- Trọng Đức
Đại Sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng hôm 5/5 thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã trao tặng cho Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un huân chương Đệ Nhị Thế Chiến, tưởng niệm 75 năm ngày đồng minh chiến thắng Đức Quốc xã. Cả ông Putin và ông Kim đều không có mặt tại buổi lễ này.
Ông Kim được tặng huân chương vì “những nỗ lực cá nhân vĩ đại trong việc lưu giữ ký ức của những người lính Liên Xô đã chết trên lãnh thổ Bắc Hàn” bản tuyên bố cho biết.
Các bức hình được đăng trên Facebook của Đại sứ quán Nga cho thấy hình ảnh Đại sứ Alexander Matsegora trao huân chương cho Bộ Trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong Ho tại Bình Nhưỡng. Các nhân viên có mặt trong buổi lễ đều đeo khẩu trang. Kim Jong Un, người vừa xuất hiện sau tin đồn gặp vấn đề sức khỏe, không có mặt.
Đến nay, Bắc Hàn vẫn tuyên bố nước này chưa có một một trường hợp mắc COVID-19 nào.
Trong giai đoạn cuối của Đệ Nhị Thế chiến, Liên Xô đã gửi quân đến giúp Triều Tiên đẩy lùi quân Nhật. Liên Xô cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un, dựng lên nhà nước cộng sản đầu tiên tại bán đảo Triều Tiên năm 1948. Cùng với Trung Quốc, Liên Xô cũng gửi quân tham chiến cuộc chiến hai miền Triều Tiên những năm 1950, giúp Bắc Hàn không bị đánh bại bởi liên quân Mỹ-Nam Hàn.
Ký ức về chiến thắng trong Đệ Nhị Thế chiến là một niềm tự hào to lớn của nước Nga hiện đại, nay vẫn được gọi là Cuộc chiến Ái Quốc vĩ đại. Những năm gần đây, Moscow nhiều lần tức giận khi các nước Đông Âu thuộc khối Liên Xô bắt đầu gọi Hồng Quân là quân xâm lược và phá dỡ các đài tưởng niệm tướng lĩnh Xô Viết.
Huân chương tưởng niệm mà ông Putin trao cho Kim đánh dấu 75 năm kỷ niệm chiến thắng Thế Chiến II, chỉ cách ngày lễ chính thức 9/5 tại Moscow vài ngày.
Năm ngoái, ông Putin đã mời Kim đến thăm Moscow vào ngày 9 /5 năm nay để tham dự cuộc diễu hành quân sự. Tuy nhiên tháng trước, ông Putin đã phải hoãn cuộc diễu hành vô thời hạn vì đại dịch COVID-19. Năm 2015, Kim Jong Un cũng từ chối mời tương tự kỷ niệm 70 năm tại Moscow, với lý do bận sự vụ trong nước.
Theo tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng, Nga-Triều cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực chung để thúc đẩy hợp tác và thực hiện các quyết định mà Putin và Kim đồng thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Vladivostok năm ngoái.
Trọng Đức
Đài Loan yêu cầu được tiếp cận thông tin trực tiếp từ WHO
- Xuân Thành
Bộ trưởng Y tế Đài Loan hôm thứ Tư (6/5) đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đảm bảo quốc đảo này được tiếp cận thông tin trực tiếp về đại dịch virus corona. Quan chức y tế Đài Loan nói rằng việc không có thông tin toàn diện làm chậm công tác ngăn chặn dịch bệnh.
Đài Loan hiện tại đang bị gạt ra ngoài lề WHO. Sở dĩ xảy ra điều này là do Trung Quốc chỉ coi Đài Loan là một tỉnh người khơi xa của mình và không được tham gia vào các tổ chức quốc tế yêu cầu thành viên phải có tư cách quốc gia độc lập. Các quan chức Đài Loan nói rằng việc họ không được tiếp cận thông tin trực tiếp từ WHO sẽ dẫn tới một khoảng trống trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona và đe dọa tới an toàn sức khỏe của người dân quốc đảo này.
Phát biểu với báo giới tại Đài Bắc hôm 6/5, Bộ trưởng Y tế Chen Shih-chung nói rằng Đài Loan muốn tiếp cận WHO đúng cách.
“Đối với Đài Loan, điều chúng tôi muốn là thông tin trực tiếp. Bất kỳ thông tin thứ cấp nào đều làm chậm mọi hành động chúng tôi triển khai và làm sai lệch đánh giá của chúng tôi về dịch bệnh, giống như việc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, ông Chen Shih-chung nói.
“Nhưng nếu chúng tôi có thể nhận được thông tin trực tiếp trong tổ chức y tế thế giới, thì chúng tôi có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh và có thể chủ động ứng phó với dịch bệnh bằng việc tạo ra các hệ thống hay các chính sách khác nhau”, ông Chen Shih-chung nói thêm.
“Tốc độ ứng phó với dịch bệnh sẽ trở nên nhanh chóng hơn, dẫn đến Đài Loan không trở thành khoảng trống” trong công tác phòng dịch toàn cầu.
Đài Loan thời gian qua đã và đang đưa ra một loạt các tuyên bố lên án WHO, trong đó có việc tổ chức y tế này đưa sai số liệu ca nhiễm virus corona tại Đài Loan, phớt lờ các yêu cầu của Đài Loan về tiếp cận thông tin trực tiếp, và khuất phục sự can thiệp của Trung Quốc vào các yêu cầu giúp đỡ từ Đài Loan.
Cả WHO và Trung Quốc nói rằng Đài Loan đã và đang được cung cấp sự hỗ trợ mà họ cần. Trung Quốc cho biết chỉ nước này mới có quyền lên tiếng đại diện cho 23 triệu dân Đài Loan trên trường quốc tế. Tuyên bố này của chế độ Bắc Kinh đã bị chính phủ dân cử dân chủ của Đài Loan cực lực bác bỏ.
Đài Loan đã và đang thúc đẩy chiến dịch vận động hành lang quốc tế để họ được tham gia với tư cách quan sát viên vào một cuộc họp tháng này của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) – cơ quan ra quyết định của WHO. Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao và chính phủ giấu tên nói với Reuters rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý để Đài Loan dự cuộc họp của WHA.
Đài Loan đã từng tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến năm 2016, thời điểm mà mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan ấm lên.
Nhưng Trung Quốc đã chặn Đài Loan tham gia WHA vào các năm tiếp theo sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016. Chế độ Bắc Kinh coi bà Thái là phần tử ly khai và có ý định đưa Đài Loan có vị thế quốc gia độc lập thực sự trên trường quốc tế. Bà Thái nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc này và khẳng định sẽ giữ nguyên trạng Đài Loan như hiện tại.
Bộ trưởng Chen Shih-chung không bày tỏ liệu ông thấy lạc quan hay bi quan về cơ hội Đài Loan tham gia vào WHA, nhưng ông nói “tất nhiên không có vấn đề gì” trong việc nỗ lực đạt được sự đồng thuận để cho phép điều này xảy ra.
“Tiêu chuẩn duy nhất của chúng tôi là chúng tôi không thể bị xem thường”, ông Chen nói.
Ông Steven Solomon, quan chức pháp lý của WHO hôm thứ Hai (4/5) nói rằng WHO đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, phù hợp với chính sách của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, và nhấn mạnh rằng câu hỏi về sự tham gia của Đài Loan là một câu hỏi dành cho toàn bộ 194 quốc gia thành viên WHO.
Đài Loan cho biết quyết định năm 1971, trong đó Bắc Kinh thay Đài Bắc giữ ghế đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, chỉ giải quyết vấn đề ai đại diện cho Trung Quốc, chứ không giải quyết vấn đề Đài Loan và không trao cho Trung Quốc quyền được đại diện cho Đài Loan trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Chen nói rằng thế giới không nên bị khóa cứng vào quá khứ và không nên tuân theo một quy định từ năm thập kỷ trước. “Thời thế luôn thay đổi”, ông Chen nói.
Xuân Thành (Theo Reuters)