Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mặc dù vẫn tiếp tục tham vấn “cấp cao”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.
Bộ này đưa ra tuyên bố trong bối cảnh có thông tin cho rằng Seoul và Washington đã tạm thời đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì hoạt động của lực lượng 28.500 quân nhân thuộc quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã có cuộc điện đàm nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng, một nguồn tin nói với Yonhap.
Tổng thống Trump âm tính với virus Vũ Hán lần 2
Politico dẫn tin từ các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump hôm 2/4 có kết quả âm tính với nCov lần 2.
Theo thông báo từ bác sĩ của Nhà Trắng, Tiến sĩ Sean Conley, Tổng thống Trump được xét nghiệm vào sáng 2/4 bằng phương pháp công nghệ mới, nhanh và cho kết quả âm tính sau 15 phút. Ông Conley cho biết thêm, Tổng thống Trump khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nhiễm Covid-19 nào.
Ông Trump cũng xác nhận kết quả thử nghiệm nCov lần 2 tại cuộc họp báo hôm 2/4 ở Nhà Trắng.
“Tôi vừa làm xét nghiệm bằng phương pháp mới… Tôi đi làm ngay. Tôi không chờ, nhưng phải mất đến 14 phút để có kết quả. Và nó cho thấy tôi đã âm tính với Covid-19”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
“Đây là kết quả âm tính lần 2. Tôi làm xét nghiệm này vì tò mò, để xem nó hoạt động nhanh như thế nào. Nó dễ dàng hơn nhiều. Tôi đã làm cả hai và phương pháp thứ hai dễ chịu hơn nhiều”, Tổng thống Trump nói thêm.
Trước đó, ông Trump từng xét nghiệm nCov vào giữa tháng 3 sau khi nhiều quan chức Nhà Trắng tự cách ly và Tổng thống đã tiếp xúc với một số người nhiễm Covid-19.
Thống đốc New York đề nghị sản xuất đồ bảo hộ y tế nội địa thay vì mua từ Trung Quốc
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo đã cung cấp gói ưu đãi đáng kể cho các công ty Mỹ sản xuất đồ bảo hộ để nước này có thể ngừng mua vật tư bảo hộ chống virus Vũ Hán từ Trung Quốc, trang Washington Examiner ngày 2/4 cho hay.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (2/4), ông Cuomo đã công bố tài trợ cho các công ty sẵn sàng thay đổi năng lực sản xuất của họ để sản xuất các trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chống lại Covid-19. Ông gọi đây là “điều trớ trêu cay độc nhất” khi Mỹ bị buộc phải mua hàng hóa từ Trung Quốc.
“Điều trớ trêu cay độc nhất là quốc gia này hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất rất nhiều những sản phẩm loại này. Rất nhiều sản phẩm như vậy trên thị trường bình thường đang được sản xuất tại Trung Quốc. Và hiện hầu như tất mọi người đều mua PPE, áo choàng, máy thở do Trung Quốc sản xuất. Áo choàng, găng tay không phải các món đồ sản xuất phức tạp”, ông Cuomo nói.
Ông nói tiếp: “Nếu bạn là một nhà sản xuất có thể chuyển đổi để làm các sản phẩm này và làm chúng nhanh chóng – mà chúng không phải khó làm. Nếu bạn có khả năng sản xuất các sản phẩm này, chúng tôi sẽ trả giá cao để thu mua, và chúng tôi sẽ trả phí để chuyển đổi cơ sở sản xuất của bạn sang một loại hình có thể phục vụ mục đích này”.
Ông Cuomo lưu ý rằng các doanh nghiệp sẽ có thể chế tạo những vật dụng này mà không gặp quá nhiều khó khăn nếu họ có khả năng cắt vải. Ông tuyên bố sẽ xóa bỏ tất cả các thủ tục quan liêu nào có thể làm chậm quá trình.
“Chúng ta cần ngay bây giờ. Không phải là hai tháng, ba tháng, bốn tháng, mà là ngay bây giờ. Đây là một áp lực. Tôi hiểu điều đó. Nhưng nếu các bạn làm trong ngành may mặc, nếu các bạn có máy móc theo kiểu mẫu. Hiện các bạn không làm quần áo thời trang phải không? Đây là những thành phần tương đối đơn giản. Vậy nên nếu bạn có thể làm điều này, thì đây là một cơ hội kinh doanh, đây là điều tiểu bang cần, đây là điều quốc gia cần. Hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm việc với các bạn”.
Một số công ty đã điều chỉnh việc sản xuất để chế tạo thiết bị y tế, bao gồm mặt nạ bằng bông, mặt nạ N95, kính che mặt, áo bảo hộ và máy thở. Các công ty khác bên ngoài ngành sản xuất cũng đã quyên góp nguồn cung để giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt.
Trong khi Mỹ đang làm những gì có thể, hàng triệu mặt nạ vẫn đang được mua từ các công ty Trung Quốc. Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và đã có bằng chứng từ các quan chức tình báo Mỹ tiết lộ chi tiết việc Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Anh sẽ làm 100 nghìn xét nghiệm nCoV mỗi ngày
Bộ trưởng y tế của Vương quốc Anh, ông Matt Hancock, hứa sẽ tăng gấp 10 lần số lượng xét nghiệm hàng ngày đối với nCoV vào cuối tháng này. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Anh đối mặt với chỉ trích rằng họ không làm đủ các xét nghiệm virus Vũ Hán cho nhân viên y tế và người dân, theo Reuters.
“Tôi hiện đang đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày vào cuối tháng này”, ông Matt nói với các phóng viên ở lần xuất hiện đầu tiên sau thời gian bị cách ly vì nCoV.
Hiện Anh đang làm khoảng 10.000 xét nghiệm virus Vũ Hán mỗi ngày. Tính tới sáng thứ Năm, Anh có 33.718 người nhiễm virus Vũ Hán (tăng 4.244), trong đó có 2.921 người tử vong (tăng 569), 135 bệnh nhân đã phục hồi và 163 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch.
Mỹ tăng cường sản xuất máy thở cho bệnh nhân COVID-19
Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump đã áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để hỗ trợ các công ty sản xuất máy thở cho các bệnh nhân COVID-19, Reuters đưa tin.
Theo một biên bản ghi nhớ do Nhà Trắng phát hành, ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ sử dụng thẩm quyền của mình để giúp tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu sản xuất máy thở cho sáu công ty nhằm có thêm thiết bị hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đang ở tình trạng nguy kịch.
“Mệnh lệnh hôm nay sẽ cứu sống các bệnh nhân bằng việc loại bỏ những trở ngại trong chuỗi cung ứng đe dọa tới tốc độ sản xuất máy thở”, ông Trump nói.
Các quan chức nhà nước và các chuyên gia y tế cho biết Hoa Kỳ sẽ có thể cần tới hàng chục nghìn máy thở dành cho các bệnh nhân COVID-19. Hiện Mỹ đang là vùng dịch viêm phổi Vũ Hán lớn nhất thế giới với 240.421 người nhiễm bệnh (tăng 25.418), và 5.808 bệnh nhân tử vong (tăng 706).
Châu Phi có thể là điểm nóng dịch bệnh vào cuối tháng
Một số quốc gia châu Phi sẽ có hơn 10.000 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán vào cuối tháng Tư, các quan chức y tế hôm thứ Năm đưa ra nhận định, làm dấy lên lo ngại rằng bệnh dịch có thể lây lan mạnh ở châu lục có điều kiện y tế khó khăn, theo AP.
Hiện châu Phi có khoảng trên 6000 ca nhiễm bệnh, đây là khoảng thời gian “bình minh” của dịch bệnh, “rất, rất gần” với điểm xuất phát bùng nổ dịch bệnh ở châu Âu cách nay khoảng 40 ngày, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, Tiến sĩ John Nkengasong, nói với các phóng viên.
Virus Vũ Hán “là mối đe dọa hiện tại đối với châu lục chúng ta”, ông John nói. Hiện đã có 50/54 quốc gia ở châu Phi đã xác nhận các trường hợp dương tính với nCoV, trong đó Malawi là quốc gia mới nhất ở châu lục này thông báo có bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nhiễm virus Vũ Hán
Đài truyền hình quốc gia Iran hôm 2/4 đưa tin, ông Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội Iran, đã dương tính với virus Vũ Hán, trở thành quan chức mới nhất nhiễm Covid-19 tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh này.
Bản tin của đài truyền hình Iran cho biết ông Ali Larijani “đã được xét nghiệm nCov sau khi xuất hiện một số triệu chứng nhất định và kết quả là dương tính, ông hiện đang được cách ly và điều trị”.
Theo AFP, ông Larijani, 62 tuổi, người thân cận với đội ngũ lãnh đạo và Tổng thống Iran, đã tái đắc cử vị trí Chủ tịch Quốc hội vào năm 2016.
Virus Vũ Hán đã tấn công nhiều quan chức hàng đầu của Iran. Hãng thông tấn nhà nước IRNA hôm 31/3 cho biết, ít nhất 23 trong số 290 thành viên của cơ quan lập pháp đã thử nghiệm dương tính với nCov. Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc quốc hội Iran Mojtaba Zolnour, nghị sĩ Mahmoud Sadeghi và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi cũng đều nhiễm virus. Covdi-19 cũng đã khiến ít nhất 12 nhân viên và cựu quan chức chính phủ Iran tử vong.
Tổng thống Iran Hasan Rouhani hôm 2/4 cảnh báo tại một cuộc họp nội các rằng, nước này có thể phải chiến đấu với đại dịch thêm một năm nữa.
“Virus corona không phải là thứ mà chúng ta có thể chỉ ra vào một ngày và nói rằng nó sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn vào lúc đó”, ông Rouhani phát biểu.
Tổng thống Iran cho biết virus “có thể tiếp tục đeo bám chúng ta trong những tháng tới hoặc cho đến cuối năm” theo lịch Iran (3/2021).
Thống kê của Worlometer sáng ngày 3/4 cho biết, Iran hiện ghi nhận 50.468 ca nhiễm, trong đó 3.160 người đã tử vong và là vùng dịch lớn thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Tehran đã cấm tất cả các chuyến đi liên tỉnh, ít nhất đến ngày 8/4 nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan, song vẫn chưa chính thức phong tỏa các thành phố.