Tin Việt Nam chiều 6/5: Thanh Hóa muốn xây tượng đài 20 tỷ trong khi đang nợ 52 tỷ đồng

  • Nguyễn Tuân

UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa muốn xây tượng đài bà Triệu với kinh phí 20 tỷ đồng, trong khi huyện ủy, UBND huyện còn đang nợ tới 52 tỷ đồng.

UBND huyện Yên Định, tượng đài 20 tỷ
Trước đó, UBND huyện tổ chức khánh thành cung thờ Bà Triệu với tổng nguồn vốn trên 11 tỷ đồng. (Ảnh: yendinh.thanhhoa.gov.vn)

Ông Lê Xuân Thành – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) vừa ký văn bản báo cáo Chủ tịch tỉnh về việc xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện (hay Quảng trường Bà Triệu) thuộc thị trấn Quán Lào.

Theo báo cáo, công trình do huyện Yên Định làm chủ đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Quy mô quảng trường với diện tích 79.616m2, trong đó đất xây dựng tượng là 1.901m2, chiếm tỉ lệ 2,34%.

Dự kiến, tượng chiều cao khoảng 12-18 m, chất liệu được làm bằng đá. Kinh phí sẽ lấy từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2023.

Được biết, trong các hạng mục này, chỉ riêng tượng Bà Triệu chưa được xây dựng, còn các hạng mục khác đã được phê duyệt và đang tiến hành.

Điều đáng nói, huyện Yên Định đề xuất xây tượng đài 20 tỷ đồng trong khi huyện ủy, UBND huyện còn đang nợ tới 52 tỷ đồng (huyện ủy nợ 29 tỷ, UBND huyện nợ 23 tỷ đồng).

Ông Lưu Vũ Lâm – chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết số nợ này tập trung từ năm 2012-2015 do chi tiêu vào tiếp khách, ăn uống, sửa xe, lắp bàn ghế, mua sắm trang thiết bị…

Theo quy định, huyện không phép được vay tiền, số nợ trên là do các lãnh đạo thời điểm trước vay để sử dụng vào các công việc của cơ quan và không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Do đó, số nợ này hiện nay UBND huyện chưa thể giải quyết được.

Liên quan tới việc này, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định ủy quyền cho UBND TP. Sầm Sơn ký kết và thực hiện hợp đồng dự án với nhà đầu tư thực hiện dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.455 tỷ đồng, được thực hiện tại phường Trung Sơn, tổng diện tích 15,286 ha.

Quy mô dự án bao gồm đường đi bộ, sân quảng trường, biểu tượng, đài phun nước và trục cảnh quan kết nối từ quảng trường biển đến khu đô thị sông Đơ, hệ thống cây xanh, đường dạo, tượng trang trí, đài phun nước, đường giao thông và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật.

Đổi lại, tỉnh Thanh Hóa sẽ giao cho doanh nghiệp 3 khu đất khác để tạo vốn đối ứng. Thời gian thực hiện Dự án là 12 tháng. Thời gian hoàn thành và đưa công trình vào khai thác dự kiến trong quý I/2020.

Thừa Thiên – Huế: Loa phát thanh xã phát tiếng Trung Quốc

  • Ngọc Long

Theo giải thích của lãnh đạo xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), hiện tượng loa xã phát tiếng Trung Quốc là do hệ thống bị nhiễu sóng.

loa xã phát tiếng Trung Quốc, Thừa Thiên Huế
Hệ thống loa tại Thừa Thiên Huế. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Thời gian gần đây, người dân xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bức xúc khi loa xã tại đoạn cầu Mậu Tài liên tục phát tiếng Trung Quốc trong suốt nhiều ngày.

Ngày 6/5, lãnh đạo UBND xã Phú Mậu xác nhận có việc này xảy ra.

Theo giải thích của lãnh đạo UBND xã Phú Mậu, hệ thống truyền thanh phát tiếng Trung Quốc là do bị nhiễu tần số.

“Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ văn hóa thông tin xã ngắt hệ thống” – lãnh đạo xã Phú Mậu nói và cho biết thêm xã đã báo cáo huyện để xử lý.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu hệ thống truyền thanh ở Thừa Thiên – Huế phát tiếng Trung Quốc.

Trước đó vào năm 2016, hệ thống truyền thanh của thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) cũng xảy ra tình trạng phát tiếng Trung Quốc gần 1 tháng. Hai địa phương này có 14 cụm với 28 chiếc loa công cộng vô tuyến tiếp sóng trực tiếp từ đài huyện.

Hiện tượng nhiễu sóng, chèn sóng tiếng Trung Quốc (cả giọng nam lẫn giọng nữ chưa rõ nội dung) xảy ra trên hệ thống loa hữu tuyến (không dây) ở băng tầng 98 MHz với hệ sóng FM phát sóng trực tiếp từ đài huyện.

Ngọc Long

Bộ Công an nói về cựu giám đốc công an lạm chi hàng tỷ đồng tiền quỹ

  • Phạm Toàn

Trong thời gian làm giám đốc công an Sóc Trăng (2011-2016), ông Đặng Hoàng Đa có sai phạm liên quan đến lạm chi tiền quỹ hàng tỷ đồng. Hiện ông này đang giữ chức Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc (Bộ Công an).

cựu giám đốc công an Sóc Trăng lạm dụng quỹ, ông Đặng Hoàng Đa
Ông Đặng Hoàng Đa. (Ảnh: cantho.gov.vn)

Trung tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an vừa cung cấp thông tin liên quan đến việc xử lý sai phạm của cựu Giám đốc Công an Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa (hiện là Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc – Bộ Công an) vì đã lạm chi tiền quỹ hàng tỷ đồng, phải mượn ngân sách Trung ương và địa phương bù vào.

Ông Quang cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo kiểm tra thu chi. Công an Sóc Trăng thừa nhận có việc chưa thực hiện nghiêm túc trong công khai, minh bạch về quỹ sản xuất của đơn vị, đặc biệt để xảy ra tình trạng chi vượt quá thu.

Cơ quan chức năng đã xử lý nguyên Trưởng phòng Hậu cần của Công an tỉnh Sóc Trăng (đã kỷ luật về Đảng, về hành chính). Khi đó, ông Đặng Hoàng Đa là lãnh đạo công an tỉnh nên cũng liên đới trách nhiệm.

Cựu Giám đốc Công an Sóc Trăng và nguyên Trưởng phòng Hậu cần cũng đã tự khắc phục số tiền chi không đúng quy chế quản lý tài chính.

Còn về vấn đề bổ nhiệm và điều động cán bộ chưa đúng điều kiện, tiêu chuẩn, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho hay công an tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý nhưng bộ phận tổ chức cán bộ cũng chưa làm tốt tham mưu cho công an tỉnh. Ông Đặng Hoàng Đa đã nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này.

Về tiêu chuẩn chính trị của ông Đặng Hoàng Đa, ông Quang khẳng định “đã kiểm tra” và “không phạm quy định” của Đảng.

Tất cả những nội dung Bộ Công an đã kiểm tra liên quan đến Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đều “đầy đủ trong hồ sơ” – ông Quang nói.

Trước đó, đầu tháng 8/2019, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng có báo cáo gửi Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương về dư nợ tại Công an tỉnh Sóc Trăng.

Báo cáo cho thấy trong hai năm 2009 và 2010, Công an tỉnh Sóc Trăng ký gửi 172.000 lít xăng dầu tại một doanh nghiệp ở phường 5, TP. Sóc Trăng. Tiền mua nhiên liệu này được lấy từ ngân sách nhưng việc quản lý nhiên liệu ký gửi không có mở sổ sách theo dõi.

Đầu năm 2018, chủ doanh nghiệp được ký gửi xăng dầu bị bệnh qua đời, doanh nghiệp đã chuyển nhượng cho đại gia Trịnh Sướng. Đến nay lượng nhiên liệu còn trên 116.000 lít ký gửi tại doanh nghiệp này không có khả năng thu hồi hoàn trả ngân sách.

Cũng theo báo cáo, việc quản lý, sử dụng “quỹ sản xuất” tại Công an tỉnh Sóc Trăng từ tháng 1/2011 đến ngày 20/10/2016 có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Theo đó, tổng thu “quỹ sản xuất” của Công an tỉnh Sóc Trăng trong thời gian này là 38 tỷ đồng nhưng tổng chi hơn 45,9 tỷ đồng. Trong đó, chi mua quà biếu, tiếp khách trên 39,7 tỷ đồng; chi đi công tác, hội nghị 3,4 tỷ đồng, chi cho cán bộ chiến sĩ, hỗ trợ bếp ăn trên 1 tỷ đồng và chi khác hơn 1,6 tỷ đồng.

Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Giám đốc Công an tỉnh khi đó là ông Đặng Hoàng Đa đã duyệt chi trên 28,8 tỷ đồng. Một PGĐ công an tỉnh duyệt chi hơn 12 tỷ đồng. Khoản còn lại do một số lãnh đạo công an tỉnh duyệt chi. Người ký nhận tiền chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Phòng Hậu cần Công an tỉnh Sóc Trăng, trong đó có người ký nhận trên 25 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, quy chế quản lý tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ của Công an tỉnh Sóc Trăng chưa rõ ràng khi lãnh đạo các đơn vị tiếp khách không được quá 1,5 triệu đồng/lần và phải báo cáo bằng văn bản để lãnh đạo Công an tỉnh phê duyệt, nhưng không quy định mức chi “quỹ sản xuất” đối với lãnh đạo Công an tỉnh này.

Dẫn đến, nhiều khoản chi tiếp khách, mua quà biếu và đi công tác của lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng từ vài chục triệu đồng, cao nhất 150 triệu đồng.

Vì thế, “quỹ sản xuất” của Công an tỉnh Sóc Trăng giai đoạn kể trên âm 5,4 tỷ đồng và phải mượn ngân sách nhà nước để chi trả. Trong khi đó, việc mượn tạm ngân sách sử dụng cho “quỹ sản xuất” không được phê duyệt bằng văn bản, nhưng những người liên quan cho biết có sự chỉ đạo miệng của Giám đốc Công an tỉnh lúc bấy giờ là ông Đặng Hoàng Đa dẫn đến nay vẫn chưa trả được nợ.

Do vậy, Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng khoản nợ 5,4 tỷ đồng nêu trên thuộc trách nhiệm của ông Đặng Hoàng Đa.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Đa đang công tác tại Bộ Công an nên Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị UBKT Đảng ủy Công an Trung ương làm việc với ông Đặng Hoàng Đa và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trong thời gian giữ chức giám đốc công an tỉnh, dư luận cho rằng ông Ba đã bổ nhiệm Trung tá Phạm Thanh Bình – Phó Trưởng ban Y tế giữ chức vụ Bệnh xá trưởng Công an tỉnh không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi.

Phạm Toàn

Related posts