Hôn nhân thời đại dịch

Cuộc sống hôn nhân có thể nói hầu như lúc nào cũng phải đối diện với những thử thách do những tác động từ bên ngoài đưa tới, đặc biệt là vào những thời kỳ khủng hoảng như thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch – thì thử thách lại càng to lớn hơn mà nếu không vững lòng thì nhiều cuộc hôn nhân có thể không vượt qua được để tồn tại. Và trận đại dịch Covid-19 lần này cũng không ngoại lệ, nó có thể là một cuộc thử thách quan trọng cho các cặp vợ chồng về sức chịu đựng lẫn nhau trong hoàn cảnh đầy khó khăn và phức tạp không biết còn kéo dài tới bao lâu nữa.

Năm 2002, tạp chí Journal of Family Psychology cho đăng một bài viết về cuộc cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng do ảnh hưởng từ hậu quả của cơn bão Hugo xảy ra năm 1989 và so sánh sự khác biệt giữa các cặp sống trong các quận hạt tại tiểu bang South Carolina bị tàn phá bởi cơn bão và các cặp không sống trong khu vực đó.

Với kết quả là các cặp vợ chồng sống trong khu vực bị tàn phá ly dị nhiều hơn trong năm sau đó. Tuy nhiên, cần nói thêm ở đây là cũng có thêm nhiều cặp uyên ương đi tới hôn nhân và số trẻ sơ sinh cũng tăng cao hơn. Điều này cho thấy cơn bão đã thật sự gây ảnh hưởng rất lớn lên cuộc sống tình cảm của người dân sống trong khu vực.

Nay chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng với mức độ lớn hơn nhiều so với cơn bão Hugo. Trận đại dịch Covid-19 buộc tất cả mọi người phải cùng trực diện với không chỉ những căng thẳng thông thường do thảm họa gây ra, như khó khăn về tài chính cũng như sự đảo lộn trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống, mà còn lúc nào cũng canh cánh bên mình với một cảm giác bất ổn và lo lắng. Để có thể sống và vượt qua được cơn khủng hoảng cũng có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận chịu đựng những điều bất ngờ nhất có thể xảy ra và có khả năng đưa tới không ít những phiền muộn – đặc biệt là trong những ngày còn quá sớm này, khi mà tất cả chúng ta vẫn còn đang chờ đợi xem sẽ còn bao nhiêu trường hợp nhiễm bệnh mới xuất hiện, thêm bao nhiêu người chết, các bệnh viện sẽ trở nên quá tải và sự tàn phá kinh tế sẽ tồi tệ đến mức nào. Nỗi lo âu về những điều bất cập này sớm muộn gì rồi cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống – trong đó có cuộc sống hôn nhân.

Theo một bản tin từ Trung Quốc, tại thành phố Tây An thuộc tỉnh Xiểm Tây, vào đầu Tháng Tư vừa qua, khi chính quyền bắt đầu cho mở cửa hoạt động trở lại sau hơn hai tháng bế quan, thì tỷ lệ ly dị của thành phố đã tăng một cách bất ngờ. Một số chuyên gia về xã hội cho rằng chính là do hậu quả của việc cách ly trong một thời gian kéo dài. Khi mà nhiều cặp vợ chồng phải chung đụng nhau trong một không gian nhỏ, tối ngày nhìn thấy mặt nhau, thì tới một lúc nào đó bất hoà sẽ xảy ra, cộng thêm nỗi lo âu về một tương lai bất định, rồi từ những bất hoà nho nhỏ đưa tới xung khắc, gấu ó nhau đến mức cả hai người không thể quay trở lại con đường cũ được nữa và tới lúc đó họ chỉ còn một giải pháp là chờ ngày mở cửa để đưa nhau ra toà ly dị.

Một điều chắc chắn là hậu quả của trận đại dịch này sẽ gây thiệt hại cho cuộc sống hôn nhân ở Mỹ. Tỷ lệ kết hôn có thể sẽ giảm vì các cặp uyên ương sẽ không còn đủ tự tin để cùng nắm tay nhau thề nguyền chung sống trọn đời trong khi nạn suy trầm kinh tế có thể đang chờ họ ở phía trước – tương tự như hiện tượng tỷ lệ kết hôn giảm sau khi cuộc suy trầm kinh tế xảy ra năm 2008.

Với những ai đã thành vợ thành chồng, những căng thẳng và áp lực của cuộc sống hôn nhân và gia đình trong thời đại dịch Covid-19 có thể sẽ đẩy hàng ngàn cặp vợ chồng tới tòa ly hôn.Theo ý kiến của W. Bradford Wilcox, giám đốc chương trình nghiên cứu Dự án Hôn nhân Quốc gia của Đại học Virginia, thất bại trong hôn nhân sẽ đặc biệt phổ biến đối với những cặp vợ chồng đặt cuộc sống hôn nhân của họ trên mô hình tình cảm – nghĩa là cuộc hôn nhân đó chủ yếu dựa trên sự kết nối tình cảm và lãng mạn giữa hai người và do đó chỉ kéo dài chừng nào sự kết nối đó vẫn mang lại hạnh phúc và sự trọn vẹn cho cả hai bên. Mô hình này lấy cá nhân làm trung tâm và được nhiều người Mỹ áp dụng cho cuộc sống hôn nhân của họ bắt đầu trong thập niên 1970, thời kỳ hưng thịnh của lối sống vị kỷ.

Tuy nhiên, nếu cuộc sống hôn nhân mà chỉ dựa trên tình cảm không thôi thì sẽ không thể mang lại sự bền vững lâu dài. Một cuộc khảo sát gần đây của YouGov tại tiểu bang California cho thấy nhóm người đã lập gia đình ủng hộ quan điểm về hôn nhân kiểu này nghĩ rằng hôn nhân của họ có thể kết thúc trong ly dị có tỷ lệ nhiều hơn khoảng 60% so với nhóm người có quan điểm hôn nhân với mô hình nhắm vào gia đình trước hết, nghĩa là quan điểm cho rằng hôn nhân cần có sự lãng mạn nhưng đồng thời cũng cần phải coi trọng ưu tiên về con cái, tiền bạc, và cùng nhau hợp tác xây dựng gia đình. Với thời gian riêng tư vợ chồng dành cho nhau không đủ–với những buổi hẹn hò đưa nhau đi ăn tiệm hay xem phim cuối tuần không còn vì nơi đâu cũng đóng cửa do lệnh cấm tụ tập đông người, và nếu có con cái thì phải bỏ thêm thì giờ ở nhà để lo cho chúng từ cái ăn cho tới cái học vì tất cả mọi trường học đã bãi khoá – và nhất là có quá nhiều chuyện bất ngờ khác xảy ra trong thời gian đầy thử thách hiện nay sẽ là những yếu tố đưa đến đổ vỡ của nhiều cặp vợ chồng đòi hỏi quá cao và mong đợi hôn nhân lúc nào cũng phải mang lại cảm giác hạnh phúc cho họ, là điều vượt quá khả năng những gì mà hôn nhân có thể làm được.

Tuy nhiên, có điều lạc quan là – mặc dù phải đối diện với quá nhiều những sáo trộn trong cuộc sống – đa số các cuộc hôn nhân sẽ không sụp đổ dễ dàng, và nhiều cuộc hôn nhân trong số đó còn trở nên vững vàng và ổn định hơn trong khi cả hai vợ chồng hỗ trợ cho nhau để cùng vượt qua những thách đố và nhờ vậy sẽ mang đến cho họ sự cảm kích với một ý nghĩa mới về hôn nhân rằng hôn nhân không chỉ thuần tuý là tình yêu mà còn là chỗ dựa để họ nương tựa vào nhau – và giữ cho cuộc hôn nhân được tiếp tục không chỉ là cho riêng họ mà chính con cái và những người thân khác cũng cần một chỗ dựa từ họ.

Nhìn lại thời kỳ kinh tế suy trầm năm 2008, cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều người Mỹ cam kết đầu tư nhiều hơn nữa đối với cuộc sống hôn nhân của họ và, trong một số trường hợp, đã tạm thời hoãn lại hoặc hủy bỏ dự tính ly hôn hay ly thân của họ. Trên thực tế, tỷ lệ ly dị giảm sụt ngay sau khi hiện tượng suy trầm kinh tế vừa bắt đầu và đã giảm hơn 20% trong suốt một thập niên qua. Tỷ lệ ly hôn thậm chí có khả năng giảm nhanh hơn nữa sau cuộc khủng hoảng mới hiện nay.

Lý do là vì trong những thời kỳ phải đối diện với thử thách và hoạn nạn, hầu hết mọi người – trong đó có vợ chồng – thay vì chỉ lo cho bản thân của họ thì lại có khuynh hướng biết quan tâm đến người khác, nhận thức rõ hơn về những việc họ cần làm để giúp các thành viên trong gia đình của họ vượt qua được thời kỳ khó khăn và đen tối đó. Nói cho cùng, lòng thương người chính là bản tính tự nhiên của con người, bình thường nó ẩn núp đâu đó sâu kín trong lòng nhưng đến khi cần thì nó tự động lộ ra.

Với những bằng chứng nói tới ở trên, ta có thể tin tưởng nước Mỹ thời hậu Covid-19, mô hình hôn nhân đặt ưu tiên gia đình trên hết sẽ có cơ hội thăng tiến hơn nữa.

Với hoàn cảnh của trận đại dịch hiện nay, một cuộc hôn nhân hoàn toàn không có xung khắc là điều hoàn toàn không thực tế. Với những thử thách trước mắt, điều quan trọng mà mọi người cần hiểu là phải phấn đấu hết mình. Trận đại dịch không biết đến bao giờ chấm dứt, và một điều rõ ràng là chúng ta còn phải sống trong lo âu và căng thẳng thêm một thời gian vài tuần hay vài tháng nữa. Nhưng cuối cùng rồi trận đại dịch cũng sẽ qua đi cũng như biết bao nhiêu cuộc khủng hoảng đến trước nó, và những cuộc hôn nhân còn tồn tại sau khi đã vượt qua và được tôi luyện trong thử thách sẽ là những cuộc hôn nhân bền vững lâu dài.

Huy Lâm

Related posts