Điểm tin thế giới tối thứ Ba 28/4

Hàn Quốc nói Kim Jong Un có thể đi tránh Covid-19

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul hôm nay cho rằng Kim Jong Un không xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày sinh ông nội Kim Nhật Thành (Ngày Mặt trời) hôm 15/4 vì lo ngại Covid-19.

Theo ông Kim Yeon-chul, từ giữa tháng 1, có ít nhất hai lần Kim Jong-un vắng mặt gần 20 ngày. “Tôi nghĩ điều này không có gì bất thường trong tình hình dịch bệnh hiện tại”, ông nói.

Những đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong Un dấy lên từ khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời, ngày lễ được coi là quan trọng nhất ở Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh họ không phát hiện động thái bất thường nào ở Triều Tiên và phản bác những thông tin cho rằng Kim Jong Un bị bệnh.

Kim Jong-un ‘giả chết’ tránh dịch? Cô gái đào thoát Triều Tiên tiết lộ nội tình

Kim Jong-un 'giả chết' tránh dịch? Cô gái đào thoát Triều Tiên tiết lộ nội tình

Mới đây, Park Yeon-mi – cô gái trẻ nổi tiếng may mắn đào thoát khỏi Triều Tiên – tiết lộ rằng Kim Jong-un đang “giả chết”. Ông ta hiện đang ở Wonsan để tránh dịch, theo NTDTV.

Mấy ngày nay, các tin đồn liên quan đến tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thu hút sự quan tâm của người dân thế giới. Đến nay, truyền thông chính thức của Triều Tiên vẫn chưa công bố hình ảnh mới nhất của nhà lãnh đạo nước họ. Điều này đã dấy lên nhiều đồn đoán từ giới quan sát bên ngoài.

Park Yeon-mi là một cô gái trẻ may mắn đào thoát khỏi Triều Tiên. Cô là tác giả cuốn sách có tên “Vì để sinh tồn: Hành trình đến tự do của một cô gái Bắc Triều (In Order to Live: A North Korean Girl’s Journey to Freedom)”. Cô cũng đi khắp thế giới, kể cho mọi người nghe về những đau khổ bất hạnh của người dân Triều Tiên khi sống dưới chế độ độc tài nhà họ Kim. 

Ngày 27/4, cô đã viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng, để không phụ lòng những người ủng hộ, cô thấy mình phải có trách nhiệm nói rõ sự thật về Kim Jong-un. Cô nói rằng theo thông tin mà cô nhận được, Kim Jong-un không chết cũng không bệnh, chỉ vì ông ta sợ mình bị lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán nên mới ẩn thân, “ông ta sẽ trở lại nhanh thôi, chứng minh tất cả chúng ta đã sai”.

Park Yeon-mi phát biểu tại Hội nghị Sinh viên Quốc tế vì Tự do

Cô Park Yeon-mi nói rằng cô hy vọng rằng tất cả thông tin cô có được đều là sai, nhưng độ tin cậy của những nguồn tin này khá cao. Cô cũng đề cập rằng mặc dù Triều Tiên đã dối gạt thế giới, tuyên bố rằng không có ca lây nhiễm nào được xác nhận ở nước này, kỳ thực dịch bệnh từ sớm đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên liên tục nhiều ngày đưa tin về Kim Jong-un, nhưng trong báo cáo trước sau không công bố ảnh chụp mới nhất của Kim.

Theo phân tích từ những tấm ảnh vệ tinh chụp được của cơ quan nghiên cứu Triều Tiên, ngày 21 đến ngày 23/4, đoàn tàu chuyên dụng của Kim Jong Un đã đậu tại “ga lãnh đạo” ở thành phố Wonsan, khu nghỉ mát nổi tiếng của nhà họ Kim, nhưng không rõ ông Kim Jong-un có ở Wonsan hay không.

Theo tờ “Tokyo Shimbun” ngày 23/4, một nhân sĩ thạo tin về tình hình ở Triều Tiên cho biết tùy tùng của Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng đã bị nhiễm COVID-19. Kim Jong-un lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, nên đã chuyển từ Bình Nhưỡng đến thành phố Wonsan, thủ phủ tỉnh Kangwon.

Một quan chức cấp cao của Nhật Bản nói rằng đây là Kim Jong-un nguyện ý  tự mình cách ly. Sau khi tham dự Hội nghị Trung ương ở Bình Nhưỡng vào ngày 11/ 3, Kim ở trong một biệt thự đặc biệt ở thành phố Wonsan.

Nguồn tin cho biết, mặc dù chính phủ Triều Tiên trước đó đã nhiều lần tuyên bố không có ca lây nhiễm nào ở nước này, nhưng biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc dài đến 1.300 km, nếu muốn ngăn chặn hoàn toàn virus xâm nhập gần như là điều không thể.

Một bài báo của Ủy ban Điều tra Nhân quyền Bắc Triều Tiên hồi tháng 4 nói rằng dịch bệnh ở Triều Tiên nghiêm trọng ngoài sức tưởng tượng, không chỉ vì hệ thống y tế của Triều Tiên yếu kém, mà còn do người dân Triều Tiên suy dinh dưỡng trong thời gian dài, khả năng miễn dịch thấp, những người bị lây nhiễm và mất mạng bên trong Triều Tiên có thể gần 3 triệu người.

Vào ngày 26/4, tờ Washington Post đưa tin người dân Triều Tiên gần đây cũng đã đặc biệt chú ý đến sự “vắng mặt” của Kim Jong-un, và giới tinh anh ủng hộ Kim cũng nghe thấy nhiều tin đồn khác nhau.

Ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên gần đây cũng xuất hiện tình trạng gom hàng. Trước tiên, mọi người đổ xô đi mua đồ nhập khẩu, và sau đó mua lượng lớn đồ nội địa như cá đóng hộp và thuốc lá. Người dân địa phương đã tích trữ mọi thứ, từ bột giặt, gạo, đồ điện tử đến rượu…

Báo cáo cho hay, nhân sĩ thạo tin của Triều Tiên nói rằng máy bay trực thăng không ngừng bay trên bầu trời Bình Nhưỡng, các chuyến tàu qua lại giữa Triều Tiên và biên giới phía bắc Trung Quốc đều bị gián đoạn.

Ông Thae Yong-ho – cựu phó đại sứ của Bắc Triều Tiên ở Anh Quốc – nói với Reuters rằng, trong quá khứ khi giới quan sát đưa ra những nghi vấn về ông Kim Jong-un, các quan chức Triều Tiên ngay lập tức sẽ có hành động phản biện chứng minh ông ta vẫn còn sống và “khỏe mạnh”, nhưng lần này lại im ắng một cách lạ thường.

Ông nhấn mạnh rằng sự vắng mặt của Kim Jong-un tại “Lễ hội Mặt trời” vào ngày 15 tháng 4 là trường hợp chưa từng có trước đây. Điều này cho thấy ông ta có thể đã gặp chuyện.

Ngoài ra, Triều Tiên còn có nhiều dấu hiệu bất thường. Vài ngày trước, thủ đô Bình Nhưỡng đã bị phong tỏa toàn diện, mọi hoạt động đã dừng lại. Xem xét tình hình hiện tại của Bình Nhưỡng và các khía cạnh quân sự khác, Bình Nhưỡng chắc chắn đã có chuyện.

Đài Loan cảm ơn Mỹ vì ủng hộ hòn đảo gia nhập WHO

Theo Reuters, trong cuộc họp trực tuyến vào cuối ngày 27/4, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) đã cảm ơn Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar vì đã ủng hộ mạnh mẽ hòn đảo gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Bộ Y tế Đài Loan cho biết thêm rằng ông Azar “tái khẳng định việc Mỹ sẽ hỗ trợ liên tục và cụ thể trong việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan tại WHO và các tổ chức y tế toàn cầu”.

Bộ trưởng Alex Azar viết trên Twitter rằng, ông đã cảm ơn ông Trần vì “những nỗ lực chia sẻ các nguồn lực tốt nhất của Đài Loan với Mỹ”.

Ông Trump nói Mỹ có thể đòi Trung Quốc bồi thường vì Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 nói rằng ông có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì dịch Covid-19.

“Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump phát biểu trong buổi họp báo hôm 27/4 tại Nhà Trắng. “Chúng tôi không hài lòng với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng nó (Covid-19) đáng lẽ đã có thể ngăn chặn ngay tại nơi khởi phát”.

Tổng thống Trump phát biểu thêm: “Có rất nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang điều tra rất nghiêm túc”.

Trong cuộc họp báo, một phóng viên đã đề cập đến việc một tờ báo của Đức gần đây yêu cầu Trung Quốc bồi thường 149 tỷ Euro cho nước này vì những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra và hỏi Mỹ có hành động tương tự hay không. Tổng thống Trump trả lời: “Chúng tôi có thể làm những thứ dễ dàng hơn nhiều. Đức đang xem xét, chúng tôi cũng đang xem xét. Chúng tôi bàn đến khoản tiền (bồi thường) lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đang cân nhắc. Chúng tôi vẫn chưa quyết định bao nhiêu, nhưng sẽ là rất lớn”.

Ông chủ Nhà Trắng nói thêm: “Đây là thiệt hại với cả thế giới. Đây là thiệt hại với Mỹ, nhưng cũng là thiệt hại với cả thế giới”.

Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay dịch bệnh đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng các quan chức Mỹ nghi ngờ số liệu mà giới chức Trung Quốc công bố.

Hàng ngàn người Mỹ và nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ yêu cầu buộc tội chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin, khiến virus Vũ Hán lan ra toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước.

Tại châu Âu, một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society – một cơ quan nghiên cứu của Anh Quốc – lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Quốc và yêu cầu bồi thường hàng ngàn tỷ USD. Báo cáo còn tuyên bố nước Úc có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỷ USD.

Ấn Độ trả lại kit xét nghiệm, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27/4 nói rằng, họ sẽ trả lại khoảng 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhập từ Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải do chất lượng kém. Quan chức Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ là “không công bằng và vô trách nhiệm”.

“Mặc dù nhà sản xuất hứa hẹn bộ kit xét nghiệm sẽ có hiệu suất tốt cho mục tiêu sàng lọc bệnh dịch, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy độ nhạy của sản phẩm khác xa cam kết”, hãng tin IANS trích thông báo của ICMR. ICMR cũng khuyến cáo các bang ngừng sử dụng các kit xét nghiệm và gửi lại cho ICMR để trả về các nhà cung cấp.

Related posts