Cập nhật tin nước Úc

Bộ trưởng Nghệ thuật NSW bị phạt và từ chức vì vi phạm lệnh cấm dịch

Don Harwin

Ông Don Harwin – Lãnh tụ của Tự Do tại Thượng Viện NSW và là đồng minh thân thiết của Thủ hiến  Gladys Berejiklian – đã phải nộp đơn từ chức Bộ trưởng Nghệ thuật vào chiều thứ Sáu (10.4.2020), sau khi bị Cảnh sát đến nhà trình giấy phạt $1000 vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.

Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian tuyên bố: “Vấn đề không chỉ là thực thi các quy định mà cần phải bảo đảm rằng ngay cả trong suy nghĩ, tất cả mọi người đều phải tuân thủ các quy định, bao gồm cả các thành viên của Quốc hội”.

Sự việc bắt đầu ngày 8.4.2020 khi ông Harwin rời chung cư của mình tại Sydney để đến ngôi nhà nghỉ của mình  bải biển Pearl Beach thuộc vùng Central Coast, do đó đã vi phạm quy định của chính quyền liên bang và cả tiểu bang là cư dân nên ở yên trong nhà, chỉ ra đường trong một số trường hợp được phép và không được đến vùng nông thôn để hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Nhà nghỉ mát của ông Harwin

Câu chuyện sẽ không có gì nghiêm trọng nếu ông Don Harwin là một người dân thường. Tuy vậy, với tư cách là một nhà chính trị, trong lúc mọi nỗ lực đang được dồn vào việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, việc làm của ông Don Harwin đã khiến  dư luận bất bình và do đó, chính nội bộ Tự Do đã thúc giục ông từ chức.

Hôm thứ Năm bà Berejiklian còn bênh vực ông Harwin, cho rằng “về mặt kỹ thuật thì ông Harwin không làm gì sai” và bà không có ý định sa thải ông. Tuy nhiên áp lực của công luận đã khiền bà thay đổi hẳn vào ngày hôm sau. Tin cho hay vào khoảng 4.30 chiều thứ Sáu bà đã có một cuộc “trao đổi khó khăn” với ông Harwim trong đó nhấn mạnh ông phải từ chức nếu không thì bị cách chức.

Ông Harwin từ chức nhưng không nhận lỗi mà cho rằng ông ta từ chức là “vì đại cuộc”. Trong bức thư từ chức, ông Harwin viết: “Tôi tự tin rằng mình vẫn tuân thủ các quy định” nhưng sau đó lại tuyên bố “không có gì quan trọng hơn nỗ lực của chính phủ trong cuộc chiến chống lại Covid-19” vì vậy ông “không cho phép hoàn cảnh của mình làm cho công việc này bị xao lãng”. Ông Don Harwin cũng “rất lấy làm tiếc vì sự sắp xếp nơi cư trú của mình đã trở thành vấn đề trong thời gian này”.

Việc từ chức của ông Don Harwin diễn ra trong bối cảnh chính quyền các cấp đang thắt chặt các quy định giãn cách xã hội, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Phục sinh bắt đầu từ ngày hôm nay do lo ngại người dân chủ quan khi số ca nhiễm bệnh Covid-19 mới đang giảm mạnh. Tính đến tối nay, số ca Covid-19 tại Úc đã lên đến 6188 trường hợp, trong đó 54 người đã thiệt mạng

Vì lo ngại các gia đình nhân dịp này sẽ đi du lịch nên chính quyền liên bang và cả chính quyền các bang đều nhiều lần nhắc nhở mọi người về việc thực thi giãn cách xã hội, trong đó có việc không được đến các khu vực nông thôn, các khu nghỉ dưỡng để tránh làm lây lan Covid-19.

Dịch Covid-19 tại Úc: Thử thuốc trên người và con sốt thuốc diệt chấy

Hôm thứ Năm (9.4.2020) Đại học Queensland cho biết sẽ bắt tay thử nghiệm hiệu quả và tác động của vaccine mới chống coronavirus tại một trung tâm thí nghiệm an toàn sinh học ở Hà Lan.

Đây là loại vaccine đầu tiên sẽ được thử nghiệm trực tiếp trên cơ thể sống của virus gây bệnh Covid-19 và đồng trưởng nhóm nghiên cứu,  Tiến sỹ Keith Chappell cho biết thử nghiệm ban đầu sẽ giúp thiết lập một hệ thống dữ liệu quan trọng trước khi đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người vào cuối năm nay.

Các thử nghiệm lâm sàng sẽ do công ty quốc tế Viroclinics Xplore, nơi chuyên cung cấp các xét nghiệm lâm sàng, thực hiện. Theo ông Chappell, loại vaccine trên có khả năng khóa lớp protein quan trọng nhất của virus SARS-CoV-2, chuyển chúng thành một dạng cho phép hệ thống miễn dịch có thể nhận biết và vô hiệu hóa.

Trước đây, như VL đã thông tin, Đại học Queensland là một trong số các cơ sở nghiên cứu đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc thành công trong việc tái tạo nguyên mẫu virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm và ngay lập tức đã chuyển sang nghiên cứu, bào chế vaccine.

Tiến trình bào chế và thử nghiệm vaccine là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ căn bệnh COVID-19. Ngày 15/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết, nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào quỹ này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó vaccine đầu tiên do Công ty Kỹ thuật Sinh học Moderna có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ) bào chế đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.

Trước đó, ngày 4.4.2020 thì các giới chức y tế đã nghiêm giọng cảnh cáo công chứng khi giới nghiên cứu phát hiện tác dụng diệt coronavirus thần kỳ của thuốc trị chấy rận. Đây là kết quả nghiên cứu chung giữa Đại học Monash và Viện  Doherty Institute  ở  Melbourne Nghiên cứu này đã  được tạp chí Antiviral Research đăng tại, theo đó nhóm nghiên cứu đã cho coronavirus nhiễm vào các tế bào trong phòng thí nghiêm, sau đó đưa thuốc Ivermectin vào và virus chủng mới này đã chết trong vòng 48 giờ.

Giáo sư David Jans, giảng dạy môn sinh hóa và sinh học phân tử tại Monash, cho biết:
“Chúng tôi nhận ra rằng một liều Ivermectin có thể giết chết Covid-19 trong đĩa petri trong vòng 48 giờ, cho thấy hoạt động chống virus SARS-CoV-2 rất mạnh của thuốc này”. Ông ghi nhận sự hiện diện của virus đã giảm 99,8% trong 48 giờ và giảm hoàn toàn trong vòng ba ngày. Thậm chí còn có một mức giảm đáng kể trong vòng 24 giờ.

Ông giải thích thêm: “Cách thức chính mà chúng tôi nghĩ rằng thuốc Ivermectin có tác dụng triệt virus SARS-CoV-2 là nhắm mục tiêu vào một phân tử quan trọng của các tế bào, chúng tôi nghĩ là nó sẽ giúp virus chủng mới này sinh sôi nảy nở. Bằng cách ngăn chặn phân tử này phát triển, virus nhân lên chậm hơn và vì vậy hệ thống miễn dịch của chúng ta có cơ hội tốt hơn để gắn kết phản ứng chống lại nhằm tiêu diệt virus”.

Thuốc này được bán trên thị trường Úc dưới nhãn hiệu Stromectol dưới dạng dầu gội, thuốc viên hoặc kem dưỡng da. Loại dược phẩm này được sản xuất như một loại thuốc thú y vào những năm 1970 nhưng hiện được sử dụng để điều trị chấy rận. Nó cũng có hiệu quả chống lại ký sinh trùng gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như ghẻ.

Một lợi thế của thuốc Ivermectin so với các phương pháp điều trị Covid-19 còn đang nghiên cứu là nó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt là một loại thuốc thiết yếu và được chính quyền Mỹ xác nhận vào năm 1996.

Điều này có nghĩa là việc đưa thuốc ra thị trường sẽ gặp ít trở ngại pháp lý hơn nếu các thử nghiệm trên người chứng minh tính hiệu quả của nó. Ivermectin đã được một số công ty dược phẩm quốc tế sản xuất.

Ông Jans cho biết thuốc Ivermectin an toàn với liều lượng tương đối cao, được phổ biến rộng rãi và tương đối rẻ. Tuy nhiên, tất cả còn nằm trong phòng thí nghiệm, cần thiết phải được thử điều trị Covid-19 trên người để kiểm tra mức độ an toàn.

Lo sợ rằng những thông tin này có thể khiến thiên hạ nháo nháo mua thuốc này về “phòng khi cơ nhỡ”, khiến Giám đốc Y tế Victoria, bà Jenny Mikakos, phải lên tiếng cảnh báo rằng việc lạm dụng thuốc này có thể gây tử vong. Bà nói: “Khng có lý do gì để mua thuốc trị chấy trừ khi bạn sẽ sử dụng nó trên tóc của con bạn”.

Bà Mikakos còn cho hay thuốc trên  còn có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, đau bụng, nôn mửa và buồn nôn. Trong một số ít trường hợp, nó có thể dẫn đến tăng nhịp tim hoặc huyết áp thấp.

Những cảnh báo tương tự đã được đưa ra đối với việc tự dùng thuốc chống sốt rét gây tranh cãi hydroxychloroquine và chloroquine, mà chính quyền Úc, Mỹ đã phê duyệt để điều trị Covid-19.

Một nghiên cứu của Pháp về hydroxychloroquine tìm thấy một số lợi ích nhưng những phát hiện của nó đã bị tranh cãi vì một số dữ liệu bị bỏ qua. Một thử nghiệm khác ở Trung Quốc đã không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào ở bệnh nhân Covid-19 khi dùng chloroquine.

Gần đây, các nhà nghiên cứu Thái Lan đã thử nghiệm thuốc trị bệnh sốt xuất huyết để triệt Covid-19 trong phòng thí nghiệm nhưng nó không cho thấy bất kỳ hiệu quả lâm sàng nào vì virus sốt xuất huyết không cùng loại virus với Covid-19.

Related posts