Tin thế giới sáng 5/4: Người đào tẩu Triều Tiên xin lỗi vì đánh giá không đúng về sức khỏe Kim Jong Un

Ông Thae Gu-min (trái), ông Kim Jong Un

Người đào tẩu Triều Tiên xin lỗi vì đánh giá không đúng về sức khỏe của Kim Jong Un

Tờ Korea Herald cho biết, 2 người sinh ra ở Triều Tiên được bầu chọn làm nhà lập pháp ở Hàn Quốc đang gặp rắc rối, sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng hôm 2/5, trái với bình luận trước đó của họ.

Hôm nay, ông Thae Gu-min đã xin lỗi vì lời đánh giá không chính xác của ông về sức khỏe của Kim Jong Un, 2 ngày sau khi truyền thông Triều Tiên công bố những bức ảnh nhà lãnh đạo trông có vẻ khỏe mạnh. Ông Thae Gu-min (tên cũ là Thae Yong Ho), cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016. Ông đã tuyên bố rằng tình trạng của Kim có thể nghiêm trọng tới mức không đi lại được.

Ông Ji Sung-ho, một người đào tẩu khác đã được bầu vào quốc hội, hôm 1/5 trong một cuộc phỏng vấn ông nói rằng ông chắc chắn “99%” Kim đã chết hoặc trong tình trạng nguy kịch khi trích “các nguồn tin không thể tiết lộ”.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng Kim Jong Un không bị phẫu thuật

Ảnh chụp màn hình lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện tại nhà máy phân bón Sunchon hôm 1/5

Phủ tổng thống Hàn Quốc nghiêng về giả thuyết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như không trải qua phẫu thuật, và bác bỏ tin tức cho rằng nhà máy phân bón mới của Triều Tiên là cơ sở chiết xuất uranium cho hoạt động hạt nhân.

Hãng tin Yonhap ngày 3/4 dẫn lời một quan chức Nhà Xanh bác bỏ những đồn đại về sức khỏe của ông Kim Jong Un.

“Các phương tiện truyền thông đã suy đoán về cuộc phẫu thuật của Chủ tịch Kim, đề cập tới dáng đi của ông ấy có sự thay đổi”, vị quan chức cho biết với các phóng viên.

Và ông cho biết thêm, Phủ tổng thống đánh giá các suy đoán đó là không đúng.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Bảy (2/5) đưa tin rằng ông Kim Jong Un đã cắt băng tại một buổi lễ đánh dấu hoàn thành Nhà máy Phân bón phốt phát Sunchon ở Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng vào thứ Sáu (1/5).

Sự xuất hiện công khai sau 20 ngày vắng mặt trước công chúng của ông Kim Jong Un kể từ ngày 11/4 khi ông chủ trì một cuộc họp của Bộ chính trị đảng Lao động, đã xua tan những đồn đoán rằng ông bị bệnh nặng.

Cũng theo Yonhap, khi được hỏi liệu có đúng nhà lãnh đạo Triều Tiên thậm chí không trải qua một cuộc tiểu phẫu y tế, quan chức trên đã đồng ý với điều này, song từ chối đưa ra căn cứ cho đánh giá này.

Đồng thời, quan chức Phủ tổng thống cũng hạ tầm quan trọng của các bản tin cho rằng nhà máy phân bón của Triều Tiên có thể được huy động để chiết xuất uranium cho các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, nói rằng những báo cáo đó không đáng tin, theo Yonhap.

Trung Quốc, Nga lợi dụng đại dịch Covid-19 để gây ảnh hưởng tại châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Hai (4/5) nói rằng, Bắc Kinh và Moscow đang lợi dụng tình trạng khẩn cấp do đại dịch Covid-19 gây ra để gây ảnh hưởng tại châu Âu, theo Reuters.

Khi được phóng viên tờ La Stampa hỏi về việc liệu Trung Quốc và Nga có đang cố gắng gây ảnh hưởng tại Ý bằng cách gửi cứu trợ hay không, ông Esper cho biết: “Mỹ nhận thức rằng một số quốc gia sẽ cố gắng tận dụng đại dịch này để đầu tư vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng, có ảnh hưởng về an ninh trong dài hạn”.

“Các đối thủ tiềm năng gần như chắc chắn sẽ cố gắng sử dụng lợi thế của họ để đưa ra các đề xuất vì lợi ích riêng và tạo ra chia rẽ tại NATO và Châu Âu”, vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói. “Huawei và mạng 5G là những minh chứng quan trọng về những hành động gây hại của Trung Quốc”.

Nổ súng ở biên giới liên Triều: Mỹ cho là do ‘sơ ý’

Việc các binh sĩ Triều Tiên nổ súng về phía biên giới với Hàn Quốc có thể là do sơ ý, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm qua (3/5).

“Chúng tôi nghĩ rằng phía Triều Tiên nổ súng do sơ ý”, tờ Reuters dẫn lời ông Pompeo.

Các binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 2/5 đã có cuộc đụng độ bằng súng ở khu vực phi quân sự ở biên giới. Sự cố xảy ra ngay khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa xuất hiện trở lại sau gần 20 ngày không lộ diện trước công chúng. Hàn Quốc cũng nghiêng về quan điểm Triều Tiên không chủ ý.

Thị trường chứng khoán và giá dầu giảm khi Mỹ – Trung phát sinh căng thẳng vì Covid-19

Thị trường chứng khoán và giá dầu sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 4/5, trước những căng thẳng phát sinh giữa Mỹ – Trung về nguồn gốc virus corona, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong hôm 3/5 rằng đã có “một số lượng đáng kể bằng chứng cho thấy virus xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc”. Ông Pompeo không cung cấp bằng chứng cho nhận định này.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng một bài xã luận nói rằng ông đã bị “lừa gạt” và kêu gọi Mỹ đưa ra chứng cứ.

Ông Trump cảnh báo hủy thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/5 cảnh báo chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Phát biểu tại Đài tưởng niệm Lincoln Memorial ở thủ đô Washington DC ngày 3/5, ông Trump cho biết sở dĩ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý thỏa thuận giai đoạn một vì Mỹ đã áp mức thuế ở mức tối thiểu với hàng hóa Trung Quốc.

“Chúng ta sẽ xem xét điều gì đang xảy ra (đối với những cam kết mua) sau những chuyện vừa qua. Họ đã lợi dụng đất nước của chúng ta. Giờ đây, họ phải mua, và nếu họ không mua, chúng ta sẽ hủy bỏ thỏa thuận. Rất đơn giản”, Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Trump.

Theo thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một, Washington hoãn kế hoạch áp thuế lên 155 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời giảm thuế quan còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục giữ mức thuế quan 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh cam kết tăng lượng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ USD trong vòng 2 năm so với năm 2017, trong đó phải bao gồm  40 tỷ USD  nông sản.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Trung Quốc có khả năng không thực hiện được cam kết mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ vì kinh tế chịu tổn hại nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Cũng trong buổi phỏng vấn ngày 3/5, Tổng thống Trump nói rằng Bắc Kinh có thể đã cố ý để virus corona lan ra thế giới khiến các nước phải chịu thiệt hại về kinh tế. Hôm 1/5, Tổng thống Trump cảnh báo, ông chắc chắn sẽ xem xét phương án tăng thuế với Trung Quốc nhằm trừng phạt nước này vì phản ứng ban đầu với dịch Covid-19.

Tổng thống Trump: Có khả năng Trung Quốc chủ đích để dịch Covid-19 lan ra toàn cầu

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm Chủ nhật (3/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bình luận về khả năng Trung Quốc cho phép Covid-19 lan rộng ra thế giới để giáng đòn kinh tế đối với các nước khác trên toàn cầu, tờ Breitbart cho hay.

“Họ biết họ đang có một vấn đề. Tôi nghĩ họ nên cảm thấy xấu hổ vì việc này. Rất xấu hổ là đằng khác”, ông Trump nói với Fox News. “Tôi nghĩ rằng họ có thể đã nghĩ thế này, và đây là một trường hợp rất khả thi, ‘hãy xem xem, dịch bệnh sẽ có tác động rất lớn đến Trung Quốc chúng ta, vậy tại sao chúng ta không để phần còn lại của thế giới cũng phải hứng chịu ảnh hưởng tương đồng”.

Ông Trump cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đã cấm người dân đi từ Vũ Hán đến các khu vực khác ở Trung Quốc, nhưng lại cho phép họ đi từ Vũ Hán đến khắp nơi trên toàn cầu.

“Và họ đã thực sự đối xử rất tệ với thế giới, khi họ ngăn cản người dân bên ngoài vào Trung Quốc, nhưng họ lại không ngăn chặn người dân Trung Quốc đi đến Mỹ và khắp mọi nơi”, ông Trump nói.

“Tôi nghĩ rằng họ đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp nhưng họ không muốn thừa nhận điều này”, ông Trump nói.

Đây có thể là những chỉ trích sắc bén nhất của ông Trump từ khi ông lên làm tổng thống, theo nhận định của tờ Breibart.

“Quan điểm của tôi là họ đã phạm sai lầm, họ đã cố gắng che đậy nó. Họ đã cố gắng dập tắt nó. Nhưng việc đó giống như dập lửa vậy”, ông Trump nói.

Giọng điệu của ông Trump càng leo thang khi ông dùng thì quá khứ để đề cập đến mối quan hệ giữa ông với Chủ tịch Tập Cân Bình.

“Tôi đã từng có một mối quan hệ rất tốt đẹp (với chủ tịch Tập). Ông ấy là một người mạnh mẽ. Ông ấy là một người cứng rắn… nhưng điều này lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Con virus này đáng lẽ ra không nên có cơ hội lan rộng ra toàn cầu. Họ đáng nhẽ đã có thể dập tắt nó ngay tại nội địa”.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ: Trung Quốc giấu dịch để có thời gian thu gom vật tư y tế toàn cầu

Bộ An ninh Nội địa Mỹ: Trung Quốc giấu dịch để có thời gian thu gom vật tư y tế toàn cầu

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/3/2020 (ảnh: Bộ ngoại giao Mỹ/Flickr).

Chính quyền Trung Quốc nhiều khả năng đã giữ kín thông tin về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch virus corona chủng mới để có thêm thời gian thu gom vật tư y tế toàn cầu, theo một báo cáo tình báo từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Trang tin POLITICO đã xem báo cáo này. Tuy nhiên, báo cáo kết luận rằng mức độ tin cậy của nó là ở mức vừa phải.

“Chúng tôi đi đến kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã cố gắng che giấu hành vi của mình bằng cách phủ nhận việc có những hạn chế xuất khẩu, đồng thời làm xáo trộn và trì hoãn việc cung cấp dữ liệu thương mại của mình”, báo cáo cho biết thêm.

Báo cáo cho biết rằng vào tháng 1 năm nay, trước khi chia sẻ đầy đủ thông tin về vụ bùng phát dịch virus corona chủng mới với Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bắc Kinh đã tăng mạnh việc nhập khẩu, đồng thời giảm xuất khẩu vật tư y tế.

Vào tháng 1, theo báo cáo, Trung Quốc đã tăng lượng khẩu trang phẫu thuật nhập về thêm 278%, áo phẫu thuật lên 72% và găng tay phẫu thuật thêm 32%. Trong khi đó, nó đã cắt giảm việc xuất khẩu toàn cầu một loạt các sản phẩm y tế: găng tay phẫu thuật bằng 48%, áo choàng phẫu thuật bằng 71%, khẩu trang 48%, máy thở 45%, và bộ dụng cụ đặt ống nội khí quản bằng 56%, nhiệt kế 53%, bông gòn và gạc ở mức 58%.

Chính quyền Trung Quốc đã che giấu mức độ và quy mô của những nỗ lực này bằng cách hợp nhất các số liệu thương mại của mình trong tháng 1 và tháng 2, báo cáo cho biết, cùng lúc trì hoãn việc công bố dữ liệu thương mại.

Chính quyền Trump đang gia tăng chỉ trích chính quyền Trung Quốc trong việc xử lý dịch Covid-19 tại đại lục vào giai đoạn đầu khiến bùng phát thành đại dịch toàn cầu, đổ lỗi cho Bắc Kinh về những gì mà các quan chức Mỹ nói là sự thiếu minh bạch về các thông tin chủ chốt của sự bùng phát dịch tại nội địa.

WHO đã tuyên bố dịch bệnh là “một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và là mối quan ngại của cộng đồng quốc tế” vào ngày 30/1, và ngay ngày hôm sau Mỹ đã cấm một số người nhập cảnh từ Trung Quốc.

Theo các mốc thời gian của WHO, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo cho tổ chức y tế toàn cầu này về một căn bệnh giống viêm phổi không rõ nguyên nhân vào ngày 31/12/2019, đồng thời cung cấp các dữ liệu cập nhật bổ sung về sự bùng phát dịch bí ẩn trong suốt tháng 1/2020.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như đã xác nhận nội dung báo cáo này trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News hôm Chủ nhật (3/5), khi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Martha Raddatz.

Raddatz đã ám chỉ đến các “quan chức tình báo” nhưng không chỉ đích danh … từng tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 trước mắt cộng đồng quốc tế vào đầu tháng 1, cùng lúc tiến hành thu gom ồ ạt vật tư y tế toàn cầu.

“Tôi cho rằng họ đã cố tình làm vậy để giữ càng nhiều mặt nạ cho mình càng tốt”, bà nói.

“Martha, điều bà nói rất đúng đắn”, ông Pompeo trả lời. “Chúng tôi có thể xác nhận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng thế giới không cập nhật được thông tin kịp thời về những gì đang diễn ra. Có rất nhiều bằng chứng cho điều đó. Chúng ta đã có thể thấy một số bằng chứng công khai như vậy, đúng không? Chúng ta đã nhìn thấy những tuyên bố kiểu này. Chúng ta đã nhìn thấy thực tế là họ đã đuổi các nhà báo ra ngoài. Chúng tôi đã thấy thực tế là những người đang cố gắng cảnh báo sớm cho công chúng về dịch bênh – các chuyên gia y tế bên trong Trung Quốc – đã bị bịt miệng. Tất cả những hành vi mà các chính quyền độc tài vẫn thường làm”.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ hôm thứ Sáu (1/5) cho biết, giới tình báo đang điều tra khả năng virus bằng cách nào đó đã trốn thoát từ một cơ sở nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi lần đầu tiên căn bệnh này được xác định.

Ông Pompeo nói rằng có “một lượng lớn bằng chứng đáng kể cho thấy điều này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, mặc dù ông có vẻ hơi do dự về việc liệu ông tin rằng virus này có nguồn gốc nhân tạo hay tự nhiên.

Trong tuyên bố hôm thứ Sáu, các quan chức tình báo đã loại trừ khả năng virus này được thiết kế dưới dạng một vũ khí sinh học.

Related posts