Nếu như có bất kỳ tia hy vọng nào chúng ta nhận được từ trận đại dịch Covid-19 thì chắc có lẽ đó là bầu không khí toàn cầu bỗng dưng được cải thiện đáng kể kể từ khi dịch bệnh bùng phát khiến nhiều quốc gia bị đẩy vào tình trạng hầu như hoàn toàn ngưng mọi hoạt động.
Lý do bầu không khí được trong sạch hơn là vì nhu cầu tiêu thụ năng lượng hoá thạch như xăng, dầu, than đá đã sụt giảm khá nhiều với các chuyến bay bị đình chỉ vô hạn định, các nhà máy và văn phòng đóng cửa, trong khi hàng tỷ người trên thế giới được khuyên là nên ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tổ chức liên chính phủ cũng như nhiều nhà hoạt động hy vọng thế giới có thể rút ra được bài học từ vụ đại dịch để hiểu biết và ý thức hơn về tác động của con người đối với môi trường sống xung quanh.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch tại Thuỵ Điển, vụ bùng phát dịch bệnh vi khuẩn corona, bắt đầu tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, đã đưa tới hiện tượng lượng khí thải carbon giảm sút 25% trong khoảng thời gian bốn tuần lễ sau dịp Tết Âm lịch so với cùng thời gian này năm ngoái.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, theo công ty nghiên cứu giao thông INRIX, lượng xe tư nhân chạy trên đường giảm 30% trên toàn quốc trong ngày 20 Tháng 3 so với một tháng trước đó. Không khí sạch và bầu trời trong xanh hơn tại nhiều thành phố. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, trong tuần lễ cuối Tháng 3, lượng khí thải tại thành phố New York đã giảm hơn 50% dưới mức trung bình. Tại miền nam California, theo Phân khoa Y tế Công cộng tại đại học UCLA, lượng bụi ô nhiễm trong không khí giảm 40% trong khoảng thời gian từ 16 Tháng 3 đến 6 Tháng 4.
Các vệ tinh quan sát trái đất từ ngoài không gian phát hiện thấy có sự giảm sút đáng kể độ đậm đặc của chất nitrogen dioxide gây ô nhiễm không khí, đây là chất xâm nhập vào bầu khí quyển do từ khí thải của xe hơi, xe tải, xe buýt và nhà máy điện. Sự sụt giảm trên xảy ra trùng hợp cùng thời gian khi mà các biện pháp ngăn cấm tụ tập đông người được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Ô nhiễm không khí có thể gây hại nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người, và Tổ chức Y tế Thế giới ước tính những căn bệnh biến chứng do từ việc tiếp xúc với ô nhiễm môi trường – như đột quỵ, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp – giết chết khoảng 4.2 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Không khí trong sạch hơn có lẽ mang lại cho người dân chút thở phào nhẹ nhõm tại một số nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới trong khi họ còn đang phải vất vả chiến đấu với con vi khuẩn corona, mặc dù cái thở phào này có thể chỉ ngắn ngủi tạm thời. Theo nhận định của giáo sư Marshall Burke thuộc Đại học Stanford, hiện tượng sụt giảm lượng hạt ô nhiễm trong không khí – loại ô nhiễm nguy hiểm nhất do hậu quả của việc ngưng hoạt động vì đại dịch có thể đã cứu sống khoảng 4,000 trẻ em và 73,000 người già tại Trung Quốc trong thời gian hai tháng khi chính quyền quốc gia này ra lệnh bắt buộc người dân phải ở trong nhà.
Trong thời gian qua, để tránh lây nhiễm, do lệnh của chính phủ mà cũng do ý thức được tình trạng nghiêm trọng, nhiều người đã ở trong nhà, và thêm nữa là hệ thống giao thông công cộng cũng cắt bớt dịch vụ – người ta nhận thấy tiếng ồn từ xe hơi, xe buýt, xe lửa và những loại vận chuyển khác đã giảm đi rất nhiều.
Trước khi xảy ra đại dịch, môi trường âm thanh tại quảng trường Kenmore, một giao điểm rất bận rộn gần Đại học Boston, thường được đo ở mức 90 decibels vào giờ tan sở. Trong mấy ngày gần đây, tiếng động âm thanh trong giờ tan sở được đo dưới 68 decibels. (Để có một so sánh cho dễ hiểu, tiếng ồn của xe điện ngầm chạy gần đó được đo ở mức 95 decibels là mức âm thanh mà nếu phải nghe ngày này qua ngày khác có thể gây tác hại cho màng nhĩ, và âm thanh của một cuộc nói chuyện bình thường là ở mức từ 60 đến 70 decibels.) Tại khu vực sân vận động Fenway Park cũng trong thành phố Boston, nơi được dùng cho một cuộc nghiên cứu về ô nhiễm âm thanh trong nhiều năm qua, thì gần đây cho thấy mức độ tiếng động giảm xuống chỉ còn 30 decibels, là một sự khác biệt rất lớn so với lúc trước khi đại dịch.
Người dân thành phố bây giờ có thể nghe thấy những thứ âm thanh mà trước đây thường bị những tiếng ồn khác che lấp mất. Như cô Rebecca Franks, một người Mỹ sống ở Vũ Hán, trung tâm của vụ bùng phát dịch bệnh vi khuẩn corona, đã làm một cuộc quan sát 48 ngày trong thời gian cách ly của thành phố, và đã kể lại rằng trước đây cô từng nghĩ là không có chim ở Vũ Hán, là vì hiếm khi người ta nhìn thấy chim và thường thì chẳng bao giờ nghe thấy tiếng hót. Nay thì cô biết là tiếng chim đã bị tiếng ồn của xe cộ và của người át đi. Bây giờ cô có thể nghe được tiếng chim hót vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Đi bộ trên lề đường, cô còn nghe được âm thanh của tiếng vỗ cánh.
Sylvia Poggioli, phóng viên của đài phát thanh NPR tại Ý, đã tường trình cho biết các con đường ở Rome nay trống trơn và người ta có thể nghe được tiếng cút kít từ tấm bản lề của một chiếc cửa cũ và tiếng kêu chíp chíp của những con chim gần đó, một dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân đang về.
Trên mạng xã hội Twitter trong những ngày gần đây nhiều người cũng nêu thắc mắc: Dường như dạo này tiếng chim hót có vẻ líu lo hơn thì phải, hay tại tai tôi có vấn đề? Với những đợt chim thiên di mùa xuân trong khu vực bắc bán cầu đang ở lúc cao điểm thì hẳn nhiên số chim xuất hiện trong thành phố cũng nhiều hơn. Nhưng đồng thời nhờ mức ô nhiễm âm thanh giảm nên người ta dễ dàng nghe được những tiếng kêu tiếng hót của chim non chim già mà bình thường chẳng thể nghe thấy vì tiếng ồn.
Điều kiện môi trường bớt tiếng động, có lẽ còn kéo dài trong vài tháng nữa cho tới khi đại dịch đi qua, được cho là một trong những tin vui hiếm hoi trong lúc này. Theo các nhà nghiên cứu, ô nhiễm âm thanh có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con người, góp phần đưa tới những căn bệnh liên quan tới căng thẳng thần kinh, áp huyết cao, mất ngủ, và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Tuy nhiên, người ta cần có thêm nghiên cứu thì mới biết rõ hiện tượng giảm tiếng ồn trong thời gian này thực sự mang lại bao nhiêu lợi ích về sức khoẻ. Riêng với một số người dân sống trong thành phố, hiện tượng bớt đi tiếng ồn làm người ta nhớ lại một thời thanh bình thuở nhỏ nhiều thập niên trước, khi dân số trong thành phố thưa thớt hơn và xe cộ chạy trên đường cũng ít hơn.
Và không chỉ riêng loài chim, đối với một số loài động vật khác, hiện tượng bớt ô nhiễm âm thanh cũng là điều rất đáng mừng. Theo một một cuộc điều tra gần đây tại vùng duyên hải của Alaska và Florida, tiếng động dưới biển đã lập tức biến mất sau khi các tàu du lịch bị buộc phải ngưng hoạt động do đại dịch Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tiếng ồn từ tàu bè và các loạt vận tải hàng hải khác có thể làm tăng mức độ hormone gây ra căng thẳng trong các loài sinh vật biển, và có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản của chúng. Loài cá voi thậm chí còn cho thấy là chúng biết thích ứng với những tiếng động lớn, chẳng hạn chúng biết tạm ngưng tiếng hát khi có những con tàu chở hàng đang ở gần đấy và chỉ hát trở lại khi những con tàu này đi qua một quãng xa.
Sự thay đổi sinh thái biển bất ngờ do đại dịch mang đến đã khiến cho nhà nghiên cứu Michelle Fournet nhớ lại một thí nghiệm tình cờ xảy ra trong những ngày sau biến cố 11 Tháng 9 khi các hoạt động tàu bè trên vùng biển Bắc Mỹ bị ngưng lại trong nhiều ngày vì lý do an ninh. Các nhà nghiên cứu làm việc tại vịnh Fundy thuộc Canada, trước khi khủng bố tấn công đã ghi chép và thu thập được một số mẫu nghiên cứu, thì sau khi vụ khủng bố đã nhận ra rằng mặc dù chỉ trong ít ngày, khi tiếng động trong nước yên lắng, thì lượng hormone gây ra căng thẳng trong những con cá voi sống trong vịnh đã sụt giảm thấy rõ.
Đầu mùa xuân là thời gian khi loài cá voi lưng gù sống trong vùng biển Bắc Thái bình dương bắt đầu di chuyển về hướng bắc và nay mai sẽ sinh con trong khu vực tây nam của Alaska. Đây cũng là vùng biển bình thường rất nhộn nhịp với nhiều tàu du lịch đưa du khách tới ngắm cảnh và quan sát hoạt động của các loài động vật hoang dã trong vùng. Với trận đại dịch còn đang đe doạ khắp nơi và tình trạng ngưng hoạt động còn kéo dài thì mùa xuân năm nay là cơ hội để mẹ con loài cá voi lưng gù được bơi lội thoải mái trong sự yên lặng hiếm hoi của vùng biển tây nam Alaska.
Hoạt động của con người quả thật đã tác động rất lớn đến môi trường và có lẽ cũng gây phiền hà không ít cho thiên nhiên. Khi con người ngưng lại mọi hoạt động thì thiên nhiên có được chút cơ hội để nghỉ ngơi. Có thể nói, bầu trời trong xanh và không gian yên tĩnh là những mẩu tin vui ít ỏi trong thời đại dịch vậy.
Huy Lâm