui đôi lứa khi Davis len lút với cô nhân viên tiếp tân cũ của mình.
Clara biết chuyện vô cùng đau đớn vì hạnh phúc của mình bị kẻ thứ ba cướp giật nên ban đầu còn dùng biện pháp ôn hòa như nghỉ việc, đổ tiền vào sửa sắc đẹp, học đủ trò tình tứ hy vọng giành lại chồng. Nhưng cô thất bại vì chồng tỏ ra thích cái lạ và chán cái đã quá quen trở thánh nhàm chán. Clara quyết định bắt tay vào hành động, rình rập bắt ghen với lòng căm phẫn phải cho tình địch nếm mùi đau đớn. Bà ta thuê thám tử theo dõi cặp tình nhân.
Vào 24 tháng 7, 2002 được tin hai kẻ ngoại tình tới khách sạn Nassau Bay Hilton. Đây chính là nơi xưa Clara và David làm đám cưới. Cuồng nộ, uất hận, Clara phóng xe tới khách sạn và gặp tình địch nên xông vào đánh xé một trận nhưng bị nhân viên khách sạn tống ra ngoài. Vừa lúc đó David xuất hiện, Clara mang lửa hận trút vào chồng, với ý định “cái ta không có thì không ai trên cõi đời này có được”. Thế là người vợ cuồng ghen, phóng xe Mercedes vào David. David té trước mũi xe, Clara lùi lại và cho xe cán trên người chồng phụ bạc thêm hai lần nữa cho chết hẳn. Để rồi Hoạn thư thời đại lãnh bản tù dài hạn, cho tới 2014 mới được xin tại noại quản thúc.
Kẻ thụ động, hướng nội gặp bế tắc tình ái thì tự tìm cái chết!
Người thích điện ảnh không quên cuốn phim Mourir d’aimer (Chết vì tình) xuất hiện năm 1971. Truyện phim dựa vào một bi kịch có thực trong đời của nhà giáo, Gabrielle Russier ở Marseille, Pháp. Gabrielle ở tuổi 32, là một giáo sư thạc sĩ văn chương tại một trung học, sau hôn nhân đổ vỡ, vì một duyên phận tình cờ gặp và say mê một cậu học trò 17 tuổi vào năm 1968. Cuộc tình vỡ lở, bà giáo bị truy tố ra tòa, bị tống giam về tội quyến rũ trai vị thành niên. Cuộc tình bế tắc, dư luận như bức tường ngăn cách với người yêu, bà giáo trong khi chờ chống án, đã tìm tới cái chết vào năm 1969. Những lời ca của ca sĩ Charles Aznavour trong Mourir d’aimer đã cảm thông được phần nào nỗi đau đớn của kẻ bất hạnh vì tình:
Puisque
notre amour ne peut vivre
Mieux vaut en refermer le livre
Et plutôt que de le brûler
Mourir d’aimer
(Vì cuộc
tình không trọn
Nên khép kín trang đời
Dùng lửa hồng thiêu rụi
Yêu mà chết cũng vui!)
Bi kịch
tình ái quá nhiều kể sao cho xiết. Những kẻ đa tình hãy nghe lời nhắc nhở của
Nguyễn công Trứ, một đại thi nhân Việt nam để sớm tránh họa đam mê:
Đa tình là dở
Đã mắc vào đố gỡ cho ra!
Chu nguyễn