CÙNG ĐI VỚI VIRUS CORONA

PHẦN 1

Vấn đề virus Corona đã trở thành đại dịch của toàn cầu, và ở trong thời điểm Việt Nam và thế giới đang hy vọng mùa dịch sẽ đi qua, nhưng không may khi, Trung Quốc bắt đầu giảm tỉ số nhiễm bệnh và tử vong thì Ý, Tây Ban Nha, Đức Mỹ, Úc, Canada… tăng vọt tỷ lệ này!

Không dừng lại ở đây mà số lượng các nước của năm Châu bị nhiễm bệnh và tử vong càng lúc con số càng tăng. Và gần đây nhất khi Việt Nam bắt đầu có ý định ăn mừng vì được nằm trong danh sách là đất nước an toàn để đến đối với thế giới thì số lượng người bị nhiễm corona virus bị phát hiện và tăng cao từ ngày cô gái Việt 29 tuổi từ Milan trở về Việt Nam ngày 2 tháng 3 vừa rồi. Và gần đây nhất, truyền thông của Mỹ thông báo đã có một người Việt qua đời ngày 19.3 vừa qua vì virus Corona. Những điều xảy ra đã làm cho người Việt chúng ta khắp nơi bị lo lắng và hoảng loạn tâm lý!

Tôi theo dõi báo chí, YouTube, truyền hình và các mạng xã hội khác thì thấy ở Việt Nam các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng Hà Nội, ở Úc thì tôi thấy tận mắt người Việt ở Sydney đâu đâu cũng có những khuôn mặt lo lắng và người ta đổ xô đi mua đồ dự trữ phòng khi đại dịch tới với họ hoặc gia đình, hoặc bị giới nghiêm không ra đường được khi con số bị nhiễm tăng cao không quản lý được.

Là người làm công việc cố vấn tâm lý và sức khỏe ở tại Sydney, Úc và trước tình hình của đại dịch virus Corona, tôi xin mạn phép có những chia sẻ để giúp cho các bạn có một sức khỏe tinh thần và thể chất tốt để đối chọi với thử thách của virus Corona và giảm bớt những lo sợ, hoang mang và hổn loạn tâm lý không cần thiết.  

Nếu bạn đang rất lo lắng là chính mình hoặc người thân trong gia đình có thể bi nhiễm virus Corona, hoặc bạn đang đi làm mà luôn lo âu là mình sẽ lấy bệnh từ công sở, nơi buôn bán, hoặc kinh doanh trong dịp này thì thông điệp này là dành cho bạn. 

Với đại dịch toàn cầu này thì đa phần mọi người ở các nước sống trong tâm lý căng thẳng, sợ hãi và hoảng loạn. Thật ra thì ai cũng muốn biết những phương cách tốt và hay nhất để phòng tránh, và phòng chống cơn đại dịch này. Nhưng vì nhìn người chung quanh bị tấn công bất ngờ hoặc bị ảnh hưởng bởi làn sóng bệnh mỗi ngày một tăng cho nên tâm lý của mọi người bị bất thường như tôi đã nêu ở trên. 

Có một số người vì quá hoảng sợ nên đã làm những điều có ảnh hưởng đến bản thân của mình và người chung quanh về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất như sinh bịnh, nóng tính, cãi cọ, đe dọa người khác, giành giật nhau mua thức ăn, đồ dùng, hoặc tỏ thái độ kỳ thị trên xe lửa, xe bus và các phương tiện công cọng khác v.v. Thật là những điều không thích hợp và không thể chấp nhận được của tình hình căng thẳng của thế giới hiện tại.

Có một số người không quản trị được sự căng thẳng sẽ sinh ra sự hoảng loạn tâm lý. Đi sâu vào vấn đề thì sự hoảng sợ và hỗn loạn được gây nên bởi một sự việc xảy ra bất thình lình mà con người không thể kiềm chế được nỗi lo sợ và đây là cảm xúc đến từ sự bất lực. Con người cảm thấy mọi việc xảy ra không đoán trước được và họ không điều khiển được sự việc. Khi con người có sự lo sợ và hoảng loạn trong lòng, họ có khuynh hướng khó chịu, nóng tính, thiếu kiên nhẫn, có những hành động không đoán được trước, và thực hiện những hành vi vô lý. Ví dụ như ở Việt Nam và ở Úc, tôi thấy vì hoảng sợ bịnh dịch Coronavirus mà một số người đã cái cọ, thậm chí đánh nhau để dành giấy vệ sinh, thực phẩm khô lưu trữ lâu ngày. Một số bạn bè của tôi gọi điện thoại nhắc nhở tôi phải đi mua thức ăn để dự trữ với thái độ rất lo lắng hoảng sợ. Trên facebook, người ta nhắn tin liên tục cho nhau và hỏi đã mua cái này, cái kia chưa. Đây là điều mà con người cuống cuồng làm khi họ bị lo lắng và hoảng sợ và họ không biết rằng đây là mầm mống kích động và tăng thêm lo lắng, hoảng sợ và hoảng hốt cho nhau.

Trước khi chia sẻ những phương cách có thể đem lợi ích đến cho tinh thần và thể chất của mọi người, tôi xin giải thích sơ về sự tác hại của sự căng thẳng, sợ hãi, và hoảng hốt đối với cơ thể. 

Sự tác hại của căng thẳng sợ hãi, và hoảng hốt đối với cơ thể. 

Trong cuộc sống chúng ta có những căng thẳng khác nhau được gọi là căng thẳng thường xuyên như căng thẳng về tiền bạc, căng thẳng về cảm xúc, căng thẳng khi quan hệ, căng thẳng về sức khỏe v.v. Căng thẳng xảy ra khi chúng ta bị lo lắng hoặc đe dọa bởi một điều gì đó hoặc bởi ai đó.

Trong trường hợp hiện tại với virus Corona, con người đã bị căng thẳng tấn công đột ngột và điều này dẫn tới hoảng sợ và hốt hoảng. Hoảng sợ vì không biết khi nào virus Corona tấn công mình và gia đình. Hốt hoảng vì lo lắng đồ dùng cần thiết và đồ ăn dự trữ cho đại dịch không đủ cho mình và gia đình và có thể chết đói! Cao hơn nữa, có người có hốt hoảng tột cùng là mình có thể bị mất người thân như bao người khác đã đi qua.

Thật ít ai biết rằng sự căng thẳng, hoảng sợ và hốt hoảng sẽ tăng thêm khả năng nhiễm bịnh rất cao và làm thấp đi khả năng chống lại sư tấn công của bịnh tật! 

Hoảng sợ và hốt hoảng sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, một hệ thống giúp chúng ta chống chọi với sự vi trùng, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nhiễm trùng, sưng nhức, và ung thư. 

Căng thẳng hoảng sợ và hốt hoảng sẽ tăng lên độ cortisol và adrenaline đuợc gọi là tuyến tố thận của hệ nội tiết. 

Cortisol và tuyến tố thận được sản sinh ra bởi tuyến thượng thận và nó có dính líu tới những hóc môn khác nhau trong cơ thể với chức năng cân bằng trạng thái tinh thần và sức khỏe toàn thân của chúng ta. Khi cortisol và tuyến thượng thận tăng bởi sự hoảng sợ và hốt hoảng thì rõ ràng cả thân thể bị ảnh hưởng với chiều hướng có hại trong việc chống lại bịnh hoặc cơ thể bạn có thể bị sinh ra bịnh hiểm nghèo khác như nhồi máu cơ tim, huyết áp, đột quỵ v.v

Bạn có thể thắc mắc cortisol và adrenaline là gì? Tôi xin sơ lược giải thích. 

Costisol

Hầu hết các tế bào cơ thể có thụ thể cortisol, nó ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Cortisol có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh quá trình trao đổi chất, giúp giảm viêm và hỗ trợ quá trình hình thành trí nhớ. Nó có tác dụng kiểm soát cân bằng muối và nước và giúp kiểm soát huyết áp.

Cortisol được sản xuất ra từ tuyến thượng thận- là 2 tuyến nằm phía trên hai quả thận. Khi Căng thẳng lên cao, lẽ đương nhiên lượng Cortisal tăng cao, và chức năng làm việc của tuyến thượng thận cũng tăng lên để giúp chúng đầu với căng thẳng và điều này xảy ra có ảnh hưởng lớn đến hệ thống miễn dịch. 

Tuyến tố thận

Tuyến tố thận cũng là một loại hormone do tuyến thượng thận tiết ra, đặc biệt là trong điều kiện căng thẳng, tăng tốc độ lưu thông máu, hơi thở và chuyển hóa carbohydrate và chuẩn bị sự hoạt động cơ bắp để chuẩn bị đối phó và vượt qua thử thách. Ngày xưa, tuyến tố thận

giúp con có sức mạnh để chạy thoát thú dữ tấn công, người ra trận thì có sức chiến đấu hoặc chạy thoát kẻ thù. Ngày nay, chúng ta không còn cảnh này nhiều như ngày xưa nữa và cơ thể điều tiết adrenaline theo sự sự hoảng sợ và hổn loạn tâm lý. Những cảm xúc này càng nhiều thì cơ thể tiết ra adrenaline càng cao.

Như tôi đã đề cập ở trên, hệ thống miễn nhiễm là hệ thống bạch huyết và là hệ thống tuần hoàn lớn nhất trong cơ thể. Đặc biệt nó rất dễ bị tổn hại bởi căng thẳng.

Với sự gia tăng lớn của cortisol, tuyến tố thận, hai loại hormone gây căng thẳng, theo nghĩa đen thì chúng có thể khiến mô bạch huyết bị teo và chức năng của hệ thống bạch cầu bị suy giảm.

Nồng độ cortisol và tuyến tố thận cao liên tục có liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch bị ức chế và giảm lưu thông các kháng thể mà cơ thể rất cần để chống lại những mầm bịnh tấn công từ bên ngoài.

Sau những giờ với một sự kiện căng thẳng, cortisol và tuyến tố thận lên cao sẽ dẫn đến suy giảm cho cả hai loại tố chất cần thiết cho cơ thể. Đó là bạch cầu ái toan, bạch cầu mà chúng ta cần để chống dị ứng và vi tế bào lympho giúp tăng khả năng miễn dịch. Khi cortisol của tuyến thượng thận điều tiết quá mức để đáp ứng với căng thẳng có liên quan đến việc giảm đáng kể số lượng bạch cầu tổng thể.

Trong với đại dich virus Corona đã xãy ra khoảng 3 tháng nay và mọi người đã bị căng thẳng hốt hoảng trong suốt thời gian qua. Tới thời điểm này, tất cả mọi người coi chuyện căng thảng và hốt hoảng là chuyện đương nhiên và hầu hết đều thấy mình với một danh sách bận rộn để đương đầu với đại dịch và danh sách này không biết khi nào chấm dứt. Nếu không được kiểm soát, sự căng thẳng dài hạn này có thể có tác động ảnh hưởng lớn đến tuyến thượng thận, não và nhiễm vi khuẩn của hệ tiêu hóa của bạn và có lẽ là nghiêm trọng nhất, những điều này có khả năng làm suy yếu hoặc tàn phá hệ thống bạch huyết, điều mà hầu như ít ai biết đến và nói đến.

Tiếp theo, tôi xin chia sẻ tiếp sự tác hại khác rất lớn đới với cơ thể khi con người bị căng thẳng hoảng sợ và hốt hoảng. Với những cảm xúc này hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là một cơ quan rất quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất đối với mạng sống con người trước tấn công của virus Corona.

Tầm quan trong của Hệ Hô Hấp

Theo nghiên cứu của khoa học thì virus Corona tấn công vào hệ thống hô hấp và chính là phổi. Ai cũng biết rằng phổi dùng để thở và không thở được thì cuộc sống chấm dứt và sức khỏe của phổi được quyết định bởi suy nghĩ của bạn. Cả hai có quan hệ rất mật thiết với nhau. Khi bạn có những căng thẳng bất ngờ, suy nghĩ tiêu cực, hoảng sợ, thì đây là những điều sẽ có ảnh hưởng đến nhịp thở của bạn. Cường độ của sự suy nghĩ và cường độ của hơi thở sánh bước cùng nhau. Bạn có thể thắc mắc và đặt câu hỏi “Vì sao”. Lẽ đơn giản khi căng thẳng, hoảng sợ và hốt hoảng, hơi thở có thể nhanh hơn, chậm hơn, hoặn không đều, có người lại nín thở mà không biết v.v. Điều này sẽ ảnh hưởng chức năng của phổi và làm chúng yếu đi! Lượng Oxy sẽ không đủ cung cấp toàn thân hoặc bị tắt khi phổi bị yếu đi hoặc không làm việc nữa! Đây là điều dẫn đến những ca mất mạng khi virus Corona tấn công bệnh nhân.

Với giải thích trên, tôi hy vọng bạn sẽ thấy rõ là mình có một bộ phổi tốt, hơi thở nhịp thở khỏe mạnh. Để đạt đước điều này, bạn cần phải có ý thức và sự để ý cao về suy nghĩ của mình. Bạn phải tự cố gắng cố vấn tâm lý cho chính mình khi suy nghĩ bị hỗn loạn, tâm lý bị bất an do hoàn cảnh bên ngoài hoặc do sự xáo trộn hoặc nhiều chuyện của người chung quanh. Giữ hơi thở câng bằng và khỏe mạnh là cách tốt nhất để có sức khỏe chống lại sự tấn công của virus Corona.

Thật ra, khi nhận thức vấn đề rõ ràng thì chúng ta nhìn thấy rằng con người đã giành giật đánh nhau để đạt được những điều mình muốn là do bị hoảng sợ và cảm thấy bất lực. Không có ai khi bình tĩnh và có sự khôn ngoan mà làm điều này cả! Theo định nghĩa của các nhà tâm lý và khoa học gọi cho rằng ở là do những chuỗi thần kinh có độ sóng dồn trong đầu cho nên sinh ra trạng thái tâm lý hoảng sợ và hoảng sợ sẽ sinh ra sóng dồn cao hơn và sóng dồn cao hơn sẽ nâng hoảng sợ lên hoảng loạn tâm lý. Cứ vây, vòng tròn tiếp diễn và con người đi tới vô ý thức!

Những giải thích và chia sẻ ở trên của tôi là mục đích gởi đến bạn những hiểu biết căn bản về tâm lý và bản thân, biết bảo vệ và làm mạnh hệ miễn dịch và hệ hô hấp. Bạn cũng được nhắc nhở rằng những điều con người đang phản ứng sẽ có nguy hại đến sức khỏe và khi hiểu được điều này thì các bạn sẽ giảm bớt và quản lý được sự căng thẳng và hoảng sợ, có bình tĩnh chiến đấu với bệnh dịch virus Corona, hoặc bất cứ tấn công nào của của cuộc sống.

Khi có những khóa hội thảo với bác sĩ Joe Depenza, tôi luôn nhớ câu nói thường xuyên của ông “Bạn tập trung vào điều gì thì tất cả năng lượng của bạn đỗ dồn vào đó!” Đúng vậy, nếu bạn tập trung vào sợ hãi và hoảng hốt với virus Corana thì tất cả năng lượng bạn có tiêu hao vào đó!

Tóm lại, theo tôi, căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ không làm cho những điều tội tệ, không ưa ngừng xảy ra mà nó ngăn chặn sự mở lối và những điều tốt lành tới với cuộc sống của chúng ta.

Vĩ nhân của thế giới người Đức Johann Wolfgang von Goethe từ lâu đã chia sẻ:

“Chỉ qua niềm vui và đau khổ mà con người thấu hiểu bản thân và vận mệnh của mình. Người ta học được cần phải làm gì và cần phải tránh gì.”

Bạn đồng ý với tôi về lời khuyên này, đúng không?

Mời bạn theo dõi tiếp phần 2: 6 phương cách giữ sức khỏe để phòng chống Coronavirus và cho tất cả mọi trường hợp liên quan đến sức khỏe.

Thái Hà-Lê

Cố vấn tâm lý và sức khỏe

Sydney 25/3/2020

Related posts