Cổ Nhuế
Tên của bài thời sự tuần trước là ‘Úc phải học gương Nam Hàn’. Tuần này, Cổ Nhuế xin viết ngược lại với ý nghĩ ‘Úc đừng theo chưn Ý’, à nghe.
Cho đến nay Ý bị coi là nước có đông người mắc dịch Corona hạng nhì thế giới. Chỉ sau Hoa Kỳ. Đồng thời ai mắc dịch ở Ý thì dễ chầu ông bà ông vải nhất thế giới. Trong ngày thứ Bảy cuối tuần qua, đã 889 người chết ở Ý vì con Corona cắn. Số người chầu ông bà ông vải ở Ý trong nạn đại dịch này đã cao hơn 12 ngàn. Được biết: Ở Ý có hơn 100 ngàn người mắc dịch. Như thế cứ trăm người mắc dịch ở Ý thì có hơn 12 người đi đứt. (Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại: cũng có chừng 15 người khác từ nhà thương thất thểu trở về cõi dương!). Trong khi đó, tại Úc đang có hơn 4 ngàn rưỡi người dính con Corona mà số người lên bàn thờ chỉ ở hàng ‘hăm’. Bên cạnh ‘hăm…’ người lên bàn thờ ở Úc còn có thêm 3 trăm rưỡi người dính con Corona được coi là … ‘sạch sẽ’. Còn nếu nói về số người phải nằm trong phòng cấp cứu ở Úc thì chắc là chỉ ở ‘hàng chục’ mà thôi.
Ở Ý vì quá nhiều mắc dịch — và bị nặng – nên bác sỹ phải đưa ra quyết định chưa từng thấy. Đó là chữa cho người này và đành trao người khác vào tay số mạng. Dầu sao Ý chưa đến nỗi tệ như ở nước kia chuẩn bị giàn thiêu cho ‘người bị nặng nhiễm vi-rút COVID-19 có thể tử vong’ (nghĩa là vẫn cón ngấp ngoái!). Nhưng ở Ý đã có những tiếng kêu thất thanh mà bác sỹ phải làm lơ. Chuyện này đã xảy ra ở Lombardy, phía Bắc nước Ý vào những ngày đầu tháng Ba. Ở đây trong một tuần lễ từ tháng Hai chuyển qua tháng Ba, số người mắc dịch từ 322 dọt lên 2,502, rồi hoả tiễn thành 10,149 vào ngày 11.3. Vậy là quá nhiều người mắc dịch trong một thời gian quá ngắn và họ lại mắc dịch quá nặng.
Lúc đó gần 10% người mắc dịch phải vào phòng cấp cứu. Bệnh viện không đủ giường nằm. Phòng cấp cứu không đủ máy trợ thở (ventilator). Hoạ vô đơn chí cho nước Ý, đúng vào lúc đó nhiều bác sỹ và y tá ở Lombardy cũng …. mắc dịch. Thế là Lombardy … vỡ trận – như lối nói bây giờ ở Việt Nam. Hiển nhiên bác sỹ ở Ý không được phép tự mình quyết định cho người này sống, buộc người kia chết mà phải theo tiêu chuẩn do bộ y tế Ýc đưa ra. Đó là giữ lại những bệnh nhân có nhiều hy vọng lành bệnh. Trong thực tế, cụ già mắc dịch vào lúc đó thì coi như… chờ chết. Ngoài tuổi già, người mắc dịch dù trẻ mà mang trong người chi chít bệnh tật thì cũng …. đành.
Thật ra, trong trận đại dịch này các cụ dễ quy tiên lắm. Vì lẽ này, thủ tướng Úc đã rất lễ phép thưa thẳng với các cụ 7 bó trở lên nên ở nhà cho khoẻ thân. Còn ai chỉ xấp xỉ 6 bố mà mắc bệnh trần kha thì cũng chớ đi lại nhiều trong thời đại nhiễu nhương này.
Lây dịch quá nhanh
Vào giữa tháng Giêng năm nay, Nam Hàn dính con Corona. Hai tuần sau, đến phiên Ý. Ngày cuối cùng của tháng Giêng năm 2020 hai du khách người Trung Hoa đang chu du ở Roma thì dính con Corona. Một tuần sau đó, có người Ý được di tản từ Vũ Hán về bị coi đã dính…
Trong những tuần lễ đầu tiên khi con Corona tung hoành, số người mắc dịch và nhịp độ lan ra của con Corona ở hai nước Ý và Nam Hàn giống nhau. Nhưng hai tuần sau đó thì con Corona coi như tung hoành ở chỗ không người ở Ý. Con số khi Cổ Nhuế viết bài này đã vượt qua 100 ngàn. Dù mắc dịch quá nhiều đến thế, viên chức y tế ở nước này vẫn cho rằng cơn đại dịch này chưa đạt tới đỉnh. Dường như dám thêm trăm ngàn người Ý nữa phải mang con Corona trong mình.
Người chết quá đông
Nói về con số, đã có Ý lúc đứng đầu thế giới về số người chết vì bị con Corona cắn. Khi Cổ Nhuế viết bài này: Ý vẫn đứng đầu thế giới về số người chết vì con Corona . Sau Ý là Tây ban nha, và Pháp. Ổ dịch ở Ý luôn luôn là các tỉnh ở phía Bắc. Đặc biệt vùng Lombardy. Trong số hơn 10 ngàn mất mạng ở Ý, hơn phân nửa là người dân sinh sống ở Lombardy. Hiện nay đang có gần 40 ngàn người ở Lombardy dính con Corona.
Nói về tỷ lệ thì ai dính con Corona ở Ý có thể dễ đi tàu suốt hơn là dính ở các nơi khác. Vào Chủ nhật đầu tuần này, chỉ trong 1 ngày, ở Ý đã có gần ngàn người chào thua con Corona. Đây là con số cao nhất trong một ngày mà chưa nơi nào đã xảy ra.
Khi đại dịch COVID-19 nhem nhúm nhiều bác sỹ, y tá Ý dính và phải cô lập. Cho tới nay số bác sỹ và y tá ở Ý người chết vì Corona đã chiếm 14% nhân viên y tế. Hiện nay, theo Istituto Superiore di Sanità của Ý trong số người mắc dịch ít nhất 8% là nhân viên y tế.
Ở Ý đã có những ngày nhân viên y tế phải tẩn liệm gần ngàn người. Những tấm hình hàng dãy dài những quan tài bóng láng kê đầy nhà thờ đã làm thế giới mất hồn. Ầy là chưa kể tới những đoàn con-voa xe nhà binh bít bình chở đầy xác người làm cho thế giới run bần bật.
Thật vậy, tỷ lệ chết vì con Corona ở Ý hiện nay lên đến mức 10%. Nhưng phải nhân 10% ấy lên gấp đôi khi chỉ tính các cụ. Ai tám bó ở Ý mà dính thì 20% cầm chắc phải đưa vào nhà thờ để ông cha làm phép xác.
Dân chúng không bỏ ‘la dolce vita’
Người ta tưởng chính phủ Ý đã chậm chạp khi đối phó với con Corona. Thưa không. Roma đã ra tay uýnh con Corona thật nhanh. Chỉ vài ngày sau khi người Ý đầu tiên bị ngất ngư vì con Corona, chính phủ đã cấm tiệt các chuyến bay từ Trung Cộng, Macau và Đài Loan đến Ý. Và tiện tay, chính phủ Giuseppe Conte ban hành tình trạng khẩn trương. Nhưng con Corona bay nhanh hơn cả Boeing 777. Ngày 1.3.2020 bên trong cái ổ “Vũ Hán Ý’ (Italian Wuhan) đã có 1,128 người mắc dịch.
Thấy vậy, chính phủ Ý phong toả ổ dịch phía Bắc. Đầu tiên là vùng Lombardy và 14 tỉnh ở phía Bắc. Nhưng chỉ một ngày sau đó, Ý phải đóng sập cửa cả nước. Thế giới hoảng hốt vì nguyên một quốc gia đông hơn 60 triệu dân phải đóng sập cửa. Theo lệnh này, tất cả hàng quán ở Ý phải đóng cửa, ngoại trừ siêu thị và tiệm thuốc tây. Đến cuối tháng Ba, chính phủ Ý tiếp tục siết chặt luật lệ: kiểm soát luôn di chuyển của từng người dân.
Nhưng biện pháp nhanh chóng của chính phủ Ý vẫn không hiệu nghiệm vì một lý do: dân chúng Ý thiếu kỷ luật. Khi chính phủ ra lệnh phong toả vùng Lombardy và các tỉnh phía Bắc, dân chúng ở nơi đây không màng. Ngay đến chính quyền địa phương cũng nhạo cười quyết định do chính phủ trung ương ban ra. Nhiều người Ý lớn tuổi có thói quen sáng sáng ngồi quán cà phê làm những ly Esspresso, Long Black hay Cappucino thơm lừng. Vừa thưởng thức hương thơm cà phê vùa tám chuyện … Họ không bỏ thói đó cho tới khi những chiếc bàn trong quán ngày càng trống lốc! (Hỏi ra: người thì vào nhà thương; người thì vào nhà thờ để ông cha làm phép … xác, rồi!)
Không đá banh, chết sướng hơn!
Không giảm bớt các thú vui của ‘la dolce vita’, người Ý cũng không thể nào sống mà không chạy theo các thứ ‘đam mê’ cố hữu. Ở Ý, không có đá banh thì … thà chết sướng hơn! Nói là làm: ngày 19 tháng Hai vừa qua — dù hàng hàng lớp lớp quan tài chờ sẵn trong nhà thờ thì một phần ba dân chúng tại Bergamo đã chen chúc trong sân vận động để dự khán đội banh nhà (Atalanta B.C.) so chưn với đội Valencia! Dân ghiền đá banh biết rất rõ vào lúc ấy đang có hơn 7 ngàn người tại tỉnh nhà bị dính con Corona. Vậy mà thói mê đá banh không cột chưn được dân Bergamo. Sau trận cầu này, Bergamo lên trang nhất báo chí Ý với tước hiệu mới: nơi có đông người lên bàn thờ vì con Corona nhất nước Ý. Thật vậy, những hình ảnh kinh hoàng như hàng chục quan tài chờ sẵn trong nhà thờ để được làm phép trước khi ra nghĩa địa hay đoàn con-voi chở xác chết vào lò thiêu mà chúng ta thấy chiếu trên truyền hình đều ở tỉnh Bergamo cả.
Ở Ý không những dân ghiền đá banh bị dính mà ngay đến cầu thủ cũng không thoát khỏi. Trong số này có tiền vệ Paulo Dybala của đội banh lừng danh Juventus và thủ quân đội tuyển quốc gia Ý, cầu thủ Paolo Maldini.
Thiếu phương tiện
Lý do khác Ý khiến cho người Ý dính nhiều và nhiều người sang bên kia thế giới là thiếu thốn phương tiện. Khi dịch nhem nhúm, biện pháp ngăn chận đầu tiên có lẽ nhanh chóng tìm ai dính. Tiếc thay Ý không có những bộ đồ nghề (kit) để thử.
Vì không thử nhiều người nên một số người mắc dịch nhẹ vẫn cứ lông bông ở chợ búa và vui đùa với sóng biển gió ngàn. Chính họ gieo rắc con Corona mà không ngờ. Ngược lại, thị trấn Vò (cách Venice 50 cây số) đã tránh được tổ chức đám tang hàng loạt bằng cách thử con Corona. Vò đã thử từng người sinh sống ở đó. Kết quả 3% dân chúng bị dính. Chính quyền địa phương ra lệnh cô lập toàn thị trấn trong 2 tuần lễ. Sau thời gian cô lập, số người dính con Corona ở Vò đã xuống chỉ còn 0.41%.
Cuối cùng, chính phủ Ý phải dùng tới biện pháp mạnh. Đó là đóng sập cửa nước Ý. Khi ra lệnh này, chính phủ vuốt ve dân chúng bằng cách cho biết lệnh đóng sập cửa sẽ kết thúc vào ngày 3 tháng Tư – nghĩa là trong tuần này. Hạn chót ấy đã qua. Chính phủ Ý phải gia hạn thêm 2 tuần lễ nữa. Và còn gia hạn dài dài. Ở Mỹ cũng thế, tổng thống Donald Trump lớn tiếng hứa hẹn nước Mỹ sẽ sầm uất trở lại sau lễ Phục Sinh. Nhưng tình hnh mỗi lúc một đen tối khiến cho ổng phải lùi lại ngày ‘mở cửa’ đến cuối tháng Tư. Mỹ không những phải ‘lùi lại’ ngày mở cửa mà trong tuần này chính ông Donald Trump phải la làng ‘nước Mỹ sắp bước vào hai tuần lễ sóng gió’. Trong hai tuần sắp tới, thế giới có thể thấy cường quốc số 1 phải chịu từ 100 ngàn cho đến 240 ngàn thương vong vì con vi khuẩn đến từ Vũ Hán. Ngược lại, ở Úc chính phủ có ra biện pháp gì thì thường tính toán lâu đến 6 tháng. Một trong nhiều biện pháp ở Úc là tung tiền giúp người làm ăn và dân cày. Có thể nói: dân Úc đang được chính phủ nuôi ăn. Và nuôi trong 6 tháng.
Như Úc và các nước khác, chính phủ Y cũng mở kho bạc giúp dân. Vào tuần qua, thủ tướng Giuseppe Conte rải 4.3 tỷ Euro cho các hội đồng địa phương. Chính các hội đồng địa phương sẽ tuỳ cơ trợ cấp cho dân chúng. Ngoài số tiền đó, chính phủ trung ương ở Roma còn chi ra 400 triệu Euro phân phát cho người dân không đủ tiền mua ‘mì Ý’ ăn qua ngày. Roma phải làm vậy vì quá đói đã có những người ở Ý– nhất là tại những vùng nghèo ở phía Nam — đành xông vào siêu thị cướp thức ăn. Bên cạnh đó, trong thời thổ tả có những tên cướp ngày tự tung tự tác. Con buôn mạnh tay lên giá mặt nạ và thuốc khử trùng. Quân gian giả dạnh cảnh sát hay nhân viên y tế xông vào nhà dân cướp của. Ngay bên trong nhà tù cũng xảy ra hổn loạn. Sau khi chính phủ ra lệnh giới hạn thân nhân thăm tù thì tù nhân ở Ý đã làm loạn. Chín người chết và 76 tù nhân khác vượt ngục …
Ít thử con Corona cho dân chúng
Cảnh buồn này đã không xảy ra ở Úc và ở Nam Hàn. Vào lúc con Corona mới tràn vào Ý và Nam Hàn thì số người mắc dịch và nhịp độ lan tràn của hai nước giống nhau. Hai tuần lễ sau khi người đầu tiên bị mắc dịch ở Nam Hàn, Ý mới biết con Corona là gì. Nhưng Nam Hàn đã thành công ngăn chận con Corona; còn Ý thì không.
Một trong những sai lầm Ý mắc phải là không thử con Corona thật sớm và thật đông người. Cuối cùng chính phủ Ý phải chấp nhận cho thật nhiều người thử con Corona. Nhưng quyết định này chỉ được đưa ra vào này 26.2.2020. Quá muộn! Ngược lại, Nam Hàn đã thử con Corona sớm. Còn số người được thử ở Úc được coi là đông nhất thế giới (tính theo tỷ lệ dân số).
Trên lá cờ Ý có ghi hàng chữ ‘Andrà tutto bene’ (nghĩa là ‘Mọi chuyện đều tốt đẹp’). Khẩu hiệu này cho thấy người Ý rất lạc quan. Nhưng có những lúc người Ý ỷ y thái quá vào tính lạc quan của mình. Thế là tai hoạ lẻn vào cắn nát ‘la dolce vita’ lúc nào không hay.
Ngày xưa, cha ông ta gọi Ý là Ý Đại Lợi. Nay chắc là phải gọi là ‘Ý ỷ y’. Úc đừng theo chưn ‘Ý ỷ y’ nghen.
Cổ Nhuế