Phạm Đức Đồng Hùng
Nếu người Việt có câu ngạn ngữ “Có tật giật mình” thì người Anh có câu “He who excuses himself, accuses himself” (Biện minh cho mình là tự buộc tội chính mình), cả hai câu này đều có thể áp dụng chính xác cho hành vi của Trung Quốc trong những tuần qua.
Lúc bệnh dịch Covid-19 hoành hành thì cũng là lúc hệ thống chính trị Trung Quốc “cương lên”, nếu bất cứ ai đề cập đến xuất xứ của bệnh dịch qua cách diễn đạt “Chinese virus” hay “Dịch Vũ Hán”. Dẫu rằng bệnh xuất phát từ Trung Quốc, cũng như dịch SARS trước đây, nước này lại hung hăng phản ứng một cách quá mức cần thiết khi bất cứ ai đề cập đến sự thật này, cho rằng đó là cách diễn đạt kỳ thị, thể hiện cách nhìn lệch lạc và đầy thiên kiến về Trung Quốc.
Nhưng cộng đồng thế giới và cả Tổ chức y tế thế giới (WHO) vẫn sử dụng cụm từ “Nhật” trong “Bệnh viêm não Nhật” (Japanese encephalitis) và “Virus viêm não Nhật” (Japanese encephalitis virus: JEV). Tại sao người Nhật, chính phủ Nhật không hề phản ứng, giảy nảy rằng đó là hành vi kỳ thị?
Rõ ràng Trung Quốc là kẻ “có tật giật mình”. Càng hung hăng phản bác và biện hộ bao nhiêu, nước này càng thò cái đuôi của kẻ có tội. Nếu Trung Quốc điềm tỉnh, đàng hoàng, thản nhiên phớt tỉnh trước trò này như là người Nhật, những kẻ chỉ trích họ theo lối này sẽ cụt hứng. Chính vì Trung Quốc càng phản bác hung hăng bao nhiêu, những kẻ chỉ trích Trung Quốc càng được chú ý và do đó càng khoái trá, sự việc càng leo thang nhiều xa hơn.
Nhưng những quan chức trọng yếu của chính quyền Trump cũng chẳng khá khẩm gì. Lẽ ra phải toàn tâm và tận sức ngăn chặn bệnh dịch tại Mỹ, họ đã phung phí thì giờ vào chuyện cãi cọ ngôn từ một không cần thiết, chính trị hóa một vấn đề y tế cộng đồng chỉ cần đến năng lực chuyên môn. Như một nước cộng sản, chính quyền Trung Quốc từ lâu đã khét danh là nói dối không ngượng mồm. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì đã khét danh là kẻ nói nói ẩu, nói bựa, không bao giờ nhận lỗi về mình mà chỉ cách quy trách, đổ lỗi cho người khác không ngượng mồm.
Chính quyền Tập gặp chính quyền Trump, nói theo một ngạn ngữ Việt Nam, đúng là “49 gặp 50”.
“49 gặp 50”
Trong bài “Cách sử dụng từ ‘virus Vũ hán’ của các chính khách khơi mào nên cuộc tranh luận mà các chuyên gia y tế muốn tránh né” (Politicians Use of ‘Wuhan Virus’ Starts a Debate Health Experts Wanted to Avoid) đăng trên tờ The New York Time (103.2020) ký giả Katie Rogers cho biết chính các chính trị gia đảng Cộng Hòa đã bỏ qua một bên khuyến cáo của các chuyên gia khi sử dụng các từ ngữ nói trên để chọc giận Trung Quốc!
Rất nhiều chính trị gia đảng Cộng Hòa Mỹ, kể cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump, nối tiếp nhau sử dụng cụm từ trên để gây nên những tranh cãi không cần thiết.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (Arkansas) thường xuyên sử dụng thuật ngữ này tại Thượng viện nhưng đó chỉ là khẩu ngữ, lời nói gió bay. Dân biểu Kevin McCarthy (California), lãnh tụ của Cộng Hòa tại Hạ viện, là người đầu tiên viết “Chinese coronavirus” trên mạng xã hội Tweeter vào tối 9.3.2020. Cùng ngày, Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa – Arizona), cũng sử dụng danh từ này khi thông báo rằng ông và một số nhân viên đã tiếp xúc với một người dương tính với virus tại Hội nghị Hoạt động Chính trị Bảo thủ (Conservative Political Action Conference: CPAC) ở tiểu bang Maryland vào cuối tháng Hai.
Chính trị gia này chính thức thông báo trên Twitter: “Tôi muốn thông báo rằng tôi cùng 3 nhân viên cấp cao của mình đã chính thức tự cách ly sau khi nói chuyện trong thời gian dài tại CPAC với một người hiện đã nhập viện vì virus Vũ Hán. Văn phòng của tôi sẽ đóng cửa tuần này.”
Chưa nói đến phản ứng của Trung Quốc, chỉ tại Mỹ thôi thì cách dùng từ này đã kéo theo những trận bút chiến trên mạng xã hội, cho rằng đó là cách dùng từ mang tính bài ngoại và kỳ thị. Dân biểu Ted Lieu thuộc đảng Dân Chủ cho rằng rằng cách dùng tên này là một “ví dụ cho sự thiển cận đã mở đường” cho virus lan tràn tại Mỹ.
Ký giả Katie Rogers dẫn lời ông Frank Snowden, Giáo sư sư hồi hưu, chuyên về một lịch sử y học tại Đại học Yale:
“Tôi cho rằng điều đó thật sự mang tính gây hấn và thể hiện toan tính chính trị, và tôi hình dung rằng những kẻ vẫn đang sử dụng cách gọi tên ấy đang sử dụng chúng với một phong cách mang tính phân biệt và kỳ thị chủng tộc, và tôi tin rằng nó chủ yếu gắn liền với những kẻ có đầu óc chính trịnh hữu phái. Điều này càng cho thấy một cách chuẩn xác về sự khôn ngoan của việc đề cập một vấn đề dựa trên suy luận khoa học và chứng cứ”.
Như có thể thấy, đa số những chính trị gia khoái trá với cụm từ “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán” là những chính trị gia đảng Cộng Hòa, những kẻ bỏ phiếu ủng hộ ông Trump trong thủ tục luận tội vào năm ngoái. Thoạt tiên, khi còn nghĩ rằng nước Mỹ – với nền y học hiện đại – là thành trì bất khả xâm phạm thì họ không để ý gì đến con virus kia. Nhưng khi virus ấy càng đe dọa nước Mỹ, tần số sử dụng ngày càng cao hơn. Rõ ràng, mục đích của họ không ngoài việc đổ lỗi và đánh lạc hướng sự chú ý của cử tri!
Đỉnh cao của trò này là bài diễn văn liên bang mà ông Trump đọc tại Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch ốc vào tối 11.3.2020, khi bản thân ông ta, sau một thời gian dài xem thường, cảm thấy thực sự bị đe doạ đến độ ra lệnh phong tỏa toàn bộ các quốc gia khối Liên Âu (EU).
Ông Trump phát biểu về virus mà lòng thì nghĩ về những lá phiếu của cử tri và do đó, thay vì trấn an người dân Mỹ giữa đại dịch, ông đã là họ càng hoang mang thêm với luận điều hù dọa mang tính bài ngoại.
Thông thường, các tổng thống Mỹ chỉ đọc diễn văn liên bang từ phòng Bầu dục trong những khoảnh khắc cực kỳ quan trọng, khi tổng thống bắt buộc phải nắm vai trò tổng tư lệnh tối cao và do đó, trấn an công chúng trước những thời khắc lịch sử. Ông Trump đã đọc bài diễn văn này vào đầu năm ngoái, khi chính phủ đóng cửa một phần vì ngân sách không được thông qua, tuy nhiên điều mà ông Trump nhấn mạnh lại là việc xây lên bức tường biên giới: có làm như vậy thì mới có thể ngăn chặn những di dân cư bất hợp pháp đang xâm lăng nước Mỹ!
Lần này, ông Trump cũng khai thác mối quan tâm của các cử tri khuynh hữu: sự xâm lăng từ nước ngoài. Bài diễn văn về dịch bệnh này cũng tràn ngập luận điệu của chủ nghĩa dân tộc và sự cần thiết phải chống lại “sự xâm lược của nước ngoài” cũng như đổ lỗi cho người khác. Ông Trump đề cập đến sự bùng phát virus “bắt nguồn từ Trung Quốc”, hiện đang lan rộng khắp thế giới rồi nhấn mạnh: “Đây là nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối đầu với virus ngoại lai trong lịch sử hiện đại”.
Rồi ông đổ lỗi cho Âu châu: vì khối Liên Âu “không thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự và hạn chế đi lại từ Trung Quốc và các điểm nóng khác” nên hậu quả là “một số lượng lớn khách du lịch từ châu Âu đến Mỹ gieo rắc mầm bệnh”.
Nghĩa là ông Trump không làm gì sai: đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc, ông ta đã cấm cửa Trung Quốc nhưng Âu châu đã mang dịch sang Mỹ, sau khi bị lây từ Trung Quốc!
Trước một đổi thủ “bựa” như ông Trump, Trung Quốc càng đổ bựa hơn!
Khi nền ngoại giao đổ bựa
Mấy tuần qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ trên vấn đề dịch Covid-19 và chiến dịch này bựa đến đổ sử dụng cả những thuyết âm mưu hoàn toàn vô căn cứ.
Gần nhất, ngày 23.3.2020 Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã công khai lập lại thuyết âm mưu trên trong hàng loạt tin nhắn trên mạng xã hội Twitter khi cho rằng con virus đang tàn phá thế giới thực ra xuất phát từ Mỹ chứ không phải là từ Trung Quốc như mọi người lầm tưởng. Tuy nhiên đây chỉ là những câu hỏi mang tính tung hỏa mù, hoàn toàn không có chứng liệu khoa học nào để chứng minh.
Câu hỏi đầu tiên: “Đã có bao nhiêu ca Covid -19 trong số 20,000 người chết do bệnh cúm đã bắt đầu vào tháng 9 vừa qua (tại Mỹ)?”, kèm theo đó là một giả thuyết: “Phải chăng Mỹ đã cố che giấu sự tồn tại bệnh dịch viêm phổi do con virus corona chủng mới gây ra dưới lớp vỏ bệnh cúm (thường)?”
Câu hỏi thứ hai: “Tại sao trung tâm nghiên cứu lớn nhất của Mỹ về vũ khí hóa học và sinh học, căn cứ Fort Detrick ở tiểu bang Maryland, lại bất ngờ đóng cửa vào tháng 7 năm 2019?”. Câu hỏi này đi kèm theo thông tin: “Sau vụ đóng cửa này thì đã có hàng loạt trường hợp bệnh viêm phổi hay bệnh tương tự xuất hiện ở Mỹ”.
Đây là diễn biến không bất ngờ lắm trong cuộc chiến thông tin giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến đại dịch đang làm cả thế giới khốn khổ. Rõ ràng, Trung Quốc rất muốn xóa bỏ trách nhiệm của mình trong việc để dịch từ Vũ Hán bùng phát ra toàn thế giới và do đó việc đầu tiên là tung hỏa mù.
Ngày 17.2.2020 chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc là Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), trưởng nhóm chuyên gia cấp cao đặc biệt thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã chính thức tung hỏa mù với tuyên bố lập lờ trong một cuộc họp báo rằng: “Dù bệnh Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.”
Khoảng ba tuần sau, ngày 7.3.2020, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, ông Lâm Tùng Thiên (Lin Song Tian) tuyên bố trên mạng xã hội Twitter: “Các nghiên cứu của giới khoa học tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cho thấy nguồn gốc xuất phát của con virus gây bệnh Covid vẫn chưa rõ ràng. Dựa trên kết luận của các nhà khoa học toàn cầu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết chưa chắc chắn về nguồn gốc của con virus này và cần tránh sự kỳ thị. Cho dù dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là con virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, khoan nói đến việc ‘sản xuất’ tại Trung Quốc”.
Ngay sau đó, hàng loạt đại sứ và tòa đại sứ Trung Quốc ở khắp nơi đã đua nhau phát đi thông điệp này từ tài khoản Twitter của họ.
Ngày 11.3.2020, trước khi ông Trump đọc diễn văn Liên bang tại phòng bầu dục vào buổi tối, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã “dọn đường” sẵn khi chỉ trích Trung Quốc phản ứng chậm chạp trong những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, làm thế giới mất đi hai tháng chuẩn bị.
Ngay hôm sau Triệu Lập Kiên (Zhao Li Jian) – phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc – tuyên bố trên mạng xã hội: “Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch Covid-19 đến Vũ Hán”. Họ Triệu đưa ra hàng loạt câu hỏi: “Bệnh nhân số 0 ở Mỹ là ai? Có bao nhiêu người bị nhiễm SARS-CoV-2? Tên của các bệnh viện là gì? Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch Covid -19 đến Vũ Hán?”
Một lần nữa, các tòa đại sứ Trung Quốc khắp nơi trên thế giới từ Âu sang Á, Phi đã thi nhau truyền tải thông điệp này.
Mỹ bèn lên tiếng đáp trả. Ngày 13.3.2020 David Stilwell – Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương – đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải đến Bộ Ngoại giao Mỹ để chính thức phản đối.
Ngày 16.3.2020 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo điện đàm với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ viện phụ trách đối ngoại, tuyên bố: “Đây không phải là lúc để lan truyền thông tin thất thiệt và tin đồn dị hợm, mà là lúc để tất cả quốc gia hợp tác cùng nhau để chiến đấu với mối đe dọa chung”. Nhưng Dương Khiết Trì không ngán, nêu ra tình trạng các nhà lập pháp Mỹ “bôi nhọ Trung Quốc và làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc”. Họ Dương tuyên bố Mỹ sẽ không thành công trong âm mưu làm mất uy tín của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ chống lại bất cứ hành động nào ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Ngay sau cuộc khẩu chiến qua điện thoại này, ngày 17.3.2020 Tòa đại sứ Pháp ở Paris đã dịch ngay thông điệp này ra tiếng Pháp để phổ biến trên mạng xã hội của mình.
Bốn ngày sau Sau đó thì thông điệp ngày 22.3.2020 nói trên.
Như vậy có thể thấy loạt thông điệp tố cáo Mỹ mà bộ máy ngoại giao Trung Quốc thực hiện chỉ là một chuỗi những hành vi có tính toán, từ thấp lên cao. Tuy nhiên việc Trung Quốc nhắm vào Mỹ rất có thể là do chính kiểu chơi của Mỹ.
Đầu tiên, Trung Quốc chỉ tung hỏa mù, gieo rắc hoài nghi “dịch bệnh được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc không có nghĩa là nó xuất phát Trung Quốc.”
Nhưng càng tung hỏa mù, càng gặp lối chơi bựa của những chính trị gia bảo thủ như Trump, nằng nặc rằng virus này là của Trung Quốc, Trung Quốc càng đổ bựa, tiến đến việc trò gắp lửa bỏ tay người: rất có thể virus này xuất phát từ Mỹ, bất kể sự phản bác của tổ chức thẩm quyền là WHO.
Giữa những trận chiến tuyên truyền về nguồn dịch này, ngày 15.3.2020 ông Christian Lindmeier, phát ngôn viên của WHO, khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus gây dịch từ Vũ Hán là xuất phát từ Mỹ!
Nhưng gì thì gì, so ra Tập Cận Bình đã thành công hơn là ông Trump. Trong khi dư luận Mỹ tỏ ra không bằng lòng với cách ông Trump chống dịch thì dư luận Trung Quốc lại hướng sự phẫn nộ vào “đế quốc Mỹ”!
Như đã trình bày vào tuần trước, những “thông điệp” mà các cán bộ ngoại giao Trung Quốc tung hứng trên mạng xã hội chỉ là dư luận đã đồn thổi tại Trung Quốc từ lâu, theo đó thì các thành viên trong đội tuyển Mỹ tham gia Đại Hội Thể Thao Quân Đội Thế Giới tổ chức tại Vũ Hán năm 2019 đã vô tình hay cố ý mang mầm bệnh vào Trung Quốc.
Đây có thể là sản phẩm của đám “Ngũ mao quân”, tức đội dư luận viên ăn lương của nhà nước nhắm là đánh lạc hướng dư luận, lèo lái sự bất mãn của công chúng với sự bất lực của đảng -nhà nước về kẻ thù ở bên ngoài.
Nhưng dư luận này lại được một “ký giả điều tra”tự phong Mỹ tên George Webb tiếp tay.
George Webb, người chủ trương trang mạng “TruthLeaks”, tự phong là “Investigative Journalist”. Ngày 20.3.2020 George Webb tuyên bố ông ta tin rằng nữ thượng sĩ lục quân Maatje Benassi – lực sĩ đua xe đạp thuộc quân đội Mỹ – có thể là “bệnh nhân số 0” của dịch Covid -19 tại Vũ Hán.
Theo thông tin của Bộ quốc phòng Mỹ ngày 25.10.2019, bà Benassi đã tham gia phần thi đua xe đạp cự ly 50 dặm, trong khuôn khổ Đại hội Thể thao quân sự thế giới (Military World Games) tổ chức ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
“Cơ sở” để Webb “tin” như thế chỉ là ở cái họ của bà Benassi: bà trùng họ với bệnh nhân số một ở Hà Lan, và đã lây bệnh từ ông này. Theo “ký giả điều tra” này thì đó là Benny Benassi, hiện đang mắc kẹt tại Ý vì lệnh phong tỏa toàn quốc tại đây, có tải hình của “bệnh nhân” này đang chỉnh nhạc. Trên thực tế thì Beeny Benassi là một DJ (người chỉnh nhạc) nổi tiếng, một công dân Ý chào đời tại Milan, chẳng phải là người Hà Lan. Mặt khá, “ký giả điều tra” này cũng cực kỳ cẩu thả, hoàn toàn sai về đơn vị và binh chủng mà nữ thượng sĩ Maatje Benassi phục vụ.
Thế nhưng “điều tra” cực kỳ vớ vẩn của ký giả vớ vẩn này lại được Trung Quốc vớ lấy như tấm phao cứu sinh với người sắp chết đuối, châm ngòi lên các cuộc tranh luận nảy lửa không chỉ của giới bình dân trên mạng xã hội Trung Quốc mà còn trên các phương tiện truyền thông của giới chuyên gia.
Họ đòi hỏi Mỹ phải xét nghiệm thượng sĩ Benassi và công khai thông tin sức khỏe và tình trạng đoàn đại biểu quân sự Mỹ tới Vũ Hán hồi tháng 10.2019. Ngày 25.3.2020 Hoàn cầu thời báo dẫn lời Lý Hải Đông (Li Haidong) giáo sư ngành Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc, đòi Mỹ phải “công khai thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe cũng như lịch sử lây nhiễm của các thành viên đoàn Mỹ đến Vũ Hán năm ngoái” để “nhằm loại bỏ nghi ngờ trong dư luận và giúp đỡ các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc của virus corona.”
Trung Quốc muốn chơi trò gì?
Trung Quốc lập lờ tạo ra dư luận nghi ngờ rồi đòi Mỹ phải công khai hóa thông tin để “loại bỏ nghi ngờ trong dư luận”? Xem ra, “49” đã gặp “50” và bây giờ đánh đòn cao hơn, trở thành “51”: ông Trump và bộ máy chính trị dưới trướng ông có thể bựa, nhưng trên khía cạnh làm trò bựa thì Trung Cộng mới là bậc thầy.
Tạm thay lời kết
Theo ký giả Katie Roger trong bài báo nên trên thì trò gán tội cho một địa danh hay nhóm người nào đó trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu đã xảy ra trong suốt chiều dài của lịch sử hiện đại và là một hiện tượng mà giới chức y tế công cộng đã cố gắng chống lại trong những năm gần đây.
Ký giả này dẫn lời Giáo sư Monica Schoch-Spana, một nhà nhân chủng học y khoa (medical nthropologist) thuộc Trung Tâm an ninh y tế (Center for Health Security) tại Phân khoa Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg School thuộc đại học Johns Hopkins, nêu ra thí dụ về đại dịch cúm Tây Ban Nha.
Dịch cúm này đã giết chết hàng chục triệu người trong giai đoạn 1918-1919, một số người Mỹ đã đổ lỗi cho và gọi nó là “đoàn quân bệnh dịch Đức”.
Giáo sư Monica Schoch-Spana cho biết nhiều tin đồn và thông tin sai lệch xuất hiện tràn lan vào thời điểm đó, bao gồm cả thuyết âm mưu cho rằng các bác sĩ và y tá thân Đức đang cố tình truyền bệnh cho binh lính tại trại lính Meade ở Maryland, Mỹ.
Cũng theo chuyên gia này thì ngay cả cụm từ “cúm Tây Ban Nha” cũng là một cách hiểu sai: trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết nói rằng các chuyên gia tới nay vẫn không chắc chắn nguồn gốc địa lý của căn bệnh.
Một ví dụ gần đây hơn là dịch SARS bùng phát vào năm 2003 ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á tại Mỹ.
Hay H1N1, hay dịch cúm lợn năm 2009 bắt nguồn từ Mexico và đã dẫn tới những cáo buộc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Mỹ Latinh. Mặc dù bệnh không lây qua lợn, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác vẫn cấm nhập thịt lợn. Ở Ai Cập, các giới chức y tế đã ra lệnh giết hàng trăm nghìn con lợn thuộc về quyền sở hữu của cộng đồng thiểu số theo đạo Thiên Chúa!
Nhân chuyện H1N1 xuất phát từ Mexico cũng nhắc lại một trò bựa của phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: “Cúm H1N1 bùng phát ở Mỹ năm 2009 đã lan ra 214 nước và vùng lãnh thổ, làm thiệt mạng ít nhất 18,449 người chỉ trong năm đó. Tôi không nhớ có ai từng yêu cầu Mỹ xin lỗi”.