Thu Hằng
Chính phủ Pháp bắt đầu thay đổi quan điểm về tác dụng của khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Không chỉ Pháp mà nhiều nước phương Tây khác từng khẳng định rằng khẩu trang là “vô ích” đối với người khỏe mạnh, chỉ người bệnh và nhân viên y tế mới phải đeo khẩu trang. Quan điểm này đã bị một nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng đánh giá là một “sai lầm lớn”.
Từ khi dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc và châu Á cho đến cuối tháng 03/2020, khi nước Pháp bị phong tỏa hoàn toàn, chính phủ kiên quyết khẳng định đeo khẩu trang ở nơi công cộng là vô ích. Dường như có hai yếu tố ẩn sau những tuyên bố “chắc như đinh đóng cột”: thứ nhất là để trấn an người dân và thứ hai là nước Pháp không có đủ khẩu trang cho tất cả mọi người.
Chính phủ Pháp luôn viện dẫn khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hiện vẫn cho rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Điều này đã dẫn đến tình trạng kỳ thị người đeo khẩu trang tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, trong đó có cộng đồng châu Á vẫn giữ thói quen từ thời dịch SARS 2003.
Tiếp theo, phải kể đến tình trạng khan hiếm khẩu trang. Khi dịch cúm gia cầm H1N1 bùng phát năm 2010, Pháp có một tỉ khẩu trang các loại trong kho dự trữ. Tuy nhiên, bà Roselyne Bachelot, bộ trưởng Y Tế thời đó, đã bị chỉ trích làm quá. Và kể từ đó, kho dự trữ chỉ xuất mà không được nhập thêm và còn lại khoảng 120 triệu khẩu trang vào đầu mùa dịch Covid-19, trong khi cả nước cần đến 40 triệu chiếc mỗi tuần.
Để đối phó với tình trạng khan hiếm, Nhà nước trưng thu tất cả các loại khẩu trang có trên lãnh thổ để phân phát cho những người trên tuyến đầu chống dịch. Phải đến cuối tháng Ba, chính phủ mới thông báo đặt mua thêm 250 triệu khẩu trang, tiếp theo là 2 tỉ chiếc được thông báo vào ngày 04/04. Nhưng các lô hàng có đến được Pháp hay không lại là một chuyện khác, nếu nhìn vào thực tế nhiều nước phỗng tay trên của nhau như hiện nay.
Khẩu trang sẽ hữu ích cho thời hậu phong tỏa ?
Chính
phủ Pháp đang tính đến các biện pháp dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa,
đồng thời vẫn phải kiềm chế đà lây nhiễm trong cộng đồng, từ khả năng
theo dõi dấu vết người nhiễm virus đến đeo khẩu trang đại trà…
Ngày 03/04, Viện Hàn lâm Y học Pháp đã khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Công dụng của khẩu trang được nhà dịch tễ học Pháp Antoine Flahaut khẳng định là “giúp giảm khả năng lây nhiễm virus và như vậy có thể kiểm soát được đại dịch”, trong khi ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng và virus có khả năng bay theo hơi thở khi nói chuyện.
Trả lời họp báo ngày 04/04, bộ trưởng Y Tế cho biết đã đề nghị “hội đồng khoa học, các chuyên gia về virus và các cơ quan dịch tễ đánh giá lại quan điểm (sử dụng khẩu trang)”. Cùng lúc, tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp Jérôme Salomon khuyên mọi người đeo “khẩu trang”, loại may vải thông dụng, không phải loại chuyên dùng cho giới y tế.
Khuyến nghị này được bộ Nội Vụ Pháp trấn an : “Việc mang khẩu trang để phòng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 không phải là hành vi vi phạm pháp luật”. Thực vậy, điều 1 của đạo luật ngày 11/10/2010 quy định “không một ai, tại nơi công cộng, có thể mang trang phục nhằm che mặt” và người vi phạm có thể phạt đến 150 euro.
Trong khi một số bang tại Mỹ, nhiều nước Trung Âu và vùng Lombardia của Ý đang từng bước bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, người dân Pháp có lẽ cũng chuẩn bị làm quen với biện pháp mới này. Đây là một trong những giải pháp mà dường như chính phủ đang tính đến, theo phát biểu của một người thân cận của tổng thống Macron với tuần báo Le Journal du Dimanche (05/04).
Liệu khẩu trang sẽ trở thành vị cứu tinh cho chính phủ sau quãng thời gian phong tỏa khiến mọi hoạt động bị đình trệ và kinh tế bị tác động nặng nề ? Tuy nhiên, chính cách xử lý dịch “thiếu nhất quán” của chính phủ đang khiến công luận bức xúc : Chỉ có 41% người dân Pháp tin vào chính phủ chống dịch hiệu quả, theo kết quả thăm dò ngày 01/04 của Viện Elabe, được Le Monde (06/04) trích dẫn ; 63% người dân Pháp cho rằng chính phủ “che giấu điều gì đó”, theo một nghiên cứu khác được Opinion Way công bố ngày 30/03.
Covid-19: Trung Âu đi đầu trong chủ trương toàn dân đeo khẩu trang
Từ ngày 19/03/2020, toàn bộ cư dân ở Cộng Hòa Séc buộc phải mang khẩu trang hay một khăn choàng che mũi và miệng khi ra đường, hay khi đến một nơi công cộng. Đây là một biện pháp mà nhà dịch tễ học Roaman Prymula, đứng đầu lực lượng chống virus ở đất nước này, đã giải thích trong một cuộc họp báo:
“Chúng ta không mang khẩu trang để tự bảo vệ mình vì mức độ bảo vệ rất thấp, mà là để bảo vệ môi trường sống của chúng ta… Nếu tất cả mọi người đều đeo khẩu trang thì sẽ không có bất kỳ hạt aerosol (bụi chất lỏng li ti) nào được phun ra, và không ai dễ dàng nhiễm bệnh”.
Theo bác sĩ này, khẩu trang cho phép chặn đến 80% các hạt nước li ti, và là một trong những biện pháp then chốt làm chậm lại việc lây nhiễm, tương tự như biện pháp rửa tay.
Trong một video công bố ngày 28/03, bộ trưởng Y Tế Cộng Hòa Séc Adam Vojtech đã hưởng ứng sáng kiến của tập hợp #Masks4All, cổ vũ cho việc tự may khẩu trang: “Tôi khuyên tất cả các đồng nghiệp bộ trưởng và các chính quyền là hãy cho phổ cập việc mang khẩu trang, cho dù đó là khẩu trang may ở nhà. Ngày nay chúng ta thấy đó là quyết định quan trọng nhất mà chúng ta đã đưa ra. Nếu điều đó đã giúp chúng ta thì cũng có thể giúp mọi nơi khác.”
Slovakia: Chính phủ đeo khẩu trang khi tuyên thệ nhậm chức
Tại Slovakia, sau khi gây chú ý ngày 21/03 với việc toàn bộ các thành viên chính phủ đều mang khẩu trang lúc tuyên thệ nhậm chức, chính quyền nước này đã ra quy định là kể từ 25/03, “tất cả những ai không có trang bị bảo hộ trên mặt (khẩu trang, khăn choàng, máy thở v.v…) đều bị cấm ra đường”.
Biện pháp này được xem là “một trong những công cụ quan trọng nhất để chống virus Covid-19 ở Cộng Hòa Slovakia”, dựa trên ý kiến của cơ quan đặc trách y tế Slovakia.
Thế nhưng báo giới nước này không tránh khỏi việc đặt lại vấn đề và đưa ra quan điểm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Theo tạp chí thiên hữu Tyzden: “Chính quyền mới chỉ phản ứng dưới sức ép của dân chúng. Chúng ta có thể nói đây là sức ép từ bên dưới và các chính trị gia, giới truyền thông và phần lớn giới khoa học của chúng ta đã đi theo.”
Slovenia: Nhật, Hàn kềm hãm được dịch bệnh nhờ khẩu trang
Tại Slovenia, việc đeo khẩu trang trở nên bắt buộc kể từ ngày 30/03. Rất năng nổ trên Twitter, thủ tướng Janez Jansa, không ngần ngại chỉ trích quan điểm dè dặt của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và tìm cách hạ uy tín của định chế này.
Ông cũng đã phát tán một thông tin trên Twitter cho thấy một đồ họa về tình hình lây nhiễm ở các quốc gia và kết luận là tại những nước mà người dân đeo khẩu trang, như Nhật Bản hay Hàn Quốc, dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Áo: Bước đầu là siêu thị, bước sau là mọi nơi
Một cách giới hạn hơn, Áo cũng theo gương các láng giềng Slovenia, CH Séc và Slovakia khi bắt buộc phải mang khẩu trang trong các siêu thị kể từ ngày 06/04. Ngay từ ngày 01/04, các dây chuyền siêu thị tại Áo đã bắt đầu phân phát khẩu trang cho khách hàng.
Việc đeo khẩu trang bắt buộc này đã được thủ tướng Sebastian Kurz nêu lên như là điều “xa lạ với văn hóa Áo”, nhưng cho đấy là “một thay đổi lớn” mà chính phủ Áo xem là “một biện pháp cần thiết để giảm đà lây lan của dịch bệnh”.
Theo thủ tướng Áo: “Đây là vấn đề bảo vệ miệng và mũi. Với những khẩu trang này thì có thể bảo đảm là việc truyền nhiễm qua đường không khí là không quá dễ dàng. Tuy khẩu trang không thể thay thế việc giữ khoảng cách, nhưng đó là một biện pháp bổ sung để chống lây nhiễm.”
Chính quyền Áo xem biện pháp đeo khẩu trang, hiện chỉ thực hiện ở các siêu thị, là một giai đoạn thực tập và “mục tiêu sẽ là đeo khẩu trang không chỉ ở siêu thị, mà là ở mọi nơi mà con người tiếp xúc với nhau”.
Bulgaria: Lùi bước trước công luận
Ngoài các nước kể trên, trong thời gian rất ngắn, chính quyền Bulgari cũng bắt buộc dân chúng đeo khẩu trang, nhưng sắc lệnh công bố ngày 30/03 đã bị bộ trưởng Y Tế Kiril Ananiev rút lại ngay vào hôm sau, giải thích rằng biện pháp đã “không có sự đồng thuận tuyệt đối của dân chúng”.
Tuy không còn bắt buộc, nhưng tại Bulgari, việc đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích.