Ngày Phán Xét!

Năm 2015, Trời Syria đang vào độ cuối Thu, mùa Đông đã gần kề bên thềm cửa, mang theo cái lạnh cắt da, mũi phà hơi khói.

Quân của Tổ chức khủng bố IS, Nhà nước Hồi giáo, đang vây hãm thành phố Kobani, phía tây bắc Syria, gần đường biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Khoảng 400 ngàn dân Kobani, đa phần là người Kurd, không có điện, không có nước và có rất ít thực phẩm.

Họ đang sống chui rúc trong tầng hầm của những cao ốc chúng cư. Với hy vọng là đạn pháo, nếu có bắn trúng thì chỉ làm đổ sụp tầng trên, chớ không thể nào xuyên phá tới tầng hầm.

(Giống như trong chiến tranh Việt Nam, bà con mình phải đào hầm trú ẩn, ‘tranchée’ để tránh pháo kích của VC).

Mái ngói bị trúng đạn pháo tan tành, những bức tường xung quanh nhà bị bom nổ làm cho đổ sập.

Người dân Kobani chỉ xin cho đêm không có đạn bay để sáng mai thức dậy mà không phải nhìn thấy xác vợ con mình chìm trong đổ nát.

Tuy nhiên, đêm qua, những người hàng xóm ít ỏi còn sót lại bên tầng hầm của tòa nhà kế bên, đã bị khí độc Sarin, vốn nặng hơn không khí, len lỏi vào giết họ chết hết rồi.

“Có tiếng bom nổ, tôi giục cả nhà chạy đi, còn tôi theo sau! Còn người sống sót thì phát điên! Có lần nghe sấm sét, một em gái nhỏ người Kurd ở thành phố Kobani nói: “Đó cũng là tiếng bom đấy… rồi cười”

Đúng là: “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con; chị vỗ tay hoan hô hòa bình!”

Dứt trận bom, bằng tay không, người ta đào xới đống đổ nát, bế ra một bé thơ lặt lìa, tay đòng đưa theo bước đi lảo đảo của người cứu nạn.

***

Làm gì đây khi bình minh đến?  Chỉ còn tìm cách đào sanh, hy vọng tới được một nơi nào đó an bình trên thế giới hỗn mang nầy để cho vợ con mình được sống.

Đánh cược với số phận, xuống thuyền vựợt biển ra khơi còn hơn chui rúc trong cái tầng hầm nầy cho tới ngày tận tuyệt.

Điểm cuối trên vùng đất hứa cho bình yên để sống, không có tham vọng tranh giành quyền bính của một lũ điên, có thể là Áo, Đức, Hòa Lan, hoặc ngay cả các nước Bắc Âu xa tít mù như Thụy Điển, Na Uy, hoặc Phần Lan!

Từ năm 2011 tới nay, đã có hơn 6. 7 triệu người đã trốn chạy khỏi Syria điêu tàn trong chiến trận để đến các trại tị nạn trên phần đất dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để chờ ngày vượt biển.

***

Tima Kurdi, hiện định cư ở Vancouver, British Columbia, Canada, đã làm đơn xin bảo lãnh cho gia đình em mình là Abdullah Kurdi được đến Canada tỵ nạn. Nhưng đơn xin nhập cảnh đã bị khước từ vào tháng Sáu vì bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cấp thị thực xuất cảnh.

Sau 2 lần toan tính đưa gia đình đào thoát thất bại thì xá gì thêm một chuyến ra khơi. Abdullah sắp xếp lần vượt biên thứ 3 để vượt biển tới đảo Kos của Hy Lạp, ngoài khơi những vẫn còn trong tầm mắt, chỉ cách Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4 km, mất 30 phút bằng xuồng cao su bơm hơi.

Để tránh bị đội tuần tra duyên hải của Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện, từ một bờ biển hoang vắng vào đêm khuya ngày mùng 2, tháng Chín, năm 2015, mười sáu người tỵ nạn Syria đã ở trên một cái xuồng chỉ dài có 5 mét, chỉ chở tối đa được có 8 người.  

Rời bãi được 5 phút, xuồng bị sóng lớn đánh dồn dập. Hoảng sợ mọi người đứng cả dậy làm nước tràn vào. Xuồng bị lật làm 12 người chết đuối.

(Biển lớn cuốn em đi! Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi! Biển ơi! Trả cho ta xác em yêu!) 

Lúc 6 giờ 30 phút, sáng ngày mùng 2, tháng Chín, năm 2015, xác Alan Kurdi, 3 tuổi, và anh là Galip, 5 tuổi, cách em mình chừng 100m, xác người mẹ Rehan, 35 tuổi, của hai cháu giạt vào bờ biển cách đó tới 240 km.

Alan mặc cái áo ‘T-shirt’ màu đỏ, chiếc quần ‘short’ màu xanh thẫm, mang đôi giày đen nhỏ, nằm úp mặt lên cát, hai tay xuôi duỗi thẳng giống như mình đang ngủ một giấc bình yên. Sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, vỗ dịu dàng quanh mặt xác của hai người tỵ nạn bé thơ.

***

Gia đình tan nát hết! Chỉ còn duy nhứt người cha bất hạnh Abdullah Kurdi, 40 tuổi, là còn sống sót.

Hôm mùng 3, tháng Chín, năm 2015, Abdullah Kurdi đã tới nhà xác bịnh viện, nhận dạng thi thể vợ và con.

Bằng máy bay, từ Bodrum vượt 700 cây số tới Istanbul. Từ Isanbul vượt hơn 1000 cây số nữa bay tới thành phố Sanliurfa, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, ba thi thể nầy sẽ về lại Kobani, Syria, cách đó 127 cây số, bằng đường bộ.

(Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải được chôn trong vòng 24 giờ, nếu có thể).

Ngày thứ Sáu, mùng 4, tháng Chín, năm 2015, tại thành phố vùng biên Kobani, quê nhà chôn nhau cắt rốn, nơi hai cháu đã từng theo cha mẹ trốn ra đi, rồi cay nghiệt thay lại trở về quê cũ, chạm vào đất mẹ tang thương trong chiếc áo quan.

Abdullah Kurdi nói: “Tôi không muốn bất cứ điều gì từ thế giới này nữa.  Tôi muốn chôn cất, rồi ngồi cạnh mộ vợ và hai con tôi cho đến lúc tôi nhắm mắt.”

***

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bắt giữ và đưa ra Tòa 4 nghi phạm ‘tép riu’ chuyên bắt mối tìm khách vượt biên trái phép. Mỗi bị cáo bị xử 4 năm tù về tội ‘ngộ sát’.

Nhưng những người cầm đầu một đường dây buôn người đã nhanh chân tẩu thoát.  Mãi gần 5 năm sau, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt giữ được ba kẻ chủ mưu, truy tố ra Tòa ở Bodrum ở Mugla về tội ‘cố sát’. Mỗi bị cáo bị Tòa xử 125 năm tù.

(Theo CNN, tin cho biết vào ngày 15, tháng Ba, năm 2020).

***

Hình xác cháu Aylan Kurdi, 3 tuổi nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trên thế giới, một biểu tượng của người Syria tỵ nạn!

Hình ảnh thành phố Kobani của đất nước Syria tan nát trong chiến tranh làm gợi nhớ cố đô Huế của đất nước Việt Nam khi CS Bắc Việt tràn vào chiếm đóng suốt 28 ngày đêm vào tết Mậu Thân, năm 1968.

Thành phố Kobani cũng là một An Lộc, Kon Tum, Quảng Trị trong mùa Hè 72, chìm trong khói lửa khi Cộng quân nã vào những nơi đấy cả chục ngàn viên đạn pháo.

Tàn chiến trận, người dân chạy trốn chiến tranh vẫn lầm lũi quay về dựng lại mái nhà xưa trong đổ nát, điêu tàn.

Nhưng cách đây đúng 45 năm, năm 1975, tiếng súng đã ngừng khi CS Bắc Việt với sự tiếp sức của đàn anh Nga Hoa chiếm đóng cả Miền Nam, thì bà con mình lại lũ lượt trốn ra đi vì không thể cam tâm sống một đời nô lệ.

***

Hình ảnh bi thảm của Alan Kurdi, chết nằm úp mặt xuống cát như đang ngủ làm cay đắng, chua xót, gây đau đớn cho thuyền nhân người Việt tỵ nạn Cộng sản của chúng ta.

Chỉ cần thay tên Alan Kurdi, một đứa bé người Kurd trên đất nước Syria, bằng một cái tên của một đứa bé Việt Nam đã bỏ mình trong biển cả trên bước đường lưu lạc cùng cha mẹ anh em mình đào thoát.

Chỉ cần thay cái địa danh, thành phố Kobani của Syria, rồi Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ bằng Sài Gòn, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá… những cái tên Việt Nam, nơi xuất phát thuyền vượt biên ra biển thì thân phận của những người tỵ nạn đã mất mạng trên đường đào thoát nầy giống hệt như nhau.

Chỉ cần thay tên tổ chức khủng bố Nhà nước IS bằng tên CS Bắc Việt thì hai biến cố bi thảm, trong hai thời điểm khác nhau lại giống hệt như nhau.

“Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp. Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau!”

***

45 năm đã trối qua, chúng ta vẫn là người tỵ nạn. Chúng ta đã mang tới đất nước thứ hai nầy nỗi thống khổ của những con người từng bị chủ nghĩa CS độc tài bức hại.

Cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta tản lạc trên toàn thế giới từ Âu sang Mỹ, không phải than khóc cho ngày tháng cũ mà nhìn về tương lai, không chỉ cho riêng người Việt mình mà cho toàn nhân loại.

Chúng ta phản đối chiến tranh, phản đối độc tài, khước từ một cuộc đời nô lệ dù phải đánh cược cả cuộc sống của gia đình mình!

Vì chúng ta đã từng chứng kiến:“Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con!”

Vì chúng ta đã từng chứng kiến: “Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn!”

Vì chúng ta đã từng chứng kiến: “Chiều ra biển đứng ê chề. Tìm trong ngọn sóng có về xác em?”

Thảm kịch đó phải chấm dứt ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh nầy, trong vũ trụ nầy.

Những tay thủ ác, bè lũ đã lợi dụng lòng khao khát tự do của đồng bào ta để cướp vàng, rồi đẩy họ ra biển khơi đầy giông tố trên những con thuyền ọp ẹp, dù đã già lụm cụm, vẫn còn nhởn nhơ trên xương máu của người dân đất quê mình.

Chắc chắn một ngày phán xét đó sẽ tới, chúng phải trả lời trước lịch sử, là quan tòa công minh nhứt, về tội ác mà chúng đã gây ra.

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts