Trong một blog cá nhân được đăng gần đây trên ‘The Quint’, nhà báo Francesca Marino đã thể hiện sự tức giận của người Ý trước sự lừa dối của Trung Quốc liên quan đến virus corona, và yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường ‘thiệt hại chiến tranh’.
Là một nhà báo Ý, chuyên gia về Nam Á, người đã viết cuốn sách ‘Apocalypse Pakistan’ [Tạm dịch: ‘Ngày tận thế Pakistan’], bà Marino cho rằng người dân Ý ‘không thể chịu đựng’ Trung Quốc thêm được nữa.
“Thẳng thắn mà nói, không những Ý với tư cách là một quốc gia, người Ý với tư cách là người dân, bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona, mà tất cả còn phải đối mặt với ‘sự tuyên truyền kinh tởm’ về Trung Quốc”, bà Marino nhận xét.
Bà Marino nêu rõ bà không đồng ý với những tuyên bố của Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio, biệt danh là Giggino, khi ông này đã chia sẻ những bài viết nhiệt tình trên tài khoản Facebook của mình về các bác sĩ và các vật tư y tế Trung Quốc đến Ý.
“Có lẽ, vì ông ấy không biết tiếng Anh, và thậm chí tiếng Ý của ông ta không tốt lắm, ông ta thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, bà Marino giải thích và nhấn mạnh: “Một chiến dịch được phối hợp đã lan rộng, một lần nữa thông qua Facebook, với ‘những người Ý’ (phần lớn là người Trung Quốc trá hình để phá hoại), đã chia sẻ các bài đăng, ca ngợi Trung Quốc và sự giúp đỡ của họ cho Ý”.
‘Chiến lược Trung Quốc’ là gì?
Theo bà Marino, chiến lược của Trung Quốc càng trở nên rõ ràng một vài ngày sau đó. Ông Triệu Lập Kiên, từng là Đại sứ Trung Quốc ở Pakistan trong nhiều năm, phụ trách tuyên truyền cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc Pakistan (CPEC), đã đăng một video clip lên trang mạng Twitter, viết rằng: “Tại Rome, quốc ca Trung Quốc đã vang lên và một số người Ý đã hô vang ‘Cảm ơn, Trung Quốc’ trên ban công của mình, hàng xóm của họ vỗ tay theo. Chống lại Covid-19, nhân loại sống trong một cộng đồng có tương lai chung! Ý là một quốc gia anh hùng. Tại thời điểm khó khăn này, người Trung Quốc sát cánh cùng với Ý”.
Bà Marino khẳng định “âm thanh trong video clip này rõ ràng là giả, và thậm chí không phải là tốt. Bên cạnh đó, ngay cả một người Ý [bình thường] cũng không chắc biết đến quốc ca Trung Quốc. Vụ lừa đảo đã bị chỉ trích trên twitter, tuy nhiên chiến dịch tuyên truyền vẫn tiếp tục”.
Dân Ý tức giận
Theo bà Marino, do chiến lược nhằm giành được ‘sự biết ơn’ của người dân Ý không tạo được tiếng vang, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một loại các chiến dịch khác.
Thực tế là một vài ngày sau, Thời báo Toàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận khét tiếng diều hâu của chính quyền Bắc Kinh, đã đăng trên Twitter nội dung rằng: “Theo các báo cáo, Ý có thể đã bị dịch viêm phổi không rõ nguyên nhân vào đầu tháng 11 và tháng 12/2019, với các triệu chứng nghi ngờ cao của Covid-19”.
Cho rằng đây hoàn toàn là những lời bịa đặt, bà Marino chất vấn và nêu rõ: “Các báo cáo nào? Từ đâu ra? Ai viết? viết bởi ‘các chuyên gia’, bao gồm nhiều người Ý ‘được trả tiền’ bởi Bắc Kinh? Và nếu đúng, có phải chúng ta đang nói về những vụ việc được lan truyền bởi hàng ngàn khách du lịch Trung Quốc đến Ý mỗi lần trong năm, vì Bắc Kinh trong những tháng đó đã im lặng về virus đã ảnh hưởng đến Vũ Hán?”.
Thêm vào đó, bà Marino cho hay một số bài báo trên các phương tiện truyền thông quốc tế bắt đầu phụ họa cho chính quyền Bắc Kinh, khi viết: “Người Ý rất biết ơn người Trung Quốc. Ở Ý, Trung Quốc không còn được coi là quốc gia mà virus bắt nguồn từ đó nữa”.
“Như tôi đã nói, không thể chịu đựng thêm được nữa. Người Ý không phải là những kẻ ngu ngốc dễ hài lòng, như các phóng viên quốc tế thích mô tả”, bà Marino chỉ trích, và nêu rõ: “Sự thật là, chúng tôi đang tức giận. Và chúng tôi tức giận vì sự im lặng vô đạo đức của Trung Quốc về nó”.
Theo bà Marino, rất nhiều người Ý tức giận vì thực tế là các bác sĩ và nhà báo Trung Quốc đã phải vào tù khi họ cố gắng cảnh báo cho phần còn lại của thế giới.
“Chúng tôi tức giận vì mọi người đang chết như ruồi, vì bệnh viện của chúng tôi đã chật kín và các bác sĩ, y tá không thể đối mặt với tình trạng cấp cứu được nữa. Chúng tôi tức giận vì chúng tôi bị phong tỏa, và trong khi chúng tôi cố gắng đối phó với nó, chúng tôi cũng phải chịu đựng ông Triệu Lập Kiên và những người thuộc loại như ông ấy, xúc phạm chúng tôi với quốc ca Trung Quốc, và những lời nói xấu xa của họ”, bà Marino lên án mạnh mẽ.
Chiến lược của Trung Quốc khiến thế giới phải ‘phụ thuộc’ vào họ
Bà Marino cho hay bà cảm thấy bực tức khi các đồng nghiệp nói với bà rằng Milan đã trở nên giống [thành phố] Gwadar [ở Pakistan], với những lá cờ Trung Quốc phất phới tại các bệnh viện, cùng với những người Ý.
“Một cái gì đó tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ nhìn thấy trong cuộc sống của tôi. Và điều tồi tệ nhất là, nhiều người giả vờ không nhận ra và không hiểu. Nhiều người giả vờ không nhận ra rằng [virus] đến từ một nơi rất xa, và là một phần của một chiến lược rõ ràng đằng sau các động thái của Bắc Kinh”, bà Marino chia sẻ.
Theo bà Marino, “rõ ràng, đó là cùng một chiến lược, đằng sau Sáng kiến Vành Đai và Con đường (BRI) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc Pakistan (CPEC). [Trung Quốc] tạo ra nhu cầu, sau đó kiếm tiền với việc đáp ứng nhu cầu, và khiến các quốc gia và mọi người phụ thuộc vào họ”.
Bà Marino lưu ý “hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus corona hiện phụ thuộc vào nguồn cung cấp [thiết bị và vật tư y tế] do Trung Quốc sản xuất, và Bắc Kinh đang cố gắng mua ‘sự im lặng’ của thế giới bằng tiền, quà tặng, và cố gắng đổ lỗi cho các quốc gia khác về đại dịch. Chiến lược này bao gồm việc mua chuộc các chính trị gia, các nhà ngoại giao, các học giả, nhà báo, thuê những kẻ giả danh, để truyền bá tin tức giả hoặc tin tức có vẻ thích hợp”.
Cuối cùng, cho rằng thế giới “không được để Trung Quốc hưởng lợi từ virus Vũ Hán” và “virus này đã lan truyền trên phần còn lại của thế giới bởi những thất bại cố hữu của chế độ Bắc Kinh: thiếu minh bạch, thiếu dân chủ, chiến lược kinh tế hung hăng, toan tính đế quốc”, bà Marino kêu gọi: “Chúng ta cần buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại, đền bù kinh tế và tinh thần. Chúng ta cần yêu cầu [Bắc Kinh đền bù] thiệt hại chiến tranh, bởi vì nó là cái gì khác nếu không phải là một cuộc chiến?”.
Theo The Quint Duy Nghĩa dịch và biên tập