Yi-Zheng Lian
Bản dịch của Trần Thế Kiệt
Bệnh dịch do chủng mới của coronavirus bây giờ đã có tên là COVID-19. Bộ di thể của con virus này đã được định hình ngay sau hai tuần phát hiện, nhưng rất lâu sau đó chúng ta đã không biết nên đặt tên cho nó và căn bệnh nó gây ra là gì.
Đã có lúc, ở một vài khu vực, người ta gọi căn bệnh này là “Bệnh Sưng Phổi Vũ Hán” dựa vào tên của cái thành phố nơi bệnh mới xuất hiện. Nhưng sau đó, tuân theo bản hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế quốc tế (WHO) người ta đã chính thức đặt tên nó là COVID-19. Theo tổ chức này, không nên đặt tên cho một căn bệnh mới dựa trên địa danh của một quốc gia để tránh “những hệ lụy tiêu cực vô tình có thể gây ra cho một cộng đồng”
Hệ lụy tiêu cực! Quả là như vậy, ngày 29 tháng Giêng, một tờ báo lá cải (tabloid) ở Úc đã cho in ngay trên trang nhất hình một mẫu khẩu trang đỏ choét đóng con dấu “Chinese Virus Pandamonium” (Hỗn loạn gây ra bởi Chinese Virus). Pandamonium là chữ cố tình viết sai của Pandemonium và Panda là tên của Gấu Trúc, một biểu hiệu của nước Tầu. Một sinh viên Tầu du học ở Úc đã phản biện: “This virus is not Chinese” Con Virus này không phải là người Tầu.
Dĩ nhiên là con virus này không phải là người Tầu, cho dù nguồn gốc của nó được truy ngược về một hang động ở bên Tầu; và căn bệnh nó gây ra cũng vậy, không phải là người Tầu. Con người có vẻ vô tội khi bệnh dịch xẩy ra.
Mặt khác những trận dịch thường có nguyên nhân xã hội và chính trị, ý là có bàn tay của con người nhúng vào; tỷ như hạn hán là thiên tai nhưng nạn đói lại là do tổ chức xã hội gây ra.
Bây giờ Covid-19 đã phát tác và lan tràn khắp nơi. Câu hỏi đặt ra là sự kiện đã bắt đầu như thế nào và vai trò của con người là thế nào để xẩy ra chuyện tồi tệ này.
Bài này sẽ thảo luận hai nhân tố văn hóa của nước Tầu có thể được dùng để giải thích tại sao một sự kiên rất nhỏ và thông thường của sinh vật trong thiên nhiên — chỉ là một con virus nhiễm vào nhưng không gây bệnh cho một động vật có vú mà lại có thể dắt dây đến một cuộc đại khủng hoảng y tế toàn cầu.
Một lần nữa, con virus này không phải là người Tầu, nhưng cả hai nhân tố văn hóa dắt đường cho nó bộc phát lại rất ư là Tầu.
Nhân tố thứ nhất là: Trừng phạt người báo động.
Lối hành xử này đã có từ lâu lắm rồi trong lịch sử chính trị Trung Hoa.
Một bác sĩ trẻ, ngay khi nhận ra được những dấu hiệu đáng sợ của một căn bệnh mới đã chia sẻ với các bạn của mình trên trang mạng riêng của nhóm. Chỉ vài ngày sau anh ta và vài người nữa bị công an Vũ Hán triệu tập để khiển trách và cấm không được nói gì về những điều trông thấy trong bệnh viện. Cái giá phải trả là cái chết của chính anh, gây ra bởi chính căn bệnh mà anh đã bị cấm không được nhắc đến.
Tương tự, trận dich SARS năm 2002 gây ra bởi một coronavirus khác ở miền nam nước Tầu đã bị chính quyền dấu diếm hơn một tháng. Và vị bác sĩ giải phẫu, người đầu tiên lên tiếng báo động đã bị giam trong nhà tù quân đội 45 ngày.
Năm 2008 xẩy ra vụ sữa bột trẻ em bị nhiễm độc do các hãng làm sữa thêm hóa chất melamine vào công thức. Sáu embị chết, 54 ngàn phải nhập viện. Bốn năm sau, không rõ các đại gia sữa đã bị phạt và phải bồi thường thế nào, chỉ biết là người thổi còi báo động vụ này đã bị ám sát chết bằng dao.
Đó là những thí dụ gần đây đều xẩy ra dưới thời cai trị của Cộng Sản, nhưng không phải chỉ có CS mới làm chuyện này. Cái lối trả thù và trừng phạt kẻ nào dám nói toạc sự thật đang bị dấu diếm thực ra đã có từ cả ngàn năm trước, chí ít là từ thời Khổng Tử, thế kỷ thứ sáu trước công nguyên.
Khổng Tử đã rút ra được một minh triết sống trong Kinh Thi, “The classic of poetry” còn có tên là Kinh Nhạc “The book of Songs”, là tuyển tập của những bài thơ và bài hát lưu hành trong dân gian từ thế kỷ thứ 10 trước công nguyên. Đó là Minh Triết Bảo Thân: “Muốn sống đạo, trước hết giữ thân cho lành lặn”. Thoạt nghe rất là ba phải, chỉ cho đến khi biết chuyện của Tử Lộ, tự là Trọng Do, một đệ tử ruột của Khổng Tử, đã bị giết rồi cơ thể bị nghiền nát chỉ vì đã dám chỉ trích hành động bất chính của một bạo chúa (nghe rằng vì cái chết này mà Khổng Tử cả đời không dám ăn thịt xay).
Ở thế kỷ thứ ba, người ta đọc được chân lý này trong một tiểu luận của triết gia Lý Khang:” Cây nào cao hơn rừng sẽ bị cuồng phong quật ngã” (Mộc Tú Y Lâm, Phong Tất Thôi Chi). Và gần đây hơn có câu này tương tự “viên đạn bắn trúng con chim nào thò đầu ra ngoài” (Thương Đả Xuất Đầu Điểu).
Cần ghi nhận, đôi khi cũng có một vài ông vua thành thực (?) muốn nghe ý kiến của đám bề tôi nhưng các chủ đề thường bị giới hạn và thời gian góp ý rất ngắn. Mao Trạch Đông, cuối 1956 đầu 1957, trong chiến dịch “Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Lên Tiếng” đã kêu gọi tự do phát biểu phê bình nhưng chỉ vài tháng sau đó đã xử dụng phong trào “chống bọn cực hữu” để bỏ tù, hành hạ, đầy ải cả trăm ngàn trí thức và gia đình đã dại dột nghe lời xui dại của bạo chúa.
Trừng phạt những kẻ dám nói lên sự thật đã là mẫu mực cai trị của đám vua quan Tầu trong suốt mấy ngàn năm và được coi là một phương pháp hữu hiệu để ổn định xã hội. Đảng CS Tầu đã thừa hưởng và đã tối ưu hóa lối cai trị này. Hậu quả của chính sách này, bịt miệng người biết chuyện, đã khiến cho Covid-19 có đủ thời gian để bộc phát là lan truyên khắp nơi. Tính đến ngày hôm nay 12/04/2020 trên toàn thế giới đã có 113 ngàn tử vong trong số hơn 1,8 triệu bị nhiễm.
Nhân tố văn hóa thứ hai nằm sau đại dịch là cái lối người Tầu tin tưởng vào khả năng mầu nhiệm của một số thực phẩm, đã tạo ra những tập quán nguy hiểm.
Một mảng lớn của triết ly ẩm thực đó có tên là “Tấn Bổ” (jinbu) hiểu đơn giản là “lấp đầy chỗ trống” (to fill the void) được truyền khẩu trong dân gian và có tính thần bí. Đối với đa số thường dân mặc dù không thực hành nhưng cũng bị thuyết phục mạnh mẽ bởi những điều thần bí này.
Chữa bệnh bằng đồ ăn tốt hơn là uống thuốc, lý thuyết Toàn Triệt (Holistic Theory) đã phán quyết như vậy. Sở dĩ con người bị bệnh là do cơ thể bị thiếu máu huyết và sinh lực—máu huyết và sinh lực đây không phải là những thứ được dậy trong sinh-học mà là một trạng thái thần bí của hai thứ này.
Đối với đàn ông, điều quan trọng nhất là sinh lực lúc nào cũng phải dồi dào bởi vì sinh lực là gốc của cường dương và xung mãn tình dục; đối với đàn bà thì máu huyết là quan trọng vì tôn vinh nhan sắc và khả năng sinh sản.
Một số cây cỏ và động vật quý hiếm trong thiên nhiên hoang dã được truyền tụng là có thể thỏa mãn được nhu cầu sinh lực và máu huyết này, nhất là nếu được ăn tươi sống.
Mùa Đông được coi là lúc cơ thể đặc biệt cần nhiều sinh lực và máu huyết hơn so với các mùa khác, do đó lượng động vật hoang dã đã được tiêu thụ nhiều lần hơn. Điều này góp ý giải thích tại sao cả hai trận dịch SARS 2003 và COVID-19 đều xẩy ra vào mùa đông.
Người thường một khi đã tin vào thuyết Jinbu này thì bao giờ cũng tin thêm một thuyết nữa là “Dĩ hình bổ hình” dịch nôm là “ăn hình nào bổ hình đó”. Chữ “hình” ở đây đôi khi được ám chỉ đến hình thể và chức năng của một bộ phận con người. Dựa trên “hình”, có một danh sách dài tên những động vật hoang dã được chọn lựa để làm đồ ăn mà cách làm thịt các con vật này đã quá ghê rợn và tàn nhẫn để kể lại.
Rắn, dương vật của bò và ngựa—tốt cho đàn ông, lý thuyết nói như vậy—được chào mời ở các nhà hàng phương nam. Dơi, đầu mối của hai trận dịch coronavirus, đươc coi là tốt cho mắt; đặc biệt là phân dơi có hinh hạt nhỏ được xưng tụng là “dạ minh cát” cát sáng ban đêm. Túi mật và mật lấy từ gấu nuôi rất tốt để chữa bệnh vàng da; xương cọp là thần dược cho cường dương.
Một món hấp dẫn khác là món chồn hương (palm civet), một động vật nhỏ bốn chân, bị nghi ngờ là đã lây coronavirus cho người. Món chồn hương hầm thịt rắn chữa bệnh mất ngủ. Dân ít tiền thay chồn hương bằng thịt chó. Để sửa soạn cho một món jinbu hoàn hảo, chó bị dồn đuổi chạy quanh cho sinh lực thấm vào thịt da máu huyết rồi mới bị làm thịt.
Cũng lối suy nghĩ đó, món ăn càng có nhiều jinbu nếu con vật bị làm thịt ngay trước khi ăn. Khi mua về con vật phải còn sống, Chợ ướt (wet market) là nơi tập trung những thú hoang còn sống đã làm cho sự lây nhiễm virus từ thú sang người trở nên dễ dàng.
Ăn các thực phẩm làm từ động vật hoang dã từ lâu đã được đánh giá cao và nâng tầm lên mức huyền thoại. Những điều này đã được “Hoàng Đé Nội Kinh”là một công trình y học có từ hơn hai ngàn năm trước đề cập đên, và cho đến nay vẫn được rất nhiều người Hoa có học, có ý thức cao về sức khỏe coi trọng.Niềm tin vào giá trị của các thực phẩm này — đã được thảo luận nhiều trên báo chí vả internet cũng như đã được dạy tai các trường Y – đã thấm nhập vào đời sống để trở thành một nếp văn hóa.
Sẽ rất đúng nếu nói rằng ẩm thực Jinbu đã không được phổ biến khắp mọi nơi trên toàn quốc, cũng như nước Tầu không phải là nước duy nhất có kiểu ăn uống này; rất nhiều dân tộc khác cũng có kiểu ăn uống tương tự. Điều đáng nói về người Tầu là: niềm tin vào giá trị mầu nhiệm của những thực phẩm đặc biệt này đã được chấp nhận và hơn thế nữa được cho là đúng, nó đã ăn sâu bắt rễ vào ý thức tập thể của quảng đại quần chúng.
Những thảo luận trên đây đưa đến một kết luận: chính hai nhân tố văn hóa của người Tầu đã là nguyên nhân của trận dịch COVID-19. Điều này có thể rất khó nghe, và đối với một số người có thể là đã rất là xúc phạm.
Nhưng vẫn phải nói cho rõ là đối với một trận đại dịch khủng khiếp như COVID-19 tất cả các nguyên nhân xa gần đều phải được tra cứu đến nơi đến chốn — nếu không, chúng ta sẽ phải sửa soạn để đối phó với những trận đại dịch kế tiếp.
Yi-Zheng Lian, a commentator on Hong Kong and Asian Affair, is a professor of economics at Yamanashi Gakuin University in Japan and a contributing Opinion writer.
Trần Thế Kiệt dịch.
Los Angeles 14/04/2020