Trâm Anh Với Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ – Tamar Lê

Hồi mới qua Melbourne, Quỳnh Hương và tôi tình cờ và may mắn gặp một cô gái với giọng Huế ngọt ngào; chỉ vài phút nói chuyện qua phong cách ‘Huế ơi là Huế’ của ‘nàng’ chúng tôi có cảm giác như đang chuyện trò với một tiểu thư trâm anh thế phiệt của đất thần kinh.

Tưởng chỉ có vậy thôi cũng đã mừng rồi… nhưng khi được nghe Trâm Anh (TA) hát, nhất là những bản tình ca, thì ai dù có trái tim sắt đá cũng thấy tâm hồn mềm mại như lá thu rơi, ai có khô khan chi mấy cũng buồn khóc khi nhìn “mưa bay trên tầng tháp cổ,” và ai chưa yêu thì thấy tim mình không chịu ngủ yên, dạt dào với gió chiều.

Trâm Anh rất sáng tạo trong nhiều lãnh vực: khoa học, văn chương và nghệ thuật. Melbourne thật may mắn có những viên ngọc quý như TA. Hôm trước ngồi chuyện trò với TA, tôi mới biết thêm thời kỳ ‘vàng son’ khi ở Việt Nam của cô gái miền Trung dịu dàng này. Bây giờ nhìn lại là hoài niệm đẹp như thu vàng bên bờ suối của ngày tháng mộng mơ.

Yes, trong vùng kỷ niệm hoang sơ tuổi trẻ, cô gái nào cũng xao xuyến với những đam mê trong bước đi đầu tiên của đời mình. Những kỷ niệm đẹp đều ở bên nhà, từ lúc TA đi học, cho đến lúc đi dạy, hướng dẫn các học sinh nha khoa thực tập ở bệnh viện, thành nhà thiết kế thời trang và tham gia múa hát. Ở trường, TA thích cả văn và toán, vì văn đưa mình đi sâu vào thế giới tâm linh, khi huyền ảo, khi thì lãng mạn, khi thì vượt xa tầm tay của tình cảm đời người. “Văn học có thể giống như ánh sáng, chỉ cần mọi người sử dụng một cách thích hợp, nó có thể xuyên thấu mọi thứ.” (Aldous Huxley)

TA thích toán là vì ở toán học có sự minh bạch, rõ ràng chỉ có đúng, hoặc sai, không ỡm ờ lưng chừng xuân. Khi giải được bài toán khó, Trâm Anh thấy mình vui thích như hoàn thành một trò chơi, như phát hiện ra một khám phá mới:

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo. (Unknown)

Lên lớp 10, bước vào trung học, được tuyển vào lớp chuyên toán của trường, là khoảng thời gian bận rộn nhưng vui nhất của TA. TA bắt đầu tự học may và thiết kế thời trang. TA hay nghiên cứu các mẫu thời trang của nước ngoài, nên được nhiều bạn bè nhờ may những kiểu lạ. Đó cũng là những bước đầu tiên để khẳng định vị trí của mình trong giới thời trang mới mẻ của thành phố lúc bấy giờ.

Tuy tự học, nhưng lại có nhiều người tìm đến xin học may. Thu Vân, một trong những cô học trò, khi mở tiệm đã xin được lấy tên Trâm Anh để đặt cho hiệu may của mình. Đó là niềm vui khi TA đến thăm tiệm khang trang và đông khách của người học trò này.

TA cũng được mời tham gia một fashion show cho bộ sưu tập của riêng mình. Có một kỷ niệm vui trong show này, là khi cô diễn viên múa cho tiết mục của Quốc Hùng (Gia Huy, Asia) bị đau không đến được, TA được nhờ  để cứu nguy cho tiết mục vào giờ phút chót khi có người biết TA được một số huy chương về múa  trong thành phố .

Thế rồi, tất cả đều bỏ lại sau lưng khi TA qua Úc, bắt đầu một trang cuộc đời mới nơi đất người, đầy thử thách. Những hoạt động sôi nổi đều cuốn theo chiều gió mà đi, nhường chỗ cho gia đình, việc học và sự nghiệp ở đất nước mới. Cho đến mấy năm gần đây, Trâm Anh mới bắt đầu tham gia văn nghệ trở lại ở thành phố âm nhạc Melbourne và niềm đam mê nghệ thuật lại trở về với đời mình. Thỉnh thoảng TA cũng tham dự những chương trình văn nghệ để chung vui với bạn bè, và tìm lại cho mình những hoài niệm của một thời mộng mơ.

Biển mênh mông như tình này sâu thẳm

Khẽ ru em tiếng sóng vỗ thì thầm

Đưa em về một nơi rất xa xăm

Chốn xa ấy: bình yên và nỗi nhớ. (TĐN)

Related posts