Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ
Sau khi tới Pháp, tôi hay lang thang xem xét và lục tìm trong các quán sách cũ, mới tràn ngập tại trung tâm Paris. Một lần, trong một buổi chiều tà, trong tâm trạng của một kẻ tỵ nạn mới xa quê hương tôi lại mò tới một quán sách tại Quận 6 gần rạp hát le Théâtre Lucernaire bên bờ tả sông Seine. Quán sách ở Pháp có rất nhiều kệ hay thùng sách để lộ thiên bên ngoài vỉa hè cho khách xem thoải mái. Lần vào một thùng và cầm đại lên tay một cuốn, trang bìa đập vào mắt tôi là một đôi mắt mở to và một dòng chữ: L’exode vietnamien – les réfugiés de Pulau Bidong.
Cuộc đời vẫn còn ngắn, so với tha nhân, của tôi đã nhiều lần chứng nghiệm những sự ngẫu nhiên tương tự. Cuốn sách vừa nói là một cuốn có tính phóng sự về một phần của cuộc bỏ nước ra đi của người Việt chúng ta khi chính quyền cộng sản miền Bắc giành chiến thắng vào ngày 30/04/1975. Tác giả của cuốn sách là Patrice Franceschi người Pháp có tính phiêu du. Năm 1979, khi 24 tuổi, Patrice Franceschi đã tự thực hiện một chuyến thám hiểm tới trại tỵ nạn Pulau Bidong (Malaisie) trong nhiều tuần để gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân-tỵ nạn và lấy thông tin, tư liệu tại chỗ cho cuốn sách mà nhà xuất bản Arthaud cho biết “Trước đây, chưa có một cuốn sách nào viết về hành trình bi thương của các ‘boat people’”. Cuốn sách được ấn hành vào tháng 08 năm 1979.
Tháng 03 năm 2019, tôi và cuốn sách mới được gặp nhau. Dường như, chúng tôi đã âm thầm chờ đợi nhau suốt 40 năm. Đối với tôi, cuốn sách là một tư liệu sống về một phần lịch sử đau thương và bi tráng cần phải biết nhưng đã bị nhiều thế lực giấu kín, chôn vùi. Cuốn sách có những khắc họa chân dung sống động của khoảng một chục thuyền nhân khác nhau; ghi nhận về các cách thức ra đi của người tỵ nạn; tất nhiên tác giả phải thay đổi căn cước thật của nhân vật để bảo vệ họ trong một thời điểm hết sức gay cấn – năm 1979. Cuốn sách còn có những tư liệu thống kê chi tiết, như về số lượng tàu tỵ nạn, người tỵ nạn cập trại Pulau Bidong hàng ngày, hàng tháng từ khi trại thành lập cho tới tháng 05/1979; số người đi tới các nước thứ ba tính tới một số thời điểm. Cuốn sách có những tấm ảnh, những kỷ vật xúc động về tình cảnh của người tỵ nạn khi đó; những thông tin thời sự tả lại sự bối rối, do dự của Liên Hợp Quốc và các cường quốc trước một thảm họa nhân đạo chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. Trước sự ngập ngừng đó, một số người Pháp đã muốn tự làm ngay một điều gì thiết thực cho các đồng loại – “thuyền nhân”.
Nhân dịp tưởng nhớ tới Tháng Tư Bất Nhẫn – gọi theo nhan đề Cruel Avril của một cuốn sách viết về chiến thắng của người cộng sản, cũng của một tác giả người Pháp Olivier Todd, xin mời quí vị xem một vài thông tin trong cuốn sách của Patrice Franceschi. Trước tiên là bài phóng sự của ban quản lý trại Pulau Bidong, được phát trên loa phóng thanh địa phương, đã được một người tỵ nạn Việt Nam khi đó dịch sang tiếng Pháp và được ghi lại trong cuốn L’exode vietnamien – les réfugiés de Pulau Bidong.
Người dịch Phạm Hồng Sơn, 23/04/2020
Chiếc ca-nô hai màu trắng-vàng đang lướt trên những ngọn sóng xanh dương của biển, hướng thẳng vào bãi cát trắng của đảo tỵ nạn Pulau Bidong ngập tràn ánh nắng, báo hiệu một ngày rất tốt lành. Chiếc ca-nô tiến dần vào bờ trong con mắt ngóng chờ của hàng ngàn người tỵ nạn. Trên ca-nô là các bác sỹ người Pháp đến từ con tàu bệnh viện đang neo ngoài khơi xa. Con tàu mang tên: Đảo Ánh Sáng (Île de lumière). Hầu hết các bác sỹ có tuổi đời còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, năng động, và tràn ngập tình yêu thương đồng loại. Nếu thiếu những trái tim như thế, chắc chắn họ đã không thể gặp nhau trên Đảo Ánh Sáng, họ đã chẳng thể cùng nhau thực hiện một tâm nguyện giống nhau và dứt khoát: San bớt một chút khổ đau của người tỵ nạn. Họ không hẹn mà lại cùng đi trên một con đường, cùng làm một công việc của những kẻ truyền bá đức tin nhân bản. Đảo Ánh Sáng đã tới giống như một cơn mưa rào cho những cơn khát cháy bỏng của những người tỵ nạn. Một sự an ủi, động viên vô cùng quí và đúng lúc.
Sáng nào cũng thế, chiếc ca-nô trắng-vàng tràn đầy lòng nhân hậu của người Pháp lại tới nhiều lần để đưa những người bị bệnh lên Đảo Ánh Sáng. Và bây giờ xin mời các bạn hãy nghe vài nét sơ lược về nguồn gốc của Đảo Ánh Sáng.
Năm 1962 tại một cảng của Hà Lan, một con tàu chở hàng dài 86 m, rộng 12,50 m đã được hoàn thành. Năm 1974, sau 12 năm chuyên chở trên đại dương một cách bình an, con tàu với tải trọng 1 400 tấn đã đi từ Hà Lan hướng về Đại Tây Dương phía châu Phi, đi lên Biển Bắc rồi đi về Nouméa (Nouvelle-Calédonie) để chuyển giao cho ông chủ mới. Nouvelle-Calédonie là một hòn đảo có hình giống như một điếu xì-gà dài 400 Km, rộng 50 Km nằm ở Thái Bình Dương, về phía Đông-Nam Việt Nam và gần ngay Australie, với dân số chừng 120 000 người, phần lớn sống nhờ nghề chài lưới, khai thác mỏ nickel. Tại đây, con tàu được nhận một cái tên mới Đảo Ánh Sáng với ngầm ý ánh sáng không bao giờ tắt trên đảo. Với cái tên mới, con tàu lại tiếp tục vi vu trên biển cả.
Năm 1978, không thể sống một cách nhục nhã dưới chế độ độc tài phi nhân và ngu xuẩn (la dictature inhumaine et idiote) của cộng sản, nhiều người Việt Nam đã bỏ quê hương bản quán ra đi trên những chiếc tàu cũ nát với hy vọng tìm lại được tự do, được sống một cuộc đời xứng đáng, song họ đã phải sống trong các trại tỵ nạn. Trước tình cảnh khẩn cấp của những con người đang sống khắc khoải, đang chết hao mòn, đang tìm mọi cách để sống sót trên một hòn đảo nổi tiếng là “Đảo Chết”, nhiều người Pháp đã nghĩ tới việc phải kiếm một con tàu có trang thiết bị thật tốt như một bệnh viện nổi để đưa gấp tới Pulau Bidong. Chỉ như thế mới có thể phần nào giúp được chút ít cho những người tỵ nạn khốn khổ này. Mong muốn này đã được thực hiện nhờ sự đóng góp tài chính của 8 000 người Pháp từ mọi tầng lớp xã hội.
Đảo Ánh Sáng đã được chuyển đổi dần cho phù hợp với sứ mạng mới của nó. Công việc sửa chữa ban đầu khá khó khăn, phải mất 8 ngày ở Nouméa. Sau đó Đảo Ánh Sáng lên đường với một hải đoàn gồm 16 người, tất cả đều là công dân Pháp nhưng có gốc rất khác nhau: Pháp, Tahiti, châu Phi, Calédonie, Australie, v.v. Với động cơ 1 400 mã lực, tàu chạy dọc theo bờ bắc Australie và Nouvelle-Guinée, lượn qua Bali (Indonésie) trước khi tới Singapour ngày 11 tháng 04. Tại đây, tàu dừng lại 05 ngày để tiếp tục sửa chữa, hoàn tất sự chuyển đổi thành tàu bệnh viện. Đảo Ánh Sáng, được thuê với giá 5 000 đô-la Mỹ/ngày, cuối cùng đã cập Pulau Bidong dưới sự điều khiển của vị thuyền trưởng Herbelin, người Pháp, 28 tuổi, gốc Normandie, một xứ sở rất nổi tiếng sau Thế Chiến II. Trên tàu có 4 bác sỹ, gần như tất thảy đều rất trẻ, rất năng động giống như vị thuyền trưởng. Các bác sỹ này đều làm việc thiện nguyện không thù lao, trong đó có hai phẫu thuật viên, bác sỹ Cheysson và bác sỹ Laburthe, một chuyên môn tiêu hóa, bác sỹ Bonniaud, một chuyên môn gây mê, bác sỹ Radoman, và một y tá cực kỳ nhanh nhẹn, cô Martin.
Về cấu trúc y tế, tàu bệnh viện Đảo Ánh Sáng có 120 giường bệnh với nệm dày và drap trắng tinh. Các giường đều được xếp theo hàng ngay ngắn và được chia thành nhiều khu, trong đó có cả khu dành cho bệnh nhi. Giữa tàu là khu vực phẫu thuật được trang bị cực tốt. Bên cạnh là phòng X-ray nơi sẽ thực hiện các thăm dò hình ảnh. Việc tráng rửa phim X-ray có thể làm ngay tại chỗ. Tàu cũng có một labo để thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, v.v.
Các bác sỹ cho biết, tính tới ngày 27 tháng Tư, đã có 12 cuộc phẫu thuật, tất cả đều thành công. Các bệnh nhân khi tới tàu được chăm sóc rất tận tình bởi chính các bác sỹ và một y tá duy nhất, tất cả đều người Pháp. Có một người tỵ nạn Việt Nam, tới Nouméa khoảng cuối năm 1978, đảm nhận việc nấu ăn cho bệnh nhân. Mỗi tuần Đảo Ánh Sáng lấy thêm nước ngọt một lần và cứ ba ngày lấy thêm rau xanh. Đảo Ánh Sáng có hệ thống thông tin bằng radio để duy trì liên lạc với Trengganu, Kuala Lumpur và với cả Paris.
Mười lăm ngày trước khi Đảo Ánh Sáng tới Đảo Chết, tất cả các tờ báo của Paris đều loan tin bằng những bài báo dài, riêng tờ báo của đảng cộng sản Pháp, L’Humanité, câm lặng.
Các kênh truyền hình lớn của thế giới từ Đức, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Colombie đã tới thăm Đảo Ánh Sáng. Riêng đoàn của Mỹ, đại diện cho Tổng thống, đã lên Đảo Ánh Sáng trong chuyến thăm của họ tới Đảo Chết – Pulau Bidong.
Theo tin của bác sỹ Radoman, tờ Paris-Match sẽ có bài viết vào tuần này về Đảo Ánh Sáng và Đảo Chết-Pulau Bidong. Các quốc gia của thế giới tự do sẽ phải chú ý nhiều hơn tới những người tỵ nạn, những người được gọi là “Thuyền Nhân” (boat people).
Bên cạnh những giúp đỡ không thể kể xiết và không thể lượng hết, Đảo Ánh Sáng đã mang tới cho những người tỵ nạn một phần thưởng vô giá, đó là những ánh mắt đồng cảm, những nụ cười khích lệ và những quan tâm chân thành của các bác sỹ người Pháp. Tất cả những điều này cho chúng ta thấy những tình cảm sâu đậm của những con người mà chúng ta không hề biết mặt, không hề biết tên cho tới khi Đảo Ánh Sáng cập bến. Những người đã đến từ một xứ sở rất xa với chúng ta: Pháp quốc.
Rất thân tình và cởi mở, trước câu hỏi của chúng tôi về những suy nghĩ trong công việc, bác sỹ Cheysson nhún vai và nở một nụ cười trìu mến, còn bác sỹ Radoman cũng cười đôn hậu và nói rằng: “Công việc và sự có mặt của chúng tôi ở đây đã nói lên tất cả rồi còn gì.”
M.L.
[*] Nhan đề này là của người dịch