Ông Lý Cường làm Thủ tướng Trung Quốc, có 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng

Ông Lý Cường làm Thủ tướng Trung Quốc, có 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng
Ông Tập Cận Bình bắt tay với tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng ngày 11/3/2023. (GREG BAKER/POOL/AFP via Getty Images)

Sáng ngày 11/3, ông Lý Cường, người từng là đại thư ký của ông Tập Cận Bình, được bầu làm tân thủ tướng Trung Quốc. Trong cuộc bỏ phiếu, có 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng.

Sáng nay ngày 11/3 theo giờ Bắc Kinh, tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14, ông Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện. Trong số 2947 người bỏ phiếu, có 2936 phiếu thuận, 3 phiếu chống, và 8 phiếu trắng.

Ông Lý Cường hiện 64 tuổi, chưa có kinh nghiệm làm phó thủ tướng, chỉ từng là lãnh đạo cấp tỉnh, thành. Chức vụ đáng chú ý nhất của ông là thư ký của ông Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông Lý Cường cũng được thăng tiến hết mức. Ông liên tiếp giữ các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Chiết Giang, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Khi đang nắm quyền ở Thượng Hải, ông Lý Cường bị thế giới bên ngoài chỉ trích vì buộc thành phố phải đóng cửa gần ba tháng trong trận dịch Covid năm ngoái. Trước khi bị phong thành, người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ về lương thực, thực phẩm, thuốc men… sau đó đã dẫn đến những bi kịch như xuất hiện người chết đói, sản phụ bị sảy thai do không thể đưa đến bệnh viện, v.v. Nền kinh tế của Thượng Hải cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau thảm kịch phong tỏa, ông Lý Cường không những không bị cách chức mà còn được thăng cấp và trở thành một trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương vào năm 2022.

Sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Lý Cường sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tiêu dùng yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thị trường bất động sản đi xuống, thiếu niềm tin kinh doanh, rắc rối nợ của chính quyền địa phương, dân số già và hàng loạt vấn đề khác ở trong nước. Đồng thời, ông cũng sẽ phải đối mặt với mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi và các vấn đề quốc tế khác.

Ông Christopher Beddor, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc công ty chuyên tư vấn về kinh tế Gavekal Dragonomics, cho biết trong một bài báo gần đây đăng trên Bloomberg rằng, về cơ bản, chức vị thủ tướng này có tầm ảnh hưởng như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào ông Tập Cận Bình. “Về ông Lý Cường, rất rõ ràng, chức năng của ông ấy là biến những tham vọng và khuynh hướng của ông Tập thành chương trình nghị sự chính sách”.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Natixis SA, cho biết: “Việc cải cách toàn diện quốc gia là một cách khác để ông Tập Cận Bình đảm bảo rằng ông ấy kiểm soát tất cả các đòn bẩy quyền lực, điều này sẽ tạo ra rất ít khoảng trống cho ông Lý Cường hoạt động độc lập”. Bà cho rằng, mối quan hệ thân thiết giữa ông Lý Cường và ông Tập “chỉ có nghĩa rằng ông ấy (Lý Cường) sẽ nghe lời hơn ông Lý Khắc Cường”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Related posts