Cà Phê, Thuốc Lá, Rượu và Tranh Nhau Làm Lịch Sử

Hạ Long LVV

Thuốc lá có người giải thích theo Freud là sự kéo dài của dương vật, nó cho người đàn ông cái cảm giác ngang tàng nam tính, người Âu Mỹ, nhất là Mỹ, đã bỏ nhiều rồi, nhưng ở Á Ðông thì có lẽ mức tiêu thụ vẫn cao nhất. Cho tới thế kỷ XXI, vào quán cơm Bà Cả Ðọi gần chợ Bến Thành, rất ngon miệng, cả mấy chục món bày ra trên bàn toàn là miếng ngon truyền thống đất Bắc như lời tán tụng của nhà văn Thụy Long, thấy một công tử nhà bếp, vừa phì phèo điếu thuốc, vừa múc canh rau đay cho khách, một cách khoan khoái tự nhiên. Ở ngoại quốc, phà khói thuốc vào đồ ăn, không chừng bị kiện ! nhưng bên ta, truyền thống cà phê thuốc lá ấy đã trở thành tập quán căn để, không bỏ được…cho dẫu với bạn thân, bị tai biến mạch máu, by pass tới mấy lần, vẫn phì phèo run rẩy ba số 555 trên môi, cũng ngại không dám cản.. Bên Tầu y hệt vậy, cán bộ tài xế phì phèo thuốc 555, nữ tài tử lừng danh quốc tế Gong Li lấy một ông chồng, nghe nói là đầu nậu thuốc lá 555 ở Singapore ! Dân tình các nước có văn hóa cổ, như Á Ðông, Trung Ðông..rất giống nhau, bảo thủ, tự ái sĩ diện rất cao, khư khư giữ tập quán, cho đấy là truyền thống dân tộc, mà thật ra, như cà phê thuốc lá vốn là sản phẩm ngoại lai..tương tự như sản phẩm chính trị, theo Mỹ Pháp thì gán là thực dân phong kiến, còn theo Nga Tầu Mác xít..thì là độc lập yêu nước! Thành ra, cái khoảng cách văn hóa là một khoảng cách tâm lý, người xa Hà Nội năm 18 tuổi trở về cứ đòi vị phở phải giống như thời 1950, mùi cà phê phải là mùi cà phê Cầu Gỗ..vạn vật chuyển hóa cả cái lưỡi của mình, sau nửa thế kỷ, vị giác khứu giác đã lão hóa, nếm món gì cũng chẳng thấy ngon, hơn nữa cái bụng dư giả quá, không thấy đói, sợ mỡ, làm sao thưởng thức được một bát phở nước béo hành trần ?
Ðến như ngồi trầm tư, hý luận quanh chén cà phê..hay bốc đồng bên mấy chai Heineken..thì lịch sử, hay loạn sử cũng giống nhau..tâm đã bốc đồng rồi thì lịch sử làm sao không loạn động được. Thế nên cái oái oăm của lịch sử là lớp người đạo đức, biết tiết chế dục vọng, thì tránh chính trị như tránh hủi, rút cục sân khấu rơi vào tay nhóm bá đạo !
Nhưng sau cả nhiều chục năm, lớp người miền Bắc di cư vào Nam, trở về miền Bắc, lộn lại chốn xưa, xem đàn chim của mình còn hay mất, còn gì và mất gì, thì chợt nhận ra là cuộc nhân sinh thăng trầm quả đã biến tổ ấm của mình thành nhiều loại tổ : tổ quạ, tổ cú, tổ cáo, tổ se sẻ, tổ chim cút..nhưng tổ loại nào thì cũng vẫn bị quy luật tâm lý hành hạ : không bỏ được quá khứ, người ta trở về ôm ấp lấy ngày xưa êm ái, những ngày chưa mang vết thương trên thịt trên da, chưa mang vết bầm trong tim trong óc.. Rõ ràngvũ lực tạo ra lịch sử, nhưng vũ lực không tạo ra văn hóa, có ép đến đâu, có tuyên truyền thế nào, cũng chỉ bôi tro trát trấu lên văn hóa dân tộc, và sau nửa thế kỷ, trở thành trò cười, như dụng cụ phế thải trong thời đại mới. 
Dân tình miền Nam rất khác vùng đất cổ hủ phong kiến lớp lang Bắc Việt hay Trung Việt, Sài Gòn vùng tứ xứ họp lại sinh hoạt hồn nhiên, thiên nhiên ưu đãi, giá có mở màn tố khổ nhau thì người dân hồn nhiên miền Nam này có lẽ cũng chẳng biết uốn lưỡi ác khẩu hành hạ nhau kiểu chửi gà theo chỉ thị… Ngay quanh chợ Bến Thành, đêm ba mươi Tết, khoảng 2009 dường như Cảnh sát Công an tới bắt dẹp hàng hay ra lệnh gì đó..một bà bán hàng tuổi bà ngoại các cậu CA trẻ la mắng “làm gì mà ác quá dzậy, để cho tôi sống chớ, sao ác quá dzậy”… dân tộc Việt Nam may thay, 50% đàn bà vẫn còn giữ được phần nào bản chất phi chính trị, nhất là ở miền Nam, miễn nhiễm được nọc độc tuyên truyền vận động của mấy ông bệnh hoạn tư tưởng; ngay gần Hồ Gươm, Cầu Gỗ, một ông cán bộ mặc đồng phục kaki vàng, dừng xe máy bên lề trước mặt hàng quán, ba bà bán hàng phản đối “ông đỗ xe trước mặt hàng làm sao chúng tôi bán hàng được” đôi co một hồi, rút cục ông cán bộ cũng đành rút lui đi chơi chỗ khác! Thì ra, con cháu hai Bà Trưng, vẫn có sức mạnh truyền kỳ ! Nghĩ tới sức mạnh vạn năng ấy, tới âm thịnh dù dương suy, chất thiện còn thì chất ác giảm, tôi thấy lòng phấn chấn, le lói niềm hy vọng nào đó về tương lai dân tộc…
Trí thức miền Bắc được đào tạo bên Nga, Đông Âu khá nhiều, cùng với bên Tầu, Nam Ninh là nơi rèn quân chỉnh cán và đào luyện cán bộ, kể cả nhà văn nhà báo, phóng viên… họ cũng học hỏi được phương pháp phân tích nghiên cứu theo Duy vật sử quan, cũng sắc xảo tuy thiếu tầm nhìn rộng, Ông Gs Trần Quốc Vượng có được tầm nhìn thoáng, không vướng mắc mấy vào Mác xít, từng thổ lộ với Chủ báo Khởi Hành, khoảng 1994 ở Cali : tôi không phải là đảng viên…thời ấy, sau khi Sô Viết xụp đổ, nhiều trí thức miền Bắc đã mừng rỡ, tưởng có thể đổi mới thật sự, kể cả trong lãnh vực chính trị cũng bắt đầu thoáng hơn, trân trọng với miền Nam hơn, đấy là giai đoạn phục hoạt văn hóa tự do miền Nam, khởi đi bằng Ca Nhạc. 

LÀN HƠI TỰ DO 

Văn Cao sau kháng chiến, từ 1954 không thấy sáng tác được bản nào hay, mãi tới sau 1975, ông vui mừng vì đất nước thống nhất, làm được bài Mùa Xuân Đầu Tiên, sao lại là đầu tiên nếu không phải là đầu tiên vui mừng với đàn chim én về sau bao năm tù túng tang thương ! Nhưng ngay bài này cũng không phải là Văn Cao tài ba tiền chiến, âm hưởng nhạc Nga, Đông Âu, nhịp điệu Polka khá rõ nét. Rồi tới Phú Quang, Phó Đức Phương, Trần Tiến…từ Trên Đỉnh Phù Vân ( Phó đức Phương ) theo cung bậc lên đồng ma quái cao vút…tới Em ơi Hà nội Phố ( Phú Quang), Chị Tôi (Trần Tiến) là những nhạc sĩ lớp sau, trở về với dân ca, với dòng nhạc trữ tình không mang dấu vết thời cũ, nếu không nói tên, xuất xứ, thì người ta có thể lẫn với dòng nhạc miền Nam trước 1975, với Phạm Duy, với Y Vân, Lam Phương, Ngô Thụy Miên… cùng dòng nhạc dân tộc, chỉ khi trình diễn sân khấu, với các nữ ca sĩ, người ta mới thấy phong cách hơi khác, làn hơi khác, phông sân kháu tiến bộ hơn, ca sĩ có huấn luyện kỹ nhưng chưa thấy có nét độc đáo tự nhiên như các ca sĩ miền Nam trước.
Và rồi nhạc Trịnh Công Sơn lan tràn ra miền Bắc sau 1975, ảnh hưởng vẫn còn trên môi miệng dân chúng từ Nam ra Bắc, tới giữa thập niên 2000 thì Phạm Duy trở về cùng Duy Quang và các bạn trẻ, bên cạnh những ca sĩ đang lên ở miền Nam như Mỹ Tâm, rồi Lệ Quyên (thay thế lớp cũ như Lệ Dung, Hồng Nhung, Mỹ Linh…) với sự yểm trợ không nhỏ của Nhật và Hàn…Nhật và Hàn là hai sức kéo Việt Nam ra khỏi khung cũi giáo điều, họ có tiền và có chủ đích, họ chặn được phần nào ảnh hưởng của Trung Cộng, ít ra trong văn hóa và thương mại, cả một khu Nhật gần nhà thương Grall trước, nay thêm cả khu Lê Thánh Tôn, Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) với cả chục tiệm ăn, tiệm mì, đánh bật nhà hàng Tầu xập xệ đi nơi khác (vào Chợ Lớn). Miền Nam còn nhiều người ưa chuộng văn hóa Pháp, từ cà phê tới bánh mì, nhưng rõ ràng Pháp giờ là nước nghèo, ít đầu tư lớn, không có sức cạnh tranh, nên cả Quận I có dăm tiệm ăn, thường là trong thương xá, khu Thảo Điền, Thủ Đức… còn ngay tại trung tâm, khu Bến Thành, chỉ có một tiệm do người Pháp quản lý (Une Journée A Paris ), dăm ngàn người Pháp ở Sài Gòn so với khoảng 34,000 ở Hồng Kong !
Miền Nam có thể tự hào về mức sáng tác văn nghệ, sách báo đã đành, mà trong 21 năm, 1954-1975, số nhạc phẩm vô kể, từ nhạc tình lãng mạn tới nhạc bình dân mà giờ gọi là Bolero rất ăn khách với quần chúng từ Nam ra Bắc, nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Huy đã đành, mà Y Vân, Lam Phương, Văn Phụng, Ngọc Bích… cũng trở lại như luồng gió cũ mà mới với thế hệ trẻ, loại nhạc dân tộc của Trần Thiện Thanh, Nguyễn Đức Quang.. vẫn chưa được phổ biến, cửa mở một nửa, chưa mở hết !
Lớp thanh niên mới, thế hệ 2000, thế hệ xe máy, mạng Zalo, Viber… ngồi quán trà cà phê Phúc Long, Highlands, Trung Nguyên… nhưng quán Starbucks vẫn đông nhất, thời thượng nhất dù một ly cà phê có thể đắt gấp đôi, nhưng chất lượng bảo đảm hơn, ly lớn gấp đôi, và mang không khí quốc tế thời điện tử, Sài Gòn có cả chục quán Starbucks, nhưng ở Hà Nội không nhiều, người ta vẫn hoài cổ trong những góc nhỏ, bày biện kiểu cách, treo tranh vẽ nghệ thuật…Dân, cả Tầu lẫn Việt đều hướng về văn hóa phong cách Âu Mỹ, nhưng giới quyền lực cố ngăn, sợ mất ghế, “kẻ Sợ” bây giờ không phải là dân mà là chính quyền, quán Starbucks lớn nhất, cả dăm tầng lầu, nằm bên Tầu chứ không phải bên Mỹ ! Dân miền Nam, bà con đi Mỹ cả triệu, nên chuyện gì bên Mỹ cũng biết ngay : Ông Trump cho tiền trợ cấp dịch mấy ngàn, mấy tháng hả ông ?!
Với thời gian, khoảng một thế hệ nữa, 2040, nếu Trung Cộng còn tồn tại chăng nữa thì VN cũng chuyển đổi, chuyện đảng phái trở thành trơ trẽn, người dân không còn ngu nữa để bị bắt nạt, để tuyên truyền, thành phần tư hữu tư sản đông lên, đưa đến chuyển động xã hội về hướng dân quyền, họ có nhà đất, dù là cha ông tham nhũng chăng nữa, thì con cháu thừa hưởng cũng muốn giữ cho mình, cần bảo hiểm cần luật lệ, vì thế pháp trị sẽ át dần phi pháp, chế độ vô luật phi pháp, dần dần bị kinh tế thương mại quốc tế dồn vào ngõ cụt, sân chơi và luật chơi mới… ngay từ 1993 một anh cán bộ i tờ buôn bán gỗ với Đài Loan, phá rừng hạ cây, doanh thu lớn, đành phải kiếm một anh giáo, cấp trung học Chu Văn An, làm sổ sách kế toán, buôn bán quốc tế, cần trí não và trí thức ! Bây giờ thì con em lớp cán bộ ấy, đi học MBA ở Mỹ, ở Úc, nhất là ở Anh… hàng trăm người tốt nghiệp, kinh doanh nhà nước không thể không chuyển đổi, từ ngoại thương đến hối đoái, và rồi, Tầu, Việt cùng rơi vào cơ sự như Nga Sô thời 1980-90 : lấy cán bộ chính trị đè đầu chuyên viên, tới lúc chuyên viên đông đảo quá, chuyên môn khó quá, thì cán bộ ít học dần dần bị thải bỏ, như lập luận của J.F.Revel từ thời 1970 ( Without Marx and Jesus ) đối với Sô Viết.

Y TẾ

Cuối cùng, để cập nhật, VN có chưa tới 300 ca (?) Covid- 19 Vũ Hán, các xứ Đông Nam Á nóng, nắng, ẩm làm virus chóng chết, hơn nữa điều kiện vệ sinh không cao, “ ở bẩn sống lâu” có thể cũng tạo được kháng thể đối với loại virus đến từ hoang thú, herd immunity -miễn nhiễm cộng đồng, là điểm hy vọng. Nhưng về phương diện xã hội kinh tế thì sự cách ly và đóng cửa cả tháng đang làm cho dân đen lao đao, đa phần sinh sống nhờ vào du khách, tiêu khiển giải trí… nay không còn khách thì khách sạn, cắt gội, massa, hàng quán, bars, ca nhạc…sống bằng cách nào ? nhiều người đành về quê với gia đình làng xóm- chốt cuối cùng sinh tồn của xã hội VN. Nếu thật sự chỉ có dưới 300 ca, trên dân số 94 triệu, không ca tử vong, thì tại sao phải đóng cửa cách ly toàn quốc ? hay là tại không test rộng rãi nên chưa tìm ra hết các ca dương tính ?
Giới Y Tế VN tuy thiếu phương tiện nhưng số Bác sĩ Y tá, Nha sĩ, Dược sĩ cũng được đào tạo khá tốt nhờ truyền thống Y Dược từ thời Pháp, nhờ đi tu nghiệp ở Nhật Úc Singapore, Âu Mỹ, song song với Đông Y, thuốc cây cỏ, thuốc từ Ấn Độ.. từ Hà Nội đến Sài Gòn, thuốc men của Pháp vẫn phổ thông hơn, và rẻ hơn nhờ liên doanh, với hơn 123 hãng bào chế cung ứng thuốc men cho 50 % nhu cầu nội địa. Nhờ không qua trung gian hãng bảo hiểm…nên giá thuốc rẻ, kể cả thuốc nhập cảng, thí dụ một viên Viagra bên Paris và Saigon vẫn ở mức 8 đô, bên Mỹ lên gấp 4, 5 lần, thuốc Colchicine trị Gout, thuốc Valsartan chính hiệu nhập từ Spain, dùng 1 tháng cho bệnh cao máu giá cũng chỉ bằng tiền copay bên Mỹ (khoảng 10đô) thuốc trụ sinh Azythromycin, Hydroxychloroquin, dùng tạm cho Dịch corona vẫn còn rất rẻ. Tuy vậy số bệnh viện cao cấp, tư nhân, giá khá cao, phòng ốc tốt, sạch, so với bệnh viện công, như Chợ Rẫy thì người bệnh phải chờ đợi rất lâu. Hai điểm khá tốt của ngành Y Tế tại Sài Gòn là Phòng Thí nghiệm có máy móc mới mua từ Nhật, Đức…và nhà Thuốc Tây thì có đầy đủ thuốc men nhập hay liên doanh. Nếu tính lương trung bình giới trung lưu là 250-300 usd một tháng ( 5-7 triệu tiền vnd) thì giá thuốc như vậy cũng vẫn là cao, khi tiền thuê phòng ở chung một tháng không dưới 2.5 – 3 triệu, phòng riêng phải 5 tr. Kinh tế phát triển qua cuộc toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi : thuyền to sóng lớn, hai mươi năm trước lương 2-3 triệu sống tạm được, nay thời giá tăng vọt, phải 10 tr một tháng mới tạm đủ, trung lưu thấp lower middle class, còn trung lưu cao, upper middle class, phải 20-30 tr. mới thuê được apartment trong chung cư cao ốc, có xe xịn…thành ra tư bản hóa tạo ra bất quân bình và tạo ra tham nhũng. Nhiều người kham khổ bán thân, dành dụm được vài trăm triệu, ra mở quán cóc, cà phê, cơm trưa…dễ mất hết cả chì lẫn chài vì đủ mọi loại cấp tới xin tiền, làm tiền, mà mặt bằng thì cắt cổ ! Cho nên ở VN xhcnghia chỉ có hai giai cấp : thật giầu nhờ tham nhũng, bốc hốt, thật nghèo vô sản, giới trung lưu có việc, có lương tháng còn ít ỏi, mà có việc cũng không bảo đảm cuộc sống, làm việc 10-12 g/ngày, bảo hiểm sức khỏe tự mua, chủ-thợ chưa có cam kết rõ ràng, không nghiệp đoàn bênh vực, kinh tế VN vẫn chưa ở mức công nghiệp cao, còn ở mức kinh tế gia đình (family economy), thủ công, cây trái từ vườn mang bán, cua cá cũng mang đi rao nhà hàng…người ăn xin, người tàn tật, thương phế…vẫn là còn là vấn đề xã hội trầm trọng…
Tuy vậy dân thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng…vẫn là niềm hy vọng của Việt Nam, một du khách Pháp nhận xét : sáng 5-6 giờ sáng đã thấy xe máy tràn ra đầy đường, dân VN sống mạnh, chăm chỉ dậy sớm làm việc như bầy kiến trên đường phố…
Giá như bầy kiến này được hướng dẫn tử tế thì VN có thể hội nhập nhanh vào Thế giới khoa học kỹ thuật ngày nay. Cứ so sánh Tầu lục địa với Đài Loan thì sẽ thấy con đường nào đứng đắn hợp thời, hợp lý, hợp tình, hơn.

Hạ Long LVV

Related posts