Canada: 1 triệu khẩu trang KN95 của Trung Quốc không sử dụng được
- Thanh Thuỷ
Giới chức y tế Canada mới đây cho biết 1 triệu chiếc khẩu trang chuyên dụng KN95 mua từ Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn để sử dụng cho nhân viên y tế tuyến đầu trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. KN95 là mẫu khẩu trang tương tự N95 do Trung Quốc sản xuất.Embed from Getty Images
Mặc dù đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung y tế trầm trọng, nhưng giới chức Canada cũng không thể phát số khẩu trang này bởi chất lượng kém, ông Eric Morrissette, phát ngôn viên của Cơ quan y tế Cộng đồng Canada cho biết.
Việc số khẩu trang nói trên không đáp ứng được yêu cầu là một thách thức khác đối với Canada trong nỗ lực bảo đảm Thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và vật tư y tế khi nhiều nước trên thế giới đang cạnh tranh nhau gay gắt để có được những sản phẩm này.
KN95 là mẫu khẩu trang được Trung Quốc quảng cáo tương tự mẫu N95, thuộc loại phương tiện bảo hộ cá nhân chuyên dụng cho bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác trong cuộc chiến chống COVID-19.
Chính phủ Canada đã cho phép nhập khẩu KN95 để các nhân viên y tế sử dụng, nhưng vẫn tiến hành kiểm tra chất lượng từng lô hàng. Kết quả cho thấy đã có rất nhiều khẩu trang Trung Quốc không đạt chuẩn, kém chất lượng được chuyển tới Canada.
Theo tạp chí Politico, 70% đồ bảo hộ y tế cá nhân của Canada đến từ Trung Quốc, số còn lại đến từ Mỹ, Anh và Thuỵ Sĩ. Cuộc đua toàn cầu để tranh giành đồ dùng y tế đang diễn ra khắp thế giới do tình trạng cung không đủ cầu, khiến các nước phải tìm nhà sản xuất và nhà cung cấp mới, ông Morrissette cho biết.
Mới đây, Canada đã gửi 2 máy bay đến Trung Quốc để chở các mặt hàng y tế, nhưng đều phải quay về “tay trắng.” Thủ tướng Justin Trudeau cho biết nguyên nhân là do việc chậm trễ vận chuyển và các quy định khác ở Trung Quốc khiến máy bay không được phép chờ ở sân bay Thượng Hải. Tuy vậy, phía Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Hồi đầu tuần, một Nghị sĩ đã hỏi Bộ trưởng Y tế Patty Hajdu tại Hạ viện rằng liệu Canada có gặp tình trạng đồ bảo hộ cá nhân PPE mua về từ Trung Quốc ‘có vấn đề’ giống như các nước khác báo cáo hay không.
Đáp lại, bà Hajdu thừa nhận một số thiết bị “không phù hợp với nhân viên y tế tuyến đầu nhưng có thể sử dụng được cho những nhóm người khác.”
Hơn 1 triệu chữ ký yêu cầu Tổng giám đốc WHO từ chức
Tính đến sáng nay 25/4, một bản kiến nghị trực tuyến trên trang Change.org đã thu hút hơn 1 triệu chữ ký nhằm kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phải từ chức.
Đơn kiến nghị được khởi xướng bởi một nhà hoạt động ẩn danh người Đài Loan có tên “Osuka Yip”, từ ngày 31/1. Đến sáng nay 25/4, lượng chữ ký đã vượt qua con số 1 triệu và vẫn đang tăng lên, dù tại một số quốc gia cư dân mạng phải dùng công cụ vượt tường lửa mới có thể mở được đơn kiến nghị.
“Chúng tôi nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi k
êu gọi ông từ chức ngay lập tức”, đơn kiến nghị có viết.
Ông Tedros đang phải hứng chỉ trích trên khắp thế giới vì những cách xử lý sai lầm trong dịch Covid-19 cũng như việc nghe theo tuyên bố của chính quyền Trung Quốc.
“Vào ngày 23/1/2020, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong khi virus corona chưa có cách chữa trị hiệu quả. Số người mắc bệnh và tử vong tăng gấp 10 lần chỉ trong 5 ngày. Một phần do ông Tedros đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của virus corona”, đơn kiến nghị lập luận.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được cho là xuất hiện ở Trung Quốc vào ngày 17/11/2019. Đến ngày 14/1/2020, WHO đã giúp Bắc Kinh tuyên truyền trên Twitter rằng: “Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc lây từ người sang người của virus corona chủng mới (2019-nCov) được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc”.
Dòng tweet của WHO xuất hiện một ngày trước khi trường hợp đầu tiên nhiễm nCov ở Mỹ được báo cáo là một người đàn ông đã bay từ Vũ Hán đến Washington.
Theo tờ Foreign Policy, trong khi các quan chức trên thế giới chỉ trích Bắc Kinh đã bưng bít thông tin về dịch Covid-19 thì WHO lại “đặc biệt đánh giá cao cam kết của giới lãnh đạo cao nhất và sự minh bạch mà Trung Quốc đã thể hiện”.
Tờ NHK cho biết, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nói trong Quốc hội rằng một số người thậm chí đã bắt đầu gọi Tổ chức Y tế Thế giới là Tổ chức Y tế Trung Quốc và cho rằng cơ quan này không có khả năng làm gì ngoài việc lặp lại thông điệp ngoại giao của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump hôm 14/4 thông báo đình chỉ nguồn tiền tài trợ cho WHO. Ông cho rằng WHO đã “thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ cơ bản của mình và phải chịu trách nhiệm về điều đó”.
Hãng tin Breitbart cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Tedros phải hứng chỉ trích trong vai trò là Tổng giám đốc WHO.
Vào tháng 10/2017, Tedros đã chọn Robert Mugabe, nhà lãnh đạo độc tài của Zimbabwe làm “đại sứ thiện chí” của WHO trong cuộc chiến chống lại các bệnh không truyền nhiễm ở châu Phi, gây nên làn sóng phẫn nộ từ các chuyên gia y tế và các tổ chức nhân quyền. Cuối cùng, dưới áp lực của cộng đông quốc tế, Tedros đã phải miễn cưỡng từ bỏ quyết định của mình.
Mỹ tuyên bố không tham gia sáng kiến toàn cầu của WHO
Hoa Kỳ sẽ không tham gia việc phát động một sáng kiến toàn cầu hôm 24/4 để đẩy nhanh tốc độ phát triển, sản xuất và phân phát thuốc và vắc-xin chống Covid-19, một phát ngôn viên của phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc nói với Reuters.
Trả lời một câu hỏi qua email, quan chức này nói:
“Sẽ không có sự tham gia chính thức của Mỹ… Chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về sáng kiến này để hỗ trợ cho hợp tác quốc tế nhằm phát triển một vắc-xin chống Covid-19 sớm nhất có thể”.
Phản đối Tổng thống, Bộ trưởng tư pháp Brazil từ chức
Hãng Reuters đưa tin, Bộ trưởng tư pháp Brazil, Sergio Moro hôm 25/4 đã từ chức và cáo buộc Tổng thống Bolsonaro can thiệp chính trị vào lực lượng thực thi pháp luật.
Sergio Moro, cựu thẩm phán chống tham nhũng nổi tiếng tại Brazil, hôm 25/4 thông báo từ chức vì Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Mauricio Valeixo vì “lý do cá nhân và chính trị”.
Văn phòng Tổng thống Brazil chưa bình luận về thông tin này.
Giới chức Mỹ: ‘Ánh sáng mặt trời, nóng và ẩm làm suy yếu virus Covid-19’
Theo VOA, có dấu hiệu cho thấy virus Vũ Hán suy yếu nhanh hơn khi bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời, các điều kiện nóng và ẩm, một giới chức Mỹ nói hôm 23/4, trong một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể sẽ ít lây lan hơn trong những tháng mùa hè.
Các nhà nghiên cứu làm việc cho chính phủ Mỹ đã xác định rằng virus Vũ Hán phát triển tốt nhất trong các điều kiện khô, và sẽ mất đi độ nguy hiểm của nó trong điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao, nhất là khi virus bị phơi ra dưới ánh nắng mặt trời, theo lời ông William Bryan, quyền Giám đốc ban Khoa học Công nghệ của Bộ Nội An Hoa Kỳ.
Ông nói tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng: “Con virus chết nhanh nhất khi có ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào”.
Phi công B-52 trong chiến tranh Việt Nam qua đời vì Covid-19
Ông Donald Reed Herring, cựu chiến binh Hoa Kỳ, người từng lái máy bay ném bom B-47 và B-52 trong Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời vì Covid-19, thọ 86 tuổi, VOA Việt Ngữ hôm 24/4 dẫn tin từ các báo của Hoa Kỳ cho biết.
Ông Herring qua đời tối 21/4 tại thành phố Norman, tiểu bang Oklahoma, khoảng ba tuần sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ông Herring là anh cả của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren đại diện cho bang Massachusetts, người thường xuyên nhắc đến ông khi bà vận động tranh cử tổng thống vào đầu năm nay.
“Ông đã gia nhập Không quân Mỹ năm 19 tuổi và đã cống hiến cả sự nghiệp của mình trong quân đội, bao gồm tham gia chiến đấu tại Việt Nam khoảng 5 năm rưỡi nhưng không liên tục”, Thượng nghị sĩ Warren viết trên Twitter.
Dịch bệnh ở Ý có thể bắt đầu từ tháng 1
Reuters cho biết, theo một nghiên cứu khoa học được công bố hôm 24/4, dịch bệnh ở Ý có thể bắt đầu bùng phát từ tháng 1.
Ý bắt đầu xét nghiệm cho cộng đồng sau khi bệnh nhân địa phương đầu tiên của nước này được chẩn đoán nhiễm Covid-19 vào ngày 21/2 tại Codogno, một thị trấn nhỏ ở vùng Lombardy.
Sau đó, số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên nhanh chóng, và các nhà khoa học sớm nghi ngờ rằng virus đã xuất hiện nhưng không được chú ý trong nhiều tuần.
Ông Stefano Merler thuộc Tổ chức Bruno Kessler, phát biểu trong một cuộc họp báo với các các quan chức y tế hàng đầu của Ý rằng, viện của ông đã nghiên cứu các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được biết đến và rút ra kết luận từ tốc độ lây nhiễm sau đó.
“Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều người nhiễm bệnh ở Lombardy trước ngày 20/2, điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã bắt đầu sớm hơn nhiều”, ông nói.
“Chắc chắn vào tháng 1, nhưng có thể trước đó”, ông Merler nói và thêm rằng ông tin là sự gia tăng các ca nhiễm ngay lập tức cho thấy virus có thể được đưa đến Ý bởi một nhóm người chứ không phải là một cá nhân.
Các nước cùng WHO ra kế hoạch chống dịch toàn cầu, Mỹ không tham gia
Reuters cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới ngày 24/4 đã cam kết sẽ tăng tốc phát triển kít xét nghiệm, thuốc, vắc-xin chống Covid-19 và chia sẻ ra toàn cầu, nhưng Mỹ không tham gia hoạt động này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là ba trong số những nhà lãnh đạo đã tham gia hội nghị trực tuyến để khởi động sáng kiến chống dịch của WHO. Ngoài ra, hội nghị cũng có sự góp mặt của các quan chức từ châu Á, Trung Đông và châu Mỹ.
Về phía Mỹ, phát ngôn viên của phái đoàn nước này tại Geneva trước đó đã nói với Reuters rằng Washington sẽ không tham gia.
“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về hiệu quả của WHO, sự thất bại của tổ chức này đã thúc đẩy đại dịch đến bước như hiện nay”, phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ cho biết.