Đặng Duy Hưng
Năm nay Giáng Sinh nhằm vào ngày thứ hai nên công ty cho tất cả công nhân nghỉ việc từ trưa thứ sáu. Peter là quản đốc tài chính thâm niên nên khuya thứ năm lo xong tiền lương cuối năm là về nhà tránh bão tuyết.
Trưa nay thứ bẩy, nghe ai bấm chuông ông lấy vội cái áo lạnh choàng vào người bước ra mở cửa. Thằng bé tên Billy khuôn mặt đẹp trai hiền lành nhe răng cười khi thấy ông:
“Happy holidays ông Clark! Đây là hộp pizza đặc biệt của ông tổng cộng giá tiền tất cả là 22 đô la.”
Đưa nó tờ 50 đô la, ông nói”
“Merry Christmas Billy. Tiền pizza 22 đô, cộng thêm 8 đô tiền boa, còn 20 đô là món quà Noel nhỏ cho cháu để dành tiêu.”
Thằng bé nghe mừng quá nói mấy lần cám ơn rồi ra xe đề máy chạy vừa đưa tay vẫy.
Peter mất vợ thấm thoát mà đã gần 10 năm. Người đàn bà đó đã thay đổi ý nghĩ của ông, và có cách nhìn thẳng thắn cởi mở hơn về Công giáo. Nhớ ngày ấy khi ra Boston học tài chính rồi gặp nhau, hỏi ra ông mới biết bà đến từ miền bắc California, nơi dân trí có đầu óc phóng khoáng cởi mở về luyến ái cũng như tôn giáo.
Vào một chiều chủ nhật 2 tuần trước Noel, ông nhớ mãi lần gặp bà đang ôn bài ở thư viện. Nghe ông nói đi nhà thờ buổi sáng bà tâm sự:
“Em chỉ học giáo lý, giữ tâm tư chân thiện giúp đỡ người với niềm tin chúa Jesus vào tim nên không còn đi nhà thờ cầu nguyện như xưa.”
Ông hỏi: “Tại sao không?”
“Đa số nhà thờ hôm nay nặng nề về xây dựng cao to đẹp tốn kém. Theo ý nghĩ của em, chúa Jesus cả cuộc đời tha hương cực khổ đi rao giảng phúc lành. Ngài ở khắp mọi nơi nhất là nơi đầy dẫy sự bất công nghèo khổ. Ngài dạy con người thương yêu lẫn nhau không phân biệt giàu nghèo chủng tộc màu da.”
Bà dừng lại, nhìn thẳng vào mắt ông:
“Cho em hỏi anh một câu hỏi thành thật! Đức chúa trời sẽ chọn người sống tốt với đời vào nước thiên đàng hay kẻ tham lam vào nhà thờ xin thứ lỗi mỗi chủ nhật? Chúa Jesus có vào rao giảng hay chấp nhận cho xây dựng những ngôi nhà thờ tráng lệ không?”
Càng gần gũi ông thương bà tính thành thật thẳng thắn nhân ái giúp đỡ người chung quanh. Lấy nhau sau hai năm làm quen tìm hiểu bà tiếp tục làm ông ngạc nhiên.
Và Noel cách đây 15 năm bà đi công tác xa dẫn về nhà người thanh niên tên Hùng người Mỹ gốc Việt. Hai người trên máy bay cùng về đây nhưng anh ta sẽ dành thời gian ngày lễ để làm xong giấy tờ cho siêu thị bên kia sông có thể mượn tiền nâng cấp công xưởng.
Rồi những ngày tiếp theo không chỉ ông cảm thấy gần gũi Hùng mà đứa con gái rượu cũng để ý thương yêu.
Điện thoại reng ông bốc lên: “Merry Christmas con gái, rể và cháu ngoại.”
Đầu dây bên kia con gái nhẹ nhàng: “Xin lỗi năm nay cả nhà không thể đến nhà thăm ba để trang trí cây Noel đón Christmas cùng nhau.”
Tuy hơi buồn nhưng ông nói giọng thông cảm:
“Không sao mà! Cháu ngoại thứ hai còn nhỏ quá nên đợi năm sau cứng cáp hãy qua. Đừng lo cho ba! Ba đang có pizza và chuẩn bị xem nguyên một mùa phim Banshee trinh sát.”
Con gái vui vẻ: “Ba bảo trọng sức khỏe nhé! Hy vọng sẽ gặp một ngày rất gần.”
Vừa xong cuộc điện thoại chưa kịp sửa soạn ghế dựa để xem phim ông đã nghe tiếng điện thoại reo. Hóa ra mấy lão hàng xóm mời đến tụ tập tại nhà lão Paul xem banh cà na. Chung quanh đây ai cũng có cảm tình với ông bởi bản tính rộng rãi nhân hậu. Từ ngày vợ mất, dù ông hạn chế giao tiếp nhưng tình cảm của họ đối với ông cũng đong đầy.
Nghe họ nài nỉ quá ông đành trùm áo lạnh, đem luôn hộp pizza qua nhà lão Paul.
Hôm nay hai trận banh cà ná diễn ra ác liệt đến nỗi trời về chiều lúc nào cũng không hay.
Ông đứng lên xin phép ra về vừa lên tiếng chúc mọi người: “Joyous Noel”
Không ngờ nhìn quanh ai ai cũng như ông đều mặc áo lạnh đi về chung. Họ cùng nhau đi về hướng nhà ông, nhìn xa xa cũng có khá nhiều người đang đứng chờ trước sân nhà.
Cố gắng nhìn thật rõ khi đến gần, hóa ra là gia đình con gái, rể Hùng và hai cháu ngoại, thêm vào đó là hàng xóm chung quanh cùng xúm vào mỗi người một tay. Họ dùng đoạn thời gian ông đang xem banh cà na trang hoàng cho nhà ông. Phía ngoài nhà là giàn đèn cả trăm cái sáng rực, còn bên cửa sổ là cây Noel với quà cáp để đầy dưới chân. Mười năm qua chưa bao giờ ông cảm động đến đứng sững sờ, nước mắt chảy quanh. Hùng đến ôm ông vào long:
“Tụi con muốn tạo cho ba một cái Noel thật tuyệt vời sau ngày mẹ mất. Hàng xóm láng giềng phụ vào một tay mới hoàn thành.”
Đứa con gái bồng cháu ngoại mới sanh vài tháng được trùm mền kín cho ông nhìn. Nó nhăn miệng cười sao thấy giống vợ ngày còn sống.
Ông nhớ bà hay lập lại câu nói của Cô rinh tô 13: 4-5 (kinh Thánh):
“Tình yêu là sự kiên nhẫn, tình yêu là sự ân cần. Nó không ghen tị, nó không khoe khoang, nó không tự hào. Nó không làm mất lòng người khác, không vụ lợi, không dễ nỗi giận, không ghi chép những điều sai trái.”
Ông ôm con gái, rể và cháu ngoại vào lòng. Chung quanh mọi người vỗ tay như chào đón ngày sanh của chúa hài đồng. Ông có cảm giác bà đang đứng trên cao mỉm cười khi thấy gia đình hạnh phúc bên nhau.
Đặng Duy Hưng