Điểm tin thế giới sáng 3/5: Truyền thông Canada tiết lộ cách chính quyền TQ sử dụng Hoa Kiều thu mua khẩu trang trên toàn thế giới

Ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=lSzbx6FTGzE

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, trước khi chính quyền Trung quốc phong toả Vũ Hán, đã thâu tóm mua các vật phẩm bảo hộ cá nhân trên khắp thế giới, kết quả đến khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, khiến người dân các nước không đủ trang thiết bị phòng chống dịch.

Truyền thông Canada tiết lộ, đây là hành động có chủ đích và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng người Hoa ở nước ngoài để thực hiện kế hoạch này.

Tờ Global News Canada vào ngày 30/4 đã công bố một khảo sát cho biết, vào giữa tháng Một năm nay, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada và trên toàn thế giới đã ban hành thông báo nội bộ khẩn cấp: nhập khẩu số lượng lớn các vật phẩm bảo hộ cá nhân.

Trong khi chính quyền ĐCSTQ đã liên tục tuyên bố virus corona không “lây lan từ người sang người” thì mãi cho đến ngày 20/1 họ mới thừa nhận có sự lây nhiễm từ người sang người.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 1, ĐCSTQ đã lặng lẽ mua các sản phẩm bảo vệ cá nhân trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 7/3, từ ngày 24/1 đến ngày 29/2, hải quan đã kiểm tra và phát hành 2,46 tỷ kiện vật liệu phòng chống dịch bệnh, bao gồm 2,02 tỷ cái khẩu trang và 25,38 triệu quần áo bảo hộ.

Global Times cho biết, ĐCSTQ không chỉ lặng lẽ tiến hành thu mua cấp quốc gia, mà họ còn sử dụng Hoa kiều đang chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh trên thế giới, đi thâu mua số lượng lớn đồ phòng hộ cá nhân.

Tại Vancouver, Toronto, Montreal và các lãnh sự quán trên toàn thế giới, ĐCSTQ kêu gọi hàng triệu “người Hoa ở nước ngoài” mua khẩu trang N95 với số lượng lớn và gửi về Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng báo cáo, có ít nhất 100 tấn đồ dùng bảo vệ cá nhân được vận chuyển từ Canada đến Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay.

Một vài truyền thông nhà nước Trung Quốc, Lãnh sự quán Trung Quốc Montreal đã hỗ trợ hàng chục tổ chức người Hoa cung cấp hơn 30 tấn mặt nạ và quần áo bảo hộ cho Trung Quốc.

Theo báo cáo vào ngày 31/1, website Hiệp hội xã đoàn Người Hoa Canada (CACA) cho biết, các nhà lãnh đạo của hiệp hội đã hợp tác với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver thông qua một nhóm kêu gọi gây quỹ trên WeChat, tổ chức thu mua thiết bị bảo vệ cá nhân ở Canada và các nơi khác trên thế giới.

Báo cáo cho biết: “Đã mua quần áo bảo hộ, chất khử trùng, mặt nạ và các sản phẩm bảo vệ khác, và gấp rút vận chuyển chúng đến Vũ Hán”.

Cụ thể, Hội trưởng Hiệp Hội Kinh Doanh Canada Toronto sau khi trở về từ Trung Quốc, đã ra lệnh cho khoảng 100 hội viên: “Phân khu vực mua. Lập tức hành động”.

Hhai Airlines (HNA) tại Toronto đã xác nhận đến giữa tháng 2, hãng này đã vận chuyển 56 tấn thiết bị bảo vệ cá nhân từ Toronto đến Trung Quốc.

Theo AP, một tài liệu bị rò rỉ cho thấy chính quyền Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị bí mật vào ngày 14/1 yêu cầu nước này chuẩn bị cho một đại dịch, nhân viên bệnh viện được lệnh mặc thiết bị bảo hộ cá nhân.

Theo The Epoch Times
Bảo Thư dịch và biên tập

Thụy Điển đề nghị EU điều tra nguồn gốc nCoV, gia tăng căng thẳng với TQ

Bộ trưởng Y tế Thụy Điển, Lena Hallengren, khẳng định tầm quan trọng của một cuộc điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona chủng mới. Đề xuất mới này của Thuỵ Điển dự kiến sẽ làm mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt với Trung Quốc thêm phần căng thẳng. Gần đây, Thuỵ Điển đã đóng cửa tất cả Viện Khổng tử ở nước mình, và liên tục yêu cầu Bắc Kinh thả chủ hiệu sách Quế Mẫn Hải. 

Thụy Điển đang lên kế hoạch yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) điều tra về nguồn gốc của đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc, theo SCMP. 

Trước đó, nhiều quan chức cấp cao ở các nước như Mỹ, Úc, và Đức cũng đã yêu cầu Bắc Kinh cho biết thêm thông tin về nguồn gốc của virus corona, tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học, chứ không phải của các chính trị gia.

“Khi tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu được kiểm soát, việc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona là quan trọng và hợp lý,” bà Lena Hallengren, Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển trả lời quốc hội nước này hôm 29/4.  

“Một điều quan trọng khác là toàn bộ cộng đồng quốc tế liên quan đến việc xử lý đại dịch COVID-19, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng cần được điều tra. Thuỵ Điển sẽ nêu vấn đề này trong khuôn khổ hợp tác EU,” bà Hallengren nói thêm. 

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Điển Ann Linde cũng đề nghị rằng cần tiến hành điều tra WHO ngay lập tức sau khi đại dịch kết thúc. 

“Hiện tại chúng tôi nghĩ rằng WHO đang thực hiện công việc quan trọng, nên chúng tôi cho rằng chưa phải là lúc để họ giải trình, mà là để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ trong đại dịch. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là Thuỵ Điển hài lòng về những gì họ thể hiện,” bà Linde phát biểu trong hội thảo trực tuyến hôm 29/4.

Thụy Điển trước đây đã chỉ trích một báo cáo truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án phản ứng của Thụy Điển đối với dịch corona. Tuy nhiên, bà Linde không đề cập đến vụ việc này.

Bà Linde cho biết điều quan trọng là [Châu Âu và Hoa Kỳ] cùng nhau chống lại xu hướng các chính phủ và chế độ độc tài lợi dụng đại dịch để cản trở dân chủ, pháp luật, tự do cho các nhà báo… Bà cho hay Thụy Điển đã thấy khá rõ ràng rằng một số nước lớn muốn đưa ra một bức tranh về một châu Âu bị chia cắt, và cổ suý quan điểm rằng chế độ độc tài sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề [dịch bệnh] hơn là một chính phủ dân chủ.

Mối quan hệ của Thụy Điển với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trước khi dịch virus corona bùng phát. Stockholm đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh thả tự do cho ông Quế Mẫn Hải, một công dân Thụy Điển điều hành một nhà sách ở Hồng Kông, bị Trung Quốc bắt và kết án 10 năm tù.

Hiện chưa rõ liệu các quốc gia EU khác có ủng hộ cuộc điều tra của Thụy Điển hay không, nhưng mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc nhìn chung đang gia tăng căng thẳng.

Đầu tháng Tư vừa qua, Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye sau khi sứ quán Trung Quốc đưa ra những thông tin sai lệch về việc các nhân viên y tế Pháp bỏ việc và bỏ mặc các bệnh nhân lớn tuổi chết trong dịch bệnh.

WHO cảnh báo làn sóng bùng phát dịch Covid-19 kế tiếp

Điểm tin thế giới chiều 2/5: WHO cảnh báo làn sóng bùng phát dịch Covid-19 kế tiếp
Tiến sĩ Michael Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO tại buổi họp báo 1/5 của WHO

WHO cảnh báo làn sóng bùng phát dịch Covid-19 kế tiếp

Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Năm (30/4) rằng người dân các quốc gia trên thế giới phải chuẩn bị cho một làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai hoặc thứ ba, cho đến khi có vắc-xin, theo The Epoch Times hôm qua (1/5).

Tiến sĩ Hans Kluge, người đứng đầu WHO châu Âu, cho biết trong một tuyên bố ngày 30/4 tại Copenhagen, Đan Mạch, rằng châu Âu “phần lớn vẫn còn nằm trong sự kìm kẹp” của đại dịch, bất chấp các dấu hiệu tích cực cho thấy khu vực này đã vượt qua đỉnh dịch.

Ông Kluge kêu gọi các nước tăng cường và kéo dài các chiến lược nhằm hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời khẳng định “Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần”.

Tái dương tính nhiều khả năng không phải là tái nhiễm

Hơn 260 bệnh nhân Covid-19 ở Hàn Quốc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới sau khi đã hồi phục, làm dấy lên lo ngại  virus này có khả năng “kích hoạt lại” hoặc lây nhiễm cho mọi người nhiều lần. Nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hiện nay cho biết điều này không nhiều khả năng, theo Live Science.

Theo họ, phương pháp sử dụng để phát hiện Covid-19, được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), không thể phân biệt được giữa vật liệu di truyền (RNA hoặc DNA) của virus gây lây nhiễm với các mảnh của virus “đã chết” vẫn còn sót lại trong cơ thể người bệnh một thời gian dài sau khi hồi phục, Tiến sĩ Oh Myoung-don, bác sĩ Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (30/4), theo The Korea Herald.

Các xét nghiệm này “rất đơn giản”, theo Carol Shoshkes Reiss, giáo sư khoa học sinh học và thần kinh tại Đại học New York. “Mặc dù một người có thể đã phục hồi và không còn nhiễm bệnh, nhưng họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ virus RNA [không hoạt động] vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm”.

Tín nhiệm Tổng thống Trump ở mức cao kỷ lục

Mức xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Trump đã trở lại mức cao nhất, nhờ sự ủng hộ chưa từng có của khối cử tri độc lập, nhóm người mà ông cần để tái đắc cử nhưng cho đến nay vẫn gặp khó khăn để thuyết phục, theo Washington Examiner.

Cuộc khảo sát mới nhất của Gallup cho thấy 49% người trưởng thành tán đồng với cách điều hành đất nước của ông Trump, tăng từ 43% vào hai tuần trước đó. Ông Trump chưa bao giờ vượt mốc 49% trong cuộc khảo sát của Gallup.

Kết quả này xuất hiện bất chấp những cơn bão chỉ trích của giới truyền thông về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và kế hoạch sớm mở cửa nền kinh tế của ông.

Trung Quốc lại cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông, điều hải cảnh giám sát

Tân Hoa xã tối 1/5 đưa tin chính phủ Trung Quốc vừa áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông, bắt đầu từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này.

Phạm vi cấm đánh bắt sẽ trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo báo Thanh Niên.

Tân Hoa xã dẫn thông báo từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết, 50.000 tàu cá nước này sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3 tháng rưỡi và lệnh cấm thực thi sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt theo quy định và luật pháp liên quan được Trung Quốc đề ra.

Biểu tình dân chủ trở lại Hồng Kông vào Ngày Quốc tế Lao động 

Hồng Kông đã đối mặt với sự trỗi dậy các cuộc biểu tình dân chủ sau khi tình hình Covid-19 được cải thiện, theo South China Morning Post.

Người biểu tình đã tập trung tại khu ra vào trung tâm thương mại New Town Plaza ở đường Sha Tin vào khoảng 7 giờ tối thứ Sáu (1/5), và hát vang bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, quốc ca của phong trào biểu tình dân chủ.

Cảnh sát đã phong tỏa khu vực, xịt hơi cay, viện dẫn luật cấm tụ tập đông người để phòng dịch mới được ban hành. Người biểu tình hô vang “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” khi họ rút lui.

66% người Mỹ được khảo sát có thái độ ‘thù địch’ với Trung Quốc

Một cuộc thăm dò trên toàn Hoa Kỳ được công bố hôm 21/4 cho biết, người Mỹ ngày càng có thái độ “thù địch” với Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu.

Theo AP, cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 3 bởi Trung tâm nghiên cứu Pew, cho thấy 2/3 trong số những người được khảo sát, tương đương 66%, có cái nhìn không thiện chí về Trung Quốc. Con số này tăng hơn so với 47% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong khảo sát cách đây 2 năm. Đây được coi là một con số tồi tệ nhất được ghi nhận về quan điểm của người Mỹ đối với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới với những kế hoạch chiến lược như “Một vành đai, Một con đường” hay chiêu bài “ngoại giao khẩu trang” trong đại dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.000 người Mỹ cho thấy, cái nhìn không thiện chí đối với Trung Quốc được đồng thuận ở lưỡng đảng, với 72% số người theo đảng Cộng hoà lo ngại về Trung Quốc và 62% số người theo đảng Dân chủ có tâm lý tương tự.

Ngoài ra, cuộc thăm dò cho thấy khoảng 90% những người được khảo sát coi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa; 91% tin rằng thế giới tốt hơn với sự lãnh đạo của Mỹ thay vì Trung Quốc.

Theo các khảo sát trước đó của Pew, người dân Mỹ đã có xu hướng nhìn Trung Quốc không mấy thiện cảm kể từ năm 2013. Nhưng tâm lý này tăng mạnh trong hai năm qua khi chính quyền của Tổng thống Trump thương chiến với Trung Quốc và gần đây nhất là sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong hai năm đó, số lượng người Mỹ rất thiếu thiện cảm với Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 15% lên 33%.

Trước đó, vào hôm 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì dịch Covid-19.

“Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump phát biểu trong buổi họp báo hôm 27/4 tại Nhà Trắng. “Chúng tôi không hài lòng với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng nó (Covid-19) đáng lẽ đã có thể ngăn chặn ngay tại nơi khởi phát”.

Tổng thống Trump phát biểu thêm: “Có rất nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang điều tra rất nghiêm túc”.

Trong cuộc họp báo, một phóng viên đã đề cập đến việc một tờ báo của Đức gần đây yêu cầu Trung Quốc bồi thường 149 tỷ Euro cho nước này vì những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra và hỏi Mỹ có hành động tương tự hay không. Tổng thống Trump trả lời: “Chúng tôi có thể làm những thứ dễ dàng hơn nhiều. Đức đang xem xét, chúng tôi cũng đang xem xét. Chúng tôi bàn đến khoản tiền (bồi thường) lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đang cân nhắc. Chúng tôi vẫn chưa quyết định bao nhiêu, nhưng sẽ là rất lớn”.

Ông chủ Nhà Trắng nói thêm: “Đây là thiệt hại với cả thế giới. Đây là thiệt hại với Mỹ, nhưng cũng là thiệt hại với cả thế giới”.

Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay dịch bệnh đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng các quan chức Mỹ nghi ngờ số liệu mà giới chức Trung Quốc công bố.

Hàng ngàn người Mỹ và nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ yêu cầu buộc tội chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin, khiến virus Vũ Hán lan ra toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước.

Tại châu Âu, một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society – một cơ quan nghiên cứu của Anh Quốc – lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Quốc và yêu cầu bồi thường hàng ngàn tỷ USD. Báo cáo còn tuyên bố nước Úc có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỷ USD.

Thừa cơ phương Tây bị dịch Covid, “chiến lang” Trung Quốc giở trò

Một “chiến lang” tiêu biểu: Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh minh họa chụp ngày 08/04/2020 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Trọng Nghĩa


Trang bìa của hai tuần báo Pháp ra vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm 2020 này đã nêu bật mối quan tâm của dư luận Pháp và phương Tây hiện nay về ý đồ của Trung Quốc. Trên nền ảnh chụp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Le Point chạy hàng tựa lớn: “Trung Quốc đang chơi trò gì”, một câu hỏi như đã được Courrier International giải đáp cũng ở ngay trang bìa: “Phải chăng thời cơ của Trung Quốc đã đến”, bên trên một bức biếm họa vẽ hai nhân vật Donald Trump và Tập Cận Bình tay cầm con virus corona chuẩn bị đánh nhau.

Đối với Le Point, thế cục hiện nay rất rõ ràng: “Sau dịch Covid là những thủ đoạn quy mô để giành lợi thế địa chính trị và kinh tế”, và tờ báo đã dành nhiều trang bài để phân tích quan điểm của Tập Cận Bình cũng như quyền lực hiện nay của đội ngũ diều hâu Trung Quốc được gọi là “chiến lang”. Le Point đồng thời công bố phóng sự điều tra của riêng mình về vai trò của nước Pháp trong việc trang bị cho Trung Quốc Phòng Thí Nghiệm P4, đang bị tình nghi là xuất phát điểm của con virus corona chủng mới gây họa trên thế giới.

Le Point: Trung Quốc đang chơi trò gì?

Trong bài phóng sự điều tra mang tựa đề “Trung Quốc đang chơi trò gì?”, thông tín viên Le Point tại Hồng Kông Jérémy André trước hết ghi nhận rằng xuất xứ từ Vũ Hán, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cơn chấn động địa lý chính trị và kinh tế mà Tập Cận Bình đang tìm cách thủ lợi.

Bài viết mở đầu bằng vụ đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã đã bị ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian triệu mời lên bộ Ngoại Giao để phản đối về một bài viết nặc danh – nhưng được cho là của chính viên đại sứ – đăng trên trang web của Sứ Quán Trung Quốc tại Paris, có chứa nội dung nhục mạ chính quyền và chính giới Pháp.

Theo Le Point, vị đại sứ này đã có nhiều “tiền án” trong việc chỉ trích nước Pháp, đã từng một lần bị triệu mời lên để nghe phản đối, nhưng bộ Ngoại Giao Pháp đã giữ bí mật vụ việc để khỏi làm Bắc Kinh mất mặt.

Trước khi nhận nhiệm sở tại Pháp vị đại sứ Trung Quốc này cũng đã từng có những lời lẽ khiếm nhã đối với chính quyền Canada nơi ông làm đại sứ, hay trước đó là tại châu Phi.

Điều đáng nói là trước hành vi không ngoại giao chút nào của vị đại sứ của mình, chính quyền Bắc Kinh chỉ nói đến “một sự hiểu lầm”, trong lúc bài viết nhục mạ nước Pháp không hề bị gỡ bỏ khỏi trang web của sứ quán Trung Quốc tại Paris.

Những “chiến lang” trong ngành ngoại giao Trung Quốc

Theo Le Point một vấn đề đáng nói khác là hành vi khiêu khích của đại sứ Lô Sa Dã không chỉ là “cá biệt” như lời giải thích của Bắc Kinh (mà Paris có vẻ cũng xuôi theo), mà nằm trong cả một chiến dịch đến từ các “chiến lang” trong nền ngoại giao Trung Quốc

Trong thời gian gần đây, từ khi dịch bệnh lan tràn trên thế giới, không một tuần lễ nào mà người ta không thấy một nhà ngoại giao Trung Quốc gây tai tiếng trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông.

Nổi tiếng nhất trong số này là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tháng Ba vừa qua đã thản nhiên phát tán thuyết âm mưu cho rằng virus corona xuất xứ từ Mỹ chứ không phải là từ Trung Quốc.

Ngoài ra còn có Quế Tòng Hữu (Gui Congyou), đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, đã bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao nước Bắc Âu 40 lần trong hai năm mà vẫn tại chức và tiếp tục nhục mạ chính quyền sở tại.

Tạp chí Pháp đã gọi đây là thành phần “Hồng Vệ Binh mới của ngành ngoại giao Trung Quốc”, được mệnh danh là bầy sói, tiếng Hoa là “Chiến Lang (zhan lang)”, lấy tên từ hai bộ phim hành động rất ăn khách của nước này là Chiến Lang I và Chiến Lang II lần lượt ra mắt năm 2015 và 2017.

Một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa Bình Thế Giới, chi nhánh tại Bắc Kinh, cho biết thêm là từ “Chiến Lang” còn được dùng để chỉ các nhà báo, các nhà nghiên cứu đại học có lời lẽ cứng rắn và dân tộc chủ nghĩa.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình ngày càng bành trướng

Theo Le Point, Trung Quốc thời Tập Cận Bình không còn ẩn mình như trước đây, mà đã trở nên một nước hung hăng, bành trướng.

Năm 2019 chắng hạn, Tập Cận Bình không ngần ngại có giọng điệu đe dọa đối với Đài Loan, trong lúc Hải Quân Trung Quốc ngày càng muốn vươn lên ngang tầm Hải Quân Mỹ, liên tục rình mò  hòn đảo Đài Loan vốn độc lập trên thực tế, cũng như quậy phá ở vùng Biển Đông.

Tương tự như những Chiến Lang trong bộ phim, Trung Quốc tăng cường bảo vệ lợi ích của họ ở nơi xa, dùng các khoản đầu tư lớn để thúc đẩy dự án Con Đường Tơ Lụa Mới nhằm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên tất cả các châu lục.

Ngay cả các hiệp ước cũng không ngăn được tham vọng của Bắc Kinh, như ở Hồng Kông, họ đã bất chấp những cam kết duy trì quyền tự chủ và dân chủ sau khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Cựu toàn quyền Anh tại Hồng Kông: Phải ngăn chặn Trung Quốc

Trong một loạt những bài viết khác trong hồ sơ Trung Quốc, Le Point đã có những phân tích rất sâu sắc về dã tâm của Trung Quốc hiện nay.

Trả lời phỏng vấn của Le Point, Chris Patten, thống đốc Anh cuối cùng tại Hồng Kông, một người tinh tường về đời sống chính trị tại Bắc Kinh, đã khuyến cáo là “phải kháng cự lại Trung Quốc” và dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những điểm yếu kém của chế độ Cộng Sản Trung Quốc, mà quan trọng nhất là thói che giấu sự thật.

Cũng trả lời phỏng vấn của Le Point, bà Alice Ekman, phụ trách mảng châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Liên Hiệp Châu Âu, cho rằng vì đại dịch Covid-19, nhóm các “quốc gia bạn bè” của Trung Quốc sẽ teo tóp lại, tuy nhiên Tập Cận Bình và giới thân cận của ông vẫn sẽ theo đường lối ngày càng cứng rắn hơn, và “tâm trạng sợ hãi cũng sẽ rất mạnh trong nội bộ đảng Cộng Sản”.

Trong bài xã luận rất độc đáo, cây bút bình luân Luc de Barochez của Le Point đã “phản bác” lập luận của tổng thống Mỹ Donald Trump theo đó con siêu vi corona chủng mới là một con virus Trung Quốc. Đối với nhà bình luận Pháp, đó là một con “virus Cộng Sản”, và chế độ của Tập Cận Bình phải chịu “trách nhiệm trong việc để cho dịch bệnh sinh ra rồi lan rộng, làm hơn 200.000 người chết và đánh quỵ nền kinh tế thế giới”.

Courrier International: Thời cơ của Trung Quốc đã đến


Như nói ở trên, Courrier International đã nêu lên ngay trang bìa câu hỏi: “Phải chăng thời cơ của Trung Quốc đã đến?”. Tuần báo Pháp đã trích dịch những bài báo từ Âu sang Á để thử trả lời cho câu hỏi là trật tự thế giới mới có thể xuất hiện sau đại dịch sẽ ra sao trong bối cảnh hiện nay: Trung Quốc, nơi xuất phát của tai họa, đang tự nhận mình là tấm gương cần theo, còn Hoa Kỳ thì lại co cụm hơn bao giờ hết và có nguy cơ mất vai trò lãnh đạo.

Trong bài xã luận, Courrier International ghi nhận là sau khi đã che giấu sự tồn tại, rồi mức nguy hại, của dich bệnh, để cho con virus lan rộng ra khắp hành tinh, Trung Quốc đã thẳng tay cô lập Vũ Hán và ngay sau đó là toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, cầm giữ gần 60 triệu dân trong nhà để chống dịch.

Thế giới lúc đó đã cho là chỉ có một chế độ độc đoán mới có thể áp đặt các biện pháp như vậy trong một thời gian ngắn. Thế nhưng ba tháng sau, khi đại dịch lan tràn tại các nước phương Tây – từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha, cho đến Anh Quốc, Hoa Kỳ – các biện pháp hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cũng đã được áp dụng.

Về phần Trung Quốc, sau vài tuần do dự, nước này tự cho là đã thắng được dịch bệnh, và bộ máy tuyên truyền của họ đã bắt đầu tăng tốc áp đặt cách giải thích riêng của họ về đại dịch và tự cho mình là một mô hình mà thế giới phải đi theo.

Trong khi tất cả các quốc gia khác đang vất vả chống dịch, Trung Quốc đã mở chiến dịch phản công nhằm chiếm lĩnh các trận địa đang bị Hoa Kỳ cũng như một Liên Âu bị chia rẽ và suy yếu, bỏ rơi.

Tuy nhiên, theo Courrier International, trật tự thế giới chưa chắc là sẽ bị Trung Quốc đảo lôn. Tăng trưởng của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, nền kinh tế đang dần hồi phục nhưng chính báo chí Trung Quốc đã lo ngại về những thách thức trong lãnh vực công ăn việc làm…

Ở ngoài nước, chính sách ngoại giao nhiều lúc hung hăng của Bắc Kinh đang càng lúc càng gây bất bình, và ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã nói dối vào lúc dịch bệnh bắt đầu làm cho cả thế giới mang họa.

L’Express: Một Trung Quốc thiếu minh bạch không đáng tin cậy

Câu hỏi về khả năng Trung Quốc vươn lên lãnh đạo thế giới thời hậu Covid-19 cũng được tuần báo L’Express đặt ra.

Trả lời tạp chí Pháp, nhà biên khảo Nicolas Bavarez công nhận rằng trong tình hình hiện nay, quả là người ta “có thể tự hỏi về khả năng xuất hiện một tiến trình toàn cầu hóa mới với các nước đang vươn lên như Trung Quốc đó vai trò chủ chốt, để hoàn tất việc gây bất ổn định và bao vây các nền dân chủ phương Tây”.

Đối với ông Bavarez, đã có một số dấu hiệu cho thấy chiều hướng này như việc Bắc Kinh ngày càng kiểm soát nhiều định chế quốc tế từng được xây dựng để cụ thể hóa trật tự thế giới có từ năm 1945 do Mỹ thống trị. Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình “tư bản-toàn trị” thông qua Con Đường Tơ Lụa Mới, cung cấp tín dụng cho các nước và các ngân hàng trung ương tại các quốc gia đang trỗi dậy, hay tiến hành chiến lược ngoại giao y tế.

Thế nhưng nhà biên khảo này cho rằng “hệ thống chuyên chế, đế quốc, nặng tính con buôn của Trung Quốc không phù hợp với một tiến trình toàn cầu hóa ổn định”.

Đối với Nicolas Bavarez, Trung Quốc đã bộc lộ tính chất thiếu minh bạch và không đáng tin khi cố che giấu sự xuất hiện của virus và gây sức ép lên Tổ Chức Y Tế Thế Giới để tổ chức này loại bỏ rồi trì hoãn việc công bố tình trạng đại dịch.

Sau khi tỏ ý tiếc rằng chủ thuyết co cụm của Donald Trump đã đi ngược chiều lịch sử, với hệ quả là để cho Trung Quốc tự do bành trướng trong những định chế quốc tế cũng như tại những quốc gia đang trỗi dậy và cả một số nước phát triển, nhà biên khảo cho rằng Châu Âu phải khẩn cấp tự khẳng định lại mình trong tư thế một cường quốc, sẵn sàng bảo vệ các giá trị của mình.

L’Obs: Làm sao khởi động lại cỗ máy kinh tế

Vào lúc các đồng nghiệp tập trung chú ý đến vai trò Trung Quốc thời hậu Covid-19, tuần báo L’Obs đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho các hậu quả kinh tế xã hội mà đại dịch để lại cho nước Pháp.

Dưới tựa lớn “Làm sao khởi động lại kinh tế ?”, L’Obs ghi nhận rằng kể từ thời Thế Chiến Thứ Hai chưa bao giờ mà Pháp lại phải đối phó với một tình trạng suy thoái đột ngột và dữ dội như hiện nay.

Với kinh tế thế giới bị đình đốn trong ít ra hai tháng, tỷ lệ “nghèo đi” thường niên của các nước lớn đã tăng vọt, như ở Pháp dự trù năm 2020 sẽ lên đến gần 10%. Nói cách khác, thu nhập của mỗi người dân Pháp sẽ mất đi 1/10, điều chưa bao giờ thấy ở mức nhanh và thô bạo như thế.

Làm thế nào để khởi động trở lại cỗ máy kinh tế? Đây là một bài toán khó đặt ra cho các kinh tế gia vốn chưa từng dự kiến được một tình hình như hiện nay. Tuần báo Pháp đã liệt kê 10 câu hỏi cụ thể bao quát toàn bộ vấn đề để nêu bật các khó khăn kinh tế, xã hội đang đặt ra cho nước Pháp.

Có những vấn đề thiết thân cho cá nhân từng người Pháp như “Có phải làm việc nhiều hơn hay không? Thuế có tăng lên hay không?” bên cạnh những vấn đề xã hội nói chung: “Thất nghiệp có sẽ bùng nổ hay không? Sẽ có bao nhiêu công ty, xí nghiệp bị phá sản? Mức tiêu thụ sẽ tăng lên hay không?”

Đối với L’Obs, ai cũng bị buộc phải tìm ra những hướng đi, những ý kiến mới, nhưng điều chắc chắn là để vươn lên trở lại, mọi người đều phải thay đổi phần nào các thói quen của mình.

Related posts