Cái tên đẹp và dễ thương ‘Hồng Yến’ không những là chim én mang ‘la vie en rose’ tươi đẹp cho văn nghệ Melbourne, cho đời và cho người, mà còn là người bạn quý không thể thiếu được, nhất là vào những khi ngày dài bao quanh bởi hoang vắng và lạnh lùng. Đó cũng là cơ duyên chúng tôi được gặp ca sĩ và người bạn dễ thương Hồng Yến (HY).
Chắc bạn mỉm cười nhẹ hỏi: “Cơ duyên gì vậy?” Thật ra buổi tối mà chúng tôi gặp Yến và Hùng hơi tình cờ, một phần cũng vì chung tâm trạng buồn viễn xứ.
Bài thơ tình tôi viết giữa đêm đông
Vào khoảng trống đầy mông lung lạnh giá
Câu yêu thương lạc trên miền đất lạ
Chẳng đến được người đã quá xa xôi? (Unknown)
Mùa đông là thời điểm của chia ly. Nhưng cũng nhờ mùa đông mà chúng tôi được gặp Hồng Yến. Vào một tối thứ Bảy, chúng tôi được mời dự một đêm ca nhạc tại nhà một người bạn; cái lạnh da diết của Melbourne làm người ta chỉ muốn ngồi nhà, chuyện trò vu vơ trước ánh lửa hồng. Nhưng vì đam mê âm nhạc và còn ‘ham dzui’, nên dù có tuyết bùn lầy, và thân thể ‘hao gầy’ như ‘xương bọc da’ (hehe), chúng tôi cũng phải đi cho được.
Vừa bước chân vào nhà, trái tim mùa đông được hòa nhịp với giọng hát ngọt ngào đầm ấm của Hồng Yến, làm tan đi hơi lạnh của mùa tuyết rơi, vừa dịu dàng vừa tha thiết, nhẹ nhàng sưởi ấm lữ khách đêm đông không nhà. Trước mắt tôi, là Hồng yến, đang bắt đầu cất nhẹ giọng ca ngọt ngào, hòa quyện với nét duyên dáng ‘Gia Long’ ngày nào. Giọng hát HY chào đón chúng tôi vào không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ: “Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương.”
Ấn tượng đầu tiên về Hồng Yến mà chúng tôi nhớ mãi là nét mặt tươi vui và rất thân thiện. Với HY, không cần phải đắn đo, dè dặt, cẩn thận qua lời nói, cử chỉ trong giây phút giao tế lúc ban đầu. HY là người ‘nghĩ sao nói vậy’, nên rất dễ cho bạn bè thông cảm và cư xử. Cứ mỗi lần nghe HY kể chuyện tếu, thì bạn bè tha hồ mà ‘cười ơi là cười.’
Hồng Yến, như nhiều cô bạn học trò Gia Long khác mà chúng tôi đã ấn tượng: rất duyên dáng nhưng bản lĩnh, rất cởi mở nhưng chững chạc, biết mơ mộng trong yêu đương nhưng không để cho con tim mù lòa. Chuyện trò với HY, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ thật lãng mạn và dễ thương về tình học trò của người yêu Gia Long:
Thôi ngây thơ ơi giã từ mi ở lại
Từ ngữ nào anh đã dạy em yêu.
Hồng Yến không những ca hay mà còn diễn rất tuyệt vời trong các hoạt cảnh. Khán giả thích nhất là hoạt cảnh Tuổi Ngọc mà HY diễn chung với bạn đời Gia Hùng trong show Dạ Lai Hương 3. Hai người rất dí dỏm, năng động làm sống lại ‘một thời áo trắng’ của tuổi học trò. Khán giả vừa xem, vừa khoái chí vỗ tay nhiệt liệt vì cô bé Gia Long Hồng Yến và chàng thư sinh Gia Hùng làm khán giả nhớ lại một thời yêu dấu xa xưa.
Với sự cộng tác rất nhiệt tình của các bạn nghệ sĩ Melbourne, với đam mê nghệ thuật và đầu óc sáng tạo, Hồng Yến và các bạn đã cống hiến cho Melbourne nhiều màn trình diễn ca nhạc rất đặc sắc, nhất là chương trình ca nhạc sống động Dạ Lai Hương 1,2 và 3 đã ghi ấn tượng muôn thuở.
Sau khi rời ghế nhà trường Gia Long trong tâm trạng ‘chưa bao giờ buồn thế’, Hồng Yến bước chân vào Văn Khoa Saigon mang theo những tinh hoa của thời hoa mộng và chững chạc trong hướng đi mới, theo con đường mà nhiều ca sĩ nổi tiếng bấy giờ như Thanh Lan, Hoàng Oanh, Từ Dung, Đức Huy đã làm Văn Khoa vang bóng một thời. HY tốt nghiệp cử nhân Anh Văn năm 1983.
Vào 1986 thì Hồng Yến tìm được một chân trời mới: Beautiful romantic Melbourne, và bước qua một hướng đi mới dưới mái trường đại học Monash (former CIT, Caulfield): Banking và Finance. Tuy vậy tâm Hồng Hồng Yến vẫn luôn luôn mơ về đường xưa lối cũ của Saigon, với tà áo dài Gia Long tha thướt, nụ cười văn khoa hiền hòa, và khúc nhạc ban chiều thoáng buồn… nơi đó đã chôn vùi nhiều hoài niệm nhẹ nhàng say đắm của ‘một thời ta đã yêu’.