CHLOROQUINE, thuốc thánh hay thuốc độc?

Từ Thức

BA CÂU HỎI

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh France Inter (*), Pr Gaudry nói:

“Trong bối cảnh hiện nay, điều người ta có thể nói là chloroquine có thể hữu hiệu, có thể không hữu hiệu, và có thể nguy hiểm”. Đó là 3 điều có thể mà người ta chưa có câu trả lời. Khi người ta không am tường vấn đề, người ta có cảm tưởng “chẳng có gì quan trọng, cứ cho một chút chloroquine, nếu không hữu hiệu cũng không sao”, nhưng sự việc không diễn ra như vậy. Chúng tôi đã thấy được chở vào nhà thương nhiều bệnh nhân dùng chloroquine với nhiều biến chúng cực kỳ nghiêm trọng cho tim. Đó là một thứ thuốc độc hại cho tim.’’

“Phải thận trọng”, Giáo sư Gaudry nói tiếp, “đây không phải là lần đầu người ta hào hứng với một thứ thuốc. Trước đây, người ta đã nhiều lần thử chloroquine với nhiều loại coronavirus, lần nào cũng lùi lại, thấy là không hiệu quả. Đây không phải là lần đầu có coronavirus’’
Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, Giáo sư Xavier Lescure nói: Tới nay chưa có một bằng chứng nào chứng minh sự hữu hiệu của các thứ thuốc hiện hành.

Về chloroquine, Pr Lescure, chuyên viên về bệnh nhiễm trùng (médecin infectiologue), bệnh viện Bichat, Paris, nói:

“Cái làm tôi lo ngại, là cách thức người ta công bố kết quả những cuộc thử nghiệm. Và chuyện người ta tin sẵn là chloroquine có hiệu quả sẽ gây trở ngại cho những cuộc thí nghiệm nghiêm chỉnh trong một thời gian ngắn’’.

Mặt khác, Giáo sư Mathieu Molimard, bệnh viện Bordeaux, trong một cuộc phỏng vấn khác, cảnh cáo việc cho toa hydroxychloroquine ngoài khuôn khổ nhà thương. Nhiều ca biến chứng tim trầm trọng với thuốc này đã được ghi nhận tại Boodeaux. “Nếu người ta dùng thuốc này cho hàng trăm ngàn người ngoài nhà thương, sẽ có rất nhiều người chết’’.

Chloroquine, một thuốc tri sốt rét đã gây tranh luận sôi nổi tại Pháp và hầu như trên khắp thế giới những ngày gần đây.

Chloroquine, hay quinine (ký ninh) đã được dùng từ thế kỷ 19 để trị sốt rét. Từ 1949, chlroquinine được bán trên thị trường dưới tên Nivaquine.
Tên thương mại của Chloroquine là PLAQUENIL (200mg)

BA KHUYNH HƯỚNG

Tại Pháp, đại khái có 3 khuynh hướng:

1. Những người, có thể nói là fan của Pr Didier RAOULT. Ông này là một giáo sư, chuyên viên về bệnh nhiễm trùng, ở Marseille, Pháp, đã nghiên cứu Chloroquine từ nhiều năm. Ông quả quyết là những thí nghiệm của ông cho thấy chloroquine hữu hiệu trong việc chữa trị. Không dùng là phạm tội không cứu người lâm nạn. Các fans của ông kết án giới y khoa tìm mọi cách dìm ông xuống vì ghen tị. Trong một cuộc tham dò, Didier Raoult trở thành một trong những nhân vật đáng kể nhất ỏ Pháp.

2. Hầu hết các y sĩ chuyên về virus, bệnh truyền nhiễm, trong đó có giải Nobel Y Khoa và những giáo sư uy tín nhất, nghi ngờ hiệu quả của chloroquine, vì chưa thấy một cuộc thử nghiệm nào đứng đắn, theo đúng các tiêu chuẩn khoa học để đánh giá một thứ thuốc.

Tới nay, về chloroquine trong việc điều trị coronavirus chỉ có một thử nghiệm của các y sĩ Tàu, ở Vũ Hán, trên 100 bệnh nhân, nhưng các tác giả không công phố phương pháp nghiên cứu.
Giáo sư Raoult cũng thực hiện một thử nghiệm tại Marseille, nhưng chỉ trên 24 người nhiễm dịch, một con số quá ít để kết luận có giá trị.

Gần đây nhất, Raoult công bố một thử nghiệm thứ 2, với 80 bệnh nhân, nhưng với phương pháp không được chuyên gia nào nhìn nhận. Thí dụ không có so sánh kết quả giữa một nhóm dùng chloroquinine và một nhóm không dùng.

Điều mà giới y khoa trách Didier Raoult, là ông không cộng tác , không thảo luận với các đồng nghiệp, nhưng dùng mạng xã hội, youtube để gây áp lực, chuyện chưa từng thấy trong lãnh vực khoa học.

3. Những người đứng giữa, nghĩ rằng dù các thử nghiệm không đúng tiêu chuẩn y khoa, tại sao không dùng, trong khi số người nhiễm dịch và tử vong càng tăng và không có thuốc gì khác

THÍ NGHIỆM TẠI KHẮP ÂU CHÂU

Nhiều thử nghiệm đang được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, theo đúng tiêu chuẩn y khoa tại Pháp cũng như tại khắp Âu Châu.

Người ta hy vọng sẽ biết kết quả trong những tuần tới. Sẽ biết Chloroquine hữu hiệu tới mức độ nào, phài dùng trong trường hợp nào.

Trong khi chờ đợi, tại Pháp, Hội Đồng Y tế Cao cấp (Haut Conseil de la Santé Publique), cơ quan y tế quốc gia có thẩm quyền, quyết định chỉ cho phép dùng chloroquine hay hydroxychloroquine trong khuôn khổ bệnh viện, trong giai đoạn nhiễm dịch nặng, sau quyết định chung của các y sĩ. Và trong một “démarche compassionnelle’’, nghĩa là trong trường hơp không biết làm gì khác.

Các y sĩ nhắc lại: tuyệt đối không được tự ý dùng chloroquine. Bạn tự làm hại mình, và việc tích trữ khiến những người thực sự cần không có thuốc chữa trị.

——
(*) France Inter. Le Grand Entretien. 30/3/2020

Related posts