Tại một nhà máy chế biến jambon ở Guijuelo, Tây Ban Nha, ngày 14/04/2020. Kể từ 13/04, hàng ngàn người đã trở lại làm việc trên toàn quốc. REUTERS – JUAN MEDINA
Thanh Phương
Trong tuần này, một số nước châu Âu bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh dịch Covid-19 có vẻ như đang tiến triển chậm lại, nhưng việc dỡ bỏ không hề đơn giản chút nào.
Đầu tiên là tại Tây Ban Nha, sau 15 ngày gần như ngưng hoàn toàn các hoạt động kinh tế, hàng ngàn người đã trở lại làm việc hôm thứ hai 13/04/2020 trên toàn quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như xây dựng và công nghiệp. Nhưng còn nhiều điều gây tranh cãi tại nước này. Từ Madrid, thông tín viên François Musseau gởi về bài tường trình ngày 14/02 :
« Ở đâu, khi nào và bằng cách nào ? Đó là ba câu hỏi mà chủ tịch vùng Madrid Isabel Diaz Ayuso đã đặt ra với thủ tướng Xã Hội Pedro Sanchez về vấn đề khẩu trang bảo hộ.
Vào lúc mà hàng ngàn người đang trở lại làm việc sau 15 ngày tạm ngưng, đây là vấn đề mà ai cũng nói đến, ở Madrid cũng như ở những nơi khác tại Tây Ban Nha. Chính phủ trung ương đã hứa sẽ phân phát 10 triệu khẩu trang. Số khẩu trang này đã bắt đầu được phát tại các trạm giao thông công cộng, nhất là trạm metro, xe bus, xe lửa ngoại ô.
Ít ra là tại Madrid, các nhân viên đặc biệt đang trao khẩu trang cho những người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng, và việc phân phát diễn ra với nhịp độ đều đặn.
Nhưng trong một quốc gia mà vào đầu cuộc khủng hoảng y tế đã thiếu rất nhiều thiết bị bảo hộ, biện pháp này vẫn gây nhiều sự e dè. Một số người than phiền là không nhận được khẩu trang, số khác thì bảo là chẳng ai dạy cho họ cách sử dụng khẩu trang. Chưa kể là nhiều công nhân trong ngành công nghiệp vẫn còn sợ bị lây nhiễm virus, vì thấy rằng không thể nào giữ được khoảng cách an toàn trong môi trường làm việc của họ. »
Các nhà hát Vienna vẫn im tiếng
Tại nước Áo, mặc dù lệnh phong tỏa đã bắt đầu được dỡ bỏ từ thứ ba, 14/04, các nhà hát vẫn chưa được hoạt động trở lại. Giới âm nhạc ở nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng virus corona, đặc biệt là ở thủ đô Vienna, kể từ khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được ban hành từ giữa tháng 3. Từ Vienna, thông tín viên Isaure Hiace tường trình :
« Từ một tháng nay, thành phố Vienna hoàn toàn im lặng : các rạp biểu diễn đóng cửa, các buổi hòa nhạc và các buổi trình diễn bị hủy. Khủng hoảng virus corona tác động rất nặng nề lên các nhà hát của nước Áo, như trường hợp của nhà hát Opera quốc gia Vienna rất nổi tiếng, mà ông Dominique Meyer là giám đốc. Ông cho biết :
« Thu nhập mỗi đêm của chúng tôi là 161 ngàn euro, thế mà khoảng 115 buổi trình diễn đã bị hủy trong mùa vừa qua, mất rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng tôi còn nguồn tài chính dự trữ từ thu nhập của đầu mùa và của mùa trước. Tôi không nghĩ là tình hình của nhà hát Opera Vienna đang nguy ngập, mà chúng tôi chỉ trải qua một giai đoạn rất khó khăn. »
Mặc dù lệnh phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ tại Áo kể từ thứ ba, 14/04, hiện giờ chính phủ chưa thông báo ngày tái khởi động các hoạt động văn hóa và quyền tự do đi lại vẫn còn rất hạn chế, một vấn đề lớn đối với ngành này. Giám đốc nhà hát Meyer dự báo :
« Chắc chắn là số khách quốc tế sẽ sụt giảm. Họ vẫn chiếm 30% số khán giả ở Vienna và chiếm một phần quan trọng trong doanh thu của các nhà hát »
Năm 2020 lẽ ra là một năm đầy hứa hẹn đối với Vienna, vì theo dự kiến thủ đô Áo sẽ rầm rộ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Beethoven. »
Nước Đức, vốn đã bước vào suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, sẽ cho mở lại các cửa hàng và kể từ ngày 04/05, các trường đến cấp trung học cũng sẽ được mở lại, theo thông báo của thủ tướng Angela Merkel ngày 15/04. Nhưng thủ tướng Merkel cảnh báo ngay là chiến thắng tạm thời của Đức trước virus corona còn rất « mỏng manh », cho nên bà quyết định tiếp tục vẫn cấm các cuộc tập hợp đông người, cũng như các cuộc tranh tài thể thao và các buổi trình diễn ca nhạc.
Tại Ý, lệnh phong tỏa hiện giờ được duy trì cho đến ngày 03/05. Nếu đến Venise trong tuần này ta sẽ thấy các hoạt động tại đây đang khởi động lại một cách dè dặt. Các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm hay cửa hàng bán quần áo tre em được phép mở cửa trở lại kể từ ngày 14/04, nhưng chỉ hai ngày trong tuần. Người dân thành phố cũng đã bắt đầu ra khỏi nhà, nhưng ai cũng thận trọng đeo khẩu trang.
Chủ tịch vùng Veneto, tức là vùng bao gồm thành phố Venise, đã ra lệnh tăng gấp đôi khoảng cách giữa hai người, tức là phải đứng cách xa nhau 2 mét, thay vì 1 mét.
Pháp cho mở lại các trường kể từ 11/05
Còn nước Pháp thì hiện vẫn sống dưới lệnh phong tỏa cho đến ngày 11/05, theo thông báo của tổng thống Emmanuel Macron ngày 13/04. Kể từ ngày 11/05, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ dần dần nhưng hãy còn lâu dân Pháp mới trở lại được cuộc sống bình thường. Trước mắt, các quán bar, các nhà hàng và các rạp chiếu phim vẫn tiếp tục đóng cửa cho đến khi có lệnh mới. Chủ tịch Hội đồng Khoa học của chính phủ, giáo sư Jean-François Delfraissy đã báo trước là sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, gần 18 triệu người có nguy cơ cao sẽ phải tiếp tục ở trong nhà.
Quyết định của tổng thống Macron kể từ ngày 11/05 cho mở cửa trở lại dần dần các trường từ mẫu giáo đến trung học đã gây rất nhiều tranh cãi và lo ngại. Có nhiều câu hỏi mà giới giáo viên và các phụ huynh đang chờ chính phủ giải đáp. Nếu mở lại dần dần các trường, vậy thì những thành phần học sinh nào, học sinh ở vùng nào sẽ được nhập học trước ? Chắc chắn là lớp học sẽ đầy đủ học sinh như trước, nhưng như vậy là chia thành từng nhóm nhỏ, thay phiên nhau vào lớp ? Học sinh và giáo viên có phải đeo khẩu trang không ? Có cần phải xét nghiệm các thầy cô không ? Bố mẹ có quyền từ chối cho con đến trường hay không ?
Một điều chắc chắn là năm nay, lần đầu tiên tại Pháp sẽ không có thi tú tài, mà bằng tú tài sẽ được cấp dựa theo điểm các bài kiểm tra trong ba học kỳ của năm cuối bậc trung học, tức lớp 12.
Anh Quốc : Báo động trong các viện dưỡng lão
Tại một số nước châu Âu, dịch Covid-19 đang hoành hành trong các viện dưỡng lão. Từ nhiều ngày qua, Pháp đã đưa các ca tử vong trong các viện dưỡng lão vào số liệu thống kê công bố mỗi ngày. Tại Anh Quốc, các giám đốc viện dưỡng lão báo động là tình hình dịch Covid-19 trong các viện này rất nghiêm trọng và họ chỉ trích chính phủ vẫn không đưa vào thống kê chính thức các số liệu về những người lớn tuổi chết mỗi ngày do virus corona. Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix gởi về bài tường trình :
« Những người già bị bỏ rơi giống như những cừu non trong lò sát sinh. Câu nói gây sốc này là của bà nam tước thuộc phe bảo thủ Ros Altmann, cựu bộ trưởng bộ Hưu Trí. Cùng với nhiều lãnh đạo trong ngành này, bà đã lên án sự im lặng của chính phủ Anh về tầm mức kinh khủng của dịch Covid-19 trong các viện dưỡng lão và các nhà tế bần. Cho tới nay dịch bệnh đã khiến gần 13.000 người chết ở Anh Quốc, nhưng các số liệu thống kê của chính phủ không tính đến số người chết trong các viện dưỡng lão và những người chết ở nhà. Cho nên người ta sợ rằng tổng số ca tử vong trên thực tế cao hơn rất nhiều.
Hiện có khoảng 400.000 người già sống trong khoảng 11.000 viện dưỡng lão tại Anh Quốc. Dịch Covid-19 đã lây lan đến hơn 2000 viện dưỡng lão. Nhiều hiệp hội đã yêu cầu là các số liệu thống kê phải tính đến những người chết trong các viện này. Họ kêu gọi chính phủ trợ giúp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh, bởi vì viện dưỡng lão nào cũng thiếu các thiết bị bảo hộ y tế và những người sống trong các viện này không được ưu tiên xét nghiệm.
Đáp lại những lời chỉ trích đó, chính phủ Luân Đôn khẳng định không hề bỏ quên những người già và những người chăm sóc họ, đồng thời hứa hẹn sẽ cải thiện tình hình, nhưng không nói rõ sẽ thi hành những biện pháp, vào lúc mà theo dự báo, dịch Covid-19 tại Anh Quốc sẽ lên đến đỉnh trong những ngày tới. »